Tin Việt Nam sáng 28/09: Bắt trợ lý Phó thủ tướng; bão Noru giảm cấp, mưa lớn tại 3 miền

 

Vụ chuyến bay giải cứu: Bắt trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ

Liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, hôm 27/09, cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam.

Ông Linh bị bắt tạm giam, chỗ ở và nơi làm việc bị khám xét để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Tính từ cuối tháng 1 đến nay, liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam tổng cộng gần 20 bị can. Đáng chú ý, trong số những người bị bắt có cả các lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và giám đốc một số doanh nghiệp.


Thanh Hóa bắt giữ 2 nghi phạm đưa người sang Campuchia

Cũng vào hôm thứ Hai (ngày 27/09), công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã tạm giữ hình sự đối với 2 nghi phạm sinh năm 1991, 1992 ở huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép.

Theo lời khai của một trong 2 nghi phạm, tại Campuchia, có hàng ngàn người khác đang làm việc cho các tổ chức lừa đảo tương tự. Với cách thức hoạt động theo nhóm nhỏ, mỗi người có nhiệm vụ riêng để cùng lừa bị hại.

Sau vài ngày thử việc mà không làm được, nạn nhân sẽ phải nộp 2,000 USD cho “công ty” nếu muốn trở về nước.


Nhập cảng rau quả từ Trung Quốc tăng mạnh

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong tháng 9, lượng xuất cảng rau quả giảm 26% so với tháng 8. Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng giảm 13%.

Nguyên nhân chính khiến việc xuất khẩu rau quả giảm mạnh là do Trung Quốc kiểm soát phòng dịch.

Ở chiều ngược lại, cũng trong tháng 9, lượng nhập mặt hàng này tăng tới hơn 63% so với cùng thời kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng, lượng nhập tăng hơn 36% so với cùng thời kỳ, đạt 1.46 tỉ USD.

Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 8, lượng nhập rau quả từ Trung Quốc tăng tới 74% so với cùng kỳ, tương đương 200 triệu USD.

Thời gian gần đây, ở Sài Gòn xuất hiện nhiều loại trái cây giá rẻ bất ngờ như nho mẫu đơn, lựu, nho xanh không hạt. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng trái cây Trung Quốc đang về nhiều, giá lại đa dạng.


Giá phân bón được dự báo tăng cao

Khảo sát thị trường, giá phân bón nội địa và nhiều loại nhập từ Trung Quốc, Indonesia, Nga, Hàn Quốc, Canada đang duy trì ở mức cao và chịu nhiều áp lực tăng giá.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11 triệu tấn phân vô cơ và hữu cơ. Trong khi năng lực sản xuất nội địa khoảng 7 triệu tấn, số còn lại phải nhập.

Trong bối cảnh nguồn khí tại Âu Châu đang khan hiếm, việc sản xuất bị cắt giảm, nguồn cung thiếu hụt, Hiệp hội Phân bón Việt Nam dự đoán, giá mặt hàng này sẽ tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Giá trị xuất cảng vì thế cũng sẽ tăng cao.

Về giải pháp, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, tăng tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh. Người dân cần tận dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để phát triển phân hữu cơ, giảm phụ thuộc vào phân vô cơ.


Đà Nẵng cưỡng chế hàng loạt ngư dân cố ở lại tàu, sẽ truy tố hình sự

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, hôm 27/09, ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn còn khoảng 100 người, và ở Đồng Nò (quận Ngũ Hành Sơn) còn hơn 30 người không chịu lên bờ đến nơi tránh bão. Có trường hợp đưa lên bờ rồi lại trở về tàu.

Người dân cho biết, do lo không có người tát nước, tàu sẽ bị đắm, ai chịu trách nhiệm?

Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã cưỡng chế hơn 70 ngư dân lên bờ. Đến 23h đêm, ở âu thuyền Thọ Quang còn khoảng 60 ngư dân đang nổ máy để bơm hết nước khỏi tàu.

Theo Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng, các chủ tàu đã bị lập biên bản. Tàu nào để thuyền viên ở lại mà xảy ra tai nạn chết người thì chủ tàu sẽ bị truy tố hình sự.


Quảng Nam mất điện diện rộng, người dân liên tục kêu cứu

Lãnh đạo Tp Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, tới 3h sáng 28/09 đã ghi nhận tình trạng nhà dân bị tốc mái, tàu thuyền bị hư hại, nhiều cây xanh ngã đổ; gió rất lớn, gầm rít dữ dội. Toàn tỉnh Quảng Nam bị mất điện diện rộng.

Trên mạng xã hội, nhiều người dân ở xã Bình An (huyện Thăng Bình) liên tục “kêu cứu” vì nhà bị tốc mái, rung lắc và có nguy cơ bị sập.


Bão Noru giảm cấp, mưa lớn tại 3 miền

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 4h ngày 28/09, bão Noru đổ bộ, nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 gây mưa lớn ở nhiều tỉnh miền Trung.

Cập nhật mới nhất lúc 7h sáng cùng ngày, vị trí tâm bão ở ngay trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

bão Noru
Vị trí và hướng di chuyển của bão Noru cập nhật lúc 7h ngày 28/09/2022. (Nguồn: NCHMF)

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp với sức gió giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong hôm nay, các tỉnh từ Quảng Bình đến Gia Lai có mưa rất lớn, lượng mưa phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.

Tại Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình, từ hôm nay đến ngày mai, có mưa vừa, mưa lớn, phổ biến từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt.

Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.

Dương Minh tổng hợp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn