Hàn Quốc trong cuộc đua trở thành một trong các nước bán vũ khí lớn nhất thế giới

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-Sup

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup trong cuộc họp báo chung sau khi thị sát buổi huấn luyện quân sự bao gồm phóng pháo K9 do Hàn Quốc sản xuất tại thành phố Toruń, Ba Lan vào ngày 23/02/2023

Hàn Quốc đang dùng thỏa thuận vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD với Ba Lan, lớn nhất từ trước đến nay của Seoul, để thiết lập nền tảng về sức mạnh quân sự, công nghiệp. Theo đó, các công ty sản xuất vũ khí của cả hai nước hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu từ châu Âu trong tương lai, theo phân tích từ Reuters.

Số lượng vũ khí bán của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 17 tỷ USD trong năm 2022 từ mức 7,25 tỷ USD vào năm 2021, theo Bộ Quốc phòng nước này, trong bối cảnh các quốc gia Phương Tây đang tăng tốc viện trợ vũ khí cho Ukraine cũng như căng thẳng dâng cao liên quan đến vấn đề Bắc Hàn và Biển Đông.

Thỏa thuận vũ khí giữa Hàn Quốc với Ba Lan, một thành viên quan trọng trong Nato hồi năm ngoái, bao gồm hàng trăm bệ phóng rocket Chunmoo, xe tăng K2, pháo K9 tự hành và máy bay chiến đấu FA-50. Giá trị của thỏa thuận và số lượng vũ khí khiến Hàn Quốc trở nên nổi bật trong số những quốc gia sản xuất vũ khí quân sự lớn nhất thế giới.

Giới chức Hàn Quốc và Ba Lan cho biết hợp tác sẽ giúp họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu thậm chí vượt ra khỏi cuộc chiến tranh Ukraine, khi Seoul có thể cung cấp các vũ khí chất lượng cao hơn những quốc gia khác và Ba Lan mang lại khả năng sản xuất và buôn bán đến châu Âu.

Reuters đã trao đổi với 13 lãnh đạo công ty và quan chức chính phủ, bao gồm những người trực tiếp tham gia thỏa thuận. Họ cho biết sự dàn xếp mang lại kế hoạch sử dụng hợp tác công-tư quốc tế và các liên doanh, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của Seoul và Hàn Quốc đạt được tham vọng trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới.

"Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, và các quốc gia khác đang nghĩ đến việc mua vũ khí quốc phòng chỉ từ châu Âu, nhưng hiện tại nếu mua từ các công ty Hàn Quốc thì giá có thể thấp hơn và quá trình giao nhận cũng nhanh chóng hơn," Oh Kyeahwan, Giám đốc công ty Hanwha Aerospace, người có tham gia thỏa thuận với Ba Lan nói với Reuters.

Các công ty Hàn Quốc không tiết lộ giá trên một đơn vị đối với các vũ khí của họ, vốn thường được bán kèm thiết bị phụ trợ và dự phòng.

Hanwha Aerospace nắm giữ 55% thị phần trong thị trường pháo howitzer, con số này ước tính sẽ tăng lên mức 68% với thỏa thuận với Ba Lan, theo nghiên cứu từ NH Research & Securities.

Thỏa thuận này được thiết lập giữa các liên doanh giữa phía công ty Hàn Quốc và Ba Lan, sẽ sản xuất vũ khí, bảo dưỡng máy bay chiến đấu và cung cấp khuôn khổ để cuối cùng cung cấp cho các quốc gia châu Âu khác, Lukasz Komorek, Giám đốc Văn phòng Dự án Xuất khẩu từ tập đoàn Polish Armaments Group (PGZ) thuộc nhà nước Ba Lan sở hữu.

Pháo K9 Thunder

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Pháo K9 Thunder do Hàn Quốc sản xuất được sử dụng trong buổi huấn luyện quân sự tại thành phố Toruń, Ba Lan vào ngày 23/02/2023

Điều này sẽ bao gồm chế tạo vũ khí Hàn Quốc theo giấy phép ở Ba Lan, giới chức ở Seoul và Warsaw cho biết. Theo kế hoạch thì 500 trong số 820 xe tăng và 300 trong số 672 pháo howitzer sẽ được chế tạo tại những nhà máy ở Ba Lan, bắt đầu vào năm 2026.

"Chúng tôi không muốn đóng vai trò là nhà thầu phụ, nhà cung cấp chuyển giao công nghệ và thu mua," ông Komorek nói. "Chúng tôi có thể cùng hiệp lực và sử dụng kinh nghiệm để chinh phục các thị trường châu Âu."

Sash Tusa, một chuyên gia phân tích về quốc phòng và không gia từ cơ quan Agency Partners có trụ sở tại Anh nói cả hai quốc gia đều đã thiết lập tốt nền tảng công nghệ vũ khí quân sự của mình, nhưng những kế hoạch dài hạn sẽ đối mặt với các rào cản. Những cơn gió chính trị có thể đảo chiều, ông nhận định, từ đó nhu cầu về vũ khí như pháo howitzer và xe tăng sẽ giảm.

Thậm chí nếu việc sản xuất và nhu cầu vẫn còn mạnh, các quốc gia châu Âu vẫn có thể muốn có thỏa thuận của chính họ với phía Hàn Quốc tương tự như với Ba Lan, các thỏa thuận đồng sản xuất có thể giúp tạo nên việc làm và kích thích ngành công nghiệp này, ông Tusa nói với Reuters.

"Điều này có thể có tác dụng với một số quốc gia với số lượng rất, rất thấp," ông đề cập đến số lượng vũ khí từ Hàn Quốc với Ba Lan đóng vai trò trung gian, thảo luận về những thách thức mà hoạt động chung này có thể đối mặt.

Giao hàng nhanh chóng

Khẩu pháo K9

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS/KACPER PEMPEL/FILE PHOTO

Chụp lại hình ảnh,

Pháo K9, nằm trong lô vũ khí đầu tiên từ Hàn Quốc được chuyển đến theo các hợp đồng ký kết trong những tháng qua, tại một cuộc tập trận quân sự ở Ba Lan, vào ngày 30/03

Tại nhà máy của Hanwha Aerospace ở bờ biển miền nam Hàn Quốc, sáu robot tự động to lớn và hơn 150 công nhân sản xuất đang làm việc cho những pháo K9 nặng 47 tấn, dự kiến sẽ được chuyển đến Ba Lan.

Những khẩu súng tự hành sử dụng đạn pháo 155 mm theo tiêu chuẩn của Nato, có các hệ thống kiểm soát phóng được máy tính hóa, và được thiết kế để dễ dàng tích hợp với các mạng lưới kiểm soát và phát ra mệnh lệnh, mang lại hiệu suất tương đương những lựa chọn đắt tiền hơn từ Phương Tây. Các quốc gia lớn như Úc và Ấn Độ đang sử dụng chúng.

Để đáp ứng nhu cầu, công ty này dự kiến sẽ thêm khoảng thêm 50 công nhân và các dây chuyền sản xuất, nhà quản lý sản xuất Cha Yong-su nói trong một chuyến tham quan gần đây. Robot phụ trách khoảng 70% công việc hàn những pháo K9, và đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng năng suất, ông nói. Chúng vận hành trung bình tám giờ một ngày và có thể 24/24 khi cần.

"Căn bản, chúng tôi có thể đáp ứng bất kỳ đơn hàng nào mà họ muốn," nhà quản lý Cha nói.

Việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí nhanh hơn hầu hết bất kỳ ai khác cũng là một yếu tố cân nhắc quan trọng, giới chức Ba Lan nói. Lô hàng đầu tiên gồm 10 khẩu pháo K2 và 24 khẩu pháo K9 đã đến Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi các thỏa thuận được ký kết, và ít nhất thêm năm xe tăng và 12 pháo howitzer được giao thêm từ khi đó.

Trái lại, Đức, một trong những quốc gia sản xuất vũ khí lớn khác, chưa giao bất kỳ xe tăng nào trong số 44 chiếc Leopard mà phía Hungary đặt hàng vào năm 2018, Oskar Pietrewicz, một chuyên gia phân tích cấp cao từ Polish Institute of International Affairs nói.

"Mối quan tâm của các quốc gia về khả năng cung cấp của Hàn Quốc có thể tăng khi xét về năng lực sản xuất hạn chế của nền công nghệ quốc phòng của Đức, vốn là nhà sản xuất vũ khí lớn trong khu vực," ông nói.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vũ khí của Hàn Quốc cũng cho biết điều này sẽ là lợi điểm thu hút bán hàng cho các khách hàng tương lai.

Mối quan hệ gần gũi giữa quân sự Hàn Quốc và ngành công nghiệp vũ khí của quốc gia này cho phép họ có thể sắp xếp lại các đơn hàng trong nước để có chỗ sản xuất để xuất khẩu và tăng cường sản xuất trong trung tâm sản xuất công nghiệp cao, giới chức cho biết.

"Họ điều phối mọi việc chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng, chuyện khiến chúng tôi mất hàng đến hàng năm," một lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu nói trong điều kiện ẩn danh vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.

Tổng thống Yoon Suk-yeol

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Thượng đỉnh Nato vào ngày 30/06/2022

Những căng thẳng thường xuyên với phía Bắc Hàn đồng nghĩa các dây chuyền sản xuất của Bắc Hàn đang vận hành và các vũ khí đã được phát triển, thử nghiệm, và nâng cấp dùng trong những tình huống áp lực cao, Cho Woorae, phó chủ tịch kinh doanh và chiến lược toàn cầu từ Korea Aerospace Industries nói.

Hàn Quốc đã thúc đẩy bán các vũ khí của mình đến Ba Lan trước cuộc chiến tranh Ukraine, thế nhưng sau đó cuộc xâm lược này đã làm gia tăng mối quan tâm từ Ba Lan, Kim Hyoung-cheol, Phó giám đốc từ Defense Acquisition Program Administration (DAPA) nói với Reuters.

Sau chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan vào tháng 5/2022 đến tham quan các vũ khí của Hàn Quốc, và Tổng thống Yoon Suk-yeol có cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh Nato với người đồng cấp Ba Lan, Andrzej Duda hồi tháng 6/2022, nền tảng đã được thiết lập cho một thỏa thuận quy mô lớn, được hoàn tất một tháng sau đó, ông Kim nói với Reuters.

Các vũ khí của Hàn Quốc được thiết kế để tương thích với Mỹ, và các hệ thống Nato cũng là một điểm thu hút bán hàng mới. Hàn Quốc cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Nato và các quốc gia thành viên, chiếm đến 4,9% số lượng vũ khí mua, theo Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI).

Con số thấp hơn nhiều khi so với Mỹ, vốn chiếm 65% và Pháp là 8,6%.

Sản xuất chung

Giới chức tại Seoul nói với Reuters là họ cố gắng thuyết phục Ba Lan về việc sản xuất vũ khí Hàn Quốc ở quốc gia này để khiến việc giao cho các khách hàng châu Âu dễ dàng hơn.

"Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy một nền ngoại giao quân sự và phối hợp quốc phòng để mối quan hệ với quốc gia mua vũ khí có thể phát triển thành những hợp tác khác nhau, vượt khỏi quan hệ mua-bán vũ khí," Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói trong một tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Ba Lan không phản hồi trước một yêu cầu bình luận từ Reuters.

Ông Oh nói Hanwha Aerospace tiến hành chia sẻ công nghệ ở Ấn Độ, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Vì thế, tôi không nghĩ phải lo lắng nhiều về vấn đề hiệu suất," ông nói.

Thỏa thuận vũ khí năm 2022 bắt đầu với việc những công ty Hàn Quốc ký thỏa thuận khung với chính phủ Ba Lan. Những công ty này đã thành lập các liên doanh với phía PGZ và những chi nhánh, vốn ký thỏa thuận cuối cùng với chính phủ Ba Lan, ông nói.

"Chúng tôi có một thực thể duy nhất, một liên doanh lớn, đại diện cho toàn bộ dự án xét từ một quan điểm của ngành công nghiệp," ông Komorek nói, lưu ý đến thỏa thuận này bao gồm nhiều dự án.

'Nghị trình cho thập kỷ'

Máy bay tác chiến hạng nhẹ FA-50

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Một máy bay tác chiến hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất được quân đội Philippines sử dụng vào năm 2015

Trong năm ngoái, Hàn Quốc đã phóng rocket không gian sản xuất trong nước đầu tiên của mình, và có chuyến bay đầu tiên của chiến đấu cơ KFX được sản xuất trong nước, và công bố những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD.

"Đối với hầu hết các quốc gia khác, đây sẽ là một nghị trình trong một thập kỷ," một quan chức lãnh đạo tại công ty vũ khí của châu Âu nói với Reuters, với điều kiện ẩn danh vì tính chất nhạy cảm của vấn đề. "Chúng tôi đã đánh giá thấp cho Hàn Quốc trong một khoảng thời gian dài."

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với Reuters hồi tháng Tư rằng Hàn Quốc có thể mở rộng hậu thuẫn cho Kyiv vượt khỏi viện trợ kinh tế và nhân đạo nếu xảy ra một cuộc tấn công nhằm dân thường với quy mô lớn ở Ukraine.

Seoul từ khi đó chấp thuận ít nhất một số phụ tùng của Hàn Quốc để sử dụng tại Ukraine.

Sản lượng vũ khí bán tại châu Á của Hàn Quốc chiếm 63% sản lượng xuất khẩu từ năm 2018 đến 2022, theo SIPRI, trong bối cảnh có sự tăng cường vũ khí trước những mối quan ngại về an ninh và căn thẳng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hàn Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu KFX với Indonesia, và các lãnh đạo Ba Lan đã phát đi tín hiệu quan tâm đến dự án này. Malaysia năm nay đã mua các máy bay tác chiến hạng nhẹ FA-50 trị giá 1 tỷ USD, và Seoul cũng đang chạy đua để cung cấp dòng xe chiến đấu tiếp theo cho lực lượng bộ binh Úc.

"Các quốc gia châu Á đang xem chúng tôi là đối tác rất hấp dẫn cho các thỏa thuận vũ khí quốc phòng cũng như phòng ngừa rủi ro trước những căng thẳng gia tăng," một nhà ngoại giao từ Seoul nói. "Chúng tôi là đồng minh của Mỹ, nhưng không phải là nước Mỹ."

Tổng thống Hàn Quốc để mở khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?