Hai người Việt nhận giải ở Cannes: Bên trong tổ kén chưa vàng
- Phạm Tường Vân
- Bài đăng trên Facebook cá nhân tác giả
Tôi nhận cuộc gọi từ Paris, của nhà văn Thuận chỉ vài phút sau khi tên Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân được xướng lên ở Liên hoan phim Cannes 2023. Thế là tôi và một vài đồng nghiệp cách nhau non nửa bán cầu có một đêm trắng khó quên.
Tôi cũng nhận vài cuộc gọi từ Boston và LA, những người từng có nhiều dự định với điện ảnh Việt Nam. T. và N. là hai người bạn 12 năm trước đã từng cùng tôi thử bắc những chiếc cầu nho nhỏ cho điện ảnh Việt.
Ngày ấy chúng tôi đã mời một số tên tuổi của Hollywood đến Việt Nam, tổ chức các buổi workshop chia sẻ kinh nghiệm làm phim, giới thiệu một số nhà làm phim trẻ với các liên hoan phim và các chuyên gia trong ngành. Một trong số họ là Pilar Alessandra, bác sĩ kịch bản, cộng sự rất được tín nhiệm của Steven Allan Spielberg tại DreamWorks.
Đạo diễn Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân thắng giải tại Cannes 2023
Lời khuyên chung của các chuyên gia là các nhà làm phim trẻ Việt Nam hãy bắt đầu từ những bộ phim kinh phí thấp, tập trung vào các câu chuyện Việt Nam đặc thù, thay vì học theo công thức bom tấn Hollywood. Chúng tôi cũng nhận được lời hứa tham vấn kịch bản cho các đạo diễn là học viên từ chính Pilar Alessandra.
Trong số gần 500 học viên ngày ấy, cũng có biên kịch lọt vào vòng trong cuộc thi kịch bản của giới nhà nghề tại Mỹ, vài đạo diễn từng đem về mấy giải thưởng đáng khích lệ từ một số liên hoan phim độc lập nhưng cơ hội đến với họ chưa nhiều. Trong vài năm qua, tôi cũng từng làm việc chung với một số cựu du học sinh ngành phim ảnh từ Âu Mỹ. Các dự án của họ cũng vậy, vẫn thuộc dòng phim độc lập, kinh phí thấp, do một vài quỹ văn hóa tài trợ hoặc gia đình, bạn bè chung tay.
Vậy là sau 30 năm, những cái tên thuần Việt lại được xướng lên ở một liên hoan phim danh giá như Cannes. Tôi biết nhiều nhà làm phim Việt cũng trải qua một đêm trắng tràn đầy cảm hứng.
Nhưng vui thôi chứ đừng vui quá.
Sau hai năm hôn mê vì Covid, một năm phục hồi chậm chạp với doanh thu cực kỳ khiêm tốn (chỉ 16% phim có lãi mà lãi rất ít), chỉ số tăng trưởng ảm đạm ở hai thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM, nơi chiếm khoảng 40% thị phần cả nước, khiến điện ảnh Việt đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Những bộ phim có doanh thu cao nhất thì lại cũng là những bộ phim gây tranh cãi về chất lượng.
Tất cả các bộ phim được làm kỹ lưỡng, giàu tính điện ảnh, buồn thay, cũng đều chung số phận với những phim bộ phim dở và cẩu thả: lỗ thê thảm.
Điện ảnh là đại sứ văn hóa cho mọi quốc gia
“Tin tôi đi, điện ảnh là đại sứ tốt nhất cho mọi quốc gia,” một nhà làm phim Mỹ từng thuyết phục tôi như thế. Và tôi cũng dùng nó để thuyết phục các đồng nghiệp tài hoa có ý định bỏ nghề.
“Tôi từng rất ấn tượng về phim Mùi Đủ Xanh và thôi thúc ý định đến Việt Nam,” ba nhà làm phim cũng đã chia sẻ như vậy, trong đó có biên kịch gạo cội Pilar Alessandra và một thiền sư kiêm nhà làm phim từng giành nhiều giải thưởng quốc tế Khyentse Norbu.
Có lẽ Trần Anh Hùng không biết rằng hương vị nhiệt đới tao nhã toát lên từ bộ phim từng giành Prix Caméra d'or 1993 của anh đã dẫn dụ bao nhiêu người tìm đến xứ sở này, trong đó có nhiều tên tuổi trong giới làm phim.
30 năm sau, khi Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc thì Phạm Thiên Ân giành Prix Caméra d'or (phim đầu tay xuất sắc nhất) cho Bên Trong Vỏ Kén Vàng. Trong khi Mùi Đu Đủ Xanh là bộ phim Pháp, Bên Trong Vỏ Kén Vàng của Phạm Thiên Ân có xuất xứ thuần Việt. Bên Trong Vỏ Kén Vàng sẽ tiếp tục gọi mời những điều kỳ diệu nào đến Việt Nam nữa đây?
Làm tôi không thể không nhớ tới cuộc tranh luận sôi nổi của giới nhà nghề khi Hàn Quốc lần đầu giành Oscar với Ký Sinh Trùng của Bong Joon-ho. Khi chúng ta vừa kịp nhận ra rằng bước tiến gây sửng sốt của các nhà làm phim Hàn nằm trong chiến lược phát triển quốc gia với sự hậu thuẫn của dàn cheabo hùng hậu, thì làn sóng Hallyu đã bao phủ toàn cầu.
Sau giải Oscar của Ký Sinh Trùng năm 2020, điện ảnh Hàn Quốc thong dong ẵm giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Park Chan Wook - phim Decision To Leave) và Nam chính xuất sắc nhất tại Cannes 2022, rồi đĩnh đạc vươn vai trở thành một ông lớn của công nghiệp giải trí.
Trong khi chờ ai đó thực sự xem điện ảnh là một đại sứ văn hóa cho dân tộc, là một động lực của nền kinh tế quốc gia, chờ một thế hệ tài phiệt lịch lãm yêu nghệ thuật thứ bảy "hạ phàm", chờ cơ quan quản lý thoắt biến thành hiền mẫu để an dịu nền điện ảnh vốn đã thiếu sinh khí lại từng nhiều phen sang chấn do kiểm duyệt, các nhà làm phim Việt vẫn phải thắp đuốc lên mà đi.
Phá vỡ tổ kén, dễ không?
Một môi trường nghề nghiệp lành mạnh giàu tính sáng tạo đòi hỏi những nhà sản xuất có tầm nhìn vượt qua cái bóng của những bộ phim trăm tỷ. Cần những biên kịch giàu trải nghiệm biết tìm ra những thân phận mà truyền thông bỏ quên. Cần những đạo diễn dám phá vỡ tổ kén của chính mình, dám từ chối công thức khó cưỡng của những bộ phim doanh thu cao, dám phá vỡ giới hạn gồm cả những khuôn mẫu bám rễ trong tâm trí khán giả.
Họ cũng cần vượt qua nỗi sợ thất bại và cũng được trao cơ hội làm lại, nhất là với các bộ phim đầu tay. Cũng cần lắm một lớp khán giả dám chui ra khỏi chiếc kén của thói quen xem phim truyền hình, thói quen cảm thụ điện ảnh truyền thống, không dễ dãi nhưng công bằng, nhìn nhận điện ảnh Việt đúng ở độ tuổi mà nó đang là.
“Điện ảnh Việt hiện tại như một em bé mới biết bò mà lối đi đầy chướng ngại vật”, một nhà sản xuất cay đắng thốt lên sáng nay, trên đường đi chọn cảnh cho bộ phim sắp quay. Anh từng phải bán một căn nhà để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi phim không đạt doanh thu như cam kết. Về chuyện bán nhà để làm phim, hai người bạn vong niên của tôi, đạo diễn Síu Phạm (người từng quen tên với nhiều giải thưởng phim độc lập quốc tế) và phu quân (anh Jean Luc Mello) cũng từng vui vẻ làm để nuôi bộ phim Đó hay Đây mà họ thực hiện năm 2011 tại Hội An.
Các nhà làm phim cũng thì thầm bảo nhau gửi tiền hỗ trợ cho một số anh em tổ quay làm theo thời vụ nay nằm nhà chờ dự án khởi động, hay người vừa nhận thù lao lặng lẽ chuộc giùm các thiết bị ai đó vừa bán tháo chạy nợ. Đạo diễn có tiếng tăm vô tình đụng đàn em chỗ làm phim sự kiện, web drama để mưu sinh, ban đầu ngại ngùng riết cũng chai sạn. Đặt xe công nghệ khả năng gặp luôn mấy anh em trong đoàn phim cũng là chuyện thường tình.
“Bố biết thế nào là cái đói, thế nào là không chốn nương thân. Hơn nữa, bố đã nếm trải nỗi khổ nhục của một anh hề rong, trong ngực sục sôi một đại dương kiêu hãnh, và niềm kiêu hãnh này bị tổn thương bởi những đồng xu người ta ném cho bố. Nhưng dù sao bố vẫn sống…” - Thư của huyền thoại Charlie Chaplin viết cho con gái Geraldine từ 1965 cho thấy sự giằng xé giữa niềm kiêu hãnh của kẻ sáng tạo và gánh nặng mưu sinh là nỗi đau trường trực đối với nghệ sĩ nói chung, chẳng riêng gì các nhà làm phim Việt hôm nay. Niềm kiêu hãnh ấy đêm qua lại được bơm thêm chút doping.
Những năm gần đây, thật ra, tên Việt Nam cũng được xướng lên ở vài nơi với những giải thưởng danh giá từ khoa học, văn chương tới điện ảnh. Nhưng... Những người vừa làm rạng danh hai tiếng Việt Nam đó đều đang sống ở nước ngoài.
Quan Kế Huy sinh tại Việt Nam, di cư đến Mỹ từ hơn 40 năm về trước, Trần Anh Hùng sinh tại Việt Nam, lớn lên tại Lào và trưởng thành tại Pháp. Phạm Thiên Ân sinh ra lớn lên tại Việt Nam, nhưng cũng mới vừa định cư Mỹ cách đây 4 năm. 60% kinh phí bộ phim của Ân đến từ những nguồn bên ngoài Việt Nam.
Nếu họ chỉ ở trong nước, vinh quang có đến không?
Có. Nhưng chưa phải hôm nay.
- Phạm Tường Vân
- Bài đăng trên Facebook cá nhân tác giả
Tôi nhận cuộc gọi từ Paris, của nhà văn Thuận chỉ vài phút sau khi tên Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân được xướng lên ở Liên hoan phim Cannes 2023. Thế là tôi và một vài đồng nghiệp cách nhau non nửa bán cầu có một đêm trắng khó quên.
Tôi cũng nhận vài cuộc gọi từ Boston và LA, những người từng có nhiều dự định với điện ảnh Việt Nam. T. và N. là hai người bạn 12 năm trước đã từng cùng tôi thử bắc những chiếc cầu nho nhỏ cho điện ảnh Việt.
Ngày ấy chúng tôi đã mời một số tên tuổi của Hollywood đến Việt Nam, tổ chức các buổi workshop chia sẻ kinh nghiệm làm phim, giới thiệu một số nhà làm phim trẻ với các liên hoan phim và các chuyên gia trong ngành. Một trong số họ là Pilar Alessandra, bác sĩ kịch bản, cộng sự rất được tín nhiệm của Steven Allan Spielberg tại DreamWorks.
Đạo diễn Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân thắng giải tại Cannes 2023
Lời khuyên chung của các chuyên gia là các nhà làm phim trẻ Việt Nam hãy bắt đầu từ những bộ phim kinh phí thấp, tập trung vào các câu chuyện Việt Nam đặc thù, thay vì học theo công thức bom tấn Hollywood. Chúng tôi cũng nhận được lời hứa tham vấn kịch bản cho các đạo diễn là học viên từ chính Pilar Alessandra.
Trong số gần 500 học viên ngày ấy, cũng có biên kịch lọt vào vòng trong cuộc thi kịch bản của giới nhà nghề tại Mỹ, vài đạo diễn từng đem về mấy giải thưởng đáng khích lệ từ một số liên hoan phim độc lập nhưng cơ hội đến với họ chưa nhiều. Trong vài năm qua, tôi cũng từng làm việc chung với một số cựu du học sinh ngành phim ảnh từ Âu Mỹ. Các dự án của họ cũng vậy, vẫn thuộc dòng phim độc lập, kinh phí thấp, do một vài quỹ văn hóa tài trợ hoặc gia đình, bạn bè chung tay.
Vậy là sau 30 năm, những cái tên thuần Việt lại được xướng lên ở một liên hoan phim danh giá như Cannes. Tôi biết nhiều nhà làm phim Việt cũng trải qua một đêm trắng tràn đầy cảm hứng.
Nhưng vui thôi chứ đừng vui quá.
Sau hai năm hôn mê vì Covid, một năm phục hồi chậm chạp với doanh thu cực kỳ khiêm tốn (chỉ 16% phim có lãi mà lãi rất ít), chỉ số tăng trưởng ảm đạm ở hai thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM, nơi chiếm khoảng 40% thị phần cả nước, khiến điện ảnh Việt đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Những bộ phim có doanh thu cao nhất thì lại cũng là những bộ phim gây tranh cãi về chất lượng.
Tất cả các bộ phim được làm kỹ lưỡng, giàu tính điện ảnh, buồn thay, cũng đều chung số phận với những phim bộ phim dở và cẩu thả: lỗ thê thảm.
Điện ảnh là đại sứ văn hóa cho mọi quốc gia
“Tin tôi đi, điện ảnh là đại sứ tốt nhất cho mọi quốc gia,” một nhà làm phim Mỹ từng thuyết phục tôi như thế. Và tôi cũng dùng nó để thuyết phục các đồng nghiệp tài hoa có ý định bỏ nghề.
“Tôi từng rất ấn tượng về phim Mùi Đủ Xanh và thôi thúc ý định đến Việt Nam,” ba nhà làm phim cũng đã chia sẻ như vậy, trong đó có biên kịch gạo cội Pilar Alessandra và một thiền sư kiêm nhà làm phim từng giành nhiều giải thưởng quốc tế Khyentse Norbu.
Có lẽ Trần Anh Hùng không biết rằng hương vị nhiệt đới tao nhã toát lên từ bộ phim từng giành Prix Caméra d'or 1993 của anh đã dẫn dụ bao nhiêu người tìm đến xứ sở này, trong đó có nhiều tên tuổi trong giới làm phim.
30 năm sau, khi Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc thì Phạm Thiên Ân giành Prix Caméra d'or (phim đầu tay xuất sắc nhất) cho Bên Trong Vỏ Kén Vàng. Trong khi Mùi Đu Đủ Xanh là bộ phim Pháp, Bên Trong Vỏ Kén Vàng của Phạm Thiên Ân có xuất xứ thuần Việt. Bên Trong Vỏ Kén Vàng sẽ tiếp tục gọi mời những điều kỳ diệu nào đến Việt Nam nữa đây?
Làm tôi không thể không nhớ tới cuộc tranh luận sôi nổi của giới nhà nghề khi Hàn Quốc lần đầu giành Oscar với Ký Sinh Trùng của Bong Joon-ho. Khi chúng ta vừa kịp nhận ra rằng bước tiến gây sửng sốt của các nhà làm phim Hàn nằm trong chiến lược phát triển quốc gia với sự hậu thuẫn của dàn cheabo hùng hậu, thì làn sóng Hallyu đã bao phủ toàn cầu.
Sau giải Oscar của Ký Sinh Trùng năm 2020, điện ảnh Hàn Quốc thong dong ẵm giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Park Chan Wook - phim Decision To Leave) và Nam chính xuất sắc nhất tại Cannes 2022, rồi đĩnh đạc vươn vai trở thành một ông lớn của công nghiệp giải trí.
Trong khi chờ ai đó thực sự xem điện ảnh là một đại sứ văn hóa cho dân tộc, là một động lực của nền kinh tế quốc gia, chờ một thế hệ tài phiệt lịch lãm yêu nghệ thuật thứ bảy "hạ phàm", chờ cơ quan quản lý thoắt biến thành hiền mẫu để an dịu nền điện ảnh vốn đã thiếu sinh khí lại từng nhiều phen sang chấn do kiểm duyệt, các nhà làm phim Việt vẫn phải thắp đuốc lên mà đi.
Phá vỡ tổ kén, dễ không?
Một môi trường nghề nghiệp lành mạnh giàu tính sáng tạo đòi hỏi những nhà sản xuất có tầm nhìn vượt qua cái bóng của những bộ phim trăm tỷ. Cần những biên kịch giàu trải nghiệm biết tìm ra những thân phận mà truyền thông bỏ quên. Cần những đạo diễn dám phá vỡ tổ kén của chính mình, dám từ chối công thức khó cưỡng của những bộ phim doanh thu cao, dám phá vỡ giới hạn gồm cả những khuôn mẫu bám rễ trong tâm trí khán giả.
Họ cũng cần vượt qua nỗi sợ thất bại và cũng được trao cơ hội làm lại, nhất là với các bộ phim đầu tay. Cũng cần lắm một lớp khán giả dám chui ra khỏi chiếc kén của thói quen xem phim truyền hình, thói quen cảm thụ điện ảnh truyền thống, không dễ dãi nhưng công bằng, nhìn nhận điện ảnh Việt đúng ở độ tuổi mà nó đang là.
“Điện ảnh Việt hiện tại như một em bé mới biết bò mà lối đi đầy chướng ngại vật”, một nhà sản xuất cay đắng thốt lên sáng nay, trên đường đi chọn cảnh cho bộ phim sắp quay. Anh từng phải bán một căn nhà để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi phim không đạt doanh thu như cam kết. Về chuyện bán nhà để làm phim, hai người bạn vong niên của tôi, đạo diễn Síu Phạm (người từng quen tên với nhiều giải thưởng phim độc lập quốc tế) và phu quân (anh Jean Luc Mello) cũng từng vui vẻ làm để nuôi bộ phim Đó hay Đây mà họ thực hiện năm 2011 tại Hội An.
Các nhà làm phim cũng thì thầm bảo nhau gửi tiền hỗ trợ cho một số anh em tổ quay làm theo thời vụ nay nằm nhà chờ dự án khởi động, hay người vừa nhận thù lao lặng lẽ chuộc giùm các thiết bị ai đó vừa bán tháo chạy nợ. Đạo diễn có tiếng tăm vô tình đụng đàn em chỗ làm phim sự kiện, web drama để mưu sinh, ban đầu ngại ngùng riết cũng chai sạn. Đặt xe công nghệ khả năng gặp luôn mấy anh em trong đoàn phim cũng là chuyện thường tình.
“Bố biết thế nào là cái đói, thế nào là không chốn nương thân. Hơn nữa, bố đã nếm trải nỗi khổ nhục của một anh hề rong, trong ngực sục sôi một đại dương kiêu hãnh, và niềm kiêu hãnh này bị tổn thương bởi những đồng xu người ta ném cho bố. Nhưng dù sao bố vẫn sống…” - Thư của huyền thoại Charlie Chaplin viết cho con gái Geraldine từ 1965 cho thấy sự giằng xé giữa niềm kiêu hãnh của kẻ sáng tạo và gánh nặng mưu sinh là nỗi đau trường trực đối với nghệ sĩ nói chung, chẳng riêng gì các nhà làm phim Việt hôm nay. Niềm kiêu hãnh ấy đêm qua lại được bơm thêm chút doping.
Những năm gần đây, thật ra, tên Việt Nam cũng được xướng lên ở vài nơi với những giải thưởng danh giá từ khoa học, văn chương tới điện ảnh. Nhưng... Những người vừa làm rạng danh hai tiếng Việt Nam đó đều đang sống ở nước ngoài.
Quan Kế Huy sinh tại Việt Nam, di cư đến Mỹ từ hơn 40 năm về trước, Trần Anh Hùng sinh tại Việt Nam, lớn lên tại Lào và trưởng thành tại Pháp. Phạm Thiên Ân sinh ra lớn lên tại Việt Nam, nhưng cũng mới vừa định cư Mỹ cách đây 4 năm. 60% kinh phí bộ phim của Ân đến từ những nguồn bên ngoài Việt Nam.
Nếu họ chỉ ở trong nước, vinh quang có đến không?
Có. Nhưng chưa phải hôm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét