Một Chuyện Ở Xóm Cụt - https://bacaytruc.com
Tác giả : Đỗ Duy Ngọc | Nguồn: Người Phương Nam | Ngày đăng: 2024-02-25 |
Một hôm sau một đêm mưa tầm tã, sáng ra người đi làm sớm thấy có một lão già nằm ngủ bên mái hiên của ngôi nhà sang nhất xóm, nhà ông Tư Lực, chuyên làm nghề xây dựng. Tư Lực là người giàu nhất xóm Cụt này, nhà Tư Lực xây tường, lợp tôn, còn có cái sân và mái hiên nhỏ. Sân nhỏ đó có tráng xi măng đàng hoàng dù đã loang lổ vài nơi. Lão già khoảng tuổi sáu mươi, dáng còm cõi với áo quần tả tơi. Khuôn mặt lão nhàu nhĩ, đôi mắt buồn nhưng cũng không dấu nét phong trần, khá đàn ông của một thời. Tư Lực dắt chiếc xe Honda ra uống cà phê buổi sáng, nhìn thấy lão ngồi co ro ở mép tường bèn hỏi:
- Ngồi làm gì đây?
Lão ngước mắt lên, lí nhí:
- Lang thang, hôm qua mưa lớn quá nên tạt vào đây ngủ đỡ tránh mưa
- Ở đâu mà lại vào xóm này, có giấy tờ chi không? Tư Lực hạch hỏi.
- Tui nghỉ một bữa rồi đi thôi mà, tôi đi ngay đây
Nói rồi lão dợm đứng lên, tay xách cái túi cũng nhàu nhĩ như thân hình của lão. Liêu xiêu bước về phía bờ kênh. Tư Lực nhìn theo một lát, lẩm bẩm gì trong miệng rồi rú xe đi.
Khi chợ bắt đầu nhóm thì người ta lại nhìn thấy lão. Lão đứng ở gần hàng canh bún, nhìn thèm thuồng theo bàn tay múc của bà hàng bún. Đứng một lát, mỏi chân, lão ngồi bệt xuống đất. Bà hàng canh bún thấy thế la lên
- Ối dào! Cái ông này, ở đâu ra mà ám sớm thế. Đi giúp tôi cái. Để cho người ta còn bán buôn nữa chứ.
Vừa nói bà vừa khoát tay xua xua đi. Lão ngước nhìn, mắt như van lơn, miệng lắp bắp: Tui đói. Tui đói quá. Bà cho xin một miếng bún, tui xin. Ở hai khoé mắt đọng hai giọt nước mắt, tay lão chắp trước ngực, khẩn cầu. Có một chị đang ăn bún, quay nhìn ông, ngẫm nghĩ một lát thì bảo:
- Bà múc cho ông ấy một tô đi. Tôi trả tiền.
Nghe thấy thế, lão như vươn người lên, hai tay xá xá, miệng cứ cám ơn, cám ơn mãi.
Rồi ngày mai, ngày mốt vẫn thấy lão loanh quanh trong cái xóm Cụt ấy. Lúc ngồi lê la ở cái chợ nhỏ, khi thì ngồi ở bờ kè nhìn ra con kênh. Lão ăn bất cứ thứ gì người ta cho, ăn bất kể thứ gì nhặt được, ăn được trên đường đi. Nhiều hôm lão ra tận ngoài lộ, đi vất vưởng trên phố, xin tiền khách qua đường, bới đống rác kiếm ăn, nhặt chai bao phế liệu mang bán. Đêm lại về xóm Cụt. Trời không mưa lão nằm ngoài bờ kè, hôm nào mưa lão lại lê thân về hàng hiên nhà lão Tư Lực. Nằm ở chỗ đấy, lão phải thức dậy sớm vì sợ Tư Lực mắng nhiếc, đuổi như đuổi tà. Riết rồi thành quen, lão trở thành cư dân của xóm Cụt này lúc nào cũng chẳng ai hay.
Một đêm trời mưa lớn lắm, sấm sét đì đùng. Lão nằm ở hàng hiên nhà Tư Lực, người ướt sũng vì mưa tạt vào. Lão không thể ngủ được đành ngồi chập chờn nơi góc tường lim dim. Nửa đêm thì có hai thằng thanh niên đi xe gắn máy lượn là lượn lờ. Một lát chúng dừng lại trước nhà Tư Lực. Một thằng bước xuống xe, nhìn quanh quan sát. Nhìn thấy lão, nó bước tới đá nhẹ vào chân lão. Lão ngồi im. Nó đá thêm mấy cái, thấy lão không nhúc nhích liền trở lại với thằng ngồi trên xe. Hai đứa bàn tán chi đó rồi một thằng đến trước cửa nhà, dùng cái kềm lớn bắt đâu cạy cửa. Lão ngồi im nhưng mắt mở he hé xem chúng làm gì. Đến khi cánh cửa sắp bung thì lão hét lớn: trộm, có trộm ông Tư ơi. Trộm. Tiếng của lão vang trong tiếng mưa. Thằng trộm quay lại đánh vào mặt lão tới tấp. Nó đấm cú nào ra cú nấy vào mặt, vào thân thể còm cõi của lão. Nó vừa đấm đá vừa chửi. Lão cũng vừa bụm mặt vừa la: trộm. Trộm ông Tư ơi! Lão gục xuống, máu đầm đìa trên mặt. Đèn nhà Tư Lực bật sáng. Hai thằng trộm hậm hực rú xe đi buông lời chửi: Đụ má thằng già. Khi Tư Lực bước ra với cây sắt dài cầm tay cùng với mấy người nhà thì lão đã bất tỉnh, nằm gục một đống với máu me. Lão được Tư Lực chở vào trạm y tế, băng bó vết thương và nằm ở đấy hai hôm. Lão lại về xóm Cụt, lúc này thì lão không ngại Tư Lực đuổi nữa. Vì từ hôm đấy, Tư Lực xem như lão là kẻ canh nhà cho y. Lâu lâu y lại cho lão gói thuốc hút dở dang, có khi mấy miếng thức ăn thừa. Lão vui trong bụng. Lần nào gặp Tư Lực lão cũng chắp hai tay xá xá.
Cuối năm, xóm Cụt tổ chức tất niên trong xóm. Lão cũng lân la khiêng cái ghế, kéo cái bàn, sắp xếp chén dĩa. Lão cũng phụ các cô, các bà kéo nước, nhóm lửa, cắt tiết gà, vịt. Lão lăng xăng giúp mọi người. Đến lúc tiệc, xóm cũng dành cho lão một ghế góc sân với mấy món ăn và chai bia. Lão sướng. Cười móm mém. Giữa tiệc, bia rượu ngà ngà, Tư Lực đứng lên nói lớn với hơn hai chục người trong xóm:
- Xin thưa với bà con, lão này về với xóm ta cũng khá lâu rồi. Chắc bà con cũng thấy lão hiền lành, thật thà. Tui lại còn mang ơn lão cứu gia đình tui khỏi bị trộm. Giờ năm hết, Tết đến tui xin đề nghị bà con thế này...
Mọi người ngừng đũa, nghe Tư Lực nói. Lão cũng nhìn Tư Lực xem y nói gì về mình. Tư Lực e hèm, nói tiếp:
- Lão này tứ cố vô thân, đến xóm ta và giờ xem như người của xóm ta. Tui thấy cuối đất của xóm, gần bờ kè còn chút rẻo. Hay là ta để cho lão dựng cái lều cho lão có chỗ trú nắng mưa. Tui sẽ cho lão mấy tấm tôn lợp mái, còn chung quanh thì ai cho gì tốt đấy hay lão kiếm được gì đắp vào thành cái chỗ trú của lão. Bà con thấy thế nào?
Cũng chẳng ai có ý kiến chi, đất hoang chó ỉa, người đái, ai làm gì cũng chẳng phạm, chẳng mất gì của mình nên chẳng ai tranh giành.
Thế là từ đó, lão có nhà. Chỉ là mấy tấm ván với mấy tấm bạt làm vách. Chỉ là mấy cây cừ người ta đóng cọc bỏ ra lão lượm về làm cột chống. Chỉ là hai tấm tôn của Tư Lực. Cái nhà đã hình thành. Lão không ngại nắng, cũng không sợ mưa nữa. Chấm dứt những đêm giữa trời, kết thúc những bữa nằm hàng hiên nhìn mưa. Tư Lực lại dẫn lão giới thiệu với một đại lý vé số, giao cho lão ít vé số bán kiếm cơm. Lão tươm tất hơn lúc mới xuất hiện ở cái xóm Cụt này. Áo quần tuy cũ nhưng sạch sẽ, tóc tai buộc gọn thành búi sau đầu. Chỉ còn bộ râu quai nón không cạo, nhìn xồm xoàm như nhân vật Cái bang. Và lão đã trở thành công dân xóm Cụt.
Lão ít nói nhưng gặp ai lão cũng chào, có khi chắp tay xá xá. Lão đi bán vé số suốt ngày, với cặp giò khẳng khiu, lão lội bộ từ Bình Thạnh sang Gò Vấp. Từ Gò Vấp đến quận một, quận ba. Xem như lão đi khắp thành phố. Chiều về, lão ra chỗ mép nước, nấu cơm, chế biến thức ăn rồi ngồi ăn giữa trời. Cũng có hôm lão uống rượu say một mình, ngồi nói một mình, kể chuyện một mình rồi cười khóc một mình. Và cũng qua những cơn say ấy, mọi người lờ mờ đoán được nhân thân của lão.
Lão gốc ở Long An, chẳng biết huyện, xã nào. Là con ở cô nhi viện, không biết cha mẹ, họ hàng là ai.
Đại khái là lão cũng có vợ. Vợ lão là người cũng có chút nhan sắc. Lão cũng thuộc loại đẹp trai mà. Hai vợ chồng sống với nhau gần hai chục năm mà không có con. Không rõ là lỗi ở ai. Lão chuyên chở hàng cho mấy sạp ở chợ. Vợ lão có gian hàng xén. Không con nhưng sống hạnh phúc, tuy cũng không giàu có gì nhưng cũng khá trung lưu, thu nhập cũng kha khá. Hai vợ chồng thuê một căn nhà trên phố, đang vun vén để có thể sắm riêng cho mình một căn. Người ta bảo sống có nhà thác có mồ mà. Nhà chưa sắm được thì sinh chuyện. Lão có thằng bạn học, xa cách nhau đã lâu mới gặp lại. Thấy bạn bơ vơ, sống một mình, kiếm sống bằng nghề xe ôm cũng nhiều khó khăn, lão cho bạn về ở chung nhà. Nhưng đúng là làm ơn mắc oán. Vợ lão và bạn lão lại tằng tịu với nhau. Lão chỉ lo kiếm tiền nên chẳng hay biết gì. Một bữa bỗng mệt, lão trở về sớm nhìn thấy bạn lão đang nằm trên người vợ lão mà nhún như ngựa phi. Vợ lão thì rên ư ử, hình như sướng lắm. Cả hai trần truồng như nhộng. Lão đứng sững ở cửa, máu như đông đặc lại, chân không nhúc nhích được, miệng không kêu được. Lão nghĩ chúng nó kiểu này đã ngủ với nhau lâu rồi, giờ làm ầm lên chỉ mất mặt chứ chẳng ích lợi chi. Đành im. Sau một lúc trấn tĩnh, lão đi ra đường, vào quán kêu một ly cà phê, ngồi suy nghĩ. Lão định đợi dịp sẽ nói chuyện công khai với vợ, ba mặt một lời, giải quyết cho xong. Nhưng rồi thấy thái độ lầm lì của lão lúc về nhà, linh tính của đàn bà khiến cho vợ lão biết là đã vỡ chuyện nên một bữa đẹp trời vợ lão và bạn lão cuốn gói đi mất. Bao nhiêu tiền bạc, vàng vòng vợ lão mang đi tất. Thế là lão trắng tay. Vợ mất, tiền mất. Lão hoá điên sa vào rượu chè, chẳng thiết gì làm việc. Lần hồi trở thành kẻ lang thang với nỗi buồn và lòng căm thù ngùn ngụt trong lòng. Lão đi khắp chốn để tìm đôi gian phu dâm phụ đó mà không tìm được. Một lần, trong khi lang thang, lão bắt gặp hai người trong một quán ăn, lão đã dùng dao chém tới tấp vào tên bạn lão. Vết thương nặng lắm, lão ra toà và bị kết án mười năm. Mười năm ở trong tù, lão ngẫm ra nhiều điều, lão sáng ra nhiều thứ và lão cũng tập quên được hận thù. Ngày ra tù, chẳng biết về đâu. Lão nghĩ với thân tàn ma dại thế này, cứ bám thành phố mà kiếm cơm hơn là về chốn cũ. Hơn nữa, chắc mọi người cũng chưa quên chuyện lão bị cắm sừng. Nên lão sống vất vưởng mãi thế cho đến ngày lão trôi giạt đến cái xóm Cụt này.
Giờ thì lão xem như cũng đã ổn. Có cái lều đi ra đi vô, tránh nắng che mưa, có cái nghề bán vé số kiếm ăn qua ngày, có buổi chiều nhìn nước chảy, có buổi tối nhìn trăng lên. Lão thấy thế cũng chấp nhận chờ tới tuổi thì ra đi trong lặng lẽ.
Một bữa trời mưa cũng lớn lắm, xóm Cụt tràn trề nước. Lão đi về với một thằng bé khoảng mười hai tuổi. Hai người ướt sũng, co ro đi vào xóm Cụt. Hôm sau lão dẫn thằng nhỏ đi, gặp ai lão cũng bảo là thằng cháu. Từ nay hai người sống chung với nhau trong cái lều bé tí. Thằng nhỏ cũng dân mồ côi, đi bán vé số thì gặp lão. Nó ở gầm cầu, ăn cơm hàng cháo chợ. Kiểu như nó lớn lên chút nữa sẽ không bán ma tuý thì cũng thành ăn cướp. Lão xót cho nó lắm mà chẳng biết làm sao. Hôm lão và nó về xóm Cụt là bữa đó thằng nhỏ lên cơn sốt. Không đành lòng lão mang nó về chăm sóc và từ đó nó ở luôn với lão. Sáng sáng hai ông cháu dắt nhau đi bán vé số. Chiều chiều về, ông cháu tắm cho nhau giữa bãi đất hoang. Ông gội đầu cho cháu, cháu kỳ lưng cho ông. Chiều nào cũng đầy tiếng cười. Lão thương thằng bé lắm, lão không con giờ có một thằng bé bên cạnh cuộc sống hẩm hiu và cô đơn. Lão xem nó như con. Lão định khi nào để dành kha khá sẽ cho nó đi học, chỉ có con đường học hành mới giúp nó thoát khỏi số phận thôi. Thằng bé cũng thương lão lắm. Từ bé đã không có cha mẹ, sống vất vưởng ở vỉa hè, đường phố. Giờ gặp lão xem nó như con, nó cũng coi lão như cha của mình. Nó gọi lão là sư phụ nhưng trong lòng nó, nó đợi sẽ có ngày nó gọi lão là cha. Nó thèm được gọi cha ơi. Nhiều lần lão tắm cho nó, nhiều đêm lão ôm nó trong giấc ngủ, nó định mở miệng gọi cha ơi, nhưng khi nó mở miệng lại gọi là sư phụ. Nhiều người trong xóm hỏi nó tên gì, nó bảo nó tên Tèo. Nên dân xóm Cụt cứ gọi nó là thằng Tèo con ông lão.
Mấy năm trôi qua, lão cũng bắt đầu già, tóc đã muối tiêu, muối nhiều hơn tiêu. Thằng nhỏ cũng đã lớn, ra dáng thanh niên rồi. Hai ông cháu kiếm được chiếc xe đạp, sáng sáng thằng Tèo chở lão đi, lang thang hè phố bán vé số kiếm ăn, dòng đời cứ lặng lẽ trôi đi.
Nhưng rồi cơn dịch ập đến, người ta không cho bán vé số nữa. Gạo hết, tiền cạn dần, hai ông cháu ăn mì gói, đến lúc mì gói cũng hết. Thằng Tèo bương ra đường kiếm cơm, có bữa nó mang về hộp cơm từ thiện xin được đâu đó, có bữa nó mang về ổ bánh mì, gói xôi, hai người cùng ăn. Cái khoảnh đất rẻo bờ kè vắng hẳn tiếng cười. Đôi khi cũng có một đoàn thiện nguyện ghé vào xóm Cụt, phát cho mấy phần cơm rồi mất hút. Xóm Cụt trong những ngày dịch đã bắt đầu đói. Dân xóm Cụt tản mát bốn phương kiếm sống. Xóm Cụt lặng lờ như xóm ma, đêm đêm im lìm không tiếng nói. Nghèo quá, chẳng ai giúp được nhau. Ban đầu nhà Tư Lực còn tặng cho mỗi nhà vài gói mì qua bữa, rồi thôi. Tiền bạc còn đâu mà cho mãi. Rồi một ngày người ta phát hiện trong xóm Cụt có người dương tính với con virus. Thế là dây giăng, là thép gai tung ra từng cuộn, là chốt chặn và chẳng ai còn được đi đâu. Một toán y tế đến xét nghiệm từng người, rùng rùng đầy lo âu. Thằng Tèo bị dính dương tính. Xe hú còi vang cả ngõ, Tèo bị giải đi như tội phạm lúc nửa đêm. Tiếng loa um sùm thông báo. Lão hớt hãi chạy theo nhưng mấy dân phòng giữ lại. Thằng Tèo bước qua chỗ dây giăng, ngó lại thấy lão nhìn theo với đôi mắt đẫm lệ. Lão quơ quào hai tay trong không khí như muốn níu giữ điều gì. Lão thét lên: Tèo ơi! Con ơi! Đừng bỏ cha Tèo ơi. Thằng Tèo chân bước lên xe, miệng hét lớn: Cha ơi! Chiếc xe cứu thương hú còi í e í e rú đi. Tèo đưa tay lên cửa kính, nói trong hơi thở: Cha ơi! Lão gục xuống, ngất đi.
Từ hôm Tèo đi, lão buồn hiu hắt. Ngõ xóm Cụt giăng dây, đã có mấy người đi cách ly rồi không về nữa. Lão đi loanh quanh trong xóm Cụt rồi ra bờ kè ngồi. Hôm nào có đoàn từ thiện phát cơm, lão lặng lẽ ra xếp hàng lãnh hộp cơm về chỉ ăn được vài muỗng. Gặp ai lão cũng hỏi về thằng Tèo, nhưng chẳng ai biết để trả lời. Có lần có nghe mấy anh em dân phòng gác chốt bảo hình như đưa thằng Tèo về bệnh viện dã chiến đâu ở Củ Chi. Lão nhờ mấy người trong xóm điện hỏi thăm nhưng chẳng ai trả lời. Lão xọp đi trông thấy, râu tua tủa đầy mặt, đôi mắt hõm sâu, dáng đi như không muốn vững. Lại một lần nữa, lão nhờ người hỏi thăm thằng Tèo. Lần này là nhờ lão Tư Lực. Tư Lực gọi mấy lần, đầu dây bên kia mới có người bắt máy.
- Tèo. Tèo nào. Ở đâu? Cái gì Tèo, nói họ tên rõ ràng mới trả lời được.
- Dạ. Tèo này không có họ tên vì không giấy tờ, nó 14 tuổi ở xóm Cụt.
- Chờ chút gọi lại nhé. Để tôi tìm.
Lão đứng cạnh, lắng nghe, tim đập như muốn nhảy ra lồng ngực. Lão nghe hết nhưng vẫn hỏi lại Tư Lực
- Sao rồi chú? Họ bảo sao chú?
- Họ bảo chờ. Họ đang tìm. Nó chẳng có giấy tờ tên tuổi gì nên cũng khó.
- Ừ! Đợi thì phải đợi thôi. Cầu trời khấn Phật. Cầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giúp cho thằng Tèo con của con tai qua nạn khỏi. Nó qua được bệnh, Trời Phật muốn con làm gì con cũng làm, con giảm thọ mấy năm con cũng chịu. Trời Phật giúp con.
Tư Lực định bước đi thì chuông điện thoại reo
- Phải người nhà của Tèo 14 tuổi ở xóm Cụt không ?
- Đúng rồi, tôi nghe đây.
- Báo cho thân nhân của Tèo nhé. Tèo đã chết hôm qua. Sáng nay đem thiêu rồi. Anh cho địa chỉ để gởi tro cốt về nhé.
- Dạ. Này chị ơi! Cứ gởi về xóm Cụt là có người nhận, xóm này không có số nhà.
- Rồi.
- Chị ơi chị! ...
Tút...tút. Máy bên kia cắt ngang. Lão đứng cạnh, lão nghe hết. Nhưng lão vẫn đứng mắt mở trừng trừng, đôi tay run lên bần bật. Rồi ngã xuống bất tỉnh.
Hai hôm sau ở ngay chốt chặn, một chiếc xe Grab mang lủ khủ một đống hũ cốt đem đến đưa cho anh dân phòng nhờ mang giúp cho người nhà anh Tèo. Hũ cốt bé tí, ghi mấy chữ nguệch ngoạc: Tèo- Xóm Cụt. Nhìn thấy hũ cốt, lão khóc không thành tiếng, những giọt nước mắt đầm đìa trên mặt xạm đen và đôi mắt trõm sâu. Lão lặng lẽ kiếm miếng bìa cứng, đặt hũ cốt trên đống đồ đạc ngổn ngang, đốt lửa thắp một cây nhang. Lão vái và bật lên tiếng khóc bi ai.
Mấy hôm rồi không có ai thấy lão, mấy lần người ta vào phát cơm, cho gạo, cho mì cũng không thấy lão ra lãnh. Đến khi dân xóm Cụt nghe thấy mùi hôi của xác vật chết mới nghi ngờ lão đã qua đời. Chẳng ai dám đến cái lều bên rìa bờ kênh để xem lão thế nào. Cuối cùng cũng chính Tư Lực cả gan hé cửa nhìn xem sau khi trang bị cho mình bộ áo quần và cái nón có lưới che mặt cùng cái khẩu trang. Tư Lực nhìn vào và quay ra nói với mọi người
- Lão ấy chết rồi. Chắc mấy hôm rồi. Trương phình.
Gọi xe đến chở xác lão đi, nhiều căn nhà không dám mở cửa. Người ta xịt thuốc diệt khuẩn ướt cả cả căn lều của lão. Hũ cốt của thằng Tèo chổng chơ có cắm cây nhang cháy nửa chừng.
Đêm đó, Tư Lực đem hũ cốt của thằng Tèo chôn ở góc bờ kè và lấy lửa đốt cháy căn lều. Lửa cháy sáng rực một góc xóm Cụt. Sáng ra người ta chỉ thấy còn lại một đống tro tàn.
Đỗ Duy Ngọc
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét