Điểm Báo Pháp - 29/7/2022

Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ 2024 ?

RFI

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi nói chuyện tại America First Policy Institute ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2022.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi nói chuyện tại America First Policy Institute ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2022. AP - Andrew Harnik

Le Figaro hôm nay nói về « Những bước đầu của ông Donald Trump hướng về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ». Cựu tổng thống Mỹ hôm thứ Ba 26/07 trong bài diễn văn đã nêu bật những thất bại của nước Mỹ dưới thời Joe Biden, và đề ra những biện pháp sắp tới để đối phó với thảm họa này - theo ông - khi một tổng thống Cộng Hòa lên thay. 


Donald Trump : « Giấc mơ Mỹ tả tơi » vì chính quyền Dân Chủ

Một đất nước đang trên bờ vực sụp đổ dưới một chính quyền Dân Chủ cực đoan và tham nhũng, những thành phố biến thành chiến trường...Đó là mô tả của ông Donald Trump trong lần đầu tiên quay lại Washington kể từ khi ra khỏi Nhà Trắng hôm 20/01/2021. Tuy thận trọng tránh loan báo ra tranh cử, nhưng những khuyến cáo của ông không khác nào của một ứng cử viên tương lai.

Cựu tổng thống Mỹ giải thích : « Lạm phát cao nhất kể từ 49 năm qua, giá xăng đạt đến mức tối đa trong lịch sử. Chúng ta thành ăn mày, cúi mình trước các nước khác để có được năng lượng. Hàng triệu người nước ngoài trong tình trạng bất hợp pháp vượt qua các biên giới mở ngỏ, đổ xô vào Mỹ. Các thành phố do phe Dân Chủ lãnh đạo phá kỷ lục về các vụ sát nhân. Đất nước chúng ta bị lăng nhục chưa từng thấy trên trường quốc tế, trong khi các quyền và tự do căn bản bị đe dọa. Giấc mơ Mỹ tả tơi ».

Donald Trump là khách mời của America First Policy Institute, một think tank do những người ủng hộ ông lập ra năm 2017. Ông tỏ ra nuối tiếc : « Mới cách đây chưa đầy hai năm, kinh tế phục hồi chưa từng thấy, biên giới an ninh, độc lập năng lượng...Giá xăng hết sức thấp, không hề có lạm phát, quân đội được củng cố, nước Mỹ được toàn thế giới tôn trọng ».

Ông Trump sẽ tái ứng cử ?

Nhật báo cánh hữu nhận thấy ông Trump rất giỏi trong vai đối lập. Trump tố cáo « Đường phố đầy những kim chích ma túy...ngày nào cũng có những vụ hành hung, cưỡng hiếp... », đòi hỏi tình trạng này phải chấm dứt ngay và kêu gọi ủng hộ ngành cảnh sát. Ông đả kích những chính sách cực đoan của Dân Chủ như việc phổ biến các nội dung tính dục cho trẻ mầm non.

Trump kêu gọi chấm dứt cách bầu qua bưu điện, nêu ví dụ : « Nước Pháp vừa tổ chức bầu cử với 55 triệu cử tri cùng bỏ phiếu trong một ngày. Buổi tối cùng ngày là hoàn tất, không hề có kiện cáo. Hãy làm tương tự tại Hoa Kỳ và như thế sẽ không có vấn đề gì ».

Donald Trump nói với cử tọa có lẽ ông là « người bị tấn công nhiều nhất trong lịch sử đất nước ». Ông nhấn mạnh : « Tôi không thích tự coi mình là chính khách. Tôi ra ứng cử tổng thống và đã đắc cử. Đã chiến thắng một lần, và lần thứ hai sẽ làm tốt hơn ! ». Le Figaro cho biết khán phòng vang lên những tiếng hô « Thêm bốn năm nữa ! Bốn năm nữa ! »

Diều hâu Trung Quốc bực tức trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Figaro chú ý đến « Chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi khiến Trung Quốc tức tối ». Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ đã quăng một tảng đá xuống dòng nước xáo động ở eo biển Đài Loan. Bà Pelosi sẽ là chính khách Mỹ cao cấp nhất đến Đài Loan kể từ nhiều thập niên, theo chân người tiền nhiệm cách đây nhiều năm là ông Newt Gingrich năm 1997. Chuyến đi ban đầu dự kiến vào tháng Tư đã bị dời lại vì bà Pelosi, 82 tuổi, bị nhiễm Covid.

Vương Văn Bân, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 22/07 đã đe dọa : « Nếu Hoa Kỳ nhất định tiến hành chuyến thăm này, Trung Quốc kiên quyết đáp trả và sẽ có những biện pháp đối phó. Chúng tôi đã cân nhắc lời nói ». Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung và chiến tranh Ukraina, Bắc Kinh coi đây là sự bác bỏ chính sách «  một nước Trung Hoa duy nhất » mà Washington vẫn theo đuổi sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1979.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lo ngại chuyến đi sẽ dẫn đến leo thang, trong lúc vài tháng nữa sẽ diễn ra đại hội đảng cộng sản Trung Quốc.  Tổng thống Joe Biden nói với các nhà báo « Quân đội cho rằng đó không phải là một ý hay ». Những thành phần diều hâu ở Bắc Kinh kêu gọi cho tiêm kích « hộ tống » chiếc phi cơ của bà Pelosi, nhưng các chuyên gia như giáo sư Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), trường đại học Nhân Dân cho rằng cả hai bên đều sẽ cố tránh xung đột quân sự. Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mike Milley hôm qua tái khẳng định sẽ bảo vệ bà Pelosi nếu bà nhất định lên đường, được cho là trong tháng Tám.

Joe Biden khó xử

Sự kiện này đặt Joe Biden vào một tình thế khó xử trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Chuyến đi có thể gây bất lợi cho nỗ lực của nhằm giữ ổn định quan hệ với Trung Quốc, nhưng nếu phản đối có nguy cơ bị coi là yếu đuối, giúp đảng Cộng Hòa - vốn ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan, thậm chí đòi công nhận độc lập của đảo quốc -  có thể công kích Biden. Le Monde cũng cho rằng « Dự định đến Đài Loan của bà Pelosi làm Biden bực bội ».  

Tổng thống Mỹ có chiến lược chận bước Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng ông cố thuyết phục Tập Cận Bình gặp mặt tại hội nghị G20 ở Bali để thảo luận về việc dỡ bỏ vài loại thuế quan, cũng như nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Cuộc họp Biden-Tập nếu diễn ra vẫn không thể xóa đi tâm trạng nghi ngờ giữa đôi bên, nhất là chủ tịch Trung Quốc luôn ủng hộ Vladimir Putin tấn công Ukraina. Le Figaro ghi nhận Tập Cận Bình đã gởi lời « chúc hội nghị thành công rực rỡ », khiến người ta nghi ngờ về khả năng hoàng đế đỏ đến dự thượng đỉnh G20.

Kinh tế Bắc Triều Tiên thụt lùi 20 năm

Vẫn liên quan đến châu Á, Les Echos giải thích « Kinh tế Bắc Triều Tiên đã quay lại mức cách đây 20 năm như thế nào ». Sau khi sụt giảm 4,5 % trong năm 2020, GDP nước này lại sụt tiếp 0,1 % trong năm ngoái và không có hy vọng vực dậy nổi trong năm nay.

Lên cầm quyền cách đây 10 năm, hứa hẹn với người dân Bắc Triều Tiên là « sẽ không bao giờ còn phải thắt lưng buộc bụng », nhưng Kim Jong Un lại thấy nền kinh tế nước mình lùi lại đến gần 20 năm. Theo số liệu tổng hợp dựa trên thông tin tình báo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố hôm thứ Tư 27/07, GDP của Bắc Triều Tiên năm 2021 là 31.409 tỉ won (23,56 tỉ euro), bằng năm 2003. Năm đó, đời sống bắt đầu phục hồi sau thời gian suy sụp và nạn đói khủng khiếp cuối thập niên 90. Giờ đây, tổng sản phẩm nội địa của Bắc Triều Tiên (25 triệu dân) chỉ bằng chưa đến 1,4 % của Hàn Quốc (52 triệu dân).

Trong khi hoạt động kinh tế ở đa số nước châu Á đã gia tăng mạnh mẽ sau một năm 2020 chao đảo vì Covid, nhiều lãnh vực của Bắc Triều Tiên vốn đã bị trừng phạt vì chương trình nguyên tử, tiếp tục đi xuống, nhất là khai thác quặng mỏ, sản xuất và dịch vụ. Trao đổi thương mại suốt năm 2021 chỉ còn 700 triệu euro, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc còn chưa đầy 80 triệu euro. Chỉ riêng lãnh vực nông nghiệp là tăng nhẹ nhờ thời tiết tốt, điều an ủi tại một đất nước mà người dân vẫn ăn không đủ no.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc không đưa ra dự báo nào cho năm 2022, nhưng các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ rất khó khăn. Hồi tháng Năm, lần đầu tiên Bình Nhưỡng nhìn nhận đã bị Covid tấn công, và chế độ cho phong tỏa nghiêm ngặt lâu dài nhiều vùng để ngăn dịch bệnh lan ra. Dân chúng Bắc Triều Tiên vốn không được chích ngừa, và nếu nhiễm bệnh sẽ không được chữa trị đúng mức. Đầu tháng Bảy, Bình Nhưỡng khẳng định đang trên đường « giành thắng lợi » trước con virus, và mỗi ngày chỉ còn vài chục ca « bị sốt đáng ngờ ». Những tuyên bố mà không một tổ chức độc lập nào có thể kiểm chứng.

« Bà đầm thép » Liz Truss có nhiều hy vọng thành thủ tướng Anh

Ngoại trưởng Liz Truss trong cuộc tranh luận truyền hình tối thứ Hai 24/07 đã chiếm hẳn ưu thế trước đối thủ Rishi Sunak, cựu bộ trưởng Tài chính. Kết quả thăm dò của Yougov nơi những người thuộc đảng bảo thủ cho thấy 50 % đánh giá cao bà Truss so với Sunak chỉ 39 %. Để cố đảo ngược tình thế, Sunak vừa thay đổi chủ trương : ủng hộ giảm thuế thay vì chống kịch liệt như trước. Nhưng việc quay đầu đột ngột này cũng có nguy cơ làm ông mất phiếu vì cho thấy tính cơ hội.

Les Echos nêu ra năm điều cần biết về nữ chính khách có thể là người kế nhiệm ông Boris Johnson, trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Anh. Trước hết, Liz Truss có nhiều kinh nghiệm chính trường hơn, từ đại biểu hội đồng địa phương rồi trở thành nghị sĩ, sau đó lần lượt là bộ trưởng Giáo dục, Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Thương mại và nay là ngoại trưởng. Hai chức vụ sau cùng khiến bà nổi bật trong thương thảo hậu Brexit.

Rất ngưỡng mộ « bà đầm thép » Margarett Thatcher, Truss theo đường hướng bảo thủ chính trị và ủng hộ kinh doanh. Ban đầu Liz Truss ủng hộ việc Anh Quốc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng rốt cuộc đã tham gia phe Brexit vì theo bà sẽ mở ra các cơ hội mới cho kinh tế. Cuối cùng, bà là người luôn trung thành với cựu thủ tướng Boris Johnson dù « BoJo » đang trong sóng gió.

Châu Âu thiếu trầm trọng nhân viên y tế

Sức mua, hệ thống y tế quá tải là những vấn đề của châu Âu được nhiều tờ báo mổ xẻ hôm nay. Từ Stockholm đến Bruxelles, Madrid, trước tình trạng dân số lão hóa, gia tăng các loại bệnh mạn tính, số lượng được đào tạo không đủ khiến những chiếc áo blouse trắng ngày càng thiếu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính từ nay đến 2030,châu Âu sẽ thiếu khoảng 15 triệu nhân viên y tế, không chỉ ở những nước thu nhập thấp mà cả các quốc gia phát triển.

Nước Đức đến cuối 2021 đang trống 35.000 chỗ làm trong ngành y tế, có nghĩa là nhu cầu tăng đến 40 % chỉ trong một thập niên. Đức phải nhờ đến hàng loạt lao động từ các nước khác, hiện nay cứ 1/5 bác sĩ có gốc ngoại quốc, đông đảo nhất là người Syria. Tại các nhà dưỡng lão, hơn 1/3 hộ lý và y tá đến từ Đông Âu, Nam Âu, Việt Nam, Philippines.

