Nancy Pelosi rỡn mặt Tập Cận Bình

Saturday, July 30, 2022 9:58 AM //  ,  , 

Ngô Nhân Dụng 

Theo blog VOA 


Chủ tịch Tập Cận Bình mới nói thẳng với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại rằng không nên "đùa với lửa" khi nhắc tới vấn đề Đài Loan. Liệu bà Nancy Pelosi có đi thăm Đài Loan không? 

Bắc Kinh dọa Mỹ không nên đùa rỡn với lửa; nhưng Bà Nancy Pelosi đang đùa rỡn với ông Tập Cận Bình.


Bà Nancy Pelosi bắt đầu chuyến công du miền Đông Á châu ngày Thứ Sáu 29 tháng 7; dẫn một phái đoàn dân biểu Mỹ đi thăm Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia và Singapore, theo tin CNN. Bà nêu lý do về an ninh, từ chối không nói sẽ ghé thăm Đài Loan hay không.


Chủ tịch Tập Cận Bình mới nói thẳng với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại, khi nhắc tới vấn đề Đài Loan, rằng không nên “đùa với lửa.” Cơ quan thông tấn của Bắc Kinh cảnh cáo: “Ai đùa rỡn với lửa sẽ bị bỏng tay… chúng ta hy vọng nước Mỹ thấy rõ như vậy.” Nhưng bà Pelosi vẫn rỡn với Tập Cận Bình!


Bà Pelosi đã có chương trình đi từ tháng Tư, phải hoãn lại vì bị nhiễm bệnh Covid. Từ đó Bà khôn ngoan giữ kín ý định đi Đài Loan, chờ cơ hội thuận tiện mới công bố để Bắc Kinh khỏi phản đối ồn ào. Tổng thống Joe Biden vô tình tiết lộ hết các bí mật.


Trong khi mọi người chỉ mới nghe tin đồn đại, chưa thấy bà Nancy nói gì, thì ông tổng thống đã nói ra hết. Ngày 20 tháng Bảy, một phóng viên hỏi về chuyện bà Pelosi có đi Đài Loan không, ông Joe Biden trả lời: “Giới quân sự nghĩ rằng đi ngay bây giờ thì không tốt.”


Một câu nói thực thà chất phác, cho thấy ba điều. Bà Pelosi sắp đi. Bà tính đi bằng máy bay nhà binh. Và chính phủ Mỹ biết Bắc Kinh đang bất bình.


Ông Tập Cận Bình phải lên tiếng ngay vì chính ông Joe Biden nói về chuyến đi, dù chưa chính thức. Mỗi câu do một ông tổng thống Mỹ nói ra thường đều nặng ký, không thể bịt tai lờ đi như không nghe thấy được! Ông Joe Biden có vẻ không biết, hay không quan tâm, tới điều này.


Chuyện bé xé ra to. Tập Cận Bình không thể ngậm miệng, im lặng trước cảnh phi cơ quân sự Mỹ sẽ hộ tống rầm rộ bà Pelosi bay đến phi trường Đài Bắc! Ngày 26 tháng Bảy, Bắc Kinh lên tiếng, yêu cầu bà Pelosi ngưng, không đến Đài Loan.


Hôm sau, nhật báo The Washington Post, trong bài Quan Điểm, nhận xét: “Bây giờ, nước Mỹ đứng trước một thế lưỡng nan.” Bà Pelosi đi chuyến này chắc sẽ đến thăm nhiều quốc gia vùng Á Đông. Ngăn không cho bà ấy ghé Đài Loan tức là chịu thua Bắc Kinh. Ngược lại, nếu cứ để yên cho bà ấy tới Đài Loan thì một cuộc chạm trán giữa không lực Mỹ và Trung Cộng có thể diễn ra! Tờ báo nhắn ông Biden một bài học: Chuyện gì trên đời này, nhất là chuyện chính trị, ngoại giao, cũng phải chờ đúng lúc, đúng chỗ.


Tại sao ông Tập Cận Bình phải ồn ào ngăn cản?


Thứ nhất Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan vẫn là một tỉnh của Trung Quốc, theo chủ trương “Chỉ có một nước Trung Hoa.” Chính phủ Đài Bắc, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, cũng theo quan điểm đó, từ năm 1949 tới nay. Sau khi rút quân ra cố thủ trên hòn đảo, cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch vẫn coi mình chịu trách nhiệm cai trị cả nước Trung Hoa; mỗi năm ông vẫn hô hào chuẩn bị “quang phục lục địa.” Chính phủ Mỹ, từ thời các tổng thống Carter và Reagan, vẫn đi dây, công nhận thuyết “Một nước Trung Hoa” trong khi giao hảo với cả hai.


Địa vị của Bà Nancy Pelosi khiến chuyến đi Đài Loan này quan trọng hơn tất cả các vị bộ trưởng, dân biểu hoặc nghị sĩ đã tới đó. Theo hiến pháp Mỹ chủ tịch Hạ viện có thể lên nhậm chức tổng thống Mỹ nếu ông tổng thống và bà phó tổng thống đều qua đời hay bị mất chức; bà Pelosi chỉ đứng sau ông Biden và bà Kamala Harris.


Vì thế Bắc Kinh phải phản đối. Khi ông Newt Gingrich, chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến 1999, ghé thăm Đài Loan, gặp Tổng thống Lý Đăng Huy vào năm 1997, họ không phản ứng giống như bây giờ. Bởi vì trước đó mấy ngày, ông Gingrich đã tới thăm Bắc Kinh. Ở đó, ông đã nói với ông Giang Trạch Dân rằng nếu Trung Cộng đánh Đài Loan thì Mỹ sẽ can thiệp. Và được nghe câu trả lời khéo léo: “Chúng tôi không tính đánh, các ông sẽ không can thiệp!” Thực tình, lúc đó không lực Trung Cộng còn yếu quá, không đủ sức chặn đường máy bay quân sự Mỹ!


Nhưng 25 năm sau, tình hình đã khác. Trung Cộng đã chế tạo được phi cơ chiến đấu tối tân, hỏa tiễn tinh khôn, hàng không mẫu hạm, và phóng nhiều vệ tinh nhân tạo đóng vai gián điệp.


Tập Cận Bình khó ngồi yên không lên tiếng. Uy thế của ông đang suy giảm vì chính sách chống Covid quá cứng nhắc khiến kinh tế xuống thấp và lòng dân bất mãn. Tập Cận Bình đang mong dân chúng quên những nỗi bực mình đó. Lên tiếng đả kích Mỹ và Đài Loan là cách dễ dàng nhất. Dân lục địa đã thấy nhiều viên chức và phái đoàn đại biểu quốc hội Mỹ tới thăm Đài Bắc. Các chính phủ Mỹ, từ Trump đến Biden, tỏ ra thân thiết, bán nhiều vũ khí mới cho Đài Loan hơn trước. Ông càng phải giữ thể diện vì trong tháng Tám, Trung Ương Đảng sẽ họp để xác định chương trình Đại hội Đảng vào tháng 11, chuẩn bị suy tôn ông ngồi vững trên ngôi cửu ngũ.


Bây giờ bà Nancy Pelosi cứ đi, không khác gì trực tiếp khiêu khích Tập Cận Bình.


Một vấn đề đặt ra cho chính phủ Mỹ là ai quyết định chính sách ngoại giao? Hành pháp hay lập pháp? Nếu hai bên bất đồng ý kiến thì ai làm trọng tài quyết định? Hiện chưa có ai trả lời, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì hành pháp có quyền ưu tiên, vì chính họ phải lo đối phó với các hậu quả. Nhưng trong vụ bà Pelosi đi Đài Loan, ông Biden không thể nào ngăn cản, vì sẽ bị coi là quá yếu đuối trước áp lực của Trung Cộng. Ông có thể vuốt ve Tập Cận Bình bằng cách giảm bớt thuế quan trên số hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Những món thuế đó Tổng thống Trump đặt ra nhằm giảm bớt khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng không có hiệu quả. Cán cân thương mại Mỹ vẫn tiếp tục khiếm hụt với các nước khác, trong khi ngoại thương Trung Cộng vẫn thặng dư; còn người tiêu thụ ở Mỹ phải trả giá đắt hơn vì thuế nhập cảng. Giảm bớt thuế đánh trên hàng Trung Quốc, ông Biden còn nêu được lý do chính đáng là ngăn ngừa lạm phát.


Ông Biden có thể giúp cục diện bớt căng thẳng. Nếu chính phủ Mỹ cho hàng không mẫu hạm tiến vào eo biển Đài Loan để hộ tống bà Pelosi thì Trung Cộng sẽ thấy mình bị khiêu khích. Nếu hạm đội Mỹ vẫn tránh xa vùng này thì sẽ chứng tỏ một thiện chí hòa dịu.


Những lần trước, khi các phái đoàn quốc hội Mỹ thăm Đài Loan, họ đều dùng máy bay quân sự. Các giới chức Mỹ, từ Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley, Đô đốc John C. Aquilino, phụ trách vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đều đã thuyết trình với bà Pelosi về các vấn đề an ninh. Ông Biden có thể ra lệnh họ kiềm chế, giữ hải quân Mỹ bất động trong mấy ngày sắp tới, để ông Tập Cận Bình khỏi mất mặt.


Chính phủ Đài Loan là nạn nhân của những rắc rối mới xuất hiện. Họ phải lo bảo vệ không phận khi các chiến đấu cơ Trung Cộng bay qua đe dọa. Nếu máy bay Trung Cộng bay lên ngăn cản không cho máy bay Mỹ chở bà Pelosi đáp xuống, thì không lực Trung Hoa Dân Quốc phải cất cánh chống cự. Nhưng nếu Trung Cộng chỉ cho không quân cất cánh, theo sát các máy bay Mỹ hộ tống bà Pelosi, để biểu diễn nỗi giận của ông Tập Cận Bình mà không ngăn cản, thì Đài Loan sẽ không cần phản ứng.


Không riêng gì Đài Loan, các nước trong vùng Á Đông đang bị vạ lây. Họ không mong gì hơn là Mỹ và Trung Cộng giải quyết mọi chuyện trong hòa bình. Nếu hai bên xung đột họ sẽ phải chọn đứng về phía Mỹ, gây rắc rối lâu dài với Trung Cộng. Chính phủ Mỹ không thể bỏ quên các nước đồng minh của Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Malaysia, trong lúc đang cần đoàn kết cùng ngăn ngừa Trung Cộng!


Bắc Kinh dọa Mỹ không nên đùa rỡn với lửa; nhưng Bà Nancy Pelosi đang đùa rỡn với ông Tập Cận Bình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?