Ông Nguyễn Phú Trọng 'chủ động tấn công' tham nhũng, tạo chuyển biến mới?

Hà Nội đón Tết

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Hà Nội đón Tết

Hôm thứ Sáu 28/1 chứng kiến tin tức về hàng loạt vụ kỷ luật, điều tra quan trọng tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.

Bộ xét nghiệm Việt Á từ góc nhìn an nguy của thể chế

Tại một buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an nói trong vụ kit test Việt Á, hiện cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản, tài sản khoảng giá trị 1.220 tỷ đồng.

Cũng ngày 28/1 ông Lê Đức Vinh, 58 tuổi, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị khai trừ Đảng do cáo buộc sai phạm khi giao doanh nghiệp làm dự án, núi Chín Khúc. Ông Vinh đã bị bắt tạm giam hôm 8/6/2021 cùng với ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh.

Đây chỉ mới là những vụ án mới nhất trong loạt hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

'Chủ động tấn công'

Phát biểu hôm 20/1, ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhấn mạnh "trị cả gốc lẫn ngọn tham nhũng với tinh thần không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà còn phải chủ động tấn công, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực, tạo bước chuyển mới cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới".

Trong năm 2021, Đảng Cộng sản đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 bí thư tỉnh uỷ, 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; 3 nguyên phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; 13 sĩ quan đương chức cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cũng năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/1.011 bị can.

Dù vậy, người đứng đầu Đảng Cộng sản vẫn bộc lộ những băn khoăn.

Hà Nội

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

'Không thấy xấu hổ'

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nói rằng mặc dù có nhiều kết quả tích cực, nhưng Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức rất lớn.

"Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?", ông Học cho biết đây là ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, theo tường thuật của tờ Thanh Tra.

Còn trang VietnamNet tường thuật lời ông Học như sau: "Tổng Bí thư đặt câu hỏi, vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?"

Ông Học cho hay, Tổng Bí thư thường đặt vấn đề "ai đã bao che, tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài".

"Tổng Bí thư yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực", ông Học thông tin.

Đa đảng và chống tham nhũng

Với nhiều nhà quan sát, vấn đề tham nhũng gắn liền với bản chất hệ thống chính trị một đảng tại Việt Nam.

Trong một phỏng vấn của BBC năm 2021, ông Võ Văn Tạo nói: "Muốn tạo ra đột phá, giảm đáng kể nạn tham nhũng, cần thay đổi căn bản trong thiết chế chính trị như chấp nhận đa nguyên chính trị, chấp nhận đa đảng, đề cao tự do báo chí, tự do ngôn luận... để quyền lực bị kiểm soát một cách thực chất."

Một người khác, Nguyễn Vũ Bình, nói: "Theo tôi giai đoạn mới này ngay từ đầu đã dựa trên quan niệm sai, quan niệm rằng tiêu cực đẻ ra tham nhũng là không đúng, nên chắc chắn không có hiệu quả. Tôi cho rằng cơ chế đẻ ra tham nhũng, tham nhũng đẻ ra tiêu cực. Giai đoạn mới này do đó nên tập trung giải quyết cơ chế, xóa bỏ độc tài sẽ xóa bỏ tham nhũng."

Một Việt kiều ở Úc, Nguyễn Quang Duy, khẳng định: "Người dân Việt trong và ngoài nước phải giành lại quyền lập hiến, bầu lên một Quốc hội Lập hiến, soạn tân Hiến pháp, xây dựng một thể chế tam quyền phân lập, soạn ra những điều luật mới chống tham nhũng và chống lại mọi tiêu cực xã hội do chủ nghĩa cá nhân gây ra."

"Đây là con đường duy nhất để có thể đưa đất nước Việt Nam đến tự do, dân chủ, giàu mạnh, bảo toàn chủ quyền quốc gia."

Những quan điểm như vậy không được Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận, xem là xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Trong một bài gần đây, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ."

"Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hoá v.v..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hoá v.v... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị."

Còn GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, nói "các thế lực thù địch, phản động tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm bác bỏ, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng".

Các vụ án trọng điểm năm 2022

Trong cuộc họp ngày 20/1/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ ra 10 vụ án trọng điểm.

(1) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương;

(2) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan;

(3) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận;

(4) Vụ án "Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…" xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương;

(5) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ" xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng;

(6) Vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op);

(7) Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

(8) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị;

(9) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan;

(10) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công" xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?