Dấu ấn trên tranh

 

Dấu triện và những con chữ Hán trên tranh mang nội hàm thông tin hữu ích, giúp các bạn yêu hội họa tiếp cận và nhận xét về tác phẩm một cách trọn vẹn hơn.

Có thể thấy dấu ấn triện trên tranh nhiều họa sĩ Việt đi kèm chữ ký bằng chữ abc là một dấu hiệu khá riêng biệt để người xem thoáng qua nhận biết ngay nguồn gốc tác giả.

Với đặc thù ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhiều họa sĩ Việt thời kỳ đầu dùng con dấu chữ Hán triện hoặc chữ Việt cách điệu theo thể thức triện để phụ thêm cạnh chữ ký tác giả trên góc tranh.


Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 1.


Bốn họa sĩ nổi danh - Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu - tuy đều học qua Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thành lập và giảng dạy, lại định cư hẳn ở trời Tây, nhưng tranh của họ đều đậm chất và nét Á Đông. Những dấu ấn triện trên tranh của họ góp phần lớn vào nét riêng ấy.


Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 2.

Lê Phổ (黎 譜) dùng ít con dấu. Danh chương (dấu tên riêng) thông thường và thấy nhiều là con dấu 4 chữ "黎 譜 預 畫" (Lê Phổ dự họa/Lê Phổ vẽ).

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 3.

Một quảng cáo về triển lãm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm tháng 12-1945 tại Pháp

Cùng nội dung này có hai con dấu, đều âm văn nhưng nhìn kỹ sẽ thấy một dấu có đường biên và một dấu không đường biên. Danh chương ít thấy là dấu 2 chữ Hán "黎 譜" (Lê Phổ) kèm dấu chữ quốc ngữ "Lê Phổ" (cách điệu theo lối triện vuông).

Kiểu thức này thấy được thể hiện (vẽ) trên bộ bình phong sơn mài Paysage Tonkinois (thuộc sở hữu Bảo tàng Singapore), với hai chữ "黎 譜" (Lê Phổ) thếp vàng và dấu vuông chữ quốc ngữ "LEPHO", dương văn, thếp vàng; và trên bức Khỏa thân (90x180cm, sơn dầu, 1931).

Cần lưu ý là dấu ấn chỉ đóng lên tranh giấy và lụa, còn đối với sơn mài và sơn dầu thì họa sĩ vẽ lại đường nét con dấu ưng ý lên tác phẩm của mình, nên thường thì đường nét dấu ấn trên các bức không giống hệt nhau.

Hình như Lê Phổ chỉ dùng nhàn chương "明 月 青 身" (Minh nguyệt thanh thân/Thanh khiết như ánh trăng), dấu vuông, dương văn, đơn biên, thấy trên bức Thiếu phụ với hoa sen, và ở đây có lẽ do tác giả sơ ý nên đã đóng dấu nằm ngang [xoay phải 90 độ sẽ đúng].

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 4.

Bức Thiếu phụ bên hoa sen của Lê Phổ, nhàn chương "Minh nguyệt thanh thân", dấu nằm ngang

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 5.
Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 6.

Mai Trung Thứ (枚 中 栨), tên họa sĩ này, trang  invaluable viết là "梅 忠 恕", tức là tên chữ Hán bị sai họ, sai chữ lót, sai tên. (*)

Dấu danh chương của Mai Trung Thứ chỉ 1 chữ "枚" (Mai), hình vuông, thể chữ triện, với hai dạng âm văn và dương văn.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 7.

Dấu danh chương đi liền với tên cố quốc cũng là điểm hiếm thấy trên dấu ấn các họa sĩ hải ngoại. Mai Thứ thỉnh thoảng đóng dấu "大 南 枚 栨" (Đại Nam Mai Thứ) lên tranh lụa. Một dấu hai chữ "M.T" cách điệu theo kiểu chữ Hán triện, vuông, dương văn, đơn biên.

Có thể thấy dấu ấn triện trên tranh nhiều họa sĩ Việt đi kèm chữ ký bằng chữ abc là một dấu hiệu khá riêng biệt để người xem thoáng qua nhận biết ngay nguồn gốc tác giả. 

Với đặc thù ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhiều họa sĩ Việt thời kỳ đầu dùng con dấu chữ Hán triện hoặc chữ Việt cách điệu theo thể thức triện để phụ thêm cạnh chữ ký tác giả trên góc tranh.

Bốn họa sĩ nổi danh - Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu - tuy đều học qua Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thành lập và giảng dạy, lại định cư hẳn ở trời Tây, nhưng tranh của họ đều đậm chất và nét Á Đông. Những dấu ấn triện trên tranh của họ góp phần lớn vào nét riêng ấy.  

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 8.
Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 9.

Vũ Cao Đàm (武 高 談) đặc biệt không có danh chương/dấu tên riêng, chỉ thường ký tên 3 chữ Hán "武 高 談" theo hàng dọc kèm với chữ ký quốc ngữ "vu cao dam".

Vài bức thấy đóng dấu hiệu chương "南 兒 童 印" (Nam Nhi Đồng ấn/Ấn của nhi đồng nước Nam), vuông, dương văn, đơn biên. Trên nhiều bức đóng thêm dấu nhàn chương 4 chữ "放大光明" (Phóng đại quang minh) hoặc "道 經 師 寳" (Đạo Kinh Sư bảo), hoặc dấu 3 chữ "倚 雲 印" (Ỷ Vân ấn).

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 10.

Dấu “Nam Nhi Đồng ấn”.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 11.

Về ý nghĩa, dấu "Nam Nhi Đồng ấn" có vẻ là tên hiệu, và "Ỷ Vân ấn" (dấu vuông, dương văn, đơn biên, 3 chữ "倚 雲 印" được bố cục hai hàng dọc, bên phải trên dưới là "Ỷ Vân", bên trái là chữ "ấn") có thể là biệt hiệu hoặc tên đặt cho nơi ở, Ỷ Vân có nghĩa là "dựa mây".

Các dấu nhàn chương của Vũ Cao Đàm đều có vẻ khó hiểu, bởi nó không mang nội dung mà giới văn nhân thường dùng mà lại đượm màu sắc tôn giáo, như "Phóng đại quang minh" (Tỏa ánh sáng chói lọi) thuộc chữ nhà Phật, trong kinh Du già.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 12.

Dấu “倚 雲 印” (Ỷ Vân ấn)

Còn "Đạo Kinh Sư bảo" tức tam bảo trong quan niệm Đạo gia, cũng giống như Phật - Pháp - Tăng bên Phật gia, chỉ 3 ngôi quý, ấn này được sử dụng phổ biến trong Đạo gia, dùng như bùa hộ mệnh trấn an.

Trên tranh Vũ Cao Đàm, nhiều bức đóng dấu "Phóng đại quang minh" và một số ít đóng dấu "Đạo Kinh Sư bảo", không hiểu vì sao họa sĩ lúc đóng dấu Phật gia lúc lại sử dụng ấn Đạo gia. Có thể đặt giả thiết rằng đây là những con dấu được họa sĩ mua từ chợ đồ cổ, không phải loại dấu có chủ ý chế tác.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 13.
Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 14.

Lê Thị Lựu (黎 氏 榴) dùng danh chương  1 chữ "榴" (Lựu), âm văn hoặc dương văn, vô biên, trong khung chữ nhựt đứng hoặc vuông hoặc oval.

Có bức thấy đóng dấu 3 chữ "黎 氏 榴" (Lê Thị Lựu) trong khung thuôn dài đứng.

Nhìn chung, trong tứ gia thì trên tranh Lê Thị Lựu ít dấu triện hơn cả. Tuy nhiên, họa sĩ này lại vướng một vụ sơ suất chữ nghĩa đáng tiếc.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 15.

Viết sai chữ trên tranh “人不學不之道” (Nhân bất học bất chi đạo), chữ “之” (chi/là) trong câu này sai, đúng ra phải là chữ “ 知” (tri/biết)

Số là, trong số tranh Lê Thị Lựu do người thân tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM, có một bức bị viết sai chữ Hán trên tranh. Bức Chị dạy em viết chữ Nho (lụa, 33x24cm, 1946) vẽ cảnh người chị đang nhìn đứa trẻ viết chữ, trên tập giấy trắng có hàng chữ vừa viết xong "人 不 學 不 之 道" (Nhân bất học bất chi đạo), chữ "之" (chi/là) trong câu này sai, đúng phải là chữ "知" (tri/biết).

Những dấu ấn của 4 hoạ sĩ được nói đến trên đây có thể chưa đầy đủ, nhưng số điểm qua là những dấu ấn thường thấy trên tranh. Cảm nhận vẻ đẹp ở từng tác phẩm có thể là sự rung cảm rất riêng tư của người xem tranh, tuy nhiên con dấu và chữ viết trên tranh lại thuộc góc độ có thể đo lường được.

Thí dụ như việc đóng một dấu triện thiếu cân nhắc có thể phá hư bố cục tác phẩm; như bức bên dưới đây, khổ tranh nhỏ mà con dấu to đùng, màu son của dấu lại chỏi với tổng thể, nên cho dù là thánh họa với dấu "Phóng đại quang minh" thì tranh vẫn dở.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 16.

Bức Chân dung một phụ nữ trẻ, Vũ Cao Đàm, mực và bột màu trên lụa, 25x19,5 cm. (artnet.com)

Dấu triện và những con chữ Hán có thể sẽ cản trở người xem phần nào, nên trước mắt, bài viết này không nói đến việc phân biệt con dấu thiệt giả mà chỉ nhắm đến nội hàm mà những dấu ấn mang chứa, coi như là những thông tin giúp các bạn yêu hội họa tiếp cận và nhận xét về tác phẩm một cách trọn vẹn hơn.

Như một bữa đẹp trời nào đó, đi coi tranh hay đi đấu giá, thấy bức vẽ mấy em khỏa thân lồng lộng mà góc tranh có dấu "Đạo Kinh Sư bảo" thì sẽ ngộ ra rằng độ độc lạ đã lên đến tuyệt đỉnh vậy.

Dấu ấn trên tranh tứ họa gia hải ngoại - Ảnh 17.

(*) Nguồn: https://www.invaluable.com/auction-lot/mai-thu-trung-thu-mai-1906-1980-1139)


 
PHẠM HOÀNG QUÂN
 
NGỌC THÀNH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù