DLV Venezuela: 'Tôi được trả tiền để tuyên truyền cho nhà nước'

A graphic depicting hashtags coming out of a megaphone
Chụp lại hình ảnh,

Chính phủ Venezuela thường dùng các hashtag trên Twitter để kêu gọi sự ủng hộ trên mạng

  • Tác giả,Reha Kansara và Rachelle Krygier
  • Vai trò,BBC Trending và BBC Monitoring

Rafael – không phải tên thật – là một tín đồ của internet. Năm nay 59 tuổi, ông hoạt động tích cực trên tất cả các mạng xã hội, chơi thử tiền crypto và thậm chí tự gọi mình là một KOL.

Nhưng hoạt động trên mạng của ông không chỉ dừng ở đó.

Rafael là một thành viên của một nhóm người Venezuela được nhà nước trả tiền để đăng các dòng tweet tuyên truyền.

Ông dành ít nhất 30 phút mỗi ngày đăng các nội dung ủng hộ chính phủ. “Mục tiêu là để lan tỏa các thông tin chính phủ đăng trên Twitter,” ông giải thích.

Hàng ngày, Bộ truyền thông Venezuela tweet một “hashtag của ngày”, được chia sẻ và tweet lại không chỉ bởi các quan chức chính phủ mà còn bởi “đội quân điện tử” gồm những người được chính phủ trả tiền như Rafael.

“Bạn phải đăng bài và bình luận thưa thưa ra để không bị block. Tôi đăng khoảng 100 lần vào buổi sáng và 100 vào buổi chiều,” ông nói.

“Họ cần duy trì một thông điệp tập thể. Cuộc chiến đấu chống kẻ thù [phương Tây] vẫn tồn tại,” GS Félix Seijas từ Đại học Trung ương Venezuela giải thích.

Thông điệp này có từ trước khi mạng xã hội phổ biến và là tiêu biểu cho lý tưởng cánh tả từ thời Chavez, người dẫn dắt và tiền nhiệm của tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro.

Street art of ex-President Hugo Chávez

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tranh bích họa vẽ chân dung cựu tổng thống Hugo Chávez có thể được thấy trên khắp Venezuela

Năm 2018, Rafael tìm thấy một tweet với một hashtag không có ý nghĩa với ông. “Tôi hỏi người đã viết dòng tweet đó ý nghĩa của dòng tweet là gì và ông ta kể cho tôi về khoản tiền được nhận.”

BBC Trending đã chứng kiến một số nhóm kín hoạt động trên Facebook và Telegram, mỗi nhóm có từ 700 tới 3000 thành viên, và họ chia sẻ hashtag mới nhất để khuyến khích nhau viết tweet.

Không phải tất cả dư luận viên đều tham gia các nhóm như vậy, nhưng Rafael hoạt động tích cực trong nhóm của ông.

Mặc dù thường xuyên chia sẻ nội dung ủng hộ chính phủ, ông không ủng hộ chính phủ, vì những vụ bắt bớ vô cớ, chiếm đoạt tài sản của dân, mức lương thấp và “thiếu sức thu hút” của ông Maduro.

Ông nói ông chỉ tweet các nội dung đó để được trả tiền, nhưng than thở rằng mức thù lao là quá thấp.

Làm bảo vệ cho một công ty tư nhân, ông Rafael kiếm được khoảng 80 USD/tháng. Với thù lao 10 USD ông kiếm thêm nhờ nghề dư luận viên, ông có thể mua được một ít bột mỳ, dầu ăn, gạo và thậm chí nạp tiền cho điện thoại di động.

A graphic showing three payments Rafael has received.
Chụp lại hình ảnh,

Rafael được chính phủ Venezuela trả tiền bằng đồng bolivar

Bề ngoài, thông tin ông đăng lại dường như vô hại nhưng các chuyên gia về tin giả và các nhà phân tích chính trị của Venezuela coi đây là một phần của chiến lược rộng hơn nhằm đàn áp tự do ngôn luận.

Adrián González, người sáng lập trang Cazadores de Fake News, một website lật tẩy thông tin sai sự thật ở Venezuela, cho biết chính phủ đang dùng tuyên truyền “để làm dịu các thông tin mà họ không kiểm soát được” nhằm ảnh hưởng cách nhìn nhận của công chúng trên mạng.

Một cách họ làm việc này là nhấn chìm tiếng nói của những người chỉ trích, nhất là trên Twitter.

Marivi Vazquez, từ tổ chức ProBox, một NGO chống tin giả ở Mỹ Latin, bình luận rằng mục đích của “những dư luận viên” như Rafael là phá vỡ các thuật toán “trending” bằng cách làm ô nhiễm chúng với các thông điệp ủng hộ chính phủ.

"Điều này rất nguy hiểm vì khi bạn đọc những điều trending và bạn thấy hầu hết các hashtag đều ủng hộ chính phủ, khó mà biết được chuyện gì thực sự đang xảy ra ở đất nước Venezuela.”

Những hashtag này là một phần trong chiến dịch lớn hơn nhằm tuyên truyền trên mạng.

A screenshot of one of the deepfake videos - showing opposition leader Juan Guaidó and a reporter generated using artificial intelligence.
Chụp lại hình ảnh,

Các video deepfake cho người dân Venezuela thấy phương Tây bình luận tích cực về đất nước họ.

Hồi đầu năm nay, khi chính phủ Venezuela bị cáo buộc dùng video do AI tạo ra để tuyên truyền trên mạng, họ phản ứng rất nhanh.

Trên Twitter, Bộ Truyền thông nói hashtag của ngày là #SomosInteligenciaSocial hay #ChúngtalàTrítuệXãhội.

Mục đích là để chống những cáo buộc rằng người ủng hộ Chủ nghĩa Chavez đứng đằng sau các video deepfake, được đăng cả trên truyền hình nhà nước.

Theo phân tích của trang Probox, #SomosInteligenciaSocial được sử dụng hơn 360.000 lần trong 24 giờ và trend trên Twitter ở Venezuela. Phân tích của họ cũng cho thấy 90% tương tác sử dụng hashtag này tới từ những tài khoản được coi là bots hay “dư luận viên” được trả tiền để lặp lại thông tin tuyên truyền của chính phủ.

Rafael gửi cho chúng tôi bằng chứng các khoản thanh toán ông nhận cho công việc tweet tin tuyên truyền. Đó là ảnh chụp màn hình các khoản chuyển tiền vào Sistema Patria. Đây là một ứng dụng an ninh do chính phủ tạo ra để cho người Venezuela nhận tiền trợ cấp, và cho phép họ nhận tiền lương nhà nước và lương hưu, và một số thứ khác. Từ tháng Ba tới tháng Tư, tài khoản của Rafael cho thấy ông kiếm được gần 10USD.

A graphic showing the stickers Rafael has received
Chụp lại hình ảnh,

Người sử dụng app nhận sticker tùy theo số lượng tweet họ đăng

Theo các chuyên gia tại ProBox, những người đã nghiên cứu các khoản thanh toán qua ứng dụng này, các dư luận viên cho phép ứng dụng Sistema Patria quyền tiếp cận và theo dõi dữ liệu. Tùy theo hoạt động của họ trên Twitter, “các dư luận viên” nhận khoản tiền hàng tháng trong ví điện tử của họ.

BBC Trending liên hệ với chính phủ Venezuela và hỏi vì sao họ trả tiền cho công dân để tweet lại nội dung tuyên truyền. Chúng tôi cũng hỏi liệu họ có chủ động sử dụng công nghệ deepfake để tuyên truyền hay không, nhưng họ không hồi đáp.

Điều rõ ràng là họ đã có chiến dịch nhấn chìm các ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội, một chiến dịch có sử dụng dư luận viên được trả tiền.

“Đây là điều nghịch lý,” ông Gonzalez giải thích. “Nhiều người làm điều này vì họ cần ăn, họ cần tiền trả internet hay vì họ không được tiếp cận dịch vụ công”.

Chúng tôi tìm cách hỏi chuyện nhiều dư luận viên được trả tiền khác, nhưng một số người quá xấu hổ và những người khác lo ngại cho an toàn của họ.

Sự thẳng thắn của Rafael là một ngoại lệ. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?