Đảng CSVN đốt lò kỳ 3: Bệnh trầm kha cần nhờ tới 'Hoa Đà bổ não'?
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
Chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 'cầm cân nảy mực' đã giúp thâu tóm quyền lực về tay Đảng.
Nhưng chiến dịch này vẫn bị cho là đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và nhiều người cho rằng, Đảng đứng ra chống tham nhũng như "tự giải phẫu thân thể mình".
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng, muốn loại được tham nhũng chỉ có thể nhờ vào dân:
"Bệnh tham nhũng ở Việt Nam đã thâm nhập vào trong nghị quyết là suy thoái tư tưởng, tức đã lên tới não rồi nên đụng vào bộ, ban nào cũng đều có vấn đề, đụng vô là thấy ăn của dân. Mà Đảng đứng ra chống tham nhũng thì khác gì tự cầm dao giải phẫu thân thể mình, nên trao lại cho người dân làm."
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng, pháp lệnh về dân chủ cơ sở đã tóm gọn vai trò của người dân: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và nếu thực hiện được thì công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ tốt lên rất nhiều."
Tham nhũng cao vì đạo đức không chống được thị trường?
Những phát ngôn gây bão một thời về nạn tham nhũng gần đây được nhiều người trích dẫn lại. Dường như sau gần 10 năm, câu nói "Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì" của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hay câu "Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc" của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn đúng với hiện tại.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá: "Các cuộc bắt bớ mới nhất trong vụ bê bối liên quan đến Covid gồm Việt Á và các chuyến bay hồi hương trục lợi đã chứng minh: sau chín năm nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, các quan chức cấp cao đã không mảy may sợ sệt khi nhúng chàm vào năm 2021."
Ông Trần Quốc Thuận thì nhìn nhận, nếu như liệu pháp chính trị như khai trừ khỏi đảng mà có tác dụng thì đã không xảy ra những vụ "long trời lở đất" như Việt Á: "Quan chức nào bị bắt cũng có bằng lý luận chính trị cao cấp nhưng vẫn tham nhũng thì rõ ràng, đó không phải là thuốc thánh. Ta học về chủ nghĩa Mác-Lê nin, lịch sử đảng thực chất là đào tạo sự trung thành với chế độ, chứ không phải đạo đức xã hội."
Còn Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington phân tích:
"Thứ nhất, Việt Nam vẫn mắc kẹt giữa kế hoạch thị trường với việc nhà nước nắm giữ quá nhiều quyền lực trong việc phân bổ các yếu tố đầu vào chủ chốt và đôi khi khan hiếm, chẳng hạn như đất đai và nguồn vốn. Quá trình xin cấp phép hoặc đấu thầu vẫn còn quá mù mờ. Quá nhiều quyền tự quyết nằm trong tay phần lớn những cán bộ không đủ năng lực và quan chức hám lợi. Tôi nghĩ chúng ta nhìn nhận một bước phát triển quan trọng trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam: sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong thời gian gần đây."
Đồng ý kiến, Giáo sư Thayer cho rằng, tham nhũng nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng khi Việt Nam bỏ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và theo đuổi kinh tế thị trường.
"Cải cách kinh tế dẫn đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời của các tổng công ty lớn và dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Khi nền kinh tế thay đổi, hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn là quốc gia độc đảng. Việt Nam thiếu tam quyền phân lập; thiếu sự giám sát của báo chí, nền tư pháp độc lập và một xã hội dân sự sôi nổi. Trong khi những tiến bộ đã được thực hiện kể từ đầu những năm 1990 nhằm hiện đại hóa hệ thống lập pháp và xây dựng "nhà nước pháp quyền", thì đảng bộ các cấp và tất cả các cơ quan đều nắm giữ quá nhiều quyền lực," theo ông Carl Thayer.
Còn giáo sư Abuza từ Hoa Kỳ nói thêm:
"Về mặt hiến pháp, Đảng Cộng sản vẫn đứng trên pháp luật. Các đảng viên thường hy vọng rằng, cuộc điều tra nội bộ đảng sẽ bao che cho việc làm của họ để không phơi bày nạn tham nhũng trong đảng. Hơn nữa, mọi người đều hiểu tay ai cũng nhúng chàm và Việt Nam không có tự do báo chí hay xã hội dân sự để giám sát tham nhũng."
Đại biểu Quốc hội khóa XII và XII Lê Như Tiến từng phát biểu tương tự về chuyện bao che: "Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng.. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội."
Còn ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam cho rằng: "Những quan chức đơn giản không thể "trong sạch" được. Họ muốn con cái mình thụ hưởng nền giáo dục tốt, có thể cha mẹ cần chăm lo. Hầu hết quan chức đều muốn có nhà có xe, có cuộc sống về hưu an nhàn trong khi nhà nước không trả đủ cho họ. Họ có thể phản pháo rằng, chính nhà nước cho họ cái quyền để sử dụng chức vụ của mình để đảm bảo thêm thu nhập."
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Singapore cũng cho rằng, chuyện lương bổng cán bộ là điều quan trọng: "Tiền lương thì 10 năm nay không tăng trong khi lạm phát ngày càng cao. Điều này thúc đẩy nhiều quan chức hướng về chuyện tham nhũng," theo ông Hợp.
Căn bệnh phải nhờ tới 'Hoa Đà'
Nhà bình luận chính trị người Anh, David Hutt nói với BBC, chiến dịch đốt lò của ông Trọng "không bao giờ giải quyết rốt ráo nạn tham nhũng có hệ thống".
Ông lý giải: "Chính hệ thống chính trị ở Việt Nam là nguyên nhân sâu xa của tham nhũng. Ông Trọng chỉ đánh vào việc cải tổ đạo đức của các cán bộ đảng viên, chứ không phải bản thân hệ thống. Ông ta từng nói, đánh chuột đừng để vỡ bình, tức không động vào cơ chế, hệ thống. Vì thế, nhiều khả năng, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ suy yếu khi ông Trọng từ chức."
Đồng ý kiến, ông Trần Quốc Thuận cho rằng: "Tổng bí thư nói không cần tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng nhưng thực tế cho thấy, hễ có cơ hội là quan chức đục khoét của dân, chứng tỏ tham nhũng đã thâm căn cố đế của bộ máy."
Ông Trần Quốc Thuận còn ví von tham nhũng là bệnh và cần có người chữa trị cũng như Tào Tháo bị khối u trong não cần Hoa Đà cứu giúp.
Tuy nhiên, vì tính đa nghi nên Tào Tháo nghĩ Hoa Đà định giết mình, bèn nhốt Hoa Đà vào ngục rồi xử tử. Cũng như Đảng, muốn trị tham nhũng, phải nhờ đến dân.
"Đến cả những danh y không thể tự bổ não cho mình thì mong Đảng đừng như Tào Tháo, tự triệt đường cứu chữa của mình. Đừng xử tử người dân bằng việc sử dụng các điều luật như 331 "Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ" để hình sự hóa việc lên tiếng, góp ý của họ" ông Thuận đúc kết.
Quyền lực tuyệt đối - tham nhũng tuyệt đối
Nhà bình luận David Hutt cho rằng, chiến dịch đốt lò không vô ích nhưng đã đến lúc "người dân Việt Nam nên xem xét liệu Đảng có nên đi đầu trong việc loại bỏ nạn tham nhũng hay không".
"Cần xem xét vai trò của người dân trong việc giải quyết nạn tham nhũng. Hãy nói thẳng thắn rằng, chừng nào ĐCSVN còn nắm quyền toàn diện, chừng ấy tham nhũng vẫn diễn ra quy mô lớn. Câu hỏi đặt ra là, mức độ tham nhũng trong ngưỡng cho phép mà người dân chịu được là bao nhiêu."
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp chỉ ra điểm thiếu sót:
"Theo điều lệ Đảng, ví dụ ủy ban kiểm tra trung ương sẽ có ban chấp hành trung ương đảng giám sát, nhưng ban chấp hành đảng giám sát thông qua các hội nghị trung ương, hỏi tới nữa thì lại không giải thích được. Như vậy, dường như quá trình giám sát, kiểm tra đang có vấn đề. Như vậy làm sao đảm bảo họ làm đúng pháp quyền được."
Từ đó, ông Hợp đúc kết bốn điểm quan trọng đó là phải để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
"Dân biết, dân bàn tức dân sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin. Muốn như vậy, nhà nước phải mở cửa cho người dân tham gia. Và khi người dân lên tiếng thì đừng cáo buộc, chụp mũ họ lợi dụng quyền này quyền kia hay để bắt bớ, đàn áp."
"Dân làm, nghĩa là khi dân phát hiện ra những vụ việc tham nhũng thì được đưa những người có thẩm quyền đến kiểm tra xem đủ yếu tố cấu thành tội hay không. Còn dân kiểm tra là khâu cực kỳ quan trọng để xác định những bước trên đúng và minh bạch hay chưa. Có làm được như vậy thì chống tham nhũng mới có thể hiệu quả hơn bây giờ," ông Hợp tổng kết.
Ông Thuận bình luận: "Khi quyền lực tuyệt đối không bị kiểm soát thì tham nhũng là tuyệt đối và Việt Nam là như thế. Việt Nam nên có bầu cử, ứng cử tự do. Vẫn có thể giữ cơ chế Đảng cử dân bầu nhưng có thể mở một cánh cửa để người dân được ứng cử, bầu cử tự do để giúp Đảng lựa ra những lãnh đạo tốt. Trả quyền lực cho người dân có thể là thông qua lá phiếu nhưng việc này hiện nay vẫn còn e ngại."
"H20+O mà muốn có nước thì phải có tia lửa điện. Và tia lửa này phải đến từ người dân. Tây Sơn Tam Kiệt, ba anh em nhà Quang Trung cũng là những người xuất phát từ chống quan tham địa phương, rồi trở thành anh hùng dân tộc, mở đường thống nhất đất nước, đánh đuổi nhà Thanh. Vì thế, một dân tộc có lịch sử oai hùng, hiển hách như Việt nam thì không thể để đất nước bị bọn tham ô hoành hành mãi được."
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Về lý thuyết, chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất".
Nhận xét
Đăng nhận xét