Việt Nam trước diễn biến mới của khu vực
Lê Ngọc Thống
Theo Viet-studies
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông qua tổ chức ASEAN của Việt Nam đang gặp trở ngại. Trong khi Trung Quốc ngày càng hành động hung hăng, ngang ngược, bất chấp, gây nên tình hình hết sức nguy hiểm trên Biển Đông. Có vẻ như Trung Quốc đã đem chiến tranh đến trước cửa Việt Nam
ASEAN, tổ chức có nội gián
Ít nhất, Trung Quốc là nước đã chứng minh tính đúng đắn một nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là “Tập trung dân chủ”.
“Tập trung” là danh từ, “dân chủ” là tính từ. Dân chủ bổ nghĩa cho Tập trung.
Tập trung dân chủ, theo Mác như “cái bì đựng khoai tây”. Cái bì là TT còn DC là như củ khoai tây. Không có cái bì thì củ khoai tây mỗi củ lăn mỗi đường.
Đòn hiểm của Trung Quốc bắt đầu từ cơ sở lý luận này đã làm cho ASEAN như những củ khoai tây không bao bì. “Sự đồng thuận” hay “dân chủ” trong ASEAN đã nguy cơ phá vỡ khối. ASEAN nguy cơ sẽ phân hủy để biến đổi từ chất này sang chất khác.
Trung Quốc đã biến ASEAN thành một khối “hữu danh vô thực”, Trung Quốc hỷ hả với chiến thắng này là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc có vui mừng quá sớm chăng khi mà chính “chiến thắng” này của Trung Quốc là nguyên nhân để cho trong khu vực Đông Nam Á này sẽ hình thành nên một tổ chức mới, với cơ cấu, thành phần, nguyên tắc hoạt động mới để có một sức mạnh mới, thực chất?
Chỉ tội cho Campuchia, Trung Quốc biến Campuchia như một kẻ chỉ điểm và vì lợi ích của mình, Trung Quốc lại buộc Campuchia lộ nguyên hình mà không nghĩ đoái hoài đến số phận “chỉ điểm viên” của mình sống ra sao khi bị lộ?
Ơi Campuchia thân mến và khốn khổ, ơi Campuchia ít đọc sách Tàu! Campuchia không biết Trung Quốc là con cháu của Tào Tháo mà Tào Tháo thì luôn diệt kẻ phản bội khi đã dùng xong bởi một nguyên tắc: “Hắn phản bội người người thân thiết của nó được thì ta nó tha gì” hay sao?
Thương thay cho người dân Campuchia, bị diệt 3 triệu người rồi, giờ biết còn bị nữa không? Hay ông Hun-Xen có kế thượng sách?
Vậy là, chiến lược bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam nói riêng và các quốc gia ven biển Đông Nam Á nói chung, thông qua kênh ASEAN, từ DOC đến COC là viễn vong, ảo tưởng.
Việt Nam, Philipines thất vọng khi Hội nghị bộ trưởng NG khối ASEAN lần đầu tiên sau 45 năm không ra được thông cáo chung. Đương nhiên, Mỹ cũng không thể vui khi Trung Quốc ghi bàn, không thể vui khi ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á này bị Trung Quốc thách thức.
Dư luận cho rằng, Trung Quốc thắng keo vừa rồi chỉ ở cấp độ chiến thuật.
Đúng vậy, bởi vì đây chỉ là nguyên nhân gây ra sai lầm chiến lược của Trung Quốc.
Nếu như Trung Quốc chỉ hạn chế được COC (không đáng sợ cho Trung Quốc vì chỉ có ASEAN và Trung Quốc mà thôi) thì cũng chính Trung Quốc mở lối, tạo áp lực, thúc đẩy các quốc gia có tranh chấp quyết tâm hơn trong việc quốc tế hóa khu vực tranh chấp, mà đối tượng lúc này là những đối thủ không mấy dễ chịu cho Trung Quốc như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn…và với công cụ hữu hiệu là UNCLOS mà Trung Quốc không ưa.
Về quân sự, Mỹ và không ai trong các cường quốc bậc trung như Nga, Nhật, Ấn… muốn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông vì hậu quả khôn lường.
Vì thế, hỗ trợ và tăng cường sức mạnh cho các quốc gia ven biển Đông Nam Á để kiềm chế Trung Quốc là sách lược đúng đắn, đôi bên cùng có lợi mà các cường quốc bậc trung hướng tới. Và, chưa biết chừng một NATO của Đông Nam Á đang phôi thai bắt đầu từ sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc khi họ không còn chỗ để lùi.
Như vậy, tình hình ở khu vực Đông Nam Á, điều mà Inđônêxia, Singapo lo sợ đã xảy ra là: “Trong ASEAN bắt buộc phải có sự lựa chọn khắc nghiệt giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Việt Nam, đêm trước của cuộc chiến tranh?
Mũi nhọn tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc hướng tới là Việt Nam.
Nếu như giữa hòa bình và chiến tranh có một ranh giới tiếp giáp, thì có thể nói Trung Quốc đã đi hết ranh giới này với Việt Nam. Chỉ cần Trung Quốc hành động dấn thêm một bước là xung đột sẽ xảy ra, chiến tranh sẽ xảy ra mà không cần thời gian tạo cớ.
Diễn biến gần đây cho thấy nguy cơ đó là không thể coi thường và do vậy phải cảnh giác cao độ.
Việc mời thầu quốc tế trong EEZ của Việt Nam chẳng hạn, sự ngang ngược được coi như “rao bán nhà hàng xóm”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc hành động cho giàn khoan xuống khai thác trong 09 lô dầu khí này của Việt Nam?
Tiếp theo, Trung Quốc hùng hổ tổ chức 30 tàu cá xuống Trường Sa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu 30 tàu cá dả dạng đó tràn vào EEZ của Việt Nam?
Tất cả đó là những điều mà coi như Trung Quốc đã dồn Việt Nam đến đường cùng. Việt Nam đời nào ngồi yên nhìn chủ quyền lãnh hải bị cướp trắng trợn. Vì thế chắc chắn xung đột, chiến tranh xảy ra là không tránh khỏi.
Nếu như chỉ là thách thức, khiêu khích bình thường đúng nghĩa của 2 từ đó thì sự kiên nhẫn sẽ là đối trọng. Nhưng thách thức trắng trợn, khiêu khích ngang ngược thì thực chất đó là hành động chiến tranh, tấn công trước vào đối phương, buộc đối phương không đánh lại không được.
Có thể đây chỉ là hành động của các nhóm lợi ích có thế lực lớn trong nội bộ Trung Quốc mà Bắc Kinh trục lợi, thông qua “đám âm binh” đó, Trung Quốc chơi bài ngửa, không thèm che đậy ý đồ, dọa dẫm gây sức ép.
Nhưng dù sao đây là hành động hết sức nguy hiểm bởi nạn binh đao có thể bắt đầu từ “đám âm binh” thiếu kiểm soát này.
Trung Quốc đã đem chiến tranh đến trước cửa nhà Việt Nam. Việt Nam đang như ở đêm trước của cuộc chiến tranh.
Sự lựa chọn nào cho Việt Nam?
Đương nhiên, đã đến nước này nếu chọn Trung Quốc, “xin hòa hiếu” với Trung Quốc, nói thẳng toẹt ra là đầu hàng, thì…chắc chắn Việt Nam không bao giờ chọn cách này.
Ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc?
Ở thời điểm hiện nay, đây là một bí ẩn mà dư luận rất quan tâm. Điều chắc chắn là ngả theo Mỹ hay không còn tùy thuộc vào Trung Quốc.
Lâu nay, chính sách quốc phòng của Việt Nam chủ trương không liên minh với ai để chống nước thứ 3. Vì thế Việt Nam không ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc và lại càng không ngây thơ theo Trung Quốc để chống Mỹ. Nhưng khi Trung Quốc liều lĩnh, tham lam cướp đảo, cướp biển của Việt Nam thì…trẻ con nó vẫn hiểu được.
Có điều không phải muốn ngả theo Mỹ là được ngay.
Nếu như với Bắc Triều Tiên, điều kiện tiên quyết để thỏa thuận hòa bình là Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên phải ngừng ngay chế tạo vũ khí hạt nhân, thì với Việt Nam, Mỹ cũng hành xử như vậy về nhân quyền để bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là sai lầm.
Mỹ chưa hiểu Việt Nam đấy thôi. Mỹ quan trọng lý do nhân quyền theo kiểu Mỹ, nhưng với Việt Nam lý do đó không quan trọng, vì đường nào Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận nền dân chủ mà trong bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam đã trân trọng ghi.
Thả người này, người kia, thậm chí thả cả hàng nghìn người như ông tiến sỹ vớ vẫn nào đó cũng chẳng là gì với Việt Nam. Việt Nam không quan trọng chuyện đó. Việt Nam quan trọng là vấn đề lòng tin.
Mỹ chỉ có thể gây hại cho Việt Nam chứ không đời nào Việt Nam đủ sức gây hại cho Mỹ. Mỹ bỏ cấm vận cho Việt Nam nhưng nếu Việt Nam chưa có dấu hiệu đáp ứng sự tử tế của Mỹ thì cấm vận lại, Mỹ có quyền nói được, làm được cơ mà.
Thế hệ 5X đã ít, từ thế hệ 6X trở đi ở Việt Nam, chẳng ai căm thù Mỹ, vậy tại sao Mỹ không đưa tay ra, Mỹ là nước lớn, là số 1 thế giới, Mỹ sợ cái gì?.
Điều này chứng tỏ Mỹ và Việt Nam thiếu lòng tin nhau; Mỹ chưa hiểu Việt Nam, còn thù hận Việt Nam… trong khi lẽ ra phải ngược lại.
Trong chuyện này có lẽ ông TNS McCain là hiểu Việt Nam nhất, ông nói: “Chúng tôi mong đợi sự tiến bộ (nhân quyền) chứ không phải là sự thay đổi tức thì”.
Đúng vậy, cái gì cũng phải có thời gian. Thời gian sẽ làm cho 2 nền văn hóa tiếp cận nhau hơn, các hệ thống giá trị về đạo đức trở nên gần gũi hơn.
Việt Nam mong chờ ở Mỹ sự tử tế để khiến Việt Nam tin cậy. Mỹ tử tế với Việt Nam, có lẽ đó là thứ vũ khí hiệu nghiệm nhất, hiệu quả thu được tuyệt vời nhất mà B52, tàu chiến hay cấm vận…không thể làm được.
Thực tế cho thấy, với Việt Nam, Nhật đã giúp Việt Nam tăng cường an ninh trên biển sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Việt Nam. Chắc chắn việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là vấn đề thời gian vì đó còn là lợi ích của Mỹ, việc đó, tuy chưa phải là nhu cầu bức thiết của Việt Nam nhưng là biểu tượng cho sự gần gũi nhau hơn, dễ dàng lựa chọn, tiếp cận các bước đi tiếp cho tương lai gần.
Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng Việt Nam ngả theo Mỹ là Việt Nam yên bình, không sợ gì ông Trung Quốc là nhầm lớn. Mỹ có quyền lợi của Mỹ. Mỹ và Trung Quốc có thể mặc cả trên lưng Việt Nam (nỗi đau còn đó khi Mỹ bán đứng Hoàng Sa thân yêu của Việt Nam cho Trung Quốc) chứ không đời nào Mỹ đánh Trung Quốc cho Việt Nam.
Đành rằng “Khi 2 con voi làm tình thì cỏ dưới chân chúng sẽ bị giẫm nát”. Nhưng khi cỏ dưới chân 2 con voi đó có “tổ kiến lửa” thì…ngu gì mà rủ nhau đến đó làm tình.
Cho nên, Việt Nam phải tự mình làm lấy việc đó bằng sức mạnh tinh thần và vật chất. Việt Nam phải là một nhân tố quan trọng, có quyền “ra giá” cho sự mặc cả của họ nếu như có sự mặc cả.
Và, đó chính là sự lựa chọn duy nhất đúng cho Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Làm thế nào để có sức mạnh tinh thần? Làm thế nào để cả nước đồng lòng, đồng bào trong và ngoài nước kết tinh thần yêu nước thành một làn sóng nhấn chìm quân xâm lược? Nếu như bọn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã làm chao đảo kinh tế và lòng tin thì chúng chẳng ngại ngần gì bán nước để yên vị, hưởng lợi, vậy làm gì để diệt bọn chúng?...Câu trả lời dành cho lãnh đạo Việt Nam.
Lê Ngọc Thống
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-7-12
Nhận xét
Đăng nhận xét