Vì sao giới nghệ sĩ không mặn mà làm từ thiện mùa bão lũ năm nay?

RFA
2022.09.29

Vì sao giới nghệ sĩ không mặn mà làm từ thiện mùa bão lũ năm nay?Bờ biển Đà Nẵng hôm 28/9/2022
 AFP


















Năm nào miền Trung cũng gánh chịu mưa lũ vào những tháng cuối năm. Giới nghệ sĩ, hầu hết ở miền Nam, đều có những người đứng ra kêu gọi từ thiện giúp nạn nhân bị bão, lũ. Nổi bật có thể kể đến ca sĩ Thủy Tiên với cả trăm tỷ quyên góp năm 2020 và MC Phan Anh năm 2016 với hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ như Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành... được dư luận biết đến rộng rãi chuyện quyên tiền từ thiện sau những video clip của bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo họ ăn chặn từ thiện vào năm ngoái.

Sau đó, nghệ sĩ Hoài Linh thừa nhận đã chậm giải ngân số tiền hơn 14 tỉ đồng mà vào năm 2020 đã kêu gọi để hỗ trợ người dân miền Trung. MC Trấn Thành thì đăng tải toàn bộ sao kê tài khoản ngân hàng lên Google Drive liên quan đến kêu gọi từ thiện trước đó. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện bà Phương Hằng do có những lời lẽ mang tính xúc phạm gây ảnh hưởng đến đời sống cá nhân ông quanh chuyện quyên tiền từ thiện.

Từ những lùm xùm như vậy, cách đây đúng một năm, ngày 29 tháng 9 năm 2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho báo chí cho biết, công an sẽ điều tra hoạt động từ thiện nếu thấy dấu hiệu của việc chiếm đoạt. Theo ông Xô, đây là tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Cùng lúc, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định mới về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện.

Ngày 27 tháng 10 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Điều 17 Nghị định này cho phép cá nhân kêu gọi từ thiện nhưng phải có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối. Đồng thời gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Nghị định này được cho là đã khắc phục hạn chế của Nghị định 64/2008/NĐ-CP vốn chỉ ghi nhận quyền vận động quyên góp từ thiện của các tổ chức như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương và một số tổ chức đơn vị ở trung ương.

000_32K83EN.jpg
Người dân Hội An tránh bão trong một trường học hôm 27/9/2022. AFP

Nghị định 64/2008/NĐ-CP nhấn mạnh, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nghị định mới đã rộng mở hơn nhưng lại vắng bóng nghệ sĩ đứng ra quyên góp giúp nạn nhân bão lũ miền Trung vừa hứng chịu cơn bão số 4 (bão Noru).

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định nguyên nhân với RFA sáng 29 tháng 9 năm 2022:

“Cái thứ nhứt, sức dân ở trong Nam đã kiệt quệ sau đợt chống dịch như chống giặc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái. Từ đó dẫn tới cái thứ hai là tình nghĩa đồng bào bị mài mòn nhẵn nhụi. Từ cách ứng xử của nhà cầm quyền đã gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong dân chúng. Vì vậy nó dẫn tới cái thứ ba là lòng dân trong này có thể nói là rất rã rời, bởi công ăn việc làm hiện nay rất khó khăn cùng với nền kinh tế lạm phát thấy rõ.

Cái thứ tư là uy tín của các nghệ sĩ gần như không còn sau đụng độ với bà Nguyễn Phương Hằng hồi năm ngoái. Dù sau đó phía công an đã xác định sự trong sáng của họ. Nhưng sự xác định này nó không cứu vãn nổi danh dự của họ. Bây giờ, nếu giới nghệ sĩ nói chung mà đứng ra kêu gọi từ thiện thì họ cũng cầm chắc sự thất bại thảm hại.

Trong hiện tình thất bại của việc kêu gọi cứu trợ nói riêng, cũng như cái quan trọng nhứt mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bấy lâu nay luôn luôn đeo đuổi, là đại đoàn kết dân tộc, thì sự thất bại hoàn toàn đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn diện và liên tục.”

Mới đây, hoa hậu Thùy Tiên kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp cho quỹ từ thiện của bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Miss Grand Vietnam để giúp đỡ các tỉnh miền Trung. Chỉ một ngày sau, cô ngừng đưa thông tin kêu gọi quyên góp. Nhiều người góp ý trên báo chí rằng Thùy Tiên nên kêu gọi quyên góp cho các tổ chức Nhà nước thay vì tài khoản cá nhân.

Trên trang Facebook cá nhân, bà Phạm Kim Dung viết: “Chúng tôi đã làm việc với Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Hồ Chí Minh để cùng thực hiện. Lãnh đạo UBMTT TPHCM sẽ đến nhận bảng tổng số tiền đóng góp tại đêm chung kết Hoa Hậu Hoà Bình Việt Nam - Miss Grand Việt Nam 2022.”

Từ nhiều năm qua, người dân dường như không tin tưởng đóng góp từ thiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Hội Chữ thập đỏ. Đó là lý do họ đóng góp cho các nghệ sĩ, là những người được công chúng biết đến. Tuy nhiên, mùa bão lũ năm nay lại không thấy nghệ sĩ nào đứng ra quyên góp.

Luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải với RFA sáng 29 tháng 9 năm 2022:

“Không phải vì những quy định của Nhà nước đâu mà do những lần trước, những người trong giới nghệ sĩ làm tai tiếng quá, cho nên bây giờ công chúng không còn tin cậy để họ có thể đứng ra kêu gọi từ thiện nữa. Đó là lý do giới nghệ sĩ không kêu gọi từ thiện nữa.

Nghị định cũ (Nghị định 64/2008) đưa đến sự hiểu nhầm là không cho phép cá nhân đứng ra làm từ thiện dẫn đến hạn chế việc làm từ thiện. Nghị định mới (Nghị định 93/2021) đã sửa đổi giúp cho việc làm từ thiện dễ hơn. Còn Mặt trận tổ quốc thì có vẻ như công chúng không tin cậy lắm sau một số việc không minh bạch.” 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn