David Hutt: Tại sao Việt Nam không kìm chế các ông trùm siêu giàu

Sunday, July 31, 2022 6:56 AM //  ,  ,  , 

David Hutt 

Ba Sàm dịch 

Theo Basam 


Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, là người giàu nhất Việt Nam. Ảnh: Twitter 

So với cuộc đàn áp do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đối với các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân, các tài phiệt phất lên nhanh của Việt Nam cho đến nay tương đối dễ thở dưới sự cai trị của cộng sản Hà Nội.


Vì vậy, khi tin đồn gần đây lan truyền trên mạng xã hội rằng Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam và là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đang gặp rắc rối với chính quyền, những đồn đoán đã nhanh chóng tập trung vào một cuộc siết chặt kiểu Trung Quốc có thể đang diễn ra đối với công ty tư nhân lớn nhất nước này.


Chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), được phát động lần đầu tiên vào năm 2016, đã hạ gục hàng nghìn công chức và cán bộ Đảng kể từ đó, gần đây nhất là những vụ tham nhũng và ăn hối lộ có liên quan tới Covid.


Tuy nhiên, vào đầu tháng này, một phát ngôn viên của Bộ Công an đã phủ nhận những tin đồn xung quanh Vượng, bao gồm cả việc ông ta phải đối mặt với những hạn chế đi lại. Thế nhưng, tuyên bố của Bộ Công an cũng nên được tiếp nhận với thái độ thận trọng.


Đầu năm nay, Bộ này cũng phủ nhận việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, một tập đoàn phát triển phi mã, sở hữu hãng hàng không giá rẻ Bamboo Airways, là đối tượng bị điều tra.


Quyết – người được cho là giàu nhất Việt Nam năm 2017, nhưng phải chứng kiến tài sản của mình giảm mạnh vào năm 2020 – đã bị bắt ngay sau đó vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến cổ phiếu của công ty ông ta.


Lê Hồng Hiệp, một thành viên cao cấp tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của Viện ISEAS-Yusof Ishak, đã bình luận rằng khả năng Vượng “không còn được ân sủng và sẽ bị chính phủ Việt Nam trừng phạt là rất ít”.


Liệu Vượng có an toàn hay không, điều này đặt ra câu hỏi về diễn biến tình trạng hiện tại giữa Đảng Cộng sản và khu vực tư nhân đang phát triển mạnh của đất nước. Năm 1986, Đảng thực hiện những cải cách theo hướng thị trường tự do, được gọi là “đổi mới”, nhằm chấm dứt tình trạng kiểm soát khắc nghiệt của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế.


Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng từ 26 tỷ đô la Mỹ năm đó lên 271 tỷ đô la vào năm 2020, trong khi quốc gia này chuyển đổi thành một cường quốc xuất khẩu. Theo một ước tính, số người Việt Nam “siêu giàu” có trị giá tài sản hơn 30 triệu đô la Mỹ đã tăng 320% trong giai đoạn 2000-2016, một tốc độ nhanh nhất trên thế giới.


Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ra đời ngày càng nhiều của chủ nghĩa tư bản trong lòng nhà nước do cộng sản điều hành đã được người dân Việt Nam chấp nhận.


Pew Research, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã tập hợp ý kiến của những người được hỏi trên toàn thế giới vào năm 2006, rằng liệu họ có đồng ý là “hầu hết mọi người đều khấm khá hơn trong nền kinh tế thị trường tự do hay không, mặc dù một số người thì giàu và một số người lại nghèo”.


Tại Hoa Kỳ, 72,1% đồng ý; ở Việt Nam, 95,4% ủng hộ, cho đến nay đây là tỷ lệ phần trăm lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào được thăm dò ý kiến.


Điều đó rõ ràng chỉ ra những mâu thuẫn trong hệ thống cộng sản-tư bản lai căng này, đặc biệt là liên quan đến việc phân phối của cải. Năm 2013, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo rằng “sự phân hóa giàu nghèo chỉ cho thấy những dấu hiệu trở nên tồi tệ hơn”.


Nhưng các tài phiệt Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thực sự bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng của Trọng “bởi vì chiến dịch này chủ yếu nhắm vào các quan chức quyền tham nhũng và các nhà quản lý DNNN (doanh nghiệp nhà nước)”, Hiệp nói với báo Asia Times.


Chỉ gần đây một số giám đốc điều hành doanh nghiệp mới bị nhắm đến, ông nhật[n] xét thêm. Nhưng điều này “chủ yếu là do các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của những người này, không phải vì ĐCSVN cảm thấy bị đe dọa bởi quyền lực của họ.


Em trai của Vượng, Phạm Nhật Vũ, đã bị bắt vào đầu năm 2019 vì tội hối lộ, trong vụ bê bối kéo dài liên quan đến việc cố gắng mua một công ty viễn thông tư nhân của Mobifone.


“Tuy nhiên, các doanh nghiệp được trông đợi sẽ ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng và tránh xa một số hoạt động kinh doanh mang tính tham nhũng có thể đe dọa an ninh kinh tế của đất nước hoặc đi ngược lại chính sách của Đảng,” Hiệp nói.


“Xét cho cùng, các quan chức Đảng và giới tài phiệt địa phương cần nhau để đạt được các mục tiêu tương ứng: tồn tại chế độ và mở rộng vốn tư bản.”


Các nhà phân tích cho rằng khu vực tư nhân của Việt Nam và các ông trùm của nó – không giống như ở Trung Quốc – vẫn còn quá yếu về mặt chính trị để có thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản.


“Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam yếu hơn nhiều và phụ thuộc vào nhà nước so với đối tác ở Trung Quốc,” Vũ Tường, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oregon, cho biết.


“Chỉ có một số ông trùm và họ đều kinh doanh bất động sản và các dịch vụ. Họ không chỉ xây dựng sự giàu có của mình trên các mối quan hệ cá nhân và chính trị mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ đó để tồn tại và tiếp tục làm ăn,” Tường nhận xét thêm. “Các doanh nghiệp của họ có thể thống trị một lĩnh vực nhưng dễ dàng bị thay thế mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế.”


Theo ước tính của Bộ Tài chính từ năm 2020, khoảng 96% doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam là doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ và phần lớn thậm chí không có loại thuộc quy mô “vừa”.


Tường cũng lưu ý rằng không có nhà tài phiệt nào của Việt Nam có được các kết nối toàn cầu như các tài phiệt Trung Quốc vốn đã phát triển trong nhiều năm qua.


Các nhà phân tích cho biết, cho đến nay, các cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và những người khổng lồ trong khu vực tư nhân đã đạt được một sự cân bằng trong mối quan hệ trao đổi có đi có lại.


Đảng cần khu vực tư nhân để nền kinh tế phát triển, từ đó nó có được phần lớn tính hợp pháp của mình với công chúng, và khu vực tư nhân lại cần Đảng cho các ưu đãi về những quy định, sự nhân nhượng và được tiếp cận thị trường.


Trước thềm Đại hội toàn quốc năm 2021, sự kiện thường niên của Đảng, nơi quyết định các chính sách và bổ nhiệm các vị trí quan trọng, đã có thông báo rằng Đảng muốn các công ty tư nhân chiếm hơn một nửa nền kinh tế vào năm 2025, tăng khoảng 42% so với cuối năm 2020.


Cụ thể hơn, họ cho biết họ muốn khoảng 1,5 triệu công ty tư nhân chiếm 55% GDP vào năm 2025, so với 700.000 doanh nghiệp chiếm 42% vào năm 2020.


“Các công ty tư nhân đã trở thành nhân tố quan trọng đối với nền kinh tế, với sự đóng góp ngày càng tăng của họ vào GDP,” Hà Thị Nga, một đại biểu tại Đại hội Đảng và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại Đại hội. “Vì vậy, việc Đảng coi hỗ trợ khu vực tư nhân trở thành một trong những mục tiêu của mình là rất quan trọng và hoàn toàn đúng đắn.”


Hiệp cho là: “Trong tương lai, thay vì kìm chế khu vực tư nhân, ĐCSVN có khả năng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng nó để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và giảm nguy cơ trở nên phụ thuộc quá mức vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”.


Khi Tổng Bí thư Trọng đến thăm một nhà máy của Tập đoàn VinGroup vào năm 2017, nơi đang phát triển dòng ô tô mới của tập đoàn, ông đã ca ngợi đây là “nhà máy tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu ô tô quốc gia”.


Nguyễn Xuân Phúc, hiện là chủ tịch nhà nước, đã nói rõ về tầm quan trọng của VinGroup khi ông đến thăm một nhà máy vào năm 2019, lúc ông đang giữ chức vụ thủ tướng.


Sau khi lái thử chiếc xe điện mới của VinFast vào đầu năm 2019, ông nói với công chúng rằng hãy “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một dấu hiệu cho thấy chế độ coi những người khổng lồ này là không thể thiếu trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc của đất nước vào các công ty và đầu tư nước ngoài.


Chính phủ của ông Phúc vào năm 2018 đã đặt ra các hạn chế đối với việc nhập khẩu ô tô nước ngoài, một động thái nâng đỡ cho VinFast.


Đền đáp cho lối đối xử này, các ông trùm của Việt Nam được trông đợi là sẽ phải quỵ lụy và kín tiếng. Không giống như một số ông trùm khác, Vượng không bị mang tiếng là người ăn tiêu xa xỉ.


Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi năm 2019 mà ông trả lời cho Tuổi Trẻ, một tờ báo nhà nước, ông nói rằng các nguyên tắc cốt lõi của công ty mình là “lòng yêu nước, tính kỷ luật và phép lịch sự.”


Tuy nhiên, mối quan hệ kiểu có đi có lại đó có thể không phải lúc nào cũng tồn tại như ngày nay. Khi các nền kinh tế phát triển và trưởng thành, càng có thêm áp lực của công luận cho việc cải cách.


Tham nhũng và chế độ chuyên chế có thể có lợi cho tiến bộ kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, kể cả trong quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản, nhưng nó trở nên khó giải quyết hơn khi các công ty tư nhân phát triển và sự phân chia của cải trở nên rõ ràng hơn.


Bởi vì Việt Nam thiếu pháp quyền thực sự hoặc các quyền sở hữu tư nhân không được xác định rõ ràng, tiềm năng xung đột đang tăng lên khi người ta nhận thức được rằng không phải tất cả các doanh nghiệp đều phải chơi theo các quy tắc giống nhau.


Theo Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích tại Đại học Victoria Wellington, các cuộc đàn áp chính thức đối với khu vực tư nhân và giới tài phiệt ở Việt Nam vẫn còn xa so với những gì đã thấy ở Trung Quốc, nhưng có dấu hiệu chúng đang tăng tốc.


“Giải quyết nạn tham nhũng trong khu vực tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là một bài toán nan giải đối với Đảng, vì theo một cách nào đó, mô hình phát triển của Đảng phụ thuộc vào tham nhũng, cho dù là tham nhũng vặt, tham ô hay ‘dính líu đến tiền bạc’.”


“Tham nhũng là nhiên liệu để vận hành hệ thống” Giang nhận xét. “Kết quả cuối cùng sẽ là sự trừng phạt có chọn lọc đối với một số doanh nhân làm vật trưng bày, trong khi những người khác, đặc biệt là một số có doanh nghiệp quá lớn để có thể bị sụp đổ (ý nói là nó quá lớn nên nếu sụp đổ thì sẽ kéo theo cả nền kinh tế đất nước, rõ nhất với trường hợp của Vingroup – ND), thì sẽ không bị ảnh hưởng”, Giang dự đoán.


Nguồn: ASIA TIMES by DAVID HUTTJULY 29, 2022

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù