Ruột Đau Chín Khúc
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120720
Bài toán của lãnh đạo Trung Quốc ngoài Đông hải....
* Những nghịch lý của tham vọng bành trướng *
Đang chuyển mình từ một cường quốc đại lục thành cường quốc hải dương, Trung Quốc gặp rất nhiều mâu thuẫn.
Ngay từ năm 1947, Trung Hoa Quốc dân đảng đã vẽ bản đồ 11 khúc để đòi chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc trên các quần đảo ngoài khơi biển Hoa Nam (biển Nam Hải, hay Nam Trung Quốc hải hay South China Sea, tức là Đông hải của Việt Nam). Khi ấy, các nước Đông Nam Á còn dồn trọng tâm vào việc tranh đấu cho độc lập nên không có phản ứng. Tầm nhìn quá ngắn!
Các nước cũng chẳng có phản ứng khi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc ra đời từ năm 1949, thay Quốc dân đảng làm chủ Hoa lục và vẽ thành bản đồ chín khúc để đòi chủ quyền của mình và chính thức công bố từ năm 1953. Khi ấy, các nước Đông Nam Á cũng chẳng có phản ứng, nhiều nước còn nương tựa vào đảng Cộng sản Trung Hoa để giành độc lập! Tầm nhìn tai hại....
Ngày nay, toàn khu vực Đông Nam Á bị kẹt trong vụ tranh chấp về chủ quyền do Trung Quốc gây ra. Nhưng kẹt nhất không phải là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á (Malaysia) hay Brunei - hoặc Đài Loan ở phía Bắc.
Kẹt nhất chính là Trung Quốc. Vì sao lại có nghịch lý đó?
***
Xưa nay, Trung Quốc là đại cường lục địa, với mối quan tâm về an ninh tập trung vào đất liền và những đe dọa ở bên trong. Qua ngần ấy cuộc xung đột trong lịch sử với Việt Nam, hay Chiêm Thành, Triều Tiên và Nhật Bản của các triều Tống, Nguyên Mông, Đại Minh hay Mãn Thanh, thật ra Trung Quốc đều bị đánh bại trong các trận thủy chiến.
Mâu thuẫn đầu tiên của cường quốc này là có bờ biển rất dài, trải dọc từ Hoàng Hải bên bản đảo Triều Tiên xuống tới Vịnh Bắc Việt, mà lại không kiểm soát được vùng biển cận duyên và thường chỉ giữ thế phòng thủ. Nguyên nhân chính là mối nguy cho Trung Quốc không đến từ biển Đông những ngả giao lưu cần thiết cho kinh tế đều nằm trong đất liền. Thứ nữa, tình trạng phân hóa và cát cứ khiến lãnh đạo xứ này phải ưu tiên thống nhất được nội tình trên một lãnh thổ bát ngát.
Sau các trường hợp bị khuất phục vì thủy chiến với Nga, Nhật hay các cường quốc Âu Châu vào đời Thanh, lãnh đạo Trung Quốc vẫn phải ưu tiên củng cố hệ thống cai trị ở bên trong.
Ngày nay, Trung Quốc đang ra khỏi mâu thuẫn truyền thống đó và muốn kiểm soát được vùng biển cận duyên nhờ sức mạnh hải quân thì lại gặp nhiều mâu thuẫn khác.
***
Sau khi cải cách từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình ưu tiên giải quyết các vấn nạn kinh tế và chính trị bên trong để ra khỏi khủng hoảng xây dựng lực lượng. Với bên ngoài, ông chủ trương "thao quang dưỡng hối" nhằm che giấu sức mạnh sau chiến lược hòa dịu với các nước Đông Nam Á: hãy tạm gác một bên những tranh chấp về chủ quyền để cùng hợp tác và khai thác tài nguyên chung ở ngoài khơi. Năm chục năm nữa nói chuyện cũng chưa muộn.
Nôm na thì "cái gì của ta là của ta – cái gì của người thì đôi ta cùng khai thác".
Trong chiến lược âm nhu đó, lãnh đạo Bắc Kinh khéo áp dụng thủ thuật "bẻ đũa từng chiếc": đàm phán song phương với từng nước để tránh phản ứng tập thể, một chiến tuyến chung của các nước Đông Nam Á. Tính toán ở đây là 50 năm sau thì Trung Quốc đã có thực lực khác nên khỏi cần đàm phán hay thương thuyết gì cả.
Quả nhiên là trong hai chục năm liền, dù có tranh chấp hay xung đột nhỏ ở ngoài khơi, kể cả với Việt Nam vào năm 1988, chiến lược hòa dịu hình thức vẫn được áp dụng. Nhưng ngày nay đề nghị "hãy cùng phát triển khu vực có tranh chấp" không đem lại kết quả dự tính. Sau khi tham gia trò chơi đó trong các năm 2004-2005, Phi Luật Tân rồi Việt Nam cũng đành duỗi ra.
Lý do là một mâu thuẫn bất ngờ khác.
Hải quân Trung Quốc lớn mạnh cùng nhu cầu kiểm soát các dòng hải lưu để bảo vệ luồng vận chuyển hàng hóa cho một nền kinh tế đã mở ra ngoài và lệ thuộc vào thị trường quốc tế khiến các nước đều e ngại. Quy tắc ứng xử ngoài biển Đông ký kết với Hiệp hội ASEAN 10 Quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002 vẫn không trấn an được.
Đã thế, khi Hoa Kỳ vướng bận vào cuộc chiến chống khủng bố từ 2001, lãnh đạo quân sự Trung Quốc còn nhìn ra cơ hội bành trướng và dẫn tới phản ứng ngược: các quốc gia Đông Nam Á đều kêu gọi Hoa Kỳ trở lại giữ thế đối trọng với đà bành trướng của Trung Quốc. Mà không chỉ các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển chín khúc của Trung Quốc.
Cái lưỡi bò chín khúc của Trung Quốc khiến cho chín quốc gia cùng nhìn thấy một mối nguy. Đó là Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei và cả Đài Loan. Ngần ấy quốc gia đều trông đợi vào phản ứng của Hoa Kỳ, nay đã xác định vai trò cường quốc Á Châu và nhấn mạnh đến nhu cầu bảo vệ quyền tự do lưu thông ngoài biển.
***
Chúng ta đi tới các bài toán hiện tại của Bắc Kinh, trong giai đoạn mà tiến thoái gì cũng bất tiện.
Từ chiến lược không can dự vào nội tình xứ khác, lãnh đạo Bắc Kinh đang ráo riết mua chuộc, uy hiếp hay lũng đoạn từng nước. Nghĩa là chứng tỏ bản chất đế quốc của một nước vẫn đề cao tinh thần "quật khởi hòa bình" để ra khỏi tình trạng lạc hậu.
Lập luận truyền thống của mấy chục năm qua, rằng Trung Quốc là một nước kém phát triển, nạn nhân của liệt cường và nay đang cố gắng công nghiệp hoá trong tinh thần hiếu hòa, lập luận đó đã hết công hiệu. Và trên các diễn đàn quốc tế lẫn trong dư luận các nước kém phát triển Á, Phi hay Trung Nam Mỹ, Trung Quốc có bộ mặt thực dân đế quốc. Đấy là một bài toán về lý luận với hậu quả phản tuyên truyền. Đó là bài toán thứ nhất.
Chuyện thứ hai, chiến lược đối thoại song phương để bẻ đũa từng chiếc cũng thất bại và khi Bắc Kinh chuyển qua giải pháp đối thoại quốc tế thì gặp kết quả trái ngược.
Người ta cứ nói đến phản ứng của Cam Bốt trong hội nghị tuần trước của khối ASEAN khi tránh nêu vấn đề tranh chấp ngoài Đông hải và coi đó là một thắng lợi của Bắc Kinh - chiếc đũa Cam Bốt đã gẫy.
Thật ra, nhận thức của các nước về lập trường ngoại giao của Bắc Kinh đã xoay chuyển. Thế giới thấy Trung Quốc dùng thủ thuật song phương để lũng đoạn từng nước, đến khi bước vào giải pháp đối thoại đa phương trên các diễn đàn quốc tế, cường quốc này có chủ đích phá hoại. Càng dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để bênh vực Iran hay Syria, hoặc có lập trường ngoại giao nhằm bao che cho Bắc Hàn, Sudan hay Venezuela, Bắc Kinh càng cho thấy Trung Quốc không là một cường quốc hữu trách và biết điều. Đấy là bài toán thứ hai.
Sau hai chục năm chỉ nhìn thấy quyền lợi của mình trong mối quan hệ với các nước và bị bất ngờ khi các chế độ thân hữu bỗng dưng sụp đổ, Bắc Kinh đang muốn xoay qua một đường lối chủ động và tích cực hơn.
Lãnh đạo Bắc Kinh đã bị bất ngờ tại Sudan, khi thân chủ bị xé làm hai, với sự xuất hiện của Cộng hoà Nam Sudan trên một vùng đất nhiều tài nguyên và được Tây phương bảo vệ. Bắc Kinh cũng bị bất ngờ khi chế độ độc tài Muamar Ghaddafi bị sụp đổ tại Libya. Những trường hợp trở tay không kịp như vậy xảy ra nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Ngày nay, Bắc Kinh đang muốn chuyển qua chiến lược khác, là chủ động xử lý các hồ sơ liên quan đến quyền lợi của mình thay vì mơ hồ đề ra những nguyên tắc chung chung.
Kết quả là không chỉ nói về "cửu đoạn tuyến" ngoài Đông hải, Bắc Kinh chủ động trưng bày sức mạnh. Cùng với việc nâng cấp hành chánh cho Tam Sa, Trung Quốc đưa tầu ngư chính và hải đội của mình vào vùng tranh chấp với Phi Luật Tân và Việt Nam, xẵng giọng với Nhật Bản vì hồ sơ Điếu Ngư Đài (Senkaku của Nhật). Hậu quả của sự chuyển hướng chủ động ấy là gây hấn với mọi quốc gia và càng khiến Hoa Kỳ có lý do chính đáng để xác định vị trí và sức mạnh trên vùng biển Thái Bình dương, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Đấy là bài toán thứ ba.
Trên toàn cảnh, lãnh đạo Bắc Kinh còn thấy mình thất thế do chiến lược "vô tư trung lập".
Đặng Tiểu Bình từ bỏ chủ trương cách mạng toàn cầu và thường trực của Mao Trạch Đông và chấm dứt yểm trợ các phong trào cộng sản trên thế giới, nhất là tại Á Châu. Ông còn tích cực hơn vậy khi đưa ra lập trường trung lập: Trung Quốc không can dự vào tranh chấp của các nước, không liên minh với một phe để tấn công một phe thứ ba, và giữ thái độ vô tư với mọi phe.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ tích cực phát triển quan hệ với một chuỗi quốc gia bán đảo, hải đảo hay quần đảo chung quanh lãnh thổ Trung Quốc, từ Nam Hàn, Nhật Bản đến nhiều nước Đông Nam Á qua tới Ấn Độ dương và Úc Đại Lợi. Kết cuộc thì Bắc Kinh thiếu bạn mà Mỹ lại có nhiều đồng minh! Lãnh đạo Bắc Kinh phải tính lại.
Trung Quốc bắt đầu xuất hiện như một đối tác đáng tin của quốc tế khi cần ngăn ngừa hải tặc hay khủng bố và tìm cách hợp tác với các nước, từ nhóm ASEAN+3 (với Nam Hàn và Nhật Bản), đến Pakistan và cả Ấn Độ. Nhưng làm sao xây dựng được sự khả tín với các nước khi Bắc Kinh cũng chủ động can thiệp và xác định sức mạnh của mình trong khu vực có tranh chấp? Đấy là bài toán thứ tư.
Chúng ta không đánh giá thấp trình độ tư duy và khả năng biến báo của lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng có thể tự hỏi vì sao họ rơi vào những mâu thuẫn khó gỡ và nay đang gặp bốn bài toán kể trên? Một giải đáp cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan này có thể tìm thấy ở bên trong nội tình Trung Quốc.
***
Lãnh đạo Bắc Kinh muốn áp dụng giải pháp ôn nhu để mời các nước – và doanh nghiệp quốc tế - cùng hợp tác và phát triển. Trong hợp tác, họ muốn các nước ít nhiều công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng tranh chấp. Kết quả xảy ra trái ngược với dự tính: các quốc gia đều nghi ngờ và phản đối. Nhiều nước đối tác đã xoay ngược lập trường, như Phi Luật Tân dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống khác, chứ không dễ mua dễ bảo như Gloria Macapagal-Arroyo.
Khi xẵng giọng và dùng sức mạnh quân sự bù đắp cho thế yếu về ngoại giao, nghĩa là tự lột trần bản chất bành trướng, Trung Quốc chỉ lung lạc nổi các nước nhỏ và yếu, ở ngoài vòng tranh chấp – như Lào hay Cam Bốt – nhưng gây phản ứng mạnh từ các nước khác.
Khi cần xoa dịu dư luận quốc tế và trở lại luận điệu ôn hoà thì lãnh đạo Bắc Kinh gặp phản ứng từ bên trong: ngư phủ Trung Quốc liều lĩnh lấy những rủi ro có thể dẫn tới xung đột và các tướng lãnh lại nhân cơ hội nhấn tới.
Trong khi chuẩn bị Đại hội 18 để đưa một thế hệ mới lên lãnh đạo Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Hoa cần xoa dịu sự bất mãn lan rộng của quần chúng bằng lý luận dân tộc cực đoan và bằng tư thế cường quốc trước diễn đàn quốc tế. Đồng thời, ngần ấy phe đang vận động ngầm ở bên trong để củng cố thế lực sau Đại hội 18 đều cần tới hậu thuẫn của quân đội. Và để các tướng lãnh lên giọng đề cao giải pháp bá quyền nước lớn!
Chính là những bất trắc nội bộ trong giai đoạn giao thời này, khi Bắc Kinh phải chuyển hướng đối ngoại, mới khiến Trung Quốc lâm thế kẹt. Bung ra thì bị thiên hạ tri hô và chặn cửa, thu vào thì gặp sự chống đối ở bên trong! Đi vào húng hắng, đi ra vội vàng....
Nhận xét
Đăng nhận xét