Người Việt Nam say sưa nhậu, ai được lợi và cái hại có ai lo?
29 tháng 9 2022, 18:45 +07
Tidoo Nguyễn
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM
“…Khi vũ trụ lên đèn
Thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm…”.
Đây là một phần lời của bài hát “Thành phố sau lưng” của nhạc sĩ Hàn Châu.
Rượu nấu từ gạo hoặc nếp đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu đời. Tuy nhiên, ngày xưa người Việt thường dùng rượu để tế lễ, dâng trên bàn thờ và chỉ uống rượu trong ngày vui (ngày Tết, đám cưới) hoặc ở miền Nam, thường uống rượu trong đám giỗ (một dịp tụ họp bà con và chòm xóm).
Còn trong 5 năm trở lại đây, các quán nhậu “mọc lên” khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, không chỉ vùng ngoại ô mà ngay tại khu trung tâm. Từ “nhậu” ở Việt Nam được hiểu là vừa ăn “mồi” (thức ăn) vừa uống bia, rượu…
Người Việt đang nhậu mọi lúc mọi nơi
Người Việt nhậu mọi lúc mọi nơi kể cả phi trường, bệnh viện hay nghĩa trang. Những người đưa tiễn thân nhân đi nước ngoài ở ga quốc tế Tân Sơn Nhất có thể bày “bàn nhậu” ở góc sân. Những người đi nuôi bệnh có thể bày “bàn nhậu” ngay trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Thậm chí có những cư dân rủ nhau nhậu trong nghĩa trang, còn những người vô gia cư nhậu ở gầm cầu… Ai muốn tiện nghi thì vào nhà hàng có trang bị máy điều hòa để nhậu.
Những quán nhậu ven đường thường “dùng” vỉa hè để đặt bàn ghế cho khách và chiếm dụng một góc đường phía đối diện làm “bãi đậu xe”. Có những quán nhậu hoạt động tới sáng, còn đóng cửa sớm nhất cũng sau 1 giờ sáng. Từ 20 giờ đêm mỗi ngày, các quán nhậu bắt đầu đông khách.
Khẩu hiệu của dân nhậu là “1,2,3 dzô dzô dzô!” mỗi lần cùng nhau nâng ly và cùng la lớn “Dzô 100 %”.
Đối với một số đàn ông Việt Nam, một cuộc chơi trọn vẹn gồm ba tăng. Tăng một là nhậu, tăng hai là hát karaoke, tăng ba là vào nhà nghỉ với các em gái xinh đẹp (xuất hiện bất chợt hoặc đã đặt trước). “Tăng ba” có khi là “món quà tặng đối tác/quan chức” để đổi lấy hợp đồng hoặc giấy phép.
Số người trẻ Việt Nam uống rượu bia ngày càng tăng
Theo báo cáo Tiêu thụ bia toàn cầu theo từng quốc gia của Kirin Holdings (Nhật Bản), Việt Nam tiêu thụ bia đứng hàng thứ 9 trên thế giới với tổng lượng tiêu thụ bia chiếm 3.845.000 lít vào năm 2020.
Ở Việt Nam, pháp luật không giới hạn độ tuổi của người mua bia, rượu, vì vậy bất kỳ ai cũng có thể mua được bia, rượu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24/24 hay tiệm tạp hóa.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, do Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức trong ngày 4/7 - 5/7/2022, có nhiều số liệu đưa ra cho thấy mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam đang tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện uống rượu bia suốt 30 ngày. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở trẻ vị thành niên nam (13-17 tuổi) là 24,6% (giảm so với 33,2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17,6% năm 2013). Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ.
Cũng trong hội nghị này, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở Việt Nam thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.800 ca (7,5%). Rượu/bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Tại sao người Việt thích nhậu?
Đa phần những người có thói quen nhậu cho rằng phải nhậu để tạo mối quan hệ hoặc giữ mối quan hệ. Họ thường đem công việc làm ăn lên bàn nhậu để bàn bạc vì khi nhậu người ta dễ nói chuyện với nhau hơn. Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp nữ (làm việc tại công ty nước ngoài) vì muốn bán được hàng cho đối tác người Việt phải “nốc” cạn nhiều ly bia với đối tác nam. Cô ấy thường khoe sau mỗi cuộc nhậu sẽ bán được nhiều hàng hơn, tức tiền lương sẽ cao hơn.
Hiện nay các công ty trong nước hay nước ngoài tuyển dụng nhân viên kinh doanh (salesperson), ngoài các yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm còn có thêm “yêu cầu ngầm” là phải biết nhậu và có tửu lượng cao để tiếp khách. Một đứa cháu của tôi đã sửng sốt trước câu hỏi phỏng vấn của một công ty tư vấn đầu tư: “Em có biết nhậu không? Tửu lượng uống được bao nhiêu?”.
Để công việc suôn sẻ, thu nhập cao hơn, giới trẻ giờ đây cũng tập tành nhậu. Việc tụ tập bên bàn nhậu sau giờ làm việc hoặc cuối tuần đối với giới trẻ vừa là cách để giải trí, vừa chứng tỏ bản thân.
Ai có lợi trong việc người Việt tiêu thụ bia rượu?
Dĩ nhiên, người thu lợi hàng đầu vẫn là các công ty bia rượu vì nếu không có lợi thì họ đã không sản xuất bia rượu.
Kế đến nhà nước là người thu lợi thứ hai. Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 của Tổng cục Thuế, công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam đứng thứ 9.
Cụ thể, công ty này đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp 997 tỷ đồng năm 2020, 756 tỷ đồng năm 2021 và ước tính 810 tỷ đồng năm 2022.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn thói quen nhậu tràn lan của người Việt, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nòi giống vừa gây hại cho cộng đồng, chính phủ Việt Nam cần áp dụng luật cấm bán và tiêu thụ đồ uống có cồn (bia/rượu) đối với người dưới 18 tuổi; giới hạn khung giờ buôn bán và hoạt động bán bia/rượu của các quán ăn, nhà hàng; đề ra tiêu chuẩn kinh doanh có điều kiện trước khi cấp giấy phép kinh doanh cho các quán ăn, nhà hàng có bán bia/rượu; cấm người dân ngồi nhậu nơi công cộng như vỉa hè, lề đường, công viên, bệnh viện, phi trường….
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét