Số phận mẫu UAV trứ danh của Thổ Nhĩ Kỳ trong xung đột ở Ukraine
Hầu hết máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Ukraine vận hành đã bị các hệ thống phòng không Nga bắn rơi, số còn lại không còn hoạt động ở tiền tuyến.
UAV Bayraktar TB2 gần như không có xuất hiện trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong những tháng đầu của cuộc xung đột ở Ukraine, máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 được ca ngợi vì năng lực chiến đấu và được coi vũ khí không thể thiếu trong môi trường tác chiến tương lai, theo Insider.
Ở thời điểm đó, quân đội Ukraine sử dụng UAV Bayraktar TB2 mang theo vũ khí để tập kích các đoàn xe quân sự Nga. Tuy nhiên, sau hơn một năm, mẫu UAV có giá 5 triệu USD này đã gần như biến mất hoàn toàn khỏi chiến trường.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, những mẫu UAV cỡ lớn, có giá tương đối cao như Bayraktar TB2 đang bị thay thế bằng các mẫu UAV tự sát có kích thước nhỏ và chi phí sản xuất thấp hơn nhiều.
"UAV kiểu như TB2 chỉ hiệu quả khi đối phó với đối phương không có hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử tinh vi", Samuel Bendett, chuyên gia về các hệ vũ khí quân sự không người lái và robot tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) có trụ sở ở Mỹ, nói trên tờ Insider hôm 28/5.
"Thực tế là UAV TB2 bay rất chậm và hoạt động ở tầm thấp, rất dễ bị mạng lưới phòng không có tổ chức bắn rơi", ông Bendett nói.
Nga là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Sau vài tháng đầu diễn ra xung đột, quân đội Nga đã thích ứng, đưa tới chiến trường các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử hiện đại.
"Khi quân đội Nga đã biết cách khắc chế, UAV TB2 do Ukraine vận hành bị bắn rơi hàng loạt", chuyên gia Bendett nói.
Năm ngoái, quân đội Ukraine nhận 50 chiếc TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đến cuối năm 2022, mẫu UAV này đã gần như biến mất trên chiến trường.
Những chiếc Bayraktar TB2 có giá khoảng 5 triệu USD.
Chỉ huy lực lượng phòng không Nga, trung tướng Andrey Demin, tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã phá hủy hơn 100 UAV trong tháng 4.
Theo chuyên gia Bendett, Ukraine chỉ còn một vài chiếc TB2 và sử dụng vào mục đích thu thập thông tin tình báo, trinh sát. Nói cách khác, mẫu UAV này đã không còn xuất hiện ở tiền tuyến.
"UAV TB2 giờ đây luôn hoạt động bên ngoài phạm vi của các hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của Nga", ông Bendett nói.
Hiện tại, Ukraine chủ yếu tìm mua các mẫu UAV thương mại điều khiển từ xa, gắn thuốc nổ lên các UAV này và sử dụng với mục đích phá hủy các hệ thống vũ khí Nga trên chiến trường.
UAV tự sát cỡ nhỏ có thể vượt qua mạng lưới phòng không, nhưng quân đội Nga cũng đối phó bằng cách tăng cường hệ thống tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử là một "thành phần quan trọng" trong chiến thuật của Nga và góp phần gây ra tổn thất to lớn cho các UAV Ukraine, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng-an ninh (RUSI), cho biết.
"Một khi quân đội Nga đã thích nghi với môi trường chiến đấu kiểu mới, không có chỗ để Ukraine có thể mắc sai lầm", Viện RUSI nhận định.
Ngược lại, các hệ thống phòng không tối tân do Mỹ và đồng minh hỗ trợ cho Ukranie chỉ tập trung nâng cao năng lực ngăn chặn máy bay và tên lửa tầm xa của Nga.
Ukraine hiện chưa có phương án đối phó hiệu quả đối với mẫu UAV tự sát Lancet-3 của Nga. Tháng trước, video do truyền thông Nga công bố, cho thấy UAV Lancet lao thẳng vào xe phóng tên lửa phòng không S-300 của Ukraine gây nổ lớn.
Nguồn: https://arttimes.vn/the-gioi/so-phan-mau-uav-tru-danh-cua-tho-nhi-ky-trong-xung-dot-o-ukraine-c1...
Đại sứ Nga tại Anh cho rằng "việc nghĩ rằng Ukraine có thể thắng thế là một sai lầm lớn về mặt tư tưởng".
Theo Hoàng Anh - Insider (Arttimes)
Nhận xét
Đăng nhận xét