Cách thức Cam Bốt thao túng Hội nghị ASEAN bị tiết lộ
Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Nam Hong phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ( ASEAN Regional Forum - ARF) REUTERS /Samrang Pring
Trọng Nghĩa
Gần một tuần lễ sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh không ra được bản Thông cáo chung, hãng tin Anh Reuters ngày 17/07/2012 đã thu thập lời chứng của nhiều nhà ngoại giao hiện diện tại các cuộc họp, để mô tả các cuộc tranh cãi chung quanh vấn đề Biển Đông.
Cảm nhận của các phóng viên Reuters là nhiều người không che giấu thái độ bất bình với cách hành xử của nước chủ nhà Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của ASEAN, bị tình nghi là đã dùng mọi cách để áp đặt quan điểm của đồng minh Trung Quốc.
Micro của Ngoại trưởng Philippines bị tắt
Sự cố đầu tiên được Reuters ghi nhận liên quan đến Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Sáng thứ Năm 12/07, khi ông bắt đầu nói đến vấn đề nhạy cảm là hồ sơ Biển Đông trong một cuộc họp, bất chấp sự phản đối của Cam Bốt, đột nhiên micro của ông bị tắt.Phía chủ nhà Cam Bốt khẳng định đó chỉ là một sự cố kỹ thuật, tuy nhiên một số nhà ngoại giao đã ám chỉ rằng sự cố đó phản ánh một thực tế thâm hiểm hơn, nằm trong một loạt các nỗ lực của Cam Bốt, đồng minh của Trung Quốc, nhằm loại bỏ đề tài Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự.
Sự kiện đó cũng như nhiều sự kiện khác, được các nhà ngoại giao trực tiếp tham gia các cuộc họp và xin giấu tên kể lại cho Reuters, đã nêu bật tình trạng phân cực sâu đậm trong nội bộ khối Đông Nam Á dưới tác động của ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng thư ký ASEAN bị ngắt lời
Theo các nhà ngoại giao, Cam Bốt luôn luôn tìm cách đánh bật mọi nỗ lực đề cập đến vấn đề tranh chấp trên biển, cả trong các cuộc họp của ASEAN lẫn tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) với sự tham gia của Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước khác.Một ví dụ cụ thể được nhiều nhà ngoại giao Đông Nam Á xác nhận là Tổng thư ký ASEAN, Surin Pitsuwan chẳng hạn, đã bị Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Nam Hong ngắt lời khi ông tìm cách đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Ngoài việc ngăn chặn không cho ai đề cập đến Biển Đông, Cam Bốt còn bị cho là đã lạm dụng quyền chủ tịch để bác bỏ việc công bố bản Thông cáo chung có nhắc đến tranh chấp Biển Đông.
Reuters kể lại : Hôm thứ Sáu 13/07 là ngày cuối cùng của Hội nghị, vào hôm ấy các nhà ngoại giao đã phải rốt ráo làm việc để tránh cho cả khối bị bẽ mặt và thống nhất được trên một bản Tuyên bố chung vào giờ chót.
Có đến 18 dự thảo nhưng tất cả đều bị bác
Indonesia là nước có dấu hiệu hăng hái nhất. Theo một nhà ngoại giao ASEAN, thậm chí Ngoại trưởng Indonesia là ông Marty Natalegawa còn gọi đồng nhiệm Singapore, khi ấy đang ở sân bay, là phải quay trở lại để góp phần thảo ra bản Thông cáo chung.Theo nhà ngoại giao kể trên, ông Natalegawa đã phải thảo ra đến 18 bản khác nhau để điều hòa quan điểm giữa Cam Bốt, và hai nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.
Thế nhưng các cố gắng đó rốt cuộc đã trở thành vô ích do thái độ khăng khăng của Cam Bốt, nhất quyết không chấp nhận bất kỳ ghi chú nào liên quan đến bãi cạn Scarborough - nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines - ngay cả khi Manila đã nhượng bộ và chấp thuận đề nghị của Indonesia chọn từ ngữ chung chung là “bãi cạn bị ảnh hưởng (affected shoal)”.
Đối với nhà ngoại giao đã kể lại sự cố trên, Cam Bốt là nước phải chịu trách nhiệm về việc Hội nghi ASEAN không có được thông cáo chung : “Lẽ ra chủ nhà phải đóng một vai trò tốt hơn, nhưng họ đã không làm như thế”.
Một nhà ngoại giao : Trung Quốc đã mua được lòng trung thành của Cam Bốt
Một nhà ngoại giao đã mô tả Cam Bốt, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, là "chủ tịch tồi tệ nhất", và cho biết là Trung Quốc đã thành công trong việc mua lòng trung thành của Cam Bốt và một số nước khác bằng sự hào phóng về mặt kinh tế.Theo Reuters, diễn biến tại hội nghị ASEAN đã phá vỡ những nỗ lực nhằm xây dựng các "quy tắc ứng xử" trên biển trong năm nay giữa ASEAN và Trung Quốc, làm tăng nguy cơ là các sự cố ngày càng nhiều giữa hải quân các nước trên vùng biển dồi dào dầu khí bùng lên thành xung đột.
Sự cố đó cũng nêu bật những thách thức lớn đang chờ đợi Hoa Kỳ vào lúc nước này chuyển trọng tâm chú ý về quân sự và kinh tế qua châu Á nhằm đối phó với đà vươn lên của Trung Quốc. Biển Đông đã trở thành ngòi nổ quân sự tiềm tàng mạnh nhất châu Á do việc các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đang đẩy Trung Quốc vào thế chống lại Việt Nam và Philippines trong cuộc đua nhằm khai thác lượng dầu khí có thể rất lớn dưới đáy biển.
Việt Nam ngày càng bị bao vây, cô lập và đe dọa an ninh bởi cộng sản Tàu đã dùng viện trợ mua đứt Cam-Bốt và Lào. BTBS
Nhận xét
Đăng nhận xét