Cuộc xung đột giữa các nền văn minh
Samuel P. Huntington
Hồ Văn Hiền dịch
Theo Vietbao
Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva. (Nguồn Wikipedia). |
184 Quốc gia. Nhiều hơn hoặc ít hơn (1).
Bản đồ thứ ba về thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh bắt nguồn từ cái thường được gọi là “Lý thuyết Hiện thực” (Realist Theory) về quan hệ quốc tế. Theo lý thuyết này, các quốc gia thực sự là chủ thể quan trọng duy nhất trong các vấn đề thế giới, mối quan hệ giữa các quốc gia là một mối quan hệ hỗn loạn (anarchy), và do đó để đảm bảo sự tồn tại và an ninh của họ, các quốc gia luôn cố gắng tối đa hóa quyền lực của mình. Nếu một quốc gia nhận thấy một quốc gia khác gia tăng quyền lực của họ và do đó trở thành một mối đe dọa tiềm tàng, nó sẽ cố gắng bảo vệ an ninh của chính mình bằng cách tăng cường quyền lực của mình và / hoặc bằng cách liên minh với các quốc gia khác. Những lợi ích và hành động của trên dưới 184 quốc gia của thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh có thể được dự đoán từ những giả định này.
Bức tranh "hiện thực" về thế giới này là một điểm khởi đầu rất hữu ích để phân tích các vấn đề quốc tế và giải thích nhiều hành vi của một quốc gia. Các quốc gia đang và sẽ vẫn là thực thể quan trọng nhất trong các công việc của thế giới. Họ duy trì quân đội, tiến hành ngoại giao, đàm phán các hiệp ước, tiến hành các cuộc chiến tranh, kiểm soát các tổ chức quốc tế, gây ảnh hưởng với, và ở mức độ đáng kể, định hình sản xuất và thương mại. Chính phủ của các quốc gia ưu tiên bảo đảm an ninh đối ngoại của quốc gia họ (mặc dù họ thường có thể cho ưu tiên cao hơn cho việc đảm bảo an ninh của chính mình với tư cách là chính phủ chống lại các mối đe dọa từ bên trong). Nhìn chung, mô thức căn cứ trên quốc gia (statist paradigm) này cung cấp một bức tranh và một hướng dẫn thực tế hơn về chính trị toàn cầu so với các mô thức về một hoặc hai thế giới (one- or two-world paradigms).
Tuy nhiên, nó cũng gặp phải những hạn chế nghiêm trọng.
Nó giả định rằng tất cả các quốc gia đều nhận thức lợi ích của họ một cách giống nhau và hành động cùng một lối. Giả định đơn giản của nó – rằng quyền lực là tất cả – là một điểm khởi đầu để hiểu hành vi của các quốc gia nhưng nó không dắt chúng ta đi xa lắm. Các quốc gia xác định lợi ích của họ trên bình diện quyền lực nhưng ngoài ra còn trên nhiều bình diện khác nữa. Tất nhiên, các quốc gia thường cố gắng cân bằng quyền lực, nhưng nếu họ chỉ nhắm vào việc cân bằng quyền lực thôi thì các nước Tây Âu đã liên minh với Liên Xô chống lại Hoa Kỳ vào cuối những năm 1940. Các quốc gia chủ yếu phản ứng với các mối đe dọa họ nhận thức được, và các quốc gia Tây Âu thời đó nhận thấy mối đe dọa chính trị, ý thức hệ và quân sự từ phía Đông. Họ đã nhìn thấy quyền lợi của họ theo lối mà lý thuyết hiện thực cổ điển không thể tiên đoán được. Các giá trị, nền văn hóa và các thể chế ảnh hưởng sâu đậm vào cách các quốc gia xác định lợi ích của họ. Lợi ích của các quốc gia không chỉ được định hình bởi các giá trị và các thể chế trong nước của họ mà còn bởi các chuẩn mực và thể chế quốc tế. Trên và ngoài mối quan tâm hàng đầu của họ về an ninh, các loại nhà nước khác nhau xác định lợi ích của họ theo những cách khác nhau. Các quốc gia có nền văn hóa và thể chế tương tự sẽ thấy họ có những quyền lợi chung. Các quốc gia dân chủ có những điểm chung với các quốc gia dân chủ khác và do đó không gây chiến với nhau. Canada không cần phải liên minh với một cường quốc khác để ngăn chặn sự xâm lược của Hoa Kỳ.
Ở cấp độ cơ bản, các giả định về mô thức quốc gia (statist paradigm) đã đúng trong suốt lịch sử. Do đó, chúng không giúp chúng ta hiểu được chính trị toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh khác với chính trị toàn cầu trong và trước Chiến tranh Lạnh như thế nào. Tuy nhiên, rõ ràng là có sự khác biệt và các quốc gia theo đuổi lợi ích của họ một cách khác nhau từ giai đoạn lịch sử này sang giai đoạn lịch sử khác. Trong thế giới sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia ngày càng xác định rõ lợi ích của mình trên cơ sở của nền văn minh. Họ hợp tác và liên minh với các quốc gia có nền văn hóa tương tự hoặc chung nền văn hóa và xung đột thường hơn với các quốc gia có nền văn hóa khác mình. Các quốc gia xác định các mối đe dọa dựa trên ý định của các quốc gia khác, và những ý định đó và cách chúng được nhận thức được định hình một cách mạnh mẽ bởi các cân nhắc về văn hóa. Công chúng và chính khách ít có khả năng nhìn thấy các mối đe dọa xuất hiện từ những người mà họ cảm thấy họ hiểu và có thể tin tưởng vì có chung ngôn ngữ, tôn giáo, các giá trị, các thể chế và văn hóa. Họ có nhiều khả năng nhìn thấy các mối đe dọa đến từ các quốc gia mà xã hội có nền văn hóa khác mình và do đó họ không hiểu và cảm thấy họ không thể tin tưởng. Giờ đây, một Liên Xô theo chủ nghĩa Mác-Lênin không còn là mối đe dọa đối với Thế giới Tự do và Hoa Kỳ không còn gây ra mối đe dọa đối trọng với thế giới cộng sản nữa, các quốc gia trong cả hai thế giới ngày càng nhận thấy các mối đe dọa đến từ các xã hội khác biệt mình về văn hóa.
Trong khi các quốc gia vẫn là tác nhân chính trong các vấn đề thế giới, họ cũng đang chịu những mất mát về chủ quyền và chức năng và quyền lực. Các định chế quốc tế hiện khẳng định quyền phán xét và hạn chế hành động của các quốc gia trên lãnh thổ của chính mình. Trong một số trường hợp, đáng chú ý nhất là ở Châu Âu, các tổ chức quốc tế đã đảm nhận các chức năng quan trọng trước đây được thực hiện bởi các quốc gia, và các cơ quan hành chính quốc tế mạnh mẽ đã được thành lập để hoạt động trực tiếp trên từng công dân. Trên toàn cầu, đã có một xu hướng làm chính quyền quốc gia mất bớt quyền lực thông qua việc phân quyền cho các thực thể cấp dưới quốc gia, cấp khu vực, cấp tỉnh và cấp địa phương. Ở nhiều quốc gia, kể cả những nước thuộc thế giới phát triển, có những phong trào khu vực thúc đẩy quyền tự trị hoặc ly khai đáng kể. Chính quyền các quốc gia nói chung đã mất khả năng kiểm soát dòng tiền tệ vào và ra khỏi đất nước của họ và ngày càng gặp khó khăn trong việc kiểm soát các dòng ý tưởng, công nghệ, hàng hóa và con người. Nói tóm lại, biên giới quốc gia ngày càng trở nên xuyên suốt. Tất cả những phát triển này đã khiến nhiều người thấy sự kết thúc dần dần của trạng thái "banh bi da" cứng (2), vốn dĩ đã trở thành chuẩn mực kể từ Hòa ước Westphalia năm 1648, và sự xuất hiện của một trật tự quốc tế đa dạng, phức tạp, nhiều lớp gần giống với thời trung cổ.
Hỗn loạn tuyệt đối (sheer chaos)
Sự suy yếu của các quốc gia và sự xuất hiện của các "quốc gia thất bại" (failed states) góp phần tạo nên bức tranh thứ tư về một thế giới trong tình trạng hỗn loạn. Mô thức này nhấn mạnh: sự tan vỡ thẩm quyền chính phủ; sự tan rã của các quốc gia; sự gia tăng của xung đột bộ lạc, sắc tộc và tôn giáo; sự xuất hiện của các Mafia tội phạm quốc tế; số người tị nạn nhân lên hàng chục triệu người; phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố; sự lan tràn của các vụ thảm sát và thanh lọc sắc tộc (ethnic cleansing). Bức tranh về một thế giới sống trong hỗn loạn này đã được vẽ ra một cách thuyết phục và tóm tắt trong tựa đề của hai tác phẩm sâu sắc xuất bản năm 1993: Out of Control (Mất Kiểm Soát) của Zbignew Brzezinski và Pandaemonium (Đại Loạn) của Daniel Patrick Moynihan.
Giống như mô thức quốc gia, mô thức hỗn loạn (chaos paradigm) gần với thực tế. Nó cung cấp một bức tranh sinh động và chính xác về phần lớn những gì đang diễn ra trên thế giới, và không giống như mô thức quốc gia, nó làm nổi bật những thay đổi đáng kể trong chính trị thế giới xảy ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ví dụ, tính đến đầu năm 1993, ước tính có 48 cuộc chiến tranh sắc tộc đã xảy ra trên khắp thế giới (ethnic wars), và 164 "yêu sách về lãnh thổ-sắc tộc và xung đột liên quan đến biên giới" xảy ra ở Liên Xô cũ, trong đó có 30 cuộc liên quan đến một số hình thức xung đột vũ trang. Tuy nhiên, mô thức này thậm chí còn bị mất công hiệu nhiều hơn so với mô thức quốc gia do việc nó quá sát với thực tế. Thế giới có thể hỗn loạn nhưng nó không phải hoàn toàn không có chút trật tự nào. Bức tranh về một tình trạng hỗn loạn khắp hoàn vũ và thuần nhất cung cấp được ít manh mối để hiểu thế giới, để sắp xếp các sự kiện và đánh giá tầm quan trọng của chúng, để tiên đoán các xu hướng trong tình trạng vô chính phủ, để phân biệt giữa các loại hỗn loạn và các nguyên nhân và hậu quả có thể khác nhau của chúng, và để phát triển các hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách chính phủ.
So sánh các thế giới: Chủ trương hiện thực (Realism), Chủ trương đơn giản hoá lý luận (Parsimony) (3) và Dự đoán
Mỗi mô thức trong số bốn mô hình (4) này cung cấp một sự kết hợp hơi khác nhau giữa chủ trương hiện thực (mô tả sát thực tế) và chủ trương đơn giản trong lý luận. Mỗi mô thức cũng có những khiếm khuyết và hạn chế của nó. Chúng ta có thể hình dung rằng những điều này có thể giảm thiểu được bằng cách kết hợp các mô thức, và ví dụ, giả định rằng thế giới đang tham gia cùng một lúc vào các quá trình phân mảnh và tích hợp. Cả hai xu hướng đều thực sự tồn tại, và một mô hình phức tạp hơn sẽ gần đúng với thực tế hơn một mô hình đơn giản hơn. Tuy nhiên, điều này hy sinh tính đơn giản để thiên về trường phái hiện thực và nếu theo đuổi rất xa, sẽ dẫn đến việc bác bỏ tất cả các mô thức hoặc lý thuyết. Ngoài ra, lúc chấp nhận cùng một lúc hai xu hướng đối lập nhau, mô hình “tích hợp-phân mảnh” không thể xác định được trong hoàn cảnh nào xu hướng này sẽ chiếm ưu thế và trong hoàn cảnh nào xu hướng kia sẽ chiếm ưu thế. Chúng ta đứng trước thách thức làm thế nào phát triển được một mô thức giải thích cho nhiều sự kiện then chốt hơn và giúp chúng ta hiểu tốt hơn về các xu hướng so với các mô thức khác ở mức độ trừu tượng trí tuệ tương tự.
Bốn mô hình này cũng không tương thích với nhau. Thế giới không thể vừa là một, vừa được phân chia về cơ bản giữa Đông và Tây hoặc Bắc và Nam. Nhà nước quốc gia cũng không thể là nền tảng của các vấn đề quốc tế nếu nó bị chia cắt và bị xé nát do nội chiến tràn lan. Thế giới là một, hoặc hai, hoặc 184 quốc gia, hoặc có thể là một số lượng gần như vô hạn các bộ lạc, dân tộc và nhóm sắc tộc.
Mô Thức Các Nền Văn Minh
Nhìn thế giới dưới khía cạnh bảy hoặc tám nền văn minh tránh được nhiều khó khăn thuộc loại này. Nó không hy sinh thực tế cho sự đơn giản hóa như trong mô thức một và hai thế giới; tuy nhiên, nó cũng không hy sinh tính đơn giản cho thực tế như trong các mô thức quốc gia và hỗn loạn (4). Nó cung cấp một khuôn khổ làm việc dễ nắm được và minh bạch để hiểu được thế giới, phân biệt điều gì là quan trọng với điều gì không quan trọng trong số các cuộc xung đột đang tăng gấp bội, dự đoán các diễn biến trong tương lai và cung cấp hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách. Nó cũng được xây dựng trên và kết hợp các yếu tố của các mô thức khác. Nó tương thích với các mô thức kia hơn là giữa các mô thức này với nhau. Ví dụ, một cách tiếp cận trên nền tảng văn minh cho rằng:
* Các lực hướng đến sự kết hợp (forces of integration) trên thế giới là có thật và chính chúng đang tạo ra những lực chống lại khẳng định văn hóa và ý thức về nền văn minh của mình.
* Thế giới theo một nghĩa nào đó là có hai phần, nhưng sự phân biệt cốt lõi là giữa phương Tây với tư cách là nền văn minh thống trị cho đến nay và tất cả những nền văn minh khác, tuy nhiên, có rất ít điểm chung giữa các nền văn minh khác này. Nói tóm lại, thế giới được phân chia giữa một bên là phương Tây và một bên không phải phương Tây.
* Các quốc gia-dân tộc đang và sẽ vẫn là những chủ thể quan trọng nhất trong các vấn đề thế giới, nhưng quyền lợi, các liên kết và các xung đột của họ ngày càng được định hình bởi các yếu tố văn hóa và văn minh.
* Thế giới thực sự là không có một lãnh đạo chung (5), đầy rẫy những xung đột bộ lạc và dân tộc, nhưng những xung đột gây nguy hiểm lớn nhất cho sự ổn định là những xung đột giữa các quốc gia hoặc nhóm từ các nền văn minh khác nhau.
Do đó, một mô hình căn cứ trên các nền văn minh đặt ra một bản đồ tương đối đơn giản nhưng không quá đơn giản để giúp hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới khi thế kỷ XX kết thúc. Tuy nhiên, không có mô thức nào là tốt mãi mãi. Mô hình Chiến tranh Lạnh về chính trị thế giới hữu ích và phù hợp trong bốn mươi năm nhưng đã trở nên lỗi thời vào cuối thập niên 1980, và đến một lúc nào đó mô thức các nền văn minh cũng sẽ chịu số phận tương tự. Tuy nhiên, đối với thời kỳ đương đại, nó cung cấp một hướng dẫn hữu ích để phân biệt điều gì quan trọng hơn và điều gì ít quan trọng hơn. Chẳng hạn, ít hơn một nửa trong số bốn mươi tám cuộc xung đột sắc tộc trên thế giới vào đầu năm 1993 là giữa các nhóm từ các nền văn minh khác nhau. Nhìn thế giới qua các nền văn minh sẽ khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc và Ngoại trưởng Hoa Kỳ tập trung nỗ lực bảo vệ hòa bình vào những cuộc xung đột có tiềm năng lớn hơn nhiều so với những cuộc xung đột khác để leo thang thành các cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Các mô thức cũng tạo ra các dự đoán và một thử nghiệm then chốt về giá trị và ích lợi của một mô thức là mức độ mà các dự đoán bắt nguồn từ nó tỏ ra chính xác hơn so với các dự đoán từ các mô thức thay thế. Ví dụ, một mô thức dựa trên quốc gia đưa John Mearsheimer đến dự đoán rằng "tình hình giữa Ukraine và Nga đã chín muồi để bùng phát một cuộc cạnh tranh về an ninh giữa hai nước. Các cường quốc có chung đường biên giới dài và không được bảo vệ, như giữa Nga và Ukraine, thường rơi vào tình trạng cạnh tranh do lo ngại về an ninh. Nga và Ukraine có thể khắc phục các động lực này và học chung sống hòa thuận với nhau, nhưng sẽ là điều bất thường nếu họ làm như vậy." Mặt khác, một cách tiếp cận qua các nền văn minh nhấn mạnh mối liên hệ văn hóa, cá nhân và lịch sử chặt chẽ giữa Nga và Ukraine và người Nga và người Ukraine sống lẫn lộn với nhau ở cả hai quốc gia, và thay vào đó, tập trung chú ý vào đường đứt gãy văn minh (civilizational fault line) phân chia miền Đông Ukraine theo Chính Thống giáo với miền Tây Ukraine theo Ki-Tô giáo Hợp nhất (Uniate) (6); một thực tại lịch sử cốt lõi đã có từ lâu, phù hợp với khái niệm "hiện thực" về các quốc gia như là những thực thể thống nhất và tự xác định, mà Mearsheimer hoàn toàn bỏ qua. Trong khi cách tiếp cận theo quốc gia nhấn mạnh khả năng xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, thì cách tiếp cận theo nền văn minh giảm thiểu điều đó và thay vào đó nhấn mạnh khả năng Ukraine bị chia cắt làm đôi, một sự chia cắt mà các yếu tố văn hóa sẽ khiến người ta dự đoán có thể bạo lực hơn so với sự chia cắt Tiệp Khắc nhưng ít đổ máu hơn nhiều so với việc chia cắt Nam Tư. Những dự đoán khác nhau này, tiếp đến, lại dẫn đến các ưu tiên chính sách khác nhau. Dự đoán dựa trên mô hình quốc gia của Mearsheimer về chiến tranh có thể xảy ra và việc Nga có thể xâm chiếm Ukraine khiến ông ủng hộ việc Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân. Một cách tiếp cận dựa trên văn minh sẽ khuyến khích sự hợp tác giữa Nga và Ukraine, thúc giục Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy viện trợ kinh tế đáng kể và các biện pháp khác để giúp duy trì sự thống nhất và độc lập của Ukraine, đồng thời bảo trợ kế hoạch dự phòng trường hợp Ukraine tan rã có thể xảy ra (7).
Nhiều diễn biến quan trọng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tương thích với mô thức văn minh và đáng lẽ ra đã có thể được dự đoán từ đó. Chúng bao gồm: sự tan rã của Liên Xô và Nam Tư; các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên lãnh thổ cũ của các nước này; sự trỗi dậy của chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo (religious fundamentalism) trên khắp thế giới; các cuộc đấu tranh bên trong nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico về căn cước của họ; cường độ của xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản; sự kháng cự của các quốc gia Hồi giáo trước sức ép của phương Tây đối với Iraq và Libya; nỗ lực của các quốc gia Hồi giáo và Nho giáo để thủ đắc vũ khí hạt nhân và các phương tiện để dùng chúng; Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò cường quốc đứng "bên ngoài"; việc củng cố các chế độ dân chủ mới ở một số quốc gia và không phải ở những quốc gia khác; và cuộc thi đua võ trang đang phát triển ở Đông Á.
Sự thích đáng của mô thức nền văn minh đối với thế giới mới nổi được minh họa bằng các sự kiện phù hợp với mô thức đó xảy ra trong khoảng thời gian sáu tháng vào năm 1993.
* Sự tiếp tục và gia tăng của các cuộc giao tranh giữa người Croatia, người Hồi giáo và người Serb ở Nam Tư cũ;
* Phương Tây vắng mặt trong việc ủng hộ đáng kể cho người Hồi giáo Bosnia (8), hoặc tố cáo những hành động tàn bạo của người Croat giống như cách mà những hành động tàn bạo của người Serb đã bị tố cáo;
* Việc Nga không muốn tham gia cùng các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác trong việc kêu gọi người Serbia ở Croatia làm hòa với chính phủ Croatia và đề nghị Iran và các quốc gia Hồi giáo khác cung cấp 18.000 quân để bảo vệ người Hồi giáo Bosnia;
* Sự gia tăng của cuộc chiến giữa người Armenia và Azeris, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran yêu cầu người Armenia từ bỏ các vùng họ chiếm được, việc triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Iran qua biên giới Azerbaijan, và cảnh báo của Nga rằng hành động của Iran góp phần làm "leo thang xung đột và đẩy nó đến những giới hạn nguy hiểm của sự quốc tế hóa";
* Các cuộc giao tranh tiếp tục ở Trung Á giữa quân đội Nga và quân du kích Hồi giáo Mujahedeen;
* Cuộc đối đầu tại Hội nghị Nhân quyền Vienna giữa phương Tây, do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher dẫn đầu, tố cáo Chủ nghĩa Tương đối Văn hóa" (Cultural Relativism), và một liên minh các quốc gia Hồi giáo và Nho giáo bác bỏ Chủ nghĩa Phổ quát của phương Tây" (Western Universalism);
* Sự tái tập trung chú ý một cách song hành của các nhà hoạch định quân sự Nga và NATO về "mối đe dọa từ phía Nam";
* Cuộc bỏ phiếu, gần như hoàn toàn chia phe theo nền văn minh đã trao Thế vận hội 2000 cho Sydney chứ không phải Bắc Kinh;
* Việc bán các bộ phận tên lửa từ Trung Quốc cho Pakistan, dẫn đến việc Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, và cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vụ được cho là vận chuyển công nghệ hạt nhân cho Iran;
* Việc Trung Quốc phá bỏ lệnh ngừng và thử một vũ khí hạt nhân, bất chấp sự phản đối gay gắt của Hoa Kỳ và việc Triều Tiên từ chối tham gia thêm vào các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của chính họ;
* Tiết lộ rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang tuân theo chính sách "ngăn chặn kép" (dual containment) nhằm vào cả Iran và Iraq;
* Thông báo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về một chiến lược mới nhằm chuẩn bị cho hai "cuộc xung đột khu vực lớn", một chống lại Triều Tiên, một chống lại Iran hoặc Iraq;
* Lời kêu gọi của tổng thống Iran về việc liên minh với Trung Quốc và Ấn Độ để "chúng ta có tiếng nói quyết định tối hậu về các sự kiện quốc tế";
* Luật mới của Đức hạn chế đáng kể việc tiếp nhận người tị nạn;
* Thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk về việc bố trí hạm đội Biển Đen và các vấn đề khác;
* Việc Hoa Kỳ ném bom Baghdad, sự ủng hộ hầu như nhất trí của các chính phủ phương Tây và sự lên án của hầu hết các chính phủ Hồi giáo là một ví dụ khác về "tiêu chuẩn kép" của phương Tây;
* Hoa Kỳ liệt Sudan là một quốc gia khủng bố và truy tố Sheik Omar Abdel Rahman của Ai Cập và những người theo ông ta về âm mưu "tiến hành cuộc chiến khủng bố đô thị chống lại Hoa Kỳ";
* Triển vọng được cải thiện đối với việc Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia sẽ gia nhập khối NATO (9);
* Cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 1993 chứng tỏ rằng Nga thực sự là một quốc gia "bị xâu xé" với dân chúng và giới tinh hoa không biết chắc họ nên tham gia hay thách thức phương Tây (10).
Một danh sách tương tự của các sự kiện chứng minh sự thích đáng của mô thức nền văn minh có thể được tổng hợp cho hầu hết mọi khoảng thời gian sáu tháng khác vào đầu thập kỷ 1990’s. Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, chính khách người Canada Lester Pearson đã chỉ ra một cách tiên tri sự hồi sinh và sức sống của các xã hội phi phương Tây. Ông cảnh báo: "Sẽ là vô lý nếu tưởng tượng rằng những xã hội chính trị mới ra đời ở phương Đông này sẽ là bản sao chép của những xã hội mà chúng ta ở phương Tây đã quen thuộc. Sự hồi sinh của những nền văn minh cổ đại này sẽ mang những hình thức mới." Chỉ ra rằng quan hệ quốc tế "trong vài thế kỷ" đã qua là quan hệ giữa các quốc gia châu Âu, ông cho rằng "những vấn đề sâu xa nhất không còn nảy sinh giữa các quốc gia trong một nền văn minh duy nhất mà là giữa chính các nền văn minh." Tình trạng lưỡng cực kéo dài của Chiến tranh Lạnh đã làm trì hoãn những diễn biến mà Pearson thấy đang tới. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã giải tỏa các lực văn hóa và văn minh mà ông đã xác định vào những năm 1950, và một loạt các học giả và nhà quan sát đã nhận ra và nêu bật vai trò mới của những nhân tố này trong nền chính trị toàn cầu. Fernand Braudel (11) đã cảnh báo một cách nghiêm túc rằng: "… Đối với bất kỳ ai quan tâm đến thế giới đương đại, và thậm chí còn hơn thế nữa đối với bất kỳ ai muốn hoạt động trong đó, thì sẽ có lợi cho họ nếu họ biết nhận diện, trên một bản đồ thế giới, những nền văn minh đang tồn tại ngày nay, để có thể xác định biên giới của chúng, trung tâm và ngoại vi của chúng, các tỉnh của chúng và không khí mà người ta hít thở ở những nơi đó, các ‘hình trạng’ tổng quát và cá biệt tồn tại và liên kết bên trong các nơi đó. Nếu không, thật là thảm khốc những sai lầm về quan điểm có thể xảy ra sau đó!" (12)
– Samuel P. Huntington (1996)
Hồ Văn Hiền dịch và chú thích
The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order
by Samuel P. Huntington. Chapter One: The New Era in World Politics.
Chú thích của dịch giả:
(1) Hiện nay trên thế giới có 195 “nước”. Tổng số này bao gồm 193 quốc gia là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và 2 quốc gia là quốc gia quan sát viên không phải là thành viên: Tòa thánh Vatican và Nhà nước Palestine (State of Palestine).
Không có trong danh sách 195 quốc gia này: Đài Loan; Liên hợp quốc coi Đài Loan được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đại diện.
Một quốc gia, được xác định bởi công ước Montevideo về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia năm 1933, có 4 phẩm chất: (a) Một lãnh thổ xác định; (b) Một dân số thường trực; (c) Một chính phủ hiệu quả; (d) Năng lực tham gia quan hệ với các quốc gia khác. Trong mô hình banh bi-da (billiard ball model) được các nhà Lý thuyết Hiện thực áp dụng, các quốc gia là những quả banh bi-da va chạm với nhau. Chủ quyền là lớp vỏ bên ngoài cứng không thể xuyên thủng của quả banh giúp nó có thể chịu được tác động của va chạm. Không phải tất cả các quả banh đều có kích thước như nhau, đó là lý do tại sao chính trị quốc tế chú ý đến lợi ích và hành vi của các 'cường quốc'. Mô hình này đã phải chịu áp lực do sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia ngày càng tăng.
(3) Về từ ngữ: Realism và Parsimony: Theo Từ điển Merriam Webster, ngoài nghĩa “cẩn thận với tiền bạc hoặc tài nguyên” (đồng nghĩa với tiết kiệm / thrift) hoặc trạng thái keo kiệt (state of being stingy); parsimony còn có nghĩa rộng hơn:
“Sự cần kiệm, dè xẻn trong việc sử dụng các phương tiện để đạt một mục tiêu; đặc biệt là: giảm thiểu cách giải thích phù hợp với nguyên tắc “lưỡi dao cạo của Occam”. Định nghĩa nguyên tắc “lưỡi dao cạo của Occam”: “một quy tắc khoa học và triết học cho rằng các thực thể không được nhân lên một cách không cần thiết, được hiểu là đòi hòi những lý thuyết cạnh tranh đơn giản nhất được ưu tiên hơn những lý thuyết phức tạp, hoặc đối với các hiện tượng chưa biết trước tiên cần cố gắng giải thích chúng bằng những lượng số đã biết”.
(4) Bốn mô hình về thế giới sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt: (a) “Một thế giới” hòa đồng, ví dụ theo thuyết “điểm tận cùng của lịch sử” của Fukuyama; (b) “Hai thế giới” (Đông và Tây, Nam Bắc); (c) Mô thức quốc gia: thế giới gồm “184 quốc gia” với chủ quyền riêng của chúng; (d) Mô thức “hỗn loạn tuyệt đối”.
(5) Trong đoạn này, người dịch không dịch “anarchy” là mối quan hệ “vô chính phủ” giữa các quốc gia vì sợ tối nghĩa (mỗi quốc gia đều có chính phủ riêng), chỉ vắng mặt một chính phủ trung ương siêu quốc gia, không có tôn ty trật tự (hierarchy) giữa các quốc gia . Xin tạm dịch ‘anarchy”: “[mối quan hệ giữa các quốc gia là] một mối quan hệ không có lãnh đạo”.
(6) Uniate: các cộng đồng Ki tô giáo Đông Âu và cận đông công nhận uy quyền của Đức Giáo Hoàng, nhưng vẫn giữ nguyên phụng vụ hay nghi lễ của họ.
(7) Ở điểm này, tiên đoán của Huntington căn cứ trên mô thức văn minh không ăn khớp với những gì đang xảy ra là chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Dự đoán dựa trên mô hình quốc gia của John Mearsheimer về chiến tranh có thể xảy ra và việc Nga có thể xâm chiếm Ukraine có vẻ đúng hơn. Theo Mearsheimer thì đáng lẽ ra Ukraine nên giữ lại các võ khí nguyên tử thời Xô Viết thay vì từ bỏ chúng như Ukraine đã làm. Tuy nhiên, khả năng nước Ukraine chung cuộc có thể bị chia đôi theo đường gãy văn minh (fault line) giữa Đông và Tây vẫn có thể xảy ra như Huntington tiên đoán.
(8) Người Serb theo Kitô giáo Chính thống, người Croat theo Công giáo (Catholic) và người Bosnia theo Hồi giáo tuy cả 3 nhóm đều gốc Slav giống nhau. Người Bosnia gốc là người Serb nhưng cãi đạo theo Hồi giáo lúc vùng Balkans (Đông Nam Châu Âu) nằm dưới quyền cai trị của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman empire).
(9) Sách này của Huntington viết năm 1996. Hiện nay các nước này đều đã là thành viên của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
(10) Theo Huntington, “torn country” chỉ một quốc gia muốn gia nhập (affiliate) vào một nền văn minh khác nền văn minh mà mình hiện đang thuôc về. Cuộc bầu cử Nghị viện được tổ chức tại Nga vào ngày 12 tháng 12 năm 1993. Đây là cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên ở nước Nga thời hậu Xô Viết và là cuộc bầu cử cuối cùng vào Hội đồng Liên bang (Federation Council, Thượng viện của quốc hội) với các thành viên tương lai được bổ nhiệm bởi các cơ quan lập pháp và thống đốc cấp tỉnh. Cuộc tổng tuyển cử năm 1993 diễn ra sau cuộc khủng hoảng hiến pháp Nga năm 1993, một cuộc đối đầu bạo lực trên đường phố Moscow dẫn đến việc giải tán quốc hội Nga trước đó bằng lực lượng quân sự. Yeltsin hy vọng có thể giải quyết tình trạng hỗn loạn chính trị bằng cách ra sắc lệnh cho cuộc bầu cử vào quốc hội Nga mới và cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp diễn ra vào ngày 12 tháng 12 năm 1993. (Wikipedia)
(11) Fernand Braudel (1902-1985), nhà sử học người Pháp, lãnh đạo của Trường phái Annales. Braudel giúp Trường phái Annales trở thành nơi quan trọng nhất của nghiên cứu về viết lịch sử (historiography) ở Pháp và phần lớn thế giới sau năm 1950. Braudel, một trong những nhà sử học quan trọng nhất thời cận đại, nhấn mạnh vai trò của các yếu tố kinh tế xã hội quy mô lớn trong việc tạo ra và viết lịch sử. Ông cũng là một trong những người tiên phong về lý thuyết hệ thống thế giới (world-systems theory, world systems analysis). Braudel tập trung vào phân tích các hệ thống thế giới có tính cách lâu dài trong việc viết sử và phân tích lịch sử thay vì tập trung vào các cá nhân, nhân vật hoặc sự kiện, biến cố như trước đó. Ông đem những ngành kinh tế, địa lý, nhân chủng học, xã hội học và khảo cổ học vào sử học.
https://fr.wikipedia.org/wiki/Fernand_Braudel
(12) Trên 30 năm sau khi Huntington viết sách này, có học giả cho rằng thuyết của ông có tính cách tiên tri đối với vấn đề thời sự hiện nay:
https://nationalinterest.org/feature/ukraine-and-clash-civilizations-153636
Nhận xét
Đăng nhận xét