Những hỏa mù trong canh bạc
TS Alan Phan
Gần đây tôi từ chối không nhận làm diễn giả cho nhiều hội thảo về tài chánh hay kinh tế vì tôi nghĩ rằng các thân hữu trong đám khán thính giả có lẽ biết nhiều hơn tôi về thực trạng hàng ngày của nền kinh tế xứ này. Họ phải đối diện với sự thật và phải tìm giải pháp cụ thể cho cá nhân, nhân viên và khách hàng; vài lý thuyết hay vài câu khích lệ không giúp họ được gì. Trong khi đó, đám chuyên gia trên tháp ngà như tôi thì lại tùy thuộc vào những số liệu vô cùng mâu thuẫn của nhiều cơ quan công và tư để phân tích và tìm kết luận. Rác đầu vào, rác đầu ra. Dị ứng với rác, tôi nghĩ im lặng là thái độ hợp thời.
Lấy những thảo luận về tái cấu trúc ngân hàng làm thí dụ. Tôi tin rằng ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) cũng không nắm rõ con số nợ xấu thực sự của các ngân hàng thương mại. Ông Thống Đốc vừa tuyên bố là khoảng 10% dư nợ thì vài ngày sau đó, con số thống kê của NHNN là 4.6% . Trong khi đó, Fitch Rating đưa ra con số 13% chưa tính nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước (chỉ Vinashin và Vinalines đã tổng cộng đến 6 tỷ USD). Một tư liệu của một ngân hàng tư nhân cho một ước tính không kiểm chứng được là 27%.
Lập một công ty mua bán nợ xấu mà không biết số nợ là bao nhiêu; rồi chưa chắc là bán cho ai với giá như thế nào, thì chỉ có các đầu óc siêu việt mới dám kinh doanh kiểu này.
Một yếu tố khác không ai rõ là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại. Có nhiều xếp hạng 1, 2, 3, 4 gì đó, nhưng NHNN chi viện thường trực nên thứ hạng có thể thay đổi theo ngày theo giờ. Chánh sách khoanh giãn nợ vừa ban hành làm bức tranh mờ tối thêm. Rồi lượng tiền 300 ngàn tỷ NHNN vừa bơm ra đã chạy về đâu? Nếu dùng để mua nợ xấu thì lập thêm một công ty mua bán nợ xấu phải chăng là để hợp thức hóa số tiền đã sử dụng hay là một thủ thuật khác cho dòng tiền chạy quanh và biến mất?
Một câu hỏi khác là NHNN có biện pháp và khả năng điều tra những sở hữu chéo của các cổ đông lớn kiểm soát ngân hàng và các công ty con của họ? Những tin đồn trên mạng Internet nêu đích danh những chủ ngân hàng rút ruột ngân hàng của mình (thực sự là OPM của khách hàng) và của nhà nước bằng những giao dịch “ảo” (tôi cho anh vay, anh cho thằng B vay, thằng B cho thằng C vay, rồi C quay lại cho tôi vay). Cứ mỗi lần tiền đổi tay, chúng ta lại thu thêm một số tiền phí và hoa hồng. Sau một hồi, khi tiền hết thì ngân hàng mất thanh khoản; nhưng may thay, đã có NHNN nhẩy vào mua các nợ xấu. Một công ty công cộng nhỏ ở Mỹ (các blue chips thì chắc chắn không dám) mà xoay tiền lối này qua các giao dịch chéo giữa những đối tác sẽ bị huýt còi và điều tra ngay.
Khi Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Federal Reserve) in tiền để cứu viện qua các gói QE 1, QE 2 hay Twist, họ phải được sự chấp thuận của Quốc hội qua những cuộc điều trần trực tiếp chiếu trên các mạng truyền thông đại chúng. Ngược lại, tôi có cảm giác là các quan chức và chuyên gia VN cố tình đưa ra những con số rất đối nghịch với mục đích làm rối mù thực tại, khiến không ai có thể rút ra một kết luận chính xác hay hợp lý. Càng nhiều phân tích bình luận, càng dễ làm người quan tâm lạc lối và cuối cùng quay qua đọc các bài hay các hình ảnh về siêu sao hay đại gia, dễ hiểu hơn.
Một cách giữ niềm tin khác cho khách hàng (người dân, nhà đầu tư nội ngoại, cơ quan thẩm định, các mạng truyền thông…) là sự thẳng thắn trả lời những tin đồn và đưa ra bằng chứng về sự sai lầm của những tin đồn này. Nếu tin đồn đúng thì phải công nhận và đưa ra các giải pháp cụ thể cho công chúng tường tận. Giấu diếm che đậy chỉ làm tin đồn lạm phát và tiếng nói chánh thức của nhà nước bị nghi ngờ và chế diễu.
Hiện nay, tin đồn lớn nhất trong giới tài chánh là dư nợ nhiều ngân hàng phần lớn là cho các công ty con của các cổ đông lớn vay. Số nợ của một vài cá nhân còn cao hơn dư nợ của nhiều ngân hàng nhỏ và khi NHNN chi viện, tiêu chí nào đã được dùng để bơm tiền?
Bất cứ ai truy tìm trên Net cũng đều biết về các tin đồn này. Một cuộc họp báo về các tin đồn sẽ gây dựng niềm tin nơi công chúng nhiều hơn là các cuộc điều trần tại quốc hội.
Do đó, khi các bạn BCA hỏi tôi về tình hình hiện tại hay dự đoán tương lai về nền kinh tế này, hay về các tin đồn trên mạng, tôi im lặng vì thực sự tôi không “biết” hay “đoán” được gì. Nếu đây là ý định của những vị lãnh đạo và nhóm lợi ích, thì các hỏa mù họ tung ra đã thành công. Kế hoạch nhiễu thông tin này tạo nên một “bất ổn” (uncertainty) khiến các thành phần kinh tế “bất động” và những người trong cuộc (insiders) có thể lợi dụng tình thế để thâu tóm, khởi động hay đầu cơ rất hiệu quả.
Cái giá phải trả là sự khốn đốn của mọi người ngoài cuộc.
A. P.
Nguồn: http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/nhng-ha-trong-canh-bc.html
Nhận xét
Đăng nhận xét