Chúng ta dễ dãi trong việc chọn bạn đời hơn mình tưởng
- Bryan Lufkin
- BBC Worklife
Tìm kiếm bạn đời được coi là cột mốc quan trọng - một lựa chọn đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận.
Chúng ta muốn người ấy có các kế hoạch dài hạn phù hợp với mình: người khiến ta cảm thấy bị hấp dẫn, người mà ta có thể thoải mái chia sẻ mái ấm, tài chính, và có thể là cả con cái nữa. Rốt cuộc thì đó chính là bạn đời của ta, và theo lẽ tự nhiên thì đó là người mà ta quyết định là sẽ yêu thương săn sóc cả đời.
Xu hướng 'xin con' từ bạn bè, người quen
Thế nhưng hoá ra là chúng ta ít kén cá chọn canh trong việc tìm bạn đời hơn ta nghĩ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có những định kiến ngầm khiến ta dễ trao cơ hội cho người khác ngay cả khi người đó không hẳn đã đáp ứng được những tiêu chuẩn ta đặt ra. Và khi chọn bạn đời, mọi người thường có tâm lý níu kéo, tức là muốn duy trì mối quan hệ hơn là chấm dứt nó.
Nói cách khác, theo các nhà tâm lý học, con người ta có xu hướng đi tìm một mối quan hệ tình cảm bất chấp chuyện thời nay giới trẻ tránh né hôn nhân, hướng đến việc sống độc thân một cách có tính toán.
Tuy nhiên, ngay cả khi bản năng tiến hóa kết hợp với áp lực xã hội khiến chúng ta hướng đến cuộc sống có đôi, thì việc nhận thức được khuynh hướng níu kéo sẽ giúp ta hiểu tại sao ta lại lựa chọn bạn đời theo cách ta đã chọn - và tại sao ta gắn bó bên người đó.
Chúng ta thường cho rằng việc hẹn hò là cả một quá trình cần đầu tư nhiều công sức; một nghiên cứu vào năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng 75% người Mỹ mô tả việc tìm đối tượng để hẹn hò là điều 'khó khăn'.
Những người trẻ tuổi cũng cần nhiều thời gian hơn để ổn định chuyện tình cảm; tương tự như việc ưu tiên cho ổn định tài chính, họ cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu đối phương trước khi kết hôn, so với các nhóm tuổi khác.
Nhưng Samantha Joel, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Wester, Canada, và Geoff MacDonald, giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto, cho rằng mọi người không hẳn là kỹ lưỡng trong việc lựa chọn bạn đời như họ vẫn tưởng.
Vào tháng 7/2020, hai người công bố nghiên cứu mang tính rà soát đối với những nội dung tóm tắt về các cách mà khuynh hướng muốn níu kéo khiến mọi người khởi đầu rồi duy trì các mối quan hệ không hoàn toàn theo ý mình.
Các kết quả này có hai mặt: thứ nhất, có những bằng chứng đáng kể từ các nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng mọi người ít kén chọn hơn trong việc lựa chọn đối tượng hẹn hò so với những gì họ tưởng.
Chúng ta không nhận ra là bản thân mình dễ bị thu hút bởi nhiều đối tượng khác nhau hơn mình nghĩ; và chúng ta sẵn sàng 'hạ chuẩn' cũng như bỏ qua khuyết điểm của đối tượng tiềm năng; và chúng ta nhanh chóng trở nên gắn bó với những đối tượng đó dù họ không nhất thiết là người bạn đời lý tưởng.
Ví dụ, trong một thử nghiệm mà Joel và MacDonald từng tiến hành, họ nhận thấy khi được hỏi về một tình huống giả định, phần lớn các sinh viên đại học cho biết họ sẽ từ chối các đối tượng hẹn hò tiềm năng nếu những người này không hấp dẫn, hoặc có tính cách nhất định mà người tham gia thử nghiệm cho là 'vấn đề lớn'.
Nhưng số liệu này giảm đi nhanh chóng khi sự mai mối này chuyển thành tình huống thực tế thay vì giả định - cho thấy các sinh viên ít kén chọn hơn họ tự nhận, và họ đánh giá quá cao việc sẵn sàng từ chối người khác.
Điều thứ hai có thể rút ra từ bài nghiên cứu của Joel và MacDonald, đó là tương tự như việc không quá khắt khe trong chuyện hẹn hò như mọi người vẫn tưởng, con người ta có xu hướng duy trì, thúc đẩy mối quan hệ thay vì chấm dứt nó.
Giới học thuật chỉ ra nhiều nghiên cứu cho thấy khi cả hai gắn bó càng lâu thì việc chấm dứt mối quan hệ càng gây tổn thương nhiều hơn; việc càng gắn kết càng sâu thông qua các yếu tố như hôn nhân, tài chính thì việc chấm dứt càng khó chấp nhận hơn; và các cặp đôi đã kết hôn được hưởng nhiều lợi ích về mặt văn hóa (ví dụ như dễ tìm thuê nhà hơn) hơn so với những cá nhân khác.
Khuynh hướng níu kéo, như Joel giải thích, thì tương tự với xu hướng tâm lý con người vẫn thể hiện trong các phạm vi phi quan hệ khác: phép ngụy biện chi phí chìm 'đâm lao thì phải theo lao' (không muốn từ bỏ một thứ gì đó đi vì đã lỡ đầu tư nhiều vào nó); khuynh hướng níu kéo (lựa chọn duy trì tình trạng hiện tại thay vì dứt khoát chấm dứt nó); và chấp nhận mức độ vừa phải thay vì đòi hỏi mức hoàn hảo (hài lòng với "vậy là đủ" thay vì cố gắng đạt được kết quả tối ưu). Và khuynh hướng lựa chọn bạn đời này nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố: tiến hóa và tập quán.
Hàng triệu năm trước, việc quá kén chọn có thể sẽ khiến tổ tiên chúng ta khó tìm được bạn đời hơn. Và việc gắn bó lâu dài với bạn đời đem lại lợi ích tiến hóa: điều này có nghĩa là trẻ con sẽ có đủ cả cha lẫn mẹ thay vì chỉ một trong hai, giúp tăng khả năng sống sót của thế hệ sau.
Hành vi này theo chúng ta đến tận ngày nay, Alec Beall, nghiên cứu sinh hậu tiến sỹ tại Đại học British Columbia, nghiên cứu về tiến hóa và tâm lý học trong hẹn hò, nói.
"Kể cả khi một số lợi ích lâu dài của các mối quan hệ tình cảm không còn quá quan trọng so với thời tiền sử, áp lực phải lựa chọn vẫn để lại tác động lên hành vi con người hiện đại," Beall nói.
Ngoài ra còn có yếu tố về văn hóa. "Văn hóa phương Tây coi trọng hôn nhân như hình thức quan trọng nhất của một mối quan hệ tình cảm, với việc kết hôn được coi như là thành tựu cá nhân và là dấu hiệu về sự trưởng thành," Joel giải thích.
"Việc kết hôn đồng nghĩa với việc đạt được vị thế mới trong xã hội, và điều đó khuyến khích mọi người ổn định chuyện tình cảm bất kể đối tượng kết hôn là ai hay chất lượng của mối quan hệ đó ra sao."
Các hình mẫu bạn đời cũng đóng vai trò trong việc hình thành hành vi con người: một khảo sát do YouGov thực hiện trên 15.000 người Mỹ vào năm 2021 cho thấy 60% người trưởng thành tin vào bạn tâm giao.
Lối suy nghĩ theo kiểu cổ tích này có thể rất nguy hiểm; Joel cho biết các nhà nghiên cứu gọi kiểu suy nghĩ này là "tin vào định mệnh", và đây có thể là lý do tại sao nhiều người có khuynh hướng níu kéo. "Không quá khó để thuyết phục bản thân rằng người mà mình đang hẹn hò, trên thực tế, là bạn tâm giao," Joel nói.
Tìm kiếm sự cân bằng?
Con người có khuynh hướng bẩm sinh là kiên trì với các mối quan hệ có thể đem lại lợi ích, bởi như thế có nghĩa là gắn bó với một người bạn đời để cùng nhau đối phó bất kỳ vấn đề gì.
"Theo thời gian, bạn bắt đầu xây dựng lịch sử mối quan hệ đó, bao gồm những việc cặp đôi đã trải qua cùng nhau, đặc biệt là những khó khăn mà cả hai đã vượt qua," Robert Levenson, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Berkeley và nghiên cứu về các mối quan hệ lâu dài, nói.
Điều đó có nghĩa là "luôn suy nghĩ tích cực, và giữ mình ở lại trong mối quan hệ kể cả khi mọi việc trở nên không suôn sẻ".
Việc không nhận thức được sự hiện diện của khuynh hướng níu kéo có thể khiến nhiều người đi sai lối, khiến họ gắn bó với cả những đối tượng hoàn toàn không phù hợp. "Khía cạnh tiêu cực là đôi khi chúng ta cố duy trì mối quan hệ mà đáng ra nên chấm dứt thì hơn," Levenson nói.
Chúng ta cũng đang sống trong kỷ nguyên của vô tận những sự lựa chọn.
"Mặc dù con người đã phát triển khuynh hướng níu kéo để áp chế sự kén chọn trong quá khứ tiến hóa của mình, nhưng điều đó không có nghĩa ta phải tuân thủ sự nhất thời của khuynh hướng này trong thời đại mà phần lớn chúng ta có thể gặp gỡ hơn 500 người trong suốt cuộc đời," Beall nói.
"Điều quan trọng là tìm kiếm sự cân bằng. Đừng sẵn lòng gắn kết với bất kỳ ai, nhưng cũng không nên dành cả đời để chờ đợi một người hoàn hảo đáp ứng mọi tiêu chuẩn của bạn - xét về mặt tiến hóa, người như vậy nhiều khả năng không tồn tại," ông nói.
Xét cho cùng, bất kể bạn kén chọn đến đâu, việc đó cũng không quan trọng bằng việc thường xuyên xem xét lại mối quan hệ của mình, theo các chuyên gia. Nếu bạn không hạnh phúc nhưng chưa sẵn sàng thay đổi, bạn nên biết là mình đang trở thành nạn nhân của khuynh hướng níu kéo.
"Chúng tôi nhận thấy chỉ dấu tốt nhất cho chất lượng của mối quan hệ đó là việc mọi người cảm thấy thế nào về các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ," Joel nói.
Vấn đề không phải là người bạn đời mà bạn chọn, mà là mối liên kết với người bạn đời đó.
"Có thể việc mãi tìm kiếm bạn đời hoàn hảo trên lý thuyết không phải là ý hay. Nhưng một khi đã hẹn hò với ai đó, sẽ là hữu ích khi ta chú ý đến các dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đó là một mối quan hệ lành mạnh, mang tính hỗ trợ."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.
Nhận xét
Đăng nhận xét