Tin Việt Nam ngày 30/7
Tin Việt Nam ngày 30/7: Cấp giấy xác nhận nơi sinh bằng tiếng Đức cho người mang hộ chiếu mới; 3 thị trường tiếp nhận lao động Việt nhiều nhất
Cấp giấy xác nhận nơi sinh bằng tiếng Đức cho người mang hộ chiếu mẫu mới
Trong thông báo tối 29/7, Đại sứ quán Việt tại Đức cho biết, sẽ cấp giấy xác nhận bằng tiếng Đức về nơi sinh để công dân xuất trình kèm theo hộ chiếu mẫu mới khi làm giấy phép cư trú và các thủ tục hành chính khác. Giấy chứng nhận này được cấp miễn phí.
Để có giấy xác nhận này, công dân cần có đơn đề nghị và xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi sinh như giấy khai sinh hoặc hộ chiếu trước đó.
Theo ông Chu Tuấn Đức, Tham tán Công sứ Đại sứ quán, việc cấp hộ chiếu theo mẫu mới vẫn được tiếp tục thực hiện. Những trường hợp này sẽ được cấp luôn giấy xác nhận về nơi sinh.
Liên quan đến việc Đức tạm thời không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam cấp từ ngày 1/7, các cơ quan chức năng của 2 nước đang tiếp tục trao đổi để tháo gỡ vướng mắc.
Theo khảo sát, hiện có khá nhiều hộ chiếu do các nước cấp không có thông tin về nơi sinh. Trong khi đó, thông tin nơi sinh trong bộ tiêu chuẩn của ICAO có thể chọn hiển thị trên hộ chiếu hoặc không.
3 thị trường tiếp nhận lao động Việt nhiều nhất
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng năm 2022, các đơn vị đã đưa gần 57,000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 63% kế hoạch năm. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường tiếp nhận lao động Việt nhiều nhất.
Cũng trong tháng 7, đơn vị này đã thỏa thuận với cơ quan chức năng của Israel về hợp tác lao động, dự thảo Biên bản thỏa thuận về lao động nông nghiệp với Úc, xây dựng Thỏa thuận về tuyển dụng lao động Việt Nam và Thái Lan.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc ký quỹ và hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Du khách đến Việt Nam đạt trên 954,000 lượt người
Theo số liệu công bố ngày 29/7 của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 49% so với tháng 6, đạt 352,600 lượt người, và gấp hơn 47 lần so với cùng thời kỳ năm 2021, năm dịch bệnh COVID-19.
Tính chung 7 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954,600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng thời kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm hơn 90% so với cùng thời kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch bệnh.
Tổng cục Du lịch dẫn dữ liệu từ Google cho biết, lượng tìm kiếm từ quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng cao qua từng tháng. Đặc biệt, lượng tìm kiếm các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam vào đầu tháng 7 lên mức 100 điểm, trong khi vào đầu tháng 3 là 25 điểm, tháng 4 ở mức 48 điểm và tháng 5 đạt 78 điểm.
Đồng Nai đề nghị đầu tư 2 tuyến đường sắt hơn 91,000 tỷ đồng
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải hôm 29/7, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị triển khai 2 tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu và đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành.
Tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định và theo thủ tục đầu tư, cấp tỉnh không đủ quyền hạn, năng lực làm 2 tuyến đường sắt trên do các tuyến này thuộc mạng lưới quốc gia. Quyền đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Do đó, tỉnh đề nghị đơn vị này tổ chức đầu tư, điều hành và quản lý dự án.
Hiện, Ban Quản lý Dự án đường sắt cũng đang chọn đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Theo kiến nghị, 2 tuyến đường sắt này cần được làm sớm để kịp kết nối khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành có chiều dài hơn 37 km với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 40,500 tỷ đồng. Còn tuyến Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, tổng mức đầu tư dự kiến trên 50,800 tỷ đồng.
Trước đó, từ cuối năm 2021, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận giao tỉnh triển khai dự án.
Tàu cao tốc tuyến biển Đà Nẵng đi đảo Lý Sơn tạm dừng hoạt động
Chiều 29/7, một đại diện Phú Quốc Express cho biết, Công ty vừa đề nghị Tp Đà Nẵng tạm dừng hoạt động tuyến tàu cao tốc Trưng Trắc từ thành phố đi đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đến cuối năm 2022.
Nguyên nhân xin tạm dừng tuyến tàu này là do khách quá ít và thời tiết xấu, mỗi đợt chỉ có khoảng 20 khách đăng ký đi.
Theo đại diện Công ty, nếu dồn chuyến thì cũng chỉ được khoảng 70 hành khách/chuyến, quá ít so với quy mô 600 ghế của tàu. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu hiện đang cao, qua thử nghiệm thấy hoạt động không hiệu quả, nên Công ty xin tạm dừng, chờ du lịch khởi sắc hơn sẽ hoạt động trở lại.
Ngoài việc xin tạm dừng hoạt động, Công ty cũng xin dời điểm khởi hành từ cảng Sông Hàn sang bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà để rút ngắn hải trình.
Trước đó, từ ngày 29/3, tuyến vận tải thủy dài 135 km tại cảng Sông Hàn với con tàu mang tên Trưng Trắc bắt đầu hoạt động từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn.
Tàu dài gần 45 m, rộng hơn 12 m, vận tốc lớn nhất 33 hải lý/giờ, có thể chở tối đa 612 người, trong đó 598 hành khách. Tuy nhiên, sau vài chuyến chạy thử nghiệm nhận thấy không mang lại hiệu quả.
Đã tìm thấy nữ du khách Ấn Độ bị lạc ở Sài Gòn
Hôm 29/7, công an phường Đa Kao, quận 1 cho biết thông tin trên. Theo đó, nữ du khách 66 tuổi (quốc tịch Ấn Độ) này đã được người dân phát hiện vào chiều cùng ngày tại một địa điểm tại Sài Gòn trong tình trạng sức khoẻ vẫn bình thường và đã được hỗ trợ nhập đoàn tour du lịch.
Trước đó, từ ngày 27/7, đoàn du khách Ấn Độ gồm 12 người đến Sài Gòn để du lịch. Sáng 28/7, đoàn đi tham quan ở dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố.
Đến chiều cùng ngày, đoàn đến tham quan chùa Ngọc Hoàng trên đường Mai Thị Lựu (phường Đa Kao, quận 1). Tại đây, nữ du khách tên Kalwani Sunita Krisha ngồi lại nghỉ mệt, không vào chùa cùng đoàn.
Sau đó, bà xách túi đồ ăn đi bộ một mình và bị lạc, không có ai khống chế hay cưỡng ép.
Khởi tố thêm 3 nhân viên CDC Nam Định liên quan đến Công ty Việt Á
Tối 29/7, Bộ Công an cho biết, cảnh sát điều tra đã khởi tố; khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 3 nữ nhân viên Khoa xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định về hành vi “tham ô tài sản” liên quan đến Công ty Việt Á. Trong thời gian điều tra, cả 3 bị can này sẽ được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo cơ quan điều tra, các bị can đã bớt sinh phẩm của CDC Nam Định để bán lại cho Công ty Việt Á để lấy tiền chia nhau, ước tính số tiền là trên 1 tỷ đồng. Bước đầu, các bị can đã khai nhận hành vi của mình.
Trước đó, hồi tháng 4/2022, tỉnh Nam Định đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can, đều là lãnh đạo, cán bộ của CDC với 2 hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”.
Kết quả điều tra xác định, trong 2 năm 2020 và 2021, CDC Nam Định đã ký 5 hợp đồng mua kit test của Công ty Việt Á. Trong đó, Công ty Việt Á đã trích hơn 3.1 tỉ đồng tiền ‘hoa hồng’ cho CDC Nam Định.
Ngoài ra, nhân viên CDC Nam Định đã có hành vi chiếm đoạt số kit test để bán lại cho Việt Á để trục lợi với số tiền 800 triệu đồng. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Nói về Việt Á, sau khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, Công ty này đã cung ứng kit test cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên toàn quốc, thu về gần 4,000 tỉ đồng. Trong đó, với mức giá kit được nâng khống khoảng 45%, Việt Á chi gần 800 tỉ đồng tiền ‘hoa hồng’ cho các bên, và thu lời hơn 500 tỉ đồng.
Đến nay, khoảng 80 bị can đã bị khởi tố, trong đó có nhiều người là cán bộ cấp cao của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và CDC các tỉnh, thành.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Nhận xét
Đăng nhận xét