Thư Sài Gòn: Nỗi khổ không kể xiết của bệnh nhân ung thư Việt Nam

 29 tháng 7 2022

Song May

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Hàng dài bệnh nhân xếp hàng trước BV

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY

Chụp lại hình ảnh,

Bệnh nhân chờ khai báo y tế trước cổng khu khám dịch vụ của Bệnh viện Ung bướu, TP/HCM, tháng 5/2021

Mới đây, một nhân viên công ty dược nước ngoài mà tôi quen kể lại: Bên em chuyên nhập thuốc chữa ung thư, hàng nhập về không đủ để cung cấp, nhất là thuốc chữa ung thư máu, ung thư vú, ung thư gan và ung thư phổi.

Các con số cho thấy người Việt Nam bị ung thư nhiều hơn trước, y tế lại quá tải, chi phí cao, tạo bi kịch nặng thêm cho hàng vạn người.

Cuối tháng 2/2022, Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 tổ chức tại Hà Nội đã công bố số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020: tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam so với năm 2018 đã tăng lên chín bậc, xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới đã tăng lên 182.000.

Vẫn nguồn này nói tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng sáu bậc, xếp 50/185 sau 2 năm; có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam bao gồm: ung thư gan (14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).

Dưới đây tôi xin kể vài câu chuyện có thật về nỗi khổ của bệnh nhân ung thư đang chữa trị ở TP.HCM - một đô thị thu hút số lượng lao động lớn nhất và cũng quy tụ nhiều bệnh nhân ung thư nhất cả nước.

Rải tiền để cứu mạng

Trong tháng 4-5/2021, tôi đưa một người thân trên 80 tuổi đi chữa ung thư. Sau khi có kết quả sinh thiết khối u ở Bệnh viện tư Hoàn Mỹ Sài Gòn, họ tư vấn nên về BV có bảo hiểm y tế xin giấy chuyển viện đến Bệnh viện Ung bướu, nơi chuyên xạ trị đầu cổ. Nhờ có giấy này, tổng chi phí điều trị ung thư được bảo hiểm y tế chi trả một phần khi xuất viện.

Khi vào Bệnh viện Ung bướu, mỗi bệnh nhân đều được khám sàng lọc. Vị bác sĩ trưởng khoa ngoại khẳng định người thân của tôi cần phẫu thuật, nhưng thời gian chưa xác định, vì có 100 hồ sơ đang chờ, không ưu tiên. Còn vị bác sĩ phó khoa nói tuổi ông đã cao, không nên mổ mà phải xạ trị ngay. Sau khi hỏi ý kiến người thân, tôi phải ký giấy cam kết bỏ phẫu thuật để khoa ngoại chuyển hồ sơ sang khoa xạ.

Sang khoa xạ, chúng tôi phải đóng cọc 5 triệu đồng để nhận các phiếu chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu, soi tai mũi họng, điện tim, X-ray, siêu âm, CT scan vùng đầu cổ...

Khi chuẩn bị xạ trị, có hai mô hình để người bệnh chọn: xạ trị thường (máy cũ, bảo hiểm y tế trả toàn bộ), xạ trị kỹ thuật cao (máy xạ TrueBeam, giá dịch vụ, bảo hiểm y tế trả một phần nếu có giấy chuyển viện từ nơi mua bảo hiểm). Bệnh nhân nào cũng cố chạy vạy tiền để được xạ trị máy TrueBeam, ít bị tác dụng phụ. 

Vì bệnh nhân đăng ký xạ máy TrueBeam quá đông mà bệnh viện chỉ có hai máy nên họ chia lịch: xạ trong giờ và xạ ngoài giờ, giá khác nhau. Và được xạ trong giờ thường là người cao tuổi hoặc quen biết.

Biển thông báo xạ trị ngoài giờ

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY

Chụp lại hình ảnh,

Có khám ngoài giờ thì cũng có xạ trị ngoài giờ

Nếu chọn máy kỹ thuật cao, khi đi vẽ mô phỏng, họ phải đóng cọc tiếp 10 triệu đồng. Và khi đã được bác sĩ ra đơn xạ, họ phải đóng tiếp, ít thì gần 30 triệu đồng, nhiều thì gần 100 triệu đồng. Đến khi xuất viện, BV tính toán lại, nếu có bảo hiểm y tế thì bệnh viện sẽ trả lại tiền dư. Tuy xạ máy kỹ thuật cao, người thân của tôi cũng hai lần gặp “máy bị hư chưa sửa xong” và “bị cúp điện”, nên lịch xạ vì thế kéo dài hơn dự định.

Mua thuốc, ăn cơm từ thiện và tìm nơi ngủ

Ở TP.HCM chắc chả có cái bệnh viện nào kỳ lạ như Bệnh viện Ung bướu, nơi những đoàn người đi chữa bệnh cứ lũ lượt ra vào, mỗi người đều xách theo túi nhỏ túi lớn, có khi kéo vali. Vào chiều tối, có thể thấy bệnh nhân ngủ la liệt dọc theo hành lang, ghế đá, kể cả cầu thang bộ nối giữa hai khu cũ và mới.

Khu khám bảo hiểm y tế đông người chờ đã đành, khu khám dịch vụ cũng đông chả kém. Trước các khoa phòng, người ta đứng ngồi đủ kiểu, không có ghế thì đứng, hoặc ngồi bệt trên giấy, trên dép, trên những bậc cầu thang… Còn đoạn nối giữa hai cầu thang thường là chỗ ngồi hoặc chỗ nằm nghỉ lưng của ai đó.

Bệnh nhân biến cầu bộ hành bệnh viện thành nơi ở

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY

Chụp lại hình ảnh,

Cầu bộ hành trên cao nối khu mới và khu cũ của bệnh viện

Có vào đây nghe đọc tên tuổi bệnh nhân mới biết căn bệnh này không chừa ai cả: từ người già 3x-4x-5x, đến trung niên 6x-7x, đến gen Y, gen Z trẻ trung và có cả những đứa trẻ…gen Alpha - sinh sau năm 2010.

Trong thời gian chờ xạ trị, các bệnh nhân bị ung thư vùng đầu cổ thường mách bảo chỗ mua thuốc đặc trị nhập từ nước ngoài như gel bôi vùng da cổ để không bị lở loét và nám đen, có giá gần 1 triệu đồng; thuốc xịt khoang miệng tạo nước bọt nhân tạo giá trên 500 ngàn đồng/50ml; kem đánh răng bảo vệ răng giá 400 ngàn đồng/50ml.

Mỗi đầu tuần, bác sĩ khi khám lại chỉ kê toa nhận trong BV vài loại thuốc giảm đau, hạ sốt (rẻ tiền); còn các loại thuốc súc miệng, thuốc bôi da cổ, thuốc xịt hoặc gel bôi khoang miệng (đắt tiền) thì cho toa, bệnh nhân tự đi mua.

Suốt hai tháng chữa trị cho người thân, tôi nghe được nhiều câu chuyện buồn của bệnh nhân ung thư đến từ các tỉnh. Dân Sài Gòn bị ung thư thường hóa hay xạ trong ngày, chiều về nhà nghỉ ngơi, còn dân tỉnh phải chen chúc thuê giường với giá vài chục ngàn/ngày trong các nhà trọ quanh bệnh viện, nên để tiết kiệm tiền, họ thường canh giờ xếp hàng lấy cơm/cháo ….phân phát ba bữa một ngày của nhiều đoàn từ thiện.

Cùng xạ trị chung với người thân của tôi có một cụ 71 tuổi quê Tiền Giang, ung thư tuyến tiền liệt, ông chỉ mong mau xong lịch xạ 33 tia để về quê. Hai vợ chồng ông phải thuê phòng trọ vài mét vuông giá 120 ngàn một ngày nhưng chỗ tắm rửa vệ sinh phải chung đụng với 20 người khác. Ông nói mang theo 100 triệu đồng nhưng sau hai tháng vừa xét nghiệm, phẫu thuật và xạ trị ... số tiền đó đã bốc hơi gần hết.

Có hai chị em người Vĩnh Long thường đến khu xạ trị rất sớm. Người chị đi theo em gái bị ung thư tử cung để nấu ăn cho em đủ dinh dưỡng, kể cô ấy phụ dọn dẹp và phụ bếp cho một quán ăn nên được ở miễn phí, còn cô em phải đóng 30,000 đồng một ngày, phòng có 9 người. Cô em bị ung thư tử cung chữa 11 năm trước, nay tái phát lại mà bác sĩ tìm không ra khối u nên chỉ định Pet/CT giá gần 30 triệu đồng mới tìm được hạch ở vùng chậu. Phác đồ chữa trị cho cô gồm cả hóa và xạ, trọn gói 150 triệu đồng. Cô chị nhẩm tính tiền nhà trọ, tiền đi lại và ăn uống sau một tháng cũng đã hết gần 200 triệu đồng nên cô thường canh giờ đi nhận cơm/cháo từ thiện và bị dè bỉu vì trang phục tươm tất hơn những người khác.

Đợi lâu, chẩn đoán sai khiến được chữa thì đã muộn

Cảnh chờ đợi trước khu xạ

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh chờ đợi trước khu xạ

Mỗi ngày ở khu xạ trị đều có người mới vào, người cũ ra (kết thúc lịch xạ) và tôi nhớ mãi câu chuyện của một thanh niên miền Tây độ chừng 36 tuổi, ung thư amidan, giai đoạn bốn.

Anh đã hóa trị xong bốn toa và sang khoa xạ để xạ hơn 30 tia hồi giữa tháng 5/2021. Câu chuyện chữa trị của anh đúng nghĩa với câu “Phước chủ, may thầy”.

Năm 2019, cổ anh nổi hạch. Khi đến bệnh viện tỉnh khám, anh được chuyển vào khoa ung bướu và khi họ đề nghị làm sinh thiết thì anh đòi chuyển lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Anh phải chờ đợi lịch tiểu phẫu hạch ở nhà trọ mấy ngày, đến khi tới lượt thì hạch biến mất, Họ cho anh về với kết luận “hạch viêm”.

Đầu năm 2021, hạch quay trở lại làm mặt anh sưng lên. Bệnh viện Ung bướu kết luận anh “bị lao” và chuyển anh sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyên chữa lao và ung thư phổi. Ở đó họ kết luận anh bị ung thư, trả lại Bệnh viện Ung bướu. Kết quả là … ung thư amidan đã ở giai đoạn bốn - tức giai đoạn cuối.

Trong tháng 5/2022, một người quen của tôi đưa chú từ Bình Thuận vào chữa ung thư ở Bệnh viện Ung bướu. Cô ấy giận dữ kể: “Bệnh viện quái gì mà, cái gì xét nghiệm cũng đợi kết quả một tuần hay bốn ngày mới có, siêu âm thôi cũng ba ngày mới có kết quả. Có bảo hiểm khám thì đợi một tuần, chuyển qua dịch vụ khám liền trong ngày. Sau khi được thông báo mổ, bảo hiểm thì hai đến ba tuần mới mổ, dịch vụ thì một tuần mổ.

Từ nhẹ thành nặng, vì lý do ngồi cả ngày xe lăn, sưng phù, di căn vùng khác... Tờ giấy đi siêu âm thì từ sáng đến chiều mới cho, cho thì bảo năm ngày sau siêu âm, vì đông, đông thì lại không cho ra ngoài siêu...Kết quả là từ một cái hạch ở bàn chân, một bên chân của người chú đã bị cắt và xui xẻo là sau đó bị nhiễm trùng vết mổ, phải mổ lại lần hai.”

Còn về câu chuyện nhà tôi. Vâng, nhờ bỏ qua việc chờ mổ sau 100 người, nhờ quen biết và cũng không lo lắng về tiền, người thân của tôi đã hoàn thành việc xạ trị sau hai tháng đến Bệnh viện Ung bướu.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Song May, hiện sống tại TP Sài Gòn.

Tin liên quan
Bệnh viện VN

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY

Chụp lại hình ảnh,

Sự thật như thế này: ngủ ở cầu thang bệnh viện

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù