Việt Nam phấn đấu mang về 395 tỉ USD nhờ xuất nhập khẩu khởi sắc
PHONG NGUYỄN
Mặc dù tình hình xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đang có dấu hiệu hồi phục. Trong 5 tháng, cả nước xuất siêu đạt 9,8 tỉ USD.
Xuất siêu đạt gần 10 tỉ USD - điểm sáng thương mại 5 tháng đầu năm
Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam - nhấn mạnh: Việc Việt Nam đạt mức xuất siêu 9,8 tỉ USD là thông tin rất tích cực trong bức tranh thương mại 5 tháng đầu năm.
“Trong khi cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu chỉ đạt 516 triệu USD, thì mức xuất siêu gần 10 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2023 là tín hiệu rất lạc quan, bởi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát vẫn đang lan rộng ở nhiều nền kinh tế lớn” - ông Vũ Tuấn Anh nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), các thị trường xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản (NLTS) lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại đã tạo đà cho XK của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới với trên 1,4 tỉ dân mở cửa trở lại đã khiến bức tranh XK thêm nhiều gam sáng.
Bên cạnh đó, còn nhiều tín hiệu lạc quan như: XK sang Nhật Bản, khu vực châu Á tăng trở lại. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu NLTS ước đạt 36,96 tỉ USD; trong đó, XK đạt 20,26 tỉ USD; nhập khẩu đạt 13,15 tỉ USD. Xuất siêu trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 3,55 tỉ USD.
Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 136,17 tỉ USD; có 23 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 65,4%).
Về thị trường XNK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỉ USD.Doanh nghiệp nỗ lực bứt tốc trong nửa cuối năm 2023
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - lạc quan nhận định: Dự báo XK rau quả trong thời gian tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây với nhiều đặc sản như: vải thiều, sầu riêng, xoài, bưởi… Trong đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỉ USD khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỉ USD.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Tập đoàn Lộc Trời - cho hay, quý I/2023 là chu kỳ thông thường của tất cả các doanh nghiệp ngành lúa gạo là tập trung toàn bộ nguồn lực toàn diện để mua dự trữ chuẩn bị cho các đơn hàng tiếp theo của cả năm.
"Lộc Trời đang tập trung vào 4 mảng, đó là lương thực, sản xuất và chế biến gạo; thứ hai là dịch vụ nông nghiệp (lúa và cung cấp lúa cho các công ty XK); thứ ba là vật tư nông nghiệp, đảm bảo có thể cung cấp được các sản phẩm và giải pháp bảo vệ mùa màng cho bà con nông dân; thứ tư là giống cho bà con nông dân. Đây cũng là mục tiêu mà doanh nghiệp Lộc Trời đặt ra trong năm 2023" - ông Thuận chia sẻ.
Trước những diễn biến khó lường của hoạt động XNK, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
* Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam đến năm 2030, đặt mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo XK, giảm khối lượng XK đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỉ USD. Vì giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng XK bình quân giai đoạn 2023-2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026-2030 giảm khoảng 3,6%.
* "Với chỉ tiêu tăng trưởng XK 6%, kim ngạch XK năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỉ USD, tăng thêm khoảng 22 tỉ USD. Đây là một mục tiêu rất thách thức" - ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương).
Nhận xét
Đăng nhận xét