Nga "khóa van" Nord Stream 1, EU có thể tìm nguồn khí đốt mới từ đâu? - Soha

Minh Khôi | 

Nga "khóa van" Nord Stream 1, EU có thể tìm nguồn khí đốt mới từ đâu?

Nga đang tiếp tục thắt chặt nguồn cung khí đốt, và rõ ràng các nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trước khi mùa đông tới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu bà Ursula von der Leyen khuyến cáo các nước thành viên giảm lượng tiêu dùng khí đốt ở khoảng 15% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tính toán các viễn cảnh khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Theo đó, dự báo lạm phát và suy thoái sẽ diễn ra ở một loạt các nước Trung và Đông Âu. Mối đe doạ này đã dẫn tới sự giảm mạnh giá trị của đồng Euro, hiện đang được giao dịch gần tương đương với giá trị của đồng đô la Mỹ.

Đức là một trong những quốc gia phải đối mặt với rủi ro lớn nhất. Nhiều thế hệ lãnh đạo nước này đã đặt cược an ninh năng lượng quốc gia với lòng tin rằng Nga là đối tác cung cấp năng lượng ổn định. Điều này rõ ràng đã không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, và Đức hiện phải vật lộn với việc đẩy mạnh dự trữ nguồn cung khí đốt trước khi mùa đông tới.

Xây dựng đường ống mới từ Tây Ban Nha đến Pháp

Tại Đức, nguồn cung khí đốt được thực hiện thông qua các tuyến đường ống. Điều này khiến việc thay đổi cách thức cung cấp sẽ không hề đơn giản và với chi phí tốn kém. Ví như ở Tây Ban Nha, các nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Bắc Phi được thực hiện thông qua các tuyến đường ống dưới biển.

Tây Ban Nha cũng có các cơ sở quy mô lớn để nhận khí đốt hóa lỏng từ các tàu chuyên chở, nhưng nước này chỉ có các tuyến đường ống nhỏ nối với phần còn lại của châu Âu.

Đã có một dự án tham vọng để xây dựng các tuyến đường ống mới từ Tây Ban Nha tới Pháp, nhưng sau đó đã bị huỷ bỏ vào 2019. Nếu công tác triển khai được nối lại ở thời điểm hiện tại, ít nhất dự án sẽ cần 3 năm để hoàn thành.

Trong khi đó, hệ thống cung ứng khí đốt của Đức có thể nhận thêm nguồn nhiên liệu từ các nước láng giềng gần hơn Tây Ban Nha, và thông qua Pháp. Đức cũng có thể nhận thêm các nguồn cung khí hoá lỏng từ đường biển. Một cơ sở lưu trữ mới tại Wilhelmshaven nằm ở duyên hải Biển Bắc của nước này, có thể sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm này hoặc đầu năm sau.

Hợp đồng khí đốt với Azerbaijan

EU cũng đang đẩy mạnh kí hợp đồng mua khí đốt với Azerbaijan, với nguồn cung được vận chuyển thông qua đường ống đi qua Thổ Nhĩ Kỳ tới miền nam châu Âu. Ngoài ra, khí đốt cũng có thể được cung cấp từ Trung Á, mà cụ thể là từ Turkmenistan.

Tuy nhiên, điểm trọng yếu nhất lại nằm ở chính đường ống của Đức. Khí đốt được vận chuyển bằng khí nén trong các tuyến đường ống, nếu hệ thống không có đủ khí đốt, áp lực sẽ giảm và khí đốt không thể vận chuyển.

Việc thiếu nguồn cung lớn sẽ có thể dẫn đến việc dừng nguồn cung hoàn toàn. Do đó, để có thể duy trì áp lực đủ lớn ở những tuyến đường ống ưu tiên cao, Đức có thể sẽ phải dừng hoạt động hoàn toàn một số tuyến khác.

Và các rủi ro chính trị của quyết định này sẽ không hề nhỏ. Liệu có nên đặt ngành công nghiệp lên trước khách hàng? Cung cấp điện hay hệ thống sưởi ấm? Các thành phố lớn hay thị trấn nhỏ?

Đó là chưa kể phần lớn hoạt động sản xuất công nghiệp của Đức đang theo dạng thuê ngoài ở các đối tác châu Âu, đặc biệt là Hungary và Slovakia. Đây là những nước thậm chí còn phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga hơn Đức. Và liệu Đức có sẵn sàng chia sẻ bao nhiêu từ nguồn khí đốt của mình cho các nước này?

Tăng khí đốt từ Mỹ

Mỹ hiện đang hỗ trợ các đối tác châu Âu bằng việc chuyển hướng cung cấp khí đốt hoá lỏng từ châu Á sang thị trường châu Âu. Trong hơn 1 thập kỉ qua, Mỹ đã nổi lên là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Nước này đã sản xuất lượng khí đốt nhiều đến nỗi ngoài việc cung ứng đủ cho thị trường nội địa, Mỹ hiện đang chỉ đứng sau Nga về xuất khẩu khí đốt.

Tuy nhiên, việc tăng lượng xuất khẩu một cách nhanh chóng sẽ không hề dễ dàng. Khí đốt xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu sẽ phải được nén thành dạng lỏng để đưa lên tàu vận chuyển. Việc xây dựng các nhà máy hoá lỏng là một quy trình phức tạp và tốn kém: ước tính sơ bộ chi phí sẽ lên tới 5 tỷ đô la trong 5 năm, có thể là 4 năm nếu quy trình phê duyệt được đẩy nhanh.

Nga khó tìm khách hàng mới

Nhưng mọi việc không đơn giản là một chiều.

Trong trung và dài hạn, châu Âu có thể tìm kiếm các nguồn khí đốt mới dễ hơn là việc Nga tìm khách hàng mới. Biện pháp kinh tế nhất đối với Nga là bán khí đốt cho Trung Quốc, điều cũng sẽ cần phải xây dựng dự án đường ống quy mô lớn dọc Siberia.

Quãng đường di chuyển và chi phí sẽ khiến mọi suy tính trở nên khó khả thi, nhất là khi Nga phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ khí hoá lỏng được vận chuyển bằng tàu dọc Biển Thái Bình Dương từ Bắc Mỹ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?