Nord Stream: Ukraine cáo buộc Nga tấn công khủng bố đường ống dẫn khí đốt
Merlyn Thomas và Robert Plummer
BBC News
Ukraine đã cáo buộc Nga gây rò rỉ tại hai đường ống dẫn khí đốt quan trọng đến châu Âu và mô tả đây là "một vụ tấn công khủng bố".
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak nói việc phá hoại Nord Stream 1 và 2 là "hành động hung hãn" nhằm vào EU.
Ông cho biết thêm Nga muốn tạo sự hoảng loạn trước mùa đông và kêu gọi EU tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Các nhà địa chấn học đã ghi nhận các vụ nổ dưới nước trước khi các vụ rò rỉ xuất hiện.
"Không còn nghi ngờ gì nữa đó là các vụ nổ," truyền thông địa phương dẫn lời ông Bjorn Lund từ Trung tâm Địa chấn Quốc gia Thụy Điển.
Cơ quan điều hành đường ống dẫn Nord Stream 2 cũng cảnh báo về việc mất áp suất trong đường ống vào chiều thứ Hai 26/09. Điều này dẫn đến lời cảnh báo từ giới chức Đan Mạch cho biết tàu thuyền nên tránh xa khỏi khu vực gần đảo Bornholm.
Cơ quan điều hành đường ống dẫn Nord Steam 1 cũng cho biết các đường dưới biển cũng cùng lúc chịu hư hại "chưa từng có" trong một ngày.
Tư lệnh Phòng vệ Đan Mạch cũng cung cấp hình ảnh vụ rò rỉ cho thấy bọt biển nổi trên bề mặt biển Baltic gần đảo Bornholm.
Phần nhiễu động lớn nhất trên biển có đường kính 1 km, cơ quan này cho biết.
"Khí đốt rò rỉ từ NS-1 [Nord Stream 1] không gì khác hơn là một cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và là một hành động hung hãn nhằm vào EU.
Nga muốn gây bất ổn tình hình kinh tế tại châu Âu và gây nên sự hoảng loạn trước mùa đông," Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak viết trong dòng tweet bằng Tiếng Anh.
Ông cũng kêu gọi các đối tác châu Âu, đặc biệt là Đức tăng cường sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
"Phản ứng tốt nhất và sự đầu tư an ninh là xe tăng cho Ukraine. Đặc biệt là xe tăng Đức," ông nói.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đưa ra ý là các đường ống dẫn khí đốt đã bị cố ý gây hư hại.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho đây là sự phá hoại và cho biết có thể có liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói vẫn còn quá sớm để kết luận, nhưng cũng khó tưởng tượng là các vụ rò rỉ liên tiếp lại có thể là sự trùng hợp.
Cùng lúc đó, các thông tin chưa xác nhận trên truyền thông Đức cho biết giới chức không loại trừ khả năng một vụ tấn công mạng lưới khí đốt dưới biển.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói ông "cực kỳ quan ngại" về vụ việc, và không thể loại trừ khả năng có một cuộc tấn công cố ý.
EU trước đó cũng cáo buộc Nga lợi dụng việc giảm lượng cung cấp khí đốt là một vũ khí kinh tế, để đáp trả các lệnh trừng phạt từ châu Âu áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ điều này, cho biết các lệnh trừng phạt khiến việc duy trì cơ sở hạ tầng khí đốt đúng cách trở nên không khả thi.
Bất kỳ điều gì là nguyên nhân thì lượng khí đốt cung cấp đến châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng, vì không có đường ống nào đang hoạt động.
Dự án Nord Stream 1 - bao gồm hai nhánh song song - đã không vận chuyển khí đốt kể từ tháng 8 khi Nga đóng đường ống này để bảo trì.
Đường ống này trải dài 1.2000 km dưới biển Baltic từ vùng duyên hải Nga gần thành phố St Petersburg đến đông bắc Đức. Dự án đường ống Nord Stream 2 cũng bị dừng sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Mặc dù không hoạt động thế nhưng cả hai đường ống vẫn còn chứa khí đốt.
Nhà chức trách từ Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đang điều tra vụ việc.
Cơ quan năng lược Đan Mạch nói với Reuters rằng vụ rò rỉ có thể diễn ra trong vài ngày và có lẽ thậm chí là một tuần.
Công ty quản lý đường ống - Nord Stream AG - nói không thể ước tính khi nào hạ tầng của hệ thống được phục hồi.
Giá năng lượng đã tăng vọt kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine và lượng cung thiếu hụt có thể đẩy giá cả còn tăng cao hơn.
Cũng có mối lo sợ ngày càng gia tăng về việc các gia đình tại EU sẽ không thể trang trải chi phí sưởi ấm trong mùa đông này.
Ba Lan đang đi đầu nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào Nga, vốn từng là quốc gia cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, bằng việc khai trương một dự án đường ống dẫn khí đốt mới.
Đường ống Baltic sẽ là một đường dẫn mới khí đốt của Na Uy sang châu Âu, sẽ cho phép các quốc gia phía nam Ba Lan, bao gồm Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp cận.
Nhận xét
Đăng nhận xét