Vì sao bích họa vẽ người nổi tiếng xuất hiện khắp nơi ở UK?
- Stephen Smith
- Nhà văn/Phát thanh viên
Trên bức tường giữa một nhà hàng gà jerk Jamaica và một tiệm nail, gương mặt quen thuộc của tiền đạo Harry Kane nổi bật trên nền trời London. Đội trưởng đội Anh là đối tượng của bức bích họa cao 7.6 mét ở Phố Whitehall, đối diện với Sân vận động CLB Tottenham Hotspur.
Harry Kane là một trong số các gương mặt thể thao và người nổi tiếng khác được vinh danh trên các bức bích họa khổng lồ trên các đường phố khuất nẻo ở các thành phố và thị trấn Anh. Cổ động viên bóng đá Anh một thời thường thu thập và trao đổi các lá bài in hình các cầu thủ yêu thích; nay họ có thể trao đổi ảnh chụp trước các bích họa trên Instagram.
Trong vài tuần qua, hai huyền thoại đội Liverpool là John Barnes và Roberto Firmino được vẽ bích họa, chỉ sau nhạc sỹ Sir Elton John. Tháng sau, hình ảnh quán quân đua ngựa Frankie Dettori sẽ chào đón những người đi xem đua ngựa ở giải Epsom Derby.
Người qua đường có thể nghĩ bức bích họa vẽ Harry Kane là tác phẩm của đội quân fan hùng hậu, các họa sỹ đường phố sống trong các khu nhà xã hội gần sân Tottenham.
Nhưng thực ra đây là tác phẩm của một cựu thiết kế đồ họa gần 50 tuổi, David Nash, và một đồng nghiệp trẻ tuổi của ông.
Nash, biệt danh đường phố là Gnasher, là một nghệ sỹ vẽ graffiti từ khi còn đi học. “Nhưng hồi những năm 80, vẽ graffiti là phi pháp. Giờ đây bạn vào bảo tàng Tate Modern và bạn thấy graffiti được ghi trên đường thời gian (timeline) của nghệ thuật đương đại,” ông nói.
Tượng những người nổi tiếng không còn được ưa chuộng trong những năm gần đây, nhưng Gnasher là một trong những nhóm họa sỹ vinh danh các anh hùng thời nay sử dụng các bức tường đường phố như tấm vải vẽ.
“Khi bạn ngắm một bức bích họa chẳng hạn bức vẽ Mo Salah ở Liverpool, cấu thành của nó không khác nhiều so với các bức tranh của các họa sỹ vẽ chân dung Gainsborough hay Reynolds,” GS Paul Gough, trưởng khoa Hội họa Đại học Bournemouth. Gough là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về hội họa đường phố ở Anh.
Trong lịch sử, tranh bích họa thường mang ý nghĩa người dân thường đã chiếm lại một con phố, ông nói. “Bạn có thể thấy điều này trong các bức bích họa về các cuộc đụng độ ở Bắc Ireland, không nghi ngờ gì. Chúng vừa có ý nghĩa luận chiến vừa có ý nghĩa chính trị. Bóng đá là một môn thể thao địa phương, bình dân. Những fan đi ủng hộ đội của họ trong mọi điều kiện thời tiết đang chiếm lại đường phố qua những bức bích họa này”.
Nói một cách khác, môn thể thao của người dân đã hội tụ với với nghệ thuật đường phố.
Gough đồng ý với quan điểm của Gnasher rằng nghệ thuật đường phố ngày nay được ưu đãi hơn, mặc dù vẫn chưa có tác phẩm nào của Banksy trong một bảo tàng quốc gia.
Mặc dù vậy, các đồng nghiệp của Gnasher giờ đây đủ tự tin để chuyển từ phun sơn chữ sang sáng tác các hình ảnh khổ lớn. Các bức bích họa khổng lồ vẽ gương mặt các ngôi sao thể thao và nhân vật nổi tiếng đã rất phổ biến ở châu Âu và châu Mỹ Latin từ lâu. Giờ đây ở Anh cũng vậy.
Không chỉ môn bóng đá đẹp đẽ được tôn vinh. Ngôi sao đội Manchester United Marcus Rashford và Jordan Henderson của Liverpool cũng được ghi nhận nhờ các hoạt động vận động của họ cho trẻ em khó khăn được ăn trưa miễn phí và gây quỹ cho Dịch vụ Y tế Công NHS.
“Tôi từng nói nghệ thuật graffiti cũng khá giống với một môn thể thao va chạm: một môi trường tấn công, mạnh mẽ và thường là rất nam tính,” Gough nói. “Nhưng nó đã mềm mại hơn trong 5 năm qua và bao trùm các giới tính nên không còn quá nam tính nữa.” Một số cầu thủ nữ cũng đã được vẽ trên bích họa - Lucy Bronze và Jill Scott được thấy trong bức vẽ một nhóm người nổi tiếng ở Darlington.
Các danh họa nổi tiếng thời Phục hưng phải biết ơn sự bảo trợ của các vị giáo hoàng và hoàng tử, còn đại dịch Covid đường như là bà đỡ cho các bích họa thể thao ở Anh.
Trong phong tỏa, một người bạn của Gnasher nhờ ông trang trí phòng ngủ của con trai với chủ đề bóng đá: hai người nhìn nhau và có môt khoảnh khắc eureka – chuyện gì xảy ra nếu hội họa phun sơn đường phố bắt tay với niềm đam mê bóng đá?
Một tập thể các nghệ sỹ đường phố được thành lập và họ đã tới nhiều vùng khắp nước Anh để làm cho các anh hùng của họ bất tử bằng sơn và gạch.
“Đôi khi ý tưởng xuất phát từ các fan, đôi khi nó đến từ chúng tôi,” Marc Silver, bạn của Gnasher, người đã lập ra công ty MurWalls cho biết.
Một tác phẩm hoàn thành có giá từ 5000 bảng Anh trở lên, Silver nói.
Bích họa do nhóm ông thực hiện không chỉ có các ngôi sao bóng đá mà còn có cả các nhạc sỹ như Sir Elton John và cố nhạc sỹ Maxi Jazz.
Theo ông Gough, một lý do khiến mọi người quan tâm đến tranh bích họa là vì tính thủ công của chúng.
"Có gì đó thú vị về nghề vẽ tranh, thấy những bích họa khổng lồ, gần như thời trung cổ được dựng lên, điều đó làm mọi người phải dừng lại xem. Nhiều khả năng họ sẽ nói về chúng và kể cho bạn bè hơn là nếu họ gặp một bảng billboard được in ra và dán lên.”
Trên phố Whitehall Street, bắc London, Gnasher và đồng nghiệp đang đứng nheo mắt ngắm tác phẩm của họ. Họ đang kiểm tra xem bức tranh vẽ mặt Harry Kane đã xong chưa.
Và họ đã hoàn thành. Gương mặt Harry Kane đã phủ kín toàn bộ bức tường.
* Stephen Smith là một nhà văn và nhà phát thanh viên
Nhận xét
Đăng nhận xét