Tin Tổng Hợp – 27/1/22

 Tin Tổng Hợp – 27/1/22

New York Times bị chỉ trích vì ca ngợi Trung Quốc và ông Tập

Cụ thể, New York Times, hôm thứ Bảy (22/1), đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Đại hội thể thao của Trung Quốc: Cách Tập Cận Bình tổ chức Thế vận hội trong những nhiệm kỳ của ông ấy”. Báo cáo này cho biết, ông Tập đã thúc đẩy quá trình chuẩn bị cho Olympic mùa đông Bắc Kinh trong 7 năm.

CNN, Bloomberg và New York Times tài trợ ‘Chương trình báo chí Mác-xít’ của Bắc Kinh
Ảnh minh họa từ dennizn/Shutterstock

Theo Fox News, tờ New York Times đã có một báo cáo mà các nhà
phê bình nói rằng đã dành những lời khen ngợi quá mức cho Trung Quốc và
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về Trung Quốc, báo cáo của NYT có đoạn viết, “Chỉ còn ít ngày nữa là
Olympic diễn ra, Trung Quốc đã sẵn sàng. Nước này đã vượt qua những trở
ngại từng khiến nỗ lực của Bắc Kinh dường như không có kết quả và phải
đối mặt với những trở ngại mới, bao gồm một đại dịch chưa dứt và áp lực
của thế giới với các hành vi độc tài của họ”.

“Trung Quốc không còn cần chứng tỏ vị thế của mình trên trường thế
giới, thay vào đó, họ muốn tuyên bố tầm nhìn sâu rộng về một quốc gia
thịnh vượng hơn, tự tin hơn dưới thời ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực
nhất của đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông”.

“Không khí độc hại từng làm nghẹt thở Bắc Kinh phần lớn đã nhường chỗ
cho bầu trời xanh” và “Đường sắt cao tốc đã giảm thời gian chuyến đi từ
Bắc Kinh đến địa điểm [thi đấu] xa nhất từ ​​bốn giờ xuống còn một
giờ”.

Về ông Tập, tờ NYT cho hay, “Ông Tập cam kết sẽ giải quyết tất cả những điều này [khó khăn], đặt uy tín cá nhân của mình vào thứ mà lúc đó có vẻ như là một dự án đấu thầu táo bạo. ‘Chúng tôi sẽ thực hiện mọi lời hứa mà chúng tôi đã hứa’, ông nói với các quan chức ban tổ chức Olympic tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia”.

“I.O.C [Ủy ban Olympic Quốc tế], giống như các tập đoàn quốc tế và
toàn bộ các quốc gia, đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc và thị trường
khổng lồ của nó, đến nỗi ít ai có thể hoặc dám lên tiếng chống lại đường
hướng mà ông Tập đang đưa ra cho đất nước”.

Tờ New York Times World chia sẻ bài báo trên Twitter với tóm tắt “Khi
Bắc Kinh chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, họ đã thay đổi
rất nhiều kể từ khi tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2008. Thay vì xoa dịu
những người chỉ trích mình, Trung Quốc bất chấp chúng. Nhưng Trung Quốc
cũng đã mở rộng nền kinh tế và làm sạch ô nhiễm không khí”.

Fox News đã trích dẫn một số phản ứng về bài báo này của New York Times trên Twitter.

“Người đưa lên tweet này thật tệ”, phóng viên Jerry Dunleavy của Washington Examiner phản ứng.

“Tuyên truyền”, biên tập viên của The Spectator, Stephen Miller, nhận xét bài viết của New York Times.

“Có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc đã viết điều này”, biên tập viên
quan điểm cấp cao của Daily Beast, Anthony Fisher đặt câu hỏi.

“Này @nytimes ngoài việc mở rộng nền kinh tế của họ, bạn quên rằng
Trung Quốc còn mở rộng các trại tập trung, chương trình cưỡng bức triệt
sản, tình trạng giám sát của họ, nạn diệt chủng, và khá nhiều điều khủng
khiếp nói chung. Báo cáo tuyệt vời”, Dân biểu Dan Crenshaw, R-Texas,
viết.

“Cái gì? ĐCSTQ đã đầu độc thế giới. Và phủ nhận điều đó. Trong khi nghiền nát Hồng Kông và theo đuổi tội ác diệt chủng”, người dẫn chương trình phát thanh Hugh Hewitt tweet.

Thanh Mai

https://www.dkn.tv/the-gioi/new-york-times-bi-chi-trich-vi-ca-ngoi-trung-quoc-va-ong-tap.html

Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu của Nga, từ chối đóng cửa khối NATO với Ukraina

Trong văn bản trả lời gửi cho Nga hôm 26/01/2022, Hoa Kỳ đã bác bỏ một trong những yêu cầu chính yếu của Matxcơva, khi từ chối cam kết sẽ không thâu nhận Ukraina vào khối NATO. Tuy nhiên, Washington khẳng định đã đề nghị với Nga “một con đường ngoại giao nghiêm túc” để tránh một cuộc chiến tranh mới.

Hôm qua, cả Hoa Kỳ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương
đều đã trao các bức thư cho phía Nga, vốn đã đòi phải trả lời bằng văn
bản những dự thảo hiệp ước mà họ đã đề nghị với các nước phương Tây vào
giữa tháng 12 năm ngoái.   

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:

Hoa
Kỳ nhấn mạnh: Câu trả lời của họ là một con đường ngoại giao để tránh
xung đột, nhưng vẫn với những lằn ranh đỏ mà ngoại trưởng Antony Blinken
nhắc lại:

“Có những nguyên tắc căn bản mà chúng tôi đã
cam kết ủng hộ và bảo vệ, trong đó có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của
Ukraina và quyền của quốc gia này được chọn lựa tham gia các hiệp ước
an ninh và các liên minh.”

Nói cách khác, Washington không hứa là Ukraina sẽ không được gia nhập khối NATO và cũng không cam kết là Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ rút khỏi các quốc gia khác ở Đông âu.

Nhưng Mỹ sẵn sàng thảo luận về sự minh bạch của các cuộc tập trận ở châu Âu và về vấn đề kiểm soát vũ khí. Ông Blinken nói :

“Câu trả lời của chúng tôi với Nga vẫn giống như tôi đã nói ở Kiev, Berlin và Genève tuần trước. Chúng tôi vẫn mở cửa cho đối thoại, chúng tôi thiên về giải pháp ngoại giao. Chúng tôi vẫn sẵn sàng tiến bước mỗi khi có một khả năng trao đổi thông tin và hợp tác với nhau, nếu nước Nga đi theo con đường xuống thang trong căng thẳng với Ukraina và chấm dứt những lời lẽ hiếu chiến, chấp nhận thảo luận về an ninh tương lai của châu Âu, trong tinh thần đôi bên nhân nhượng nhau.”

Tuy nhiên, trong cùng tuyên bố đó, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại là việc cung cấp vũ khí cho Ukraina vẫn tiếp diễn, từ phía Hoa Kỳ cũng như từ các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các nước thành viên khối NATO.

Mặt khác, hôm qua, Washington hôm qua lại kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraina nên “tính đến việc rời khỏi nước này ngay bây giờ” để tránh bị kẹt trong một vùng chiến sự.

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220127-hoa-k%E1%BB%B3-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A7a-nga-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-kh%E1%BB%91i-nato-v%E1%BB%9Bi-ukraina

Lao động Việt bị cưỡng bức xây dựng nhà máy Trung Quốc ở Serbia: Việt Nam vào cuộc

VOA Tiếng Việt – Các công nhân Việt Nam đình công đòi điều kiện sống và làm việc tốt hơn tại công trường xây dựng của nhà máy lốp ô tô Trung Quốc Linglong gần Zrenjanin, Serbia, hôm 19/1. Việt Nam nói điều kiện sống của các công nhân đã “được cải thiện” sau khi LHQ thúc giục hành động.

Hàng trăm công nhân Việt Nam sống
trong điều kiện “mất nhân tính” khi xây dựng một nhà máy Trung Quốc ở
Serbia, nơi được xem là cửa ngõ cho hành trình vận chuyển người trái
phép sang châu Âu

Sau khi Liên Hợp Quốc nói có hàng trăm lao động di dân Việt Nam là
nạn nhân buôn người bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Trung Quốc ở
Serbia, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 27/1 cho biết chính phủ Việt Nam đã
cử người tiếp xúc với những lao động này để “giải quyết các vướng mắc,
bất đồng, khó khăn” của họ.

Một nhóm các chuyên gia của Cao uỷ Nhân quyền LHQ vào tuần trước thúc
giục chính phủ Việt Nam phải hành động ngay lập tức để bảo vệ hàng trăm
lao động di dân Việt bị cho là nạn nhân buôn người được đưa sang Serbia
và bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Trung Quốc.

Trả lời yêu cầu bình luận của VOA về quan ngại của LHQ, người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng “Đại sứ quán
Việt Nam tại Rumani (Romania) kiêm nhiệm Serbia đã cử cán bộ trực tiếp
tới Serbia gặp gỡ, thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người
lao động Việt Nam” ngay sau khi biết thông tin liên quan đến tình hình
lao động của người Việt tại quốc gia thuộc Nam Tư cũ.

Thông tin về những lao động Việt Nam phải sống và làm việc trong các
điều kiện tồi tệ khi làm việc cho công ty Trung Quốc ở Serbia được các
hãng tin của Mỹ, Pháp và châu Âu phanh phui hồi tháng 11 năm ngoái. AP,
AFP, Euronews và nhiều báo quốc tế lúc đó ghi nhận về việc đình công của
công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy lớn của Shandong Linglong
Tyre, một hãng lốp xe Trung Quốc, tại thành phố Zrenjamin ở miền bắc
Serbia. Những công nhân Việt Nam nói họ như “sống trong tù” và kêu cứu
để được rời khỏi nơi đó.

Hai tổ chức phi chính phủ của Serbia chuyên về các công tác chống buôn người và khai thác lao động sau đó trong tháng 11 đưa ra báo cáo
cho biết rằng khoảng 500 lao động Việt Nam đang tham gia xây dựng nhà
máy sản xuất lốp ô tô đầu tiên của Trung Quốc tại châu Âu ở Zrenjamin
phải sống trong các điều kiện tồi tàn, thiếu thực phẩm và chăm sóc y tế,
cũng như bị chủ thuê, tức công ty của Trung Quốc, tịch thu hộ chiếu.
Hai tổ chức này, gồm A11 và ASTRA, đã gửi yêu cầu
tới các quan chức Serbia đòi xem xét và có hành động đối với khả năng
buôn người vì mục đích khai thác lao động đối với các công nhân Việt
Nam.

Các chuyên gia nhân quyền độc lập của LHQ hôm 21/1 cho biết có tám
công ty, bao gồm các hãng tuyển dụng lao động của Việt Nam và các công
ty xây dựng của Trung Quốc đăng ký tại Serbia, được cho là có dính líu
đến các vi phạm nhân quyền mà họ nói là “nghiêm trọng” trong vụ này.
Nhóm chuyên gia này đã gửi thư tới 8 doanh nghiệp, mà họ không nêu tên,
để nhắc lại nghĩa vụ của họ về trách nhiệm giải trình theo nguyên tắc
Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Quyền con người.

Báo cáo của A11 và ASTRA nói rằng các công nhân Việt Nam tới Serbia
trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 5 trong năm nay. Họ được thuê theo
hợp đồng và được đưa tới Serbia thông qua các công ty trung gian của
Trung Quốc và các hãng tuyển dụng lao động của Việt Nam. Các công ty
trung gian này làm việc với Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc
Tianjin Electric Power Construction Co. Ltd, chi nhánh Belgrade, để
tuyển công nhân Việt Nam sang Serbia xây dựng nhà máy cho Shandong
Linglong Tire. Mỗi lao động Việt Nam phải trả cho những người môi giới
từ 2.200 USD đến 4.000 USD trước cho các dịch vụ gồm vận chuyển, thị
thực và phí ăn ở, theo báo cáo A11 và ASTRA.

Trong email phản hồi tới VOA hôm 27/1, bà Hằng cho biết rằng Bộ Ngoại
giao Việt Nam đã “làm việc với các công ty phái cử, công ty sử dụng lao
động, các cơ quan chức năng địa phương và các bên liên quan để thúc đẩy
thực hiện nghiêm túc các thoả thuận trong hợp đồng với người lao động.”
Tuy nhiên bà Hằng không đưa ra thông tin cụ thể về các công ty liên
quan tới vụ việc này.

Người phát ngôn cũng nói rằng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã
“yêu cầu các công ty phái cử rà soát, đảm bảo việc đưa người lao động
Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật” cũng như “theo dõi, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh
giữa người lao động và người sử dụng lao động.”

Lao động chui

Hai tổ chức phi chính phủ của Serbia, A11 và ASTRA, đã cử người tới
nhà máy của Trung Quốc để tiếp xúc với các công nhân Việt Nam. Trong báo
cáo, các tổ chức này mô tả rằng khoảng 500 công nhân Việt Nam sống
trong các phòng chật chội với giường không có đệm và cùng dùng chung 2
toa lét. Họ không được cung cấp lò sưởi, điện hay nước uống sạch. Vẫn
theo báo cáo, công ty Trung Quốc không tăng cường tiêm chủng COVID-19
cho người lao động Việt Nam dù họ muốn được tiêm và những công nhân bị
nhiễm bệnh phải cách ly trong các phòng riêng biệt cho đến khi hồi phục
hoàn toàn mà không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào dù phải tự trả
phí xét nghiệm tại các cơ sở tư nhân do chủ thuê giới thiệu.

Các công nhân Việt Nam đã đình công ít nhất hai lần, trong đó lần đầu
tiên để phản đối tình trạng thiếu thực phẩm và lần thứ hai để phản đối
việc chậm trả lương, theo báo cáo của A11 và ASTRA.

“Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, đến nay, điều kiện sống, sinh
hoạt và làm việc của người lao động Việt Nam tại Serbia đã được cải
thiện,” bà Hằng cho VOA biết qua email nhưng không cho biết chi tiết về
những cải thiện này. Người phát ngôn còn nói rằng chính phủ Việt Nam
“luôn quan tâm và thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người lao động
thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan, mới
đây nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng” có hiệu lực từ 1/1 năm nay.

Sau khi hàng trăm công nhân Việt Nam được phát hiện trong điều kiện
tồi tệ ở Serbia, tuần báo Observer của Anh đã điều tra ra cửa ngõ vận
chuyển người trái phép mới vào châu Âu và nhà máy Linglong của Trung
Quốc chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình dài hơi đến Anh và
các nước khác ở châu Âu của nhiều công nhân làm việc tại đây. Cuộc điều
tra của Observer phát hiện Serbia và Romania đang được các băng nhóm sử
dụng như cửa ngõ mới vận chuyển người lao động trái phép vào châu Âu và
cả Anh.

Anh cũng chính là nơi 39 di dân Việt Nam được phát hiện chết trong
một thùng xe tải đông lạnh ở ngoại ô London khi trên đường nhập cư chui
vào nước này để làm việc hồi tháng 10/2019.

Một vụ việc khác thu hút báo chí quốc tế và cả LHQ gần đây là một
thiếu nữ Việt Nam, khi được tuyển dụng mới 15 tuổi, đã bị gia đình chủ
lao động ở Ả-rập Xê-út bạo hành thân thể và tử vong trước khi được đưa
về Việt Nam trong khi gia đình cô cũng không thể nhận được thi thể của
con gái mình.

Ngày càng có nhiều lao động Việt Nam tìm kiếm việc làm ở nước ngoài
để giúp đỡ tài chính ở quê nhà dù phải trả những khoản phí môi giới
khổng lồ và dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, lao động cưỡng bức
hoặc bị lạm dụng hay ngược đãi tại nơi làm việc.

Công ty Linglong phủ nhận trách nhiệm đối với người lao động Việt Nam
và đỗ lỗi cho các nhà thầu phụ và hãng tuyển dụng tại Việt Nam, theo
AP. Công ty Trung Quốc cũng phủ nhận việc công nhân Việt Nam “sống trong
điều kiện tồi tệ” và cho biết “lương hàng tháng của công nhân được trả
tương ứng với số giờ làm việc.”

Vẫn theo AP, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nói rằng bà “không loại trừ
khả năng rằng có cuộc tấn công nhắm vào nhà máy Linglong” được tổ chức
bởi “những người chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc” ở Serbia.
Còn Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết một thanh tra lao động
người Serbia đã được cử đến công trường xây dựng Linglong, dự án hình
thành sau cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm
2018, nhưng đã nói trắng luôn ra kết quả khả dĩ của cuộc điều tra. Các
quan chức của Serbia cũng nhanh chóng hạ thấp trách nhiệm của Trung Quốc
đối với tình trạng của công nhân Việt Nam.

LHQ hôm 21/1 cũng kêu gọi chính phủ Serbia và Trung Quốc hành động để
bảo vệ quyền của công nhân Việt Nam đang tham gia xây dựng nhà máy trị
giá 900 triệu USD, được xem là khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại
châu Âu.

Người phát ngôn BNG ở Hà Nội hôm 27/1 cho biết rằng Việt Nam “sẵn
sàng hợp tác với các bên liên quan để tăng cường phối hợp trong việc bảo
vệ quyền của người lao động và kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan
phát sinh.”

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-vao-cuoc-lhq-bao-dong-lao-dong-viet-bi-cuong-buc-xay-dung-nha-may-trung-quoc-o-serbia/6416252.html

Quốc hội Việt Nam ‘sẽ thông qua Luật Cảnh sát cơ động’

Hình minh họa

Chủ
tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ cho biết dự kiến luật Cảnh sát cơ
động sẽ được biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022.

Tin này được tường thuật khi ông Vương Đình Huệ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Bộ Công an sáng 27/1.Quảng cáo

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được báo Công an Nhân dân dẫn lời nói về sự cần thiết nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến về Luật CSCĐ, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Vào tháng 10 năm 2021, các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, khi đó cho rằng việc ban hành Luật này sẽ “khắc phục hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”.

Theo dự thảo luật, cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân Việt Nam là “lực lượng vũ trang nhân dân, chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Hình minh họa

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động do Bộ Công an chủ trì xây dựng gồm 5 chương, 30 điều.

Dự thảo luật bổ sung thêm hai quyền hạn mới cho CSCĐ.

Thứ
nhất, được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ
thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các
trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành
vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc
biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường
hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ
động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Quyền hạn thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người
lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa
tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.

Sử dụng vũ khí

So
với Pháp lệnh, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã bổ
sung quyền của Cảnh sát cơ động, đó là quyền “Được mang vũ khí, công cụ
hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và
lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm
vụ của Cảnh sát cơ động”.

Khoản
1 Điều 14 của dự thảo luật nói: Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, cán bộ,
chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ
trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Về
trang bị, điều 19 nói: Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu
nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện, thiết bị kỹ thuật
nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.

Hôm
26/10/2021, khi thảo luận ở Quốc hội về dự thảo luật, Bộ trưởng Công an
Tô Lâm nói: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều phương tiện
bay không người lái siêu nhẹ được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tiềm
ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu
bảo vệ của CSCĐ.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60154627

(RFI) – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 chỉ đạt 4,4%.
Tỉ lệ này như vậy thấp hơn hẳn so với dự báo của định chế này hồi tháng
10/2021, chủ yếu do kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi chậm hơn. RFI
ngày 27/01/2022 trích dẫn nhận định của FMI, theo đó có nhiều lý do
khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, trong đó có biến thể
Omicron gây dịch Covid-19. Do đó, điều cốt yếu là giải quyết được khủng
hoảng Covid-19. Một lần nữa, FMI kêu gọi phân bổ rộng rãi vac-xin cho
những nước đang phát triển.

(Reuters) – Bầu cử tổng thống Ý ngày 27/01/2022 bước sang vòng 4. Sau 3 vòng bầu cử, vẫn chưa có đảng phái nào vượt trội trong kỳ bầu chọn người kế nhiệm tổng thống Sergio Mattarella.Vòng
4 chính thức mở ra lúc 10 giờ sáng hôm nay. Thủ tướng đương nhiệm Mario
Draghi là ứng viên tổng thống có nhiều cơ hội trúng cử nhưng giới quan
sát lo ngại việc ông đắc cử tổng thống có thể phá vỡ liên minh chính phủ
hiện tại, khiến Ý phải tổ chức bầu cử thủ tướng trước thời hạn.

(AFP) – Nhật Bản: Yêu cầu xác nhận mối liên hệ giữa ung thư và chất phóng xạ. Lần đầu tiên người dân đệ đơn tập thể đề nghị chính quyền công nhận mối liên hệ giữa bệnh ung thư tuyến giáp mà họ mắc phải với nồng độ phóng xạ cao sau vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 03/2011. Sáu người hôm nay 27/01/2022 đệ đơn kiện đều ở độ tuổi 17-27, khi thảm họa hạt nhân xảy ra họ đều còn nhỏ và ở tỉnh Fukushima, miền đông bắc Nhật Bản. Họ đòi Tepco, công ty khai thác nhà máy điện Fukushima Daiichi, được bồi thường 616 triệu yen (4,8 triệu euro).

(Reuters) – Đức bắt giữ một người Nga bị nghi ngờ làm gián điệp về chương trình tên lửa Ariane. Viện
công tố Đức ngày 27/01/2022 cho biết người này là một nhà nghiên cứu ở
đại học Bayern, bị bắt hồi tháng 06/2021 do bị nghi cung cấp thông tin
về công nghệ hàng không không gian, đặc biệt về tên lửa Ariane, cho cơ
quan tình báo Nga. Được cơ quan tình báo đối ngoại của Nga (SVR) tiếp
cận lần đầu hồi mùa thu năm 2019, ông khẳng định đã sẵn sàng hợp tác và
từ đó đã chuyển nhiều thông tin cho một nhân viên tình báo Nga.

(France 24) – Một bệnh viện ở Boston từ chối ghép tim cho bệnh nhân chưa chủng ngừa Covid-19.
Truyền hình Mỹ đưa tin hôm qua 26/01/2022, bệnh nhân 31 tuổi này bị từ
chối ghép tim vì theo quy chế bệnh viện, tất cả những bệnh nhân được
ghép tạng đều phải đã chủng ngừa Covid-19. Gia đình bệnh nhân sẽ chuyển
người này đến một cơ sở khác.

(AFP) – Pháp đình công đòi tăng lương.
Các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Pháp vào hôm nay 27/01/2022,
sau lời kêu gọi của các tổ chức công đoàn nhằm yêu cầu tăng lương trong
bối cảnh sức mua giảm mạnh, chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử
tổng thống.

(AFP) – Nhật Bản tham gia dự án hạt nhân của Bill Gates.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản và tập đoàn Mitsubishi Heavy
Industries (MHI) hôm nay 27/01/2022 đã công bố một thỏa thuận với
TerraPower, công ty của Mỹ do tỷ phú Bill Gates thành lập với kế hoạch
xây dựng một lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh ở Hoa Kỳ. MHI sẽ khám
phá các khả năng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tham gia vào quá trình phát
triển lò phản ứng thế hệ thứ tư này, được cho là sẽ xây dựng vào năm
2028 ở bang Wyoming.

(Reuters) – Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 có thể sẽ không được đưa vào hoạt động nếu Nga xâm lược Ukraina. Đó là tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price vào hôm qua 26/01/2022. Đối với Hoa Kỳ, nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động thì châu Âu sẽ càng bị lệ thuộc vào năng lượng của Nga, qua đó Matxcơva mở rộng ảnh hưởng cả về mặt kinh tế lẫn chính trị tại châu Âu.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220127-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?