Nga lợi bất cập hại với lời đe dọa hạt nhân - VNExpress

 

  • Thế giới
  • Phân tích
  • Thứ tư, 28/9/2022, 05:00 (GMT+7)

    Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng kịch bản này có thể gây nhiều thiệt hại cho Nga hơn là lợi ích.

    Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 27/9 tuyên bố Nga có quyền đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu "mối đe dọa với Nga vượt quá giới hạn nguy hiểm được xác định".

    Ông cũng đề cập đến kịch bản Moskva "buộc phải sử dụng loại vũ khí đáng sợ nhất chống lại chính quyền Ukraine, bên đã có những hành động hung hăng quy mô lớn, đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga". Đây là thuật ngữ được quy định là một trong những điều kiện tung đòn tấn công trong học thuyết hạt nhân của Nga.

    Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu ngày 21/9 cũng ám chỉ về một cuộc tấn công hạt nhân, tuyên bố sử dụng "tất cả công cụ sẵn có" để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Theo giới quan sát, các cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân luôn có sức nặng và ông chủ Điện Kremlin hoàn toàn hiểu rõ điều này.

    Tổ hợp tên lửa RS-24 Yars trong lễ Duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, Nga, hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

    Tổ hợp tên lửa RS-24 Yars trong lễ Duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, Nga, hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

    Các nước phương Tây cho biết họ gần đây không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng cũng lưu ý cần xem xét cảnh báo của Tổng thống Putin một cách nghiêm túc, vì ông hoàn toàn có khả năng làm điều này với tình thế khó khăn hiện nay.

    Keir Giles, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Xung đột có trụ sở ở Anh, nhận định mục đích của ông Putin và ông Medvedev khi đưa ra những tuyên bố về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm răn đe Ukraine và phương Tây.

    "Những cảnh báo như vậy có thể khiến phương Tây lo ngại và giảm đà hỗ trợ cho Ukraine", Giles nói.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó có kịch bản Nga được lợi nếu sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong hầu hết các tình huống, việc Nga phá vỡ những quy ước cấm kỵ về vũ khí hạt nhân đã được áp dụng kể từ sau Thế chiến II sẽ khiến nước này rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn, có nguy cơ mất đi một số người bạn đã ở bên cạnh họ kể từ khi xung đột với Ukraine bùng phát.

    Theo Francois Heisbourg, cố vấn về quốc phòng tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris, Pháp, ngay cả kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường sẽ tạo ra "chấn động lớn nhưng không mang lại quá nhiều lợi thế quân sự".

    Ukraine không tập trung nhiều quân tại một địa điểm, mà phân tán lực lượng trên chiến tuyến kéo dài hàng trăm km, nên Nga rất khó gây tổn thất lớn cho binh lực đối phương bằng đòn tấn công hạt nhân chiến thuật. Trong khi đó, nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga sẽ tạo ra những đám bụi phóng xạ trên chiến trường mà quân đội nước này phải vượt qua nếu muốn tiến công.

    Heisbourg cho rằng thực tế trên khiến Nga chỉ còn một lựa chọn là tấn công vào một trung tâm dân cư lớn của Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự phương Tây cũng không nhìn thấy bất kỳ lợi ích chiến lược nào từ hành động này. Trong khi đó, nó có thể khiến Nga hứng chịu các biện pháp đáp trả mạnh mẽ của phương Tây.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố Moskva sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn của Washington nếu sử dụng vũ khí hạt nhân. Các chiến lược gia Nhà Trắng cho rằng phản ứng cứng rắn này sẽ không phải là một đòn tấn công đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh có thể phá hủy những khí tài quân sự mà Nga đang triển khai ở Ukraine.

    Các chuyên gia cũng cho rằng lời đe dọa về vũ khí hạt nhân của ông Putin không có gì mới. Hồi cuối tháng hai, không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, ông chủ Điện Kremlin cũng yêu cầu đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái báo động cao.

    Lệnh này gây bối rối vì các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga vẫn liên tục được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, vào đầu tháng 3, Mỹ đã hoãn một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, dường như nhằm tránh leo thang thêm căng thẳng với Nga.

    Các quan chức phương Tây sau đó cho biết họ không phát hiện bất kỳ hoạt động hạt nhân bất thường nào có thể gây lo ngại ở Nga. "Bây giờ tôi còn cảm thấy ít lo lắng hơn so với hồi tháng ba", chuyên gia Heisbourg nói.

    Tuy nhiên, việc lời cảnh báo được đưa ra trùng với thời điểm 4 khu vực ở miền đông và nam Ukraine trưng cầu dân ý sáp nhập Nga đang làm dấy lên lo ngại rằng nếu Kiev mở chiến dịch phản công vào những vùng lãnh thổ Moskva mới sáp nhập, ông Putin sẽ cáo buộc đó là hành động xâm phạm "toàn vẹn lãnh thổ của Nga".

    Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 21/9. Ảnh: AP.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 21/9. Ảnh: AP.

    Cảnh báo của ông Putin đủ mơ hồ để cho phép Nga thực hiện những hành động leo thang khác, trong đó có lệnh tổng động viên, mà không nhất thiết phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân.

    Valeriy Akimenko, chuyên gia về vũ khí hạt nhân Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột, cho rằng quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân luôn đi kèm với những nguy cơ rất lớn mà bất cứ lãnh đạo nào cũng phải cân nhắc rất kỹ về bài toán lợi ích - rủi ro.

    "Ngay cả khi mệnh lệnh được ban ra, việc các chỉ huy quân sự Nga có tuân theo để kích hoạt đầu đạn hạt nhân hay không cũng sẽ là một câu hỏi lớn", Akimenko nói.

    Vũ Hoàng (Theo WSJ)

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    Xứ Sở Hận Thù

    Tin Việt Nam - Google VN

    Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?