Tại Anh, cơ quan National Health Service (NHS) đang gặp khủng hoảng sau Brexit và đại dịch, hậu quả của 10 năm không được đầu tư đúng mức. Dịch vụ y tế công xưa nay hầu như là miễn phí, nay nhiều người Anh phải cầu viện đến y tế tư nhân để không phải chờ đợi nhiều tuần thậm chí nhiều tháng. Bỉ thiếu trầm trọng bác sĩ đa khoa và y tá, ở Tây Ban Nha hiện đang có trên 700.000 người chờ đợi đến lượt phẫu thuật, tại Hy Lạp khoảng 20.000 bác sĩ đã bỏ ra nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế (2010-2018). Còn tại Thụy Điển, sự xuất hiện hàng loạt dưỡng đường tư nhân làm lung lay mô hình phúc lợi mà quốc gia này vẫn tự hào.

Nga thực sự muốn rút khỏi ISS hay chỉ là đòn gió ?

Trên lãnh vực khoa học, Le Figaro và Le Monde cùng đặt vấn đề « Tương lai nào cho trạm không gian quốc tế (ISS) sau loan báo rút lui bất ngờ của Nga ? ». Tân giám đốc cơ quan không gian Nga Roscosmos, ông Yuri Borisov trong cuộc gặp tổng thống Vladimir Putin đã thông báo Nga sẽ rút khỏi ISS « sau năm 2024 », để tập trung vào việc xây dựng một trạm quỹ đạo riêng, « ưu tiên chính » của chương trình không gian quốc gia. Putin trả lời « Tốt » - theo như trang web của điện Kremlin.

Loan báo trên đây là một sự khiêu khích, trả đũa, trò hỏa mù, hay thực sự là chọn lựa chiến lược ? Theo phi hành gia Canada Chris Hadfield, có thể là tất cả, « đừng quên trò chơi ưa thích nhất của Nga là cờ vua ». Vài giờ sau, giám đốc ISS của NASA, Robyn Gatens cho biết cơ quan không gian Hoa Kỳ chưa hề nghe một tuyên bố chính thức nào từ Nga trong hội nghị trước đó tại Washington.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng đây là điều đáng tiếc, đặc biệt là vừa gia hạn thỏa thuận hợp tác về trong các chuyến bay vũ trụ. Hai phi hành gia Mỹ sẽ du hành với phi thuyền Soyouz, và hai đồng nghiệp Nga lần đầu tiên sẽ bay bằng phi thuyền Crew Dragon của SpaceX. Phía châu Âu thì cho rằng tuyên bố của Nga không có gì chắc chắn.

Khi Lunar Gateway xuất hiện, ISS sẽ mất vai trò

Còn nếu Nga rút lui thực sự ? Tuy Hoa Kỳ đã độc lập hơn trong việc đưa người lên ISS nhờ SpaceX, nhưng những module Nga vẫn đang giúp duy trì độ cao của trạm vũ trụ. Mỹ vừa thử nghiệm Cygnus, tuy nhiên dùng tiếp thiết bị của Nga vẫn tiện lợi hơn. Về phía Matxcơva, họ khó mà nhanh chóng lập trạm vũ trụ riêng trước năm 2028. Hơn nữa, năm ngoái Nga đã gởi lên module Nauka và châu Âu đang trang bị cho module này cánh tay robot Era rất đắt tiền, nếu chỉ dùng trong hai năm rồi bỏ là phi lý.

Số phận của ISS rốt cuộc có thể tùy thuộc vào việc chế tạo Lunar Gateway, do cơ quan không gian Hoa Kỳ, châu Âu, Canada và Nhật Bản hợp tác. Dự kiến hai module đầu tiên sẽ được phóng đi vào cuối 2024, và ê-kíp đầu tiên, trong đó có một nữ phi hành gia sẽ là người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, sẽ được đưa lên đây cuối 2025. Nếu trạm quỹ đạo Mặt Trăng này được thiết lập đúng thời hạn, ISS sẽ mất đi vai trò trạm tiền phương của loài người trong vũ trụ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù