Lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế

 00:00

/
03:32

Lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế

Những ngày đầu xuân, nghi lễ dựng nêu góp phần làm tăng thêm không khí vui tươi tại Đại Nội Huế.

Lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện theo một cách thức mới trên cơ sở nghiên cứu và dàn dựng thích nghi trên chất liệu truyền thống vào sáng 23 tháng chạp hàng năm, từ năm 2015.

Trên cơ sở chất liệu cung đình, tác giả đã xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về dựng nêu trong chốn hoàng cung, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu tết Nguyên đán.

Phần đầu lễ là nghi thức rước nêu, được thực hiện theo lộ trình từ cửa Hiển Nhơn đi đến cổng chính của Thế Miếu.

Đội rước nêu tập kết trang nghiêm tại bên ngoài cửa Hiển Nhơn lúc 7h ngày 23 tháng chạp hàng năm.

[…] Đội rước nêu từ ngoài cửa Hiển Nhơn bắt đầu đi vào Hoàng Thành, thẳng đến cửa chính Thế Miếu, đến địa điểm chọn dựng nêu tại sân Hiển Lâm Các.

Phần tiếp theo là lễ dựng nêu. Ở khu vực chọn dựng nêu bày hương án, lễ phẩm. Đội đại nhạc chờ sẵn. Các bồi tự chờ sẵn.

Đội rước nêu đã đến tập kết, tiểu nhạc dứt. Quan cầm lỗ bộ xướng: Thướng tiêu… lễ. Đại nhạc tác… Đại nhạc tấu (song tấu kèn trống, được tấu liên tục đến khi hết phần nghi thức tế lễ).

Các viên được phân công cúng lễ trang phục áo dài, khăn đóng làm lễ tại hương án theo trình tự: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ, Chung hiến lễ…

Thực hiện các nghi tiết xong, Quan cầm lỗ bộ xướng: Thướng tiêu… Các viên bồi tự tiến hành buộc các lễ vật như cau, trầu, rượu, sớ (đựng trong hộp) ở phần ngon cây nêu, treo lên đầu ngọn nêu một chiếc ấn hình con rồng thếp vàng.

Khi tất cả đã xong, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên. Dựng xong, Quan cầm lỗ bộ xướng: Khánh hạ... lễ, Đại nhạc tác.

Các viên được phân cúng lễ làm lễ tạ kết thúc, xong, Quan cầm lỗ bộ xướng: Lễ tất… Lễ dựng nêu kết thúc trong âm thanh của đại nhạc.

Lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế. Ảnh: Hoàng Hải.
dung neu ngay Tet anh 1

Lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế. Ảnh: Hoàng Hải.

Ngày 7 tháng giêng, lại tiếp tục tổ chức lễ Hạ tiêu (Hạ nêu). Lễ thực hiện tại sân Hiển Lâm Các, Thế Miếu nghi thức cũng do các viên được phân công cúng lễ trang phục áo dài, khăn đóng làm lễ tại hương án theo trình tự: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ, Chung hiến lễ…

Sau đó là nghi thức hạ nêu. Cuối cùng là nghi thức khai ấn. Ở khu vực này, đã chuẩn bị sẵn dụng cụ để thư pháp gia thực hiện viết thư pháp với các chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Tâm, Tĩnh...

Sau đó, ban tổ chức sẽ lấy chiếc ấn (mặt ấn khắc 4 chữ Hán thể triện là Phú, Thọ, Khang, Ninh) hạ từ cây nêu xuống và đóng lên các bức thư pháp này để tặng cho du khách như một lời chúc may mắn nhân những ngày khai xuân mới.

Sau Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 28 tháng chạp đến ngày 30 Tết.

Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.

Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Ngày xuân trồng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong mỗi người dân Việt.

Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà từ xa xưa, ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay. Chính vì vậy, tại nhiều làng quê của Thừa Thiên - Huế trong những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo con cháu trong làng.

Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.

Lễ dựng nêu là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, những ngày đầu xuân điển lễ này thật sự đã tạo nên không khí vui tươi vào dịp tết Nguyên đán.

Không chỉ phổ biến ở Cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một phong tục đẹp trong truyền thống tâm thức người Việt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?