Nga sắp chính thức sáp nhập thêm bốn khu vực của Ukraine
29 tháng 9 2022, 20:15 +07
Paul Kirby
BBC News
Tổng thống Vladimir Putin của Nga sẽ tổ chức lễ ký vào thứ Sáu, chính thức sáp nhập thêm 4 khu vực nữa của Ukraine sau cái gọi là các cuộc trưng cầu dân ý bị Ukraine và phương Tây lên án là một trò giả dối.
Giới chức do Nga hậu thuẫn trước đó tuyên bố cuộc trưng cầu kéo dài 5 ngày đã đảm bảo gần như toàn bộ sự ủng hộ của người dân.
Cái gọi là việc bỏ phiếu được tổ chức ở Luhansk và Donetsk ở phía đông, và ở Zaporizhzhia và Kherson ở phía nam.
Tổng thống Nga sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Điện Kremlin.
Một sân khấu đã được dựng lên tại Quảng trường Đỏ của Moscow, với các bảng hiệu công bố bốn khu vực như một phần của Nga và một buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức vào buổi tối.
Sự kiện này lặp lại sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, cũng diễn ra sau một cuộc trưng cầu dân ý không được công nhận và được báo trước bằng một bài phát biểu chiến thắng của tổng thống từ một sân khấu. Việc thôn tính lần đầu đó chưa bao giờ được đại đa số cộng đồng quốc tế công nhận. Hiện chưa có xác nhận rằng ông Putin đang lên kế hoạch cho một bài diễn văn ngoài trời tương tự.
“Vào lúc 15:00 ngày mai (12: 00GMT) tại Sảnh St George của Điện Kremlin, một buổi lễ ký kết sẽ được tổ chức về việc hợp nhất các vùng lãnh thổ mới vào Nga,” phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết. Hai nhà lãnh đạo của phe ly khai từ phía đông do Nga hậu thuẫn dự kiến cũng sẽ tham dự.
Tổng thống Nga dự kiến sẽ có bài phát biểu riêng trước Thượng viện vào ngày 4/10, ba ngày trước sinh nhật lần thứ 70 của ông. Nghị viện cũng sẽ có vai trò trong việc phê chuẩn việc sáp nhập của Nga, bị hầu hết cộng đồng quốc tế bác bỏ.
Không có giám sát độc lập nào về quá trình trưng cầu dân ý diễn ra và có những tường thuật về các quan chức bầu cử đi từ cửa này sang cửa khác được hộ tống bởi các binh sĩ có vũ trang.
Mỹ cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì các cuộc trưng cầu dân ý được dàn dựng, trong khi các nước thành viên EU đang xem xét vòng thứ tám của các biện pháp, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai liên quan đến cuộc bỏ phiếu.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết hôm thứ Năm rằng người dân ở các vùng bị chiếm đóng của Ukraine đã bị đưa khỏi nhà và nơi làm việc của họ bởi lời đe dọa và đôi khi là bằng súng.
“Đây là điều trái ngược với bầu cử tự do và công bằng. Và điều này trái ngược với hòa bình, đó là một nền hòa bình bị sai khiến," bà nói.
Cuộc trưng cầu dân ý đã bắt đầu trên 15% lãnh thổ Ukraine vào thứ Sáu tuần trước, chỉ vài ngày sau khi có thông báo.
Nga không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong số bốn khu vực mà họ đã quyết định sáp nhập. Mặc dù phần lớn Luhansk vẫn nằm trong tay Nga, nhưng Moscow chỉ kiểm soát 60% Donetsk.
Bảy tháng sau khi các lực lượng Nga xâm lược Ukraine từ phía bắc, đông và nam, chiến tranh vẫn đang hoành hành trên các mặt trận ở cả 4 khu vực. Thủ phủ của khu vực miền nam Zaporizhzhia chắc chắn nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine, và một cuộc phản công đang diễn ra ở Kherson.
Mặc dù các quan chức do Nga bổ nhiệm đã kêu gọi sáp nhập trong vài tháng, hàng loạt thành công quân sự của Ukraine trong tháng Chín dường như đã buộc Điện Kremlin phải nhúng tay.
Quân đội Ukraine đã chiếm lại các vùng đất rộng lớn ở phía đông bắc và hôm thứ Năm (29/9) họ cho biết lực lượng của họ đang bao vây quân đội Nga tại thành phố chiến lược quan trọng Lyman, ở Donetsk.
Tuần trước, Vladimir Putin tuyên bố triệu tập quân đội và đe dọa sẽ sử dụng mọi phương tiện theo ý mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ thứ mà ông coi là đất của Nga.
Bằng cách sáp nhập các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine, ông có thể lập luận rằng lãnh thổ Nga đang bị vũ khí phương Tây tấn công, với hy vọng một số chính phủ có thể ngừng viện trợ quân sự cho Kyiv.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine đã cảnh báo các cuộc bỏ phiếu giả mạo sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chiến trường.
Ông Putin thừa nhận rằng ông đã mắc sai lầm trong nỗ lực huy động hàng trăm nghìn người Nga để hỗ trợ quân đội của mình trên tiền tuyến. Khoảng 2.400 người biểu tình đã bị bắt ở hàng chục thành phố và có một cuộc di cư của đàn ông Nga qua biên giới.
Riêng Kazakhstan đã báo cáo 98.000 lượt người Nga đến nước này cho đến ngày thứ Ba (27/9), và có nhiều hàng dài người ở biên giới với Georgia. Từ thứ Sáu, Phần Lan đã tuyên bố sẽ hạn chế đáng kể người Nga nhập cảnh để du lịch hoặc để đi tiếp đến các nước EU khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét