Nga nêu kịch bản trả đũa nếu Ukraine nhận thêm vũ khí tầm xa
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hạ viện Nga đã đưa ra kịch bản trả đũa của Moscow nếu phương Tây tiếp tục viện trợ các vũ khí tầm xa có khả năng thay đổi cuộc chơi cho Ukraine.
Trong một phát biểu hôm 29/5, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Pyotr Tolstoy đã đưa ra kịch bản trả đũa của Moscow trong trường hợp quân đội Ukraine tiếp tục nhận được các vũ khí tầm xa có khả năng "thay đổi cuộc chơi" từ các đồng minh phương Tây.
Theo ông Tolstoy, nếu viễn cảnh trên xảy ra, quân đội Nga sẽ buộc phải hành động và tiến hành những hoạt động quân sự nhằm ngăn chặn đường tiếp tế của vũ khí phương Tây tới Ukraine. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga không loại trừ khả năng Nga sẽ tiến hành tập kích các khu vực gần với biên giới Ba Lan, trạm trung chuyển chính của vũ khí phương Tây vào Ukraine.
"Một khi vũ khí và tên lửa tầm xa tiếp tục được gửi đến cho Ukraine, quân đội Nga sẽ buộc phải hành động. Mục tiêu chính của chúng tôi là an ninh cho lãnh thổ Nga. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phía Mỹ và NATO ngồi vào bàn đàm phán về an ninh của Nga. Tuy nhiên, những đề nghị này đã bị khước từ", ông Tolstoy nói.
Phát biểu trên của ông Tolstoy được đưa ra sau khi Ukraine đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 với tầm bắn có thể lên tới 500km cho quân đội nước này. Trước đó, Kiev cũng đã nhận được các tên lửa Storm Shadow với tầm bắn 250km từ Anh.
Cũng trong ngày 29/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng cảnh báo phương Tây về kế hoạch cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine. Theo ông Lavrov, nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là một động thái "leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được". Ngoại trưởng Nga đồng thời khẳng định "quân đội nước này sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả thích đáng".
Những tháng gần đây, giới chức Ukraine ra sức kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu F-16 để tăng cường năng lực kiểm soát trên không. Đề nghị này chưa được đáp ứng do Mỹ viện dẫn một số lý do khác nhau như việc vận hành F-16 đòi hỏi thời gian huấn luyện và vấn đề bảo dưỡng cũng phức tạp.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ hôm 18/5 đưa tin mặc dù Washington D.C vẫn từ chối cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị cho việc chấp thuận để các đồng minh tái xuất loại máy bay này cho Kiev. Trước đó, Anh và Hà Lan cam kết sẽ xây dựng một "liên minh quốc tế" để giúp Ukraine nhận máy bay chiến đấu F-16.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 21/5 nhận định việc gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ là một lời nhắn nhủ đến Nga rằng Moscow sẽ không thể giành chiến thắng nếu xung đột kéo dài.
"Việc huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine là một dự án dài hơi. Dự án này có một thông điệp cho Nga, đó là Moscow sẽ không thể giành chiến thắng nếu cuộc xung đột này phải kéo dài", Thủ tướng Đức nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét