'Tôi sau 5, 10 năm hay lâu hơn nữa sẽ thế nào?'

 

  • David Robson
  • BBC Worklife
Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Hãy bỏ chút thời gian hình dung bản thân trong 10 năm tới.

Tùy vào tuổi tác mà bạn có thể có thêm vài sợi tóc bạc, nếp nhăn, và bạn cũng có thể hy vọng tình hình tiền bạc của mình sẽ có thay đổi nào đó.

Nhưng về cơ bản, hình ảnh mà bạn tưởng tượng ra có rất gần với con người bạn hôm nay không? Hay là bạn như nhìn thấy một người xa lạ?

Thiền định chánh niệm có thể khiến con người xấu tính đi?

Theo vô vàn nghiên cứu tâm lý từ thập kỷ qua, phản ứng của mọi người thường là rất khác nhau - và câu trả lời của họ tiết lộ những điều đáng ngạc nhiên về xu hướng hành vi.

Một số người có cảm giác sống động về bản thân họ trong tương lai, rất gần với bản sắc hiện tại của họ. Những người này có xu hướng tiêu tiền có trách nhiệm hơn và đối xử với người khác đạo đức hơn; Họ sẽ hăm hở hành động sao cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn trong những năm tới.

Nhiều người rất chật vật trong việc hình dung bản thân họ trong tương lai; những người này có vẻ lơ là trách nhiệm hơn nhiều trong hành vi của mình. Gần như thể họ coi bản thân họ trong tương lai là một người khác, không dính dáng gì đến họ của hiện tại - và kết quả là, họ ít lo lắng về hậu quả lâu dài của hành động họ.

Bạn hầu như có thể nghĩ về bản thân mình trong tương lai như một mối quan hệ cần được nuôi dưỡng và vun đắp.

May mắn thay, có một số chiến lược đơn giản để tăng cường sự thấu cảm và lòng trắc ẩn đối với con người tương lai của bạn - đem lại tác động sâu sắc cho sức khỏe, hạnh phúc và an ninh tài chính của bạn.

Nguồn gốc triết học

Cảm hứng cho nghiên cứu tâm lý gần đây về bản thân mình trong tương lai có thể tìm thấy trong tác phẩm của các triết gia như Joseph Butler vào thế kỷ 18.

"Nếu con người hôm nay và bản thân người đó của ngày mai không giống nhau mà chỉ giống con người chung chung, thì con người hôm nay thực sự sẽ không quan tâm đến những gì sẽ xảy ra với con người của ngày mai hơn so với những gì sẽ xảy ra với bất kỳ ai khác," Butler viết vào năm 1736.

Lý thuyết này sau đó đã được mở rộng và cổ súy bởi triết gia Anh Derek Parfit, người có công trình đã thu hút sự chú ý của nhà nghiên cứu trẻ tên là Hal Hershfield.

"Đó là ý tưởng hết sức lôi cuốn," Hershfield, phó giáo sư tiếp thị, quyết định hành vi và tâm lý học tại Đại học California, Los Angeles, nói. Ông cho rằng sự mất kết nối với bản thân trong tương lai có thể giải thích nhiều yếu tố phi lý trong hành vi con người - gồm cả việc bất đắc dĩ phải tiết kiệm, dành dụm cho lúc nghỉ hưu.

Để tìm hiểu, Hershfield trước tiên tìm cách đo lường "sự tiếp nối trong tương lai" của ai đó.

Ông vẽ ra đồ họa đơn giản thể hiện các cặp vòng tròn đại diện cho bản thân hiện tại và bản thân trong tương lai.

Hal Hershfield, published in Judgement and Decision Making, 2009

NGUỒN HÌNH ẢNH,HAL HERSHFIELD, PUBLISHED IN JUDGEMENT AND DECISIO

Chụp lại hình ảnh,

Sơ đồ của Hershfield về các cặp vòng tròn thể hiện một cá nhân ở thời hiện tại và chính cá nhân đó trong tương lai: Current Self - con người hiện tại, Future Self - con người tương lai

Các vòng tròn này chồng lên nhau ở các mức độ khác nhau và người tham gia phải xác định cặp vòng tròn nào mô tả tốt nhất về mức độ họ cảm thấy gần gũi và kết nối với bản thân trong tương lai 10 năm.

Sau đó, ông so sánh câu trả lời trước các kế hoạch tài chính khác nhau.

Trong một thí nghiệm, người tham gia được đưa ra các tình huống khác nhau, theo đó họ có thể được nhận tiền sớm nhưng ít, hoặc nhận tiền muộn nhưng được nhiều hơn. Đúng như dự đoán, những người cảm thấy mình liên hệ nhiều hơn với tương lai sẵn sàng trì hoãn sự thỏa mãn để chờ đợi số tiền lớn hơn.

Để kiểm tra liệu xu hướng kế hoạch tài chính lành mạnh này có tương ứng với hành vi thực tế hay không, kế tiếp Hershfield nhìn vào số tiền tiết kiệm thực tế của những người tham gia. Không nghi ngờ gì, ông thấy những ai càng cảm thấy gắn kết với bản thân họ trong tương lai thì càng gom góp được nhiều tiền.

Trở về tương lai

Nghiên cứu sau đó của Hershfield đã kiểm tra hiện tượng này trong nhiều lĩnh vực cuộc sống khác nhau.

Chẳng hạn, vào năm 2018, ông phát hiện rằng sự tiếp nối trong tương lai có thể dự đoán hành vi vận động và thể lực tổng thể của ai đó. Có vẻ như nếu bạn thấy mình rất rõ trong tương lai thì bạn sẽ sẵn sàng chăm sóc cơ thể mình để đảm bảo nó sẽ có sức khỏe tốt hơn trong những năm tới.

Các thí nghiệm khác cho thấy những ai đạt điểm cao trên thước đo về tiếp nối tương lai có tiêu chuẩn đạo đức cao hơn những ai chật vật xác định bản thân mình trong tương lai. Ví dụ, họ ít có khả năng gian lận bài thi.

"Nếu mọi người kết nối tốt hơn với bản thân trong tương lai, thì họ được tăng cường khả năng nhận ra hậu quả của các quyết định của họ bây giờ lên tương lai của họ," Hershfield nói. "Và điều này sẽ giúp họ phanh lại những hành vi kiểu này."

Hồi năm 2020, Hershfield xác nhận rằng việc một người có thể hay không thể xác định mình trong tương lai sẽ tạo hậu quả lâu dài đối với sự an lạc tổng thể của họ. Nghiên cứu theo chiều dọc này, vốn theo dõi hơn 4.000 người trong một thập kỷ, cho thấy sự tiếp nối tương lai của ai đó vào đầu nghiên cứu có thể dự đoán sự hài lòng của họ trong cuộc sống 10 năm sau đó.

Quan trọng là điều này đúng ngay cả khi ông theo dõi sự an lạc lúc đầu của họ. Điều này giúp loại bỏ khả năng những người có cảm giác kết nối với bản thân họ trong tương lai chỉ đơn giản là tham gia nghiên cứu khi mà họ ngay từ đầu đã đạt tâm trạng hài lòng và sau đó vẫn tiếp tục duy trì được trạng thái hài lòng đó. Thay vào đó, có vẻ như sự hài lòng tăng lên vào cuối nghiên cứu là kết quả của tất cả những hành vi tích cực hợp lại, như tiết kiệm tài chính và tăng cường vận động, dẫn đến cuộc sống thoải mái hơn.

Tầm nhìn tương lai

Các nhà thần kinh học bắt đầu xem xét kỹ hơn về quá trình xử lý của não đằng sau những hiện tượng này - và lý do tại sao có rất nhiều người khó xác định bản thân họ trong tương lai.

Meghan Meyer, trợ lý giáo sư Đại học Dartmouth ở New Hampshire, Hoa Kỳ, mới đây đã yêu cầu người tham gia ước tính sự tiếp nối trong tương lai trùng lắp như thế nào tại các thời điểm khác nhau. Trong một thí nghiệm, họ phải ước tính sự tương đồng giữa bản thân hiện tại và tương lai bằng cách kiểm soát sự chồng chéo của hai vòng tròn - giống các thí nghiệm của Hershfield. Họ lặp lại nhiệm vụ nhiều lần, trong lúc hình dung mình trong 3, 6, 9 tháng và 1 năm về sau.

Phù hợp với kết quả của Hershfield, Meyer nhận thấy quan niệm của người tham gia nói chung về bản thân trong tương lai cách biệt với cảm nghĩ về bản thân hiện tại khá nhanh - với cảm giác mất kết nối rõ ràng xuất hiện ở mốc ba tháng.

Tuy nhiên, điều thú vị là sự thay đổi này bắt đầu đi ngang khi họ xem xét các mốc thời gian sau đó. Như vậy, có rất ít khác biệt giữa mốc 9 tháng và 1 năm - và chúng ta có thể đoán rằng điều này cũng đúng nếu họ xem xét ngay cả thời gian sau đó. Meyer cho rằng tầm nhìn của họ về bản thân trong tương lai trở nên 'nhạt nhòa hơn' và ít sắc màu hơn.

Điều này cũng được thể hiện trong kết quả quét MRI chức năng vốn đưa ra những bằng chứng cuốn hút cho thấy ở cấp độ thần kinh, chúng ta thực sự bắt đầu nghĩ về bản thân trong tương lai như một người khác.

Bên cạnh xem xét bản thân ở nhiều thời điểm khác nhau trong tương lai, người tham gia cũng được yêu cầu nghĩ về một người lạ, chẳng hạn như chính trị gia Angela Merkel. Khi họ tiến xa hơn trên mốc thời gian - hình dung bản thân từ khoảng 6 tháng trở đi - hoạt động não về bản thân bắt đầu giống phản ứng với suy nghĩ về chính trị gia.

"Khi bạn tiến xa hơn về tương lai, cách bạn thể hiện bản thân không khác nhiều cách bạn nghĩ về Angela Merkel," Meyer nói. "Nó nhất quán với quan niệm triết học rằng bạn đối xử với bản thân trong tương lai xa như người lạ."

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Những điều tôi ước gì mình biết được

Xét nhiều lợi ích về an ninh tài chính, sức khỏe và hạnh phúc tổng thể, cũng là điều tự nhiên khi tự hỏi liệu chúng ta có thể tăng cường ý thức kết nối với bản thân trong tương lai hay không.

Nghiên cứu của Hershfield đưa ra vài gợi ý.

Trong một loạt thí nghiệm, người tham gia bước vào môi trường thực tế ảo với hình ảnh đại diện cá nhân hóa mô phỏng họ sẽ trông thế nào ở tuổi 70. Đúng như mong đợi, họ cho biết họ cảm thấy kết nối nhiều hơn với bản thân trong tương lai, và trong thước đo tiếp theo về ra quyết định, họ cho thấy họ có trách nhiệm tài chính lớn hơn. Chẳng hạn họ nói họ nhiều khả năng để dành tiền cho nghỉ hưu hơn. Nhiều ứng dụng chỉnh ảnh cho phép bạn làm già sớm ảnh selfie của mình và công nghệ này có thể được tích hợp vào các chương trình giáo dục khuyến khích suy nghĩ cẩn thận hơn về phúc lợi tương lai.

Với sự can thiệp công nghệ thấp, bạn có thể xem xét một bài tập tưởng tượng đơn giản - viết một lá thư cho chính mình sau 20 năm, mô tả điều gì quan trọng nhất đối với bạn vào lúc này và kế hoạch trong những thập kỷ tới.

Giống như các ảnh đại diện được làm già, điều này khuyến khích mọi người có cảm giác kết nối nhiều hơn với bản thân trong tương lai - và kết quả là, thúc đẩy họ thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Các nghiên cứu của Hershfield đã chỉ ra rằng nhiệm vụ này làm tăng thời gian mọi người vận động trong tuần tiếp theo - dấu hiệu cho thấy họ bắt đầu coi trọng sức khỏe lâu dài của mình. (Nếu bạn muốn thử, ông gợi ý bạn có thể khuếch đại hiệu ứng bằng cách viết thư trả lời từ tương lai, vì điều này buộc bạn phải có tầm nhìn dài hạn).

Đúng như bạn nghĩ, Hershfield áp dụng nghiên cứu của ông vào cuộc sống chính mình.

Chẳng hạn, khi đối phó với căng thẳng và bực bội của việc làm cha, ông cố đặt mình vào vị trí bản thân trong tương lai để tưởng tượng cách ông có thể nhìn lại hành vi của mình. "Tôi cố gắng suy nghĩ liệu tôi trong tương lai có tự hào về cách tôi xử sự với bản thân hay không," ông nói.

Có vẻ lập dị khi bắt đầu 'trò chuyện' với một thực thể tưởng tượng - nhưng một khi bản thân bạn trong tương lai trở nên sống động trong tâm trí, bạn có thể thấy dễ hơn nhiều để thực hiện những hy sinh cá nhân nhỏ cần để giữ gìn sự an lạc. Và trong những năm tới, bạn sẽ cảm ơn chính mình vì đã suy nghĩ đón đầu.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?