'Đường cứu nạn' cho khủng hoảng Nga - Ukraine

 Thứ năm, 27/1/2022, 05:00 (GMT+7) 

Lo ngại về khả năng Nga động binh với Ukraine ngày càng tăng ở phương Tây, nhưng các chuyên gia cho rằng ngoại giao vẫn là "đường cứu nạn" cho khủng hoảng.

Phái đoàn Nga và Ukraine hôm 26/1 nhóm họp ở Paris cùng đại diện Pháp và Đức để đàm phán về cuộc khủng hoảng liên quan hoạt động tập trung quân ở biên giới hai nước. Đây được coi là nỗ lực ngoại giao hiếm hoi trong tuần qua, khi Mỹ và NATO liên tục đưa ra cảnh báo về hành động quân sự của Nga.

Các quan chức ở Washington và Brussels đưa ra cảnh báo áp lệnh trừng phạt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin động binh. Mỹ và một số nước đồng minh cũng rút thân nhân quan chức ngoại giao tại Kiev.

Giới chuyên gia cho rằng giữa những thông tin hỗn loạn và bầu không khí căng thẳng, cuộc đàm phán ngoại giao diễn ra ở Paris là được coi là "đường cứu nạn" để tránh một cuộc khủng hoảng. Một "đường cứu nạn" khác cũng đã được vạch ra, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden và NATO dự kiến gửi văn bản phản hồi 8 đề xuất an ninh của Nga trong những ngày tới.

Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể thỏa hiệp với ba vấn đề an ninh quan trọng của Nga, gồm Ukraine không được gia nhập NATO, liên minh không mở rộng thêm về phía đông và Moskva có thể khôi phục một số phạm vi ảnh hưởng như trước những năm 1990.

Rào cản lớn nhất trong tất cả các cuộc đàm phán là yêu cầu của Putin rằng Ukraine cần đảo ngược xu hướng nghiêng về phương Tây. Đây là vấn đề tình cảm dân tộc và các cuộc thăm dò cho thấy kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, người Ukraine đã mong muốn được gia nhập liên minh phương Tây hơn bất cứ khi nào.

Giới chức Mỹ nói động thái tăng cường lực lượng quân sự của Putin ở biên giới Ukraine có thể đẩy nhanh xu hướng đó, thay vì đảo ngược.

Lính Ukraine tại một chiến hào tiền tuyến ở Popasna, Ukraine. Ảnh: NY Times.

Lính Ukraine tại một chiến hào ở Popasna, miền đông Ukraine. Ảnh: NY Times.

Dù còn nhiều thời gian để tránh kịch bản tệ nhất, các trợ lý của Tổng thống Biden nói họ không biết liệu lựa chọn ngoại giao có phải là điều Putin nghĩ tới hay không. Tổng thống Nga không xem Ukraine là một quốc gia riêng biệt mà một vùng lãnh thổ bị mất sau khi Liên Xô tan rã. Putin có thể cho rằng đây là thời điểm để khắc phục điều đó, theo giới quan sát.

Ngay cả khi các bên lựa chọn giải pháp ngoại giao, không ai chắc chắn Nga sẽ dừng hành động quân sự trong bao lâu. Một vài tuần hay cho đến khi Olympic Bắc Kinh kết thúc? Về mặt lý thuyết, Putin sẽ không muốn chọc giận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng cách châm ngòi một cuộc chiến có thể làm chệch hướng chú ý của dư luận thế giới trong thời điểm diễn ra Olympic Bắc Kinh.

Điểm mấu chốt mà Putin muốn trong cuộc xung đột có thể chỉ đơn giản là ngăn Ukraine gia nhập NATO và có sự đảm bảo rằng Mỹ và liên minh không bao giờ bố trí các loại vũ khí có thể đe dọa Nga trên lãnh thổ Ukraine. Hai vấn đề này đều là lĩnh vực có thể đàm phán, theo David E. Sanger, nhà phân tích của NY Times.

Dù Mỹ nói rằng họ không bao giờ từ bỏ chính sách "mở cửa" của NATO, có nghĩa mọi quốc gia được tự do lựa chọn gia nhập liên minh, nội bộ Ukraine đang tồn tại nhiều vấn đề như quá tham nhũng, khiến cơ hội để nước này có thể trở thành thành viên NATO trong một hoặc hai thập kỷ tới là rất xa vời.

Biden cũng xác nhận điều này. "Khả năng Ukraine sớm gia nhập NATO là không cao", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo tuần trước.

Đó dường như lời ngỏ để cung cấp cho Nga một số đảm bảo rằng trong thập kỷ tới hoặc thậm chí là 1/4 thế kỷ tới, Kiev khó được kết nạp vào NATO. Nhưng chính quyền Biden cũng vạch "lằn ranh đỏ" là Putin không thể tùy ý ngăn cản các quốc gia gia nhập NATO.

Vấn đề thứ hai được xem là khó đàm phán hơn. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ và NATO đã cung cấp cho Ukraine những thứ mà phương Tây gọi là vũ khí phòng thủ có khả năng tiêu diệt xe tăng và máy bay của Nga. Các gói viện trợ quân sự đó, bao gồm hàng nghìn tên lửa chống tăng, đã được dồn dập chuyển đến Ukraine trong những tuần gần đây.

Putin cho rằng các vũ khí như vậy mang tính tấn công nhiều hơn phòng thủ. Nga thậm chí còn cho rằng Mỹ có ý định bố trí vũ khí hạt nhân ở Ukraine, dù giới chức Washington phủ nhận cáo buộc này. Một quan chức Mỹ cho rằng thỏa thuận về kiểm soát vũ khí có thể đạt được, miễn là Nga sẵn sàng rút các tên lửa tầm trung của họ.

Tổng thống Nga còn nói rõ rằng ông muốn khôi phục "vùng ảnh hưởng" của Nga trong khu vực, về cơ bản là quay lại trật tự thời Chiến tranh Lạnh, trước khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin nhất trí vào năm 1997 rằng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và khối Warsaw có thể tham gia NATO. Kể từ đó, NATO đã tăng gấp đôi quy mô và không ngừng mở rộng về phía đông.

Putin cũng muốn Mỹ rút tất cả vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu, dù những vũ khí đó đã được cất giữ ở Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Bỉ hàng thập kỷ. Tuy nhiên, Biden tuyên bố Mỹ "không bao giờ" rút những vũ khí này.

Dàn xe thiết giáp của Nga ở một con đường tại Crimea tuần trước. Ảnh: AP.

Đội hình xe thiết giáp của Nga ở một con đường tại Crimea tuần trước. Ảnh: AP.

Rose Gottemoeller, người từng đàm phán hiệp ước kiểm soát vũ khí New START với Nga, cho rằng yêu cầu an ninh này của Putin hoàn toàn "có chỗ cho thương lượng".

Bà Gottemoeller lưu ý rằng Putin "quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh với Biden", cho thấy lãnh đạo hai nước có thể đạt được một số đồng thuận về tương lai châu Âu. Ít nhất họ có thể giải quyết các vấn đề hạt nhân bằng cách khôi phục thỏa thuận lực lượng hạt nhân tầm trung, vốn bị Donald Trump hủy bỏ với cáo buộc Nga vi phạm.

Mỹ cũng đã đề xuất khôi phục một thỏa thuận cũ nhằm hạn chế các cuộc tập trận quân sự, quy định khoảng cách mà các đơn vị quân đội phải duy trì với biên giới, cũng như giảm bớt nỗi lo sợ về những cuộc tập trận biến thành chiến dịch tấn công.

Dan Bilefsky, một bình luận viên của NY Times ở Canada, cũng cho rằng đàm phán và tìm cách nhượng bộ lẫn nhau là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay. "Cuộc khủng hoảng Ukraine nếu để leo thang sẽ đe dọa phá hủy những nỗ lực gần đây của Mỹ và NATO nhằm chuyển hướng chú ý sang thách thức an ninh từ Trung Quốc, khiến họ bị đẩy trở lại vai trò truyền thống là bảo vệ châu Âu hay Nam Mỹ", Bilefsky nhận định.

Thanh Tâm (Theo NY Times)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?