Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
Nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường cho nhiều loại tàu hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông.
Đơn cử, Trung Quốc liên tục cắt cử tàu thuyền các loại từ nghiên cứu đến khảo sát, theo sau là các tàu hải cảnh và tuần duyên - đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc - đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5, gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng Nga khai thác.
Trung Quốc phớt lờ yêu cầu rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Ngày 25/5, khi Việt Nam công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi khi các tàu này đang ở lô 129, do Vietgazprom điều hành, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ.
Trong diễn biến đó, ngày 28/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, báo chí nhà nước Việt Nam không hề đề cập tới tên Trung Quốc trong suốt bài tường thuật về lễ dâng hương tưởng niệm của người đứng đầu chính phủ.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 30/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận định rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh dùng chiến thuật vùng xám hòng chiếm vùng biển trong vùng đường 9 đoạn.
Hồi Tháng 5, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát, được các tàu hải cảnh và tàu cá dân binh hộ tống vào EEZ của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh đây là lần đầu Trung Quốc dùng các tàu dân binh vào chiến dịch vùng xám ở biển Việt Nam. Một bước được xem là leo thang xung đột trong khu vực.
Trung Quốc không bao giờ lùi bước trên Biển Đông
Vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông luôn được xem là vùng nhạy cảm giữa mối quan hệ của hai quốc gia cộng sản Việt Nam-Trung Quốc.
Tháng 11/2002, Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đồng thuận, bên cạnh những điều khác, "thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định bao gồm, giữa những các nước… và xử lý những khác biệt của họ một cách xây dựng."
Hai mươi năm sau, tháng 11 năm 2022, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất trong Tuyên bố chung "xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển… thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả [DOC]… và kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, không hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp…" trong chuyến công du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc để chúc mừng ông Tập Cận Bình nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3.
Thế nhưng, tháng 3, tháng 4/2023, Trung Quốc liên tục cho các tàu hải cảnh nhiều lần tiến gần các điểm khai thác khí đốt do Nga khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông của Việt Nam.
Hồi 10/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam.
Các tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.
Đây là hàng loạt các động thái ngày càng quyết đoán gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng, khi Bắc Kinh thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
"Tóm lại, Trung Quốc sẽ không bao giờ lùi bước trước các tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông, cho dù dựa trên đường chín đoạn phi pháp hay yêu sách Tứ Sa. Không thể đánh giá Trung Quốc qua các diễn ngôn mà phải nhìn hành động của họ. Việc Trung Quốc triển khai tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống vào vùng biển gần Bãi Tư Chính, nằm trong EEZ của Việt Nam, là một hành động đe dọa nhằm gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng khai thác tài nguyên hydrocarbon hiện tại," Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC hôm 31/5.
Dù Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ của họ khỏi vùng EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã phớt lờ.
Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford về Biển Đông nói với Reuters hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một "sự leo thang đáng lo ngại".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định Việt Nam lên tiếng các vụ tàu Trung Quốc cho thấy Việt Nam coi các tàu dân binh không phải là tàu đánh cá, mà là tàu xâm phạm biển Việt Nam, vi phạm pháp luật về biển:
"Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nhưng Trung Quốc không nghe, chắc rằng Việt Nam sẽ có các động tác ngoại giao khác và các biện pháp hòa bình khác trong thời gian tới đây. Việt Nam có thể gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối hành động của Trung Quốc (tương tự như đã làm năm 2020). Trên biển, cảnh sát biển Việt Nam có thể áp sát, yêu cầu các tàu Trung Quốc rút ra khỏi EEZ của mình."
Giáo sư Carl Thayer đề xuất rằng, để thận trọng, Việt Nam cắt cử các tàu thực thi pháp luật hàng hải thiết lập sự hiện diện ở vùng biển gần Bãi Tư Chính và giám sát các hoạt động của Trung Quốc.
"Do sự bất cân xứng về sức mạnh giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam phải kiềm chế các hành động khiêu khích hoặc làm leo thang căng thẳng dẫn đến đối đầu vật lý. Cuối cùng, Việt Nam cần vận động các thành viên của cộng đồng quốc tế ủng hộ và lên án sự đe dọa của Trung Quốc."
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đánh giá, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ bằng mọi cách để "bảo vệ" phần biển Đông mà Bắc Kinh tự cho là của mình, kể cả sử dụng vũ lực.
Nhìn lại năm 2017, 2018 và 2019, Trung Quốc đã quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển gần Bãi Tư Chính và được cho là đã đe dọa, buộc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol - công ty Tây Ban Nha. Giáo sư Carl Thayer nhắc lại:
"Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phản ứng bằng cách ra lệnh cho PetroVietnam ngừng hoạt động và hủy bỏ hợp đồng với Repsol của Tây Ban Nha. Việt Nam đã phải bồi thường. Khi Trung Quốc yêu cầu Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ra lệnh cho Rosneft ngừng hoạt động, ông đã từ chối. Tuy nhiên, áp lực của Trung Quốc đủ để khiến Rosneft của Nga bán cổ phần cho Zarubezhneft và rời khỏi Việt Nam."
Tuy nhiên, ông Carl Thayer phân tích rằng, tình thế năm 2023 đã hoàn toàn khác, do cuộc xâm lược Ukraine của Putin, cộng với yếu tố Nga và Trung Quốc hình thành mối quan hệ đối tác "không có giới hạn".
"Nga hiện là đối tác nhỏ hơn và phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn sẽ gây áp lực buộc Moscow phải can thiệp với Zarubezhneft và Gazprom. Điều này sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Nga vì Zarubezhneft có cổ phần thăm dò khí đốt ở lô Tuna của Indonesia và có kế hoạch đưa khí đốt qua một tuyến cáp quang biển đến Nam Côn Sơn của Việt Nam. Nga sẽ miễn cưỡng đình chỉ hoạt động của các công ty dầu mỏ kiếm tiền và làm tổn hại đến quan hệ với Việt Nam," GS Thayer nêu dự đoán.
Chuyến thăm nghĩa trang Vị Xuyên của Thủ tướng
Hiện Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - mức cao nhất về ngoại đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng được coi là nguy cơ an ninh lớn nhất đối với Việt Nam. Trong quan hệ song phương, các vấn đề có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước có thể kể ra các sự kiện như cuộc Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988).
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương tưởng niệm nghĩa trang Vị Xuyên - mặt trận được coi là chiến trường ác liệt trong cuộc chiến tranh biên giới, cũng cho thấy Việt Nam không quên hành động xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trong đó có các hành động quân sự của Trung Quốc từ năm 1984 đến 1989 ở Vị Xuyên (Hà Giang).
"Sự kiện Thủ tướngcũng cho thấy Việt Nam không làm ngơ trước những việc đang xảy ra ở biển Đông lúc này." TS Hà Hoàng Hợp nhận định.
Việc Thủ tướng Chính thăm nghĩa trang Vị Xuyên khi chưa đến ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, và đặt trong bối cảnh đang có cuộc chạm trán với Trung Quốc trên Biển Đông, được ông Thayer nhận định là "một thông điệp rõ ràng gửi đến công chúng Việt Nam lẫn Trung Quốc":
"Thủ tướng Chính đã báo hiệu cho người dân hai nước rằng Việt Nam sẽ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình," GS Thayer kết luận.
Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung Quốc, Việt Nam luôn phải giữ tâm thế cẩn trọng. Theo cách gọi của GS Thayer đó là "sự bạo ngược của địa lý" khi Việt Nam không thể tự chọn láng giềng cho mình:
"Việt Nam, với gần 100 triệu dân, có dân số tương đương với một tỉnh cấp trung của Trung Quốc. Sự bất đối xứng về quyền lực giữa Trung Quốc và Việt Nam là một thực tế của cuộc sống. Ví dụ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam có sự thâm hụt ngân sách lớn trong mối quan hệ này.
"Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc. Có những điều kích động và bất đồng trong mối quan hệ giữa cần phải được kiểm soát cẩn trọng. Dịp này, Việt Nam đã thận trọng không đề cập đến Trung Quốc là kẻ xâm lược trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979," nhà quan sát chính trị Carl Thayer lý giải việc báo chí không gọi thẳng tên Trung Quốc.
Về tương quan lực lượng, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng, Việt Nam có quan hệ quốc phòng bất tương xứng với Trung Quốc theo nghĩa Trung Quốc có uy lực quân sự mạnh hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng "Việt Nam đang chủ động để không bị động, bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào."
"Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang mạnh với chiến dịch vùng xám của họ ở biển Đông, họ sẽ tiếp tục quấy phá các hoạt động kinh tế của VN, của các liên doanh Việt-Nga, của Nga và các nước khác ở biển Đông. Nếu các hành động chiến thuật vùng xám của Trung Quốc vượt qua các giới hạn phi xung đột, thì có khả năng xung đột sẽ bùng phát," nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp dự đoán.
Kể từ tháng 12/2022, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến thẳng tới các lô thăm dò dầu khí do các công ty Nga điều hành hoặc sở hữu, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 40 lần - theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ tổ chức phi chính phủ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Trong một báo cáo đầu tháng 3 về sự phát triển của các dự án Nam Côn Sơn của Việt Nam, Kasawari của Malaysia và Tuna của Indonesia, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, trực thuộc CSIS ở Washington DC, đã cảnh báo rằng hoạt động phát triển dầu khí có thể nổi cộm lên như một điểm nóng ở Biển Đông trong năm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét