Cam Bốt bị tố cáo chiều ý Trung Quốc để phá hoại ASEAN
Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong trong lễ bế mạc hội nghị ASEAN (Reuters)
Trọng Nghĩa
Trong lịch sử ASEAN, chưa bao giờ một Hội nghị cấp Ngoại trưởng của khối lại không ra được một bản Tuyên bố chung cuộc để đúc kết tiến trình đàm phán, thảo luận. Thế nhưng điều không thể tưởng tượng nổi đó đã xẩy ra tại các Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, vừa kết thúc hôm qua, 13/07/2012. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, giáo sư Carl Thayer đã cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN.
Nguyên nhân chính là do có bất đồng không thể giải quyết giữa Philippines và Cam Bốt liên quan đến Biển Đông. Chính quyền Manila muốn ghi tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc tại bãi đá Scarborough vào trong bản Tuyên bố chung, một đề nghị đã bị Cam Bốt, trong tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN bác bỏ. Bất chấp các đề nghị thỏa hiệp, cả hai bên đều không thay đổi ý kiến, và Cam Bốt quyết định là Hội nghị sẽ không có được tuyên bố chung.
Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFI, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã phê phán thái độ của Cam Bốt cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN. Ông phân tích như sau :
Hành động của Cam Bốt trong tư cách Chủ tịch ASEAN đã xóa nhòa sự phân biệt giữa Cam Bốt, một trong 10 thành viên của ASEAN và Cam Bốt, Chủ tịch ASEAN. Lần đầu tiên trong lịch sử của Hiệp hội Đông Nam Á, các ngoại trưởng đã phải cùng nhau làm việc trên một chương trình nghị sự rất nặng nề nhưng lại bị mất đi phương tiện truyền thống để công bố các quyết định của mình, vì cho đến nay, Bản Tuyên bố chung của Chủ tịch ASEAN có mục tiêu ghi lại các quyết định của toàn khối.
Tình hình bắt nguồn từ hành động của Cam Bốt đã đẩy ASEAN vào một tình thế chưa từng thấy. Trang web của Ban Thư ký ASEAN hoàn toàn im hơi lặng tiếng lặng về những vấn đề này.
Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Cam Bốt ?
Nói cách khác, sau một tuần thảo luận một loạt các vấn đề - không chỉ là vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà thôi – cả khu vực và phần còn lại của thế giới đều không biết được là ASEAN đã quyết định những gì. Đây là một đòn nghiêm trọng đánh vào vị thế và uy tín quốc tế của ASEAN.
Có thể coi là trách nhiệm về việc ASEAN không đạt được đồng thuận hoàn toàn thuộc về Cam Bốt. Ghi nhận của những người có mặt tại Phnom Penh cho thấy rằng chính Cam Bốt trong vai trò chủ tịch đã tỏ ra bướng bỉnh và không khoan nhượng. Họ liên tục cảnh cáo rằng sẽ không có Tuyên bố chung để hăm doạ Philippines. Ngay cả khi Indonesia đứng ra làm trung gian để tìm ra một thỏa hiệp, Cam Bốt cũng không chịu nhúc nhích, và bỏ ngang cuộc họp.
Rất có thể là tranh cãi về các từ ngữ trong bản Tuyên bố chung sẽ lan qua và gây nhiễu cho tiến trình đàm phán giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc trên một bộ Quy tắc Ứng xử (tại Biển Đông). Cam Bốt đã lộ mặt như là một “con ngựa kềm bước” giúp Trung Quốc. Điều này sẽ làm cho đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử COC chung cuộc với Trung Quốc khó khăn hơn. Chắc hẳn là Philippines, và có thể là một số nước ASEAN khác, sẽ không còn tin tưởng Cam Bốt trong việc giữ kín các lập trường đàm phán bí mật của họ.
Định hướng đối ngoại của ASEAN đến nay đi theo hai chủ trương. Đầu tiên hết là ASEAN cần duy trì quyền tự chủ của khu vực, chống việc các cường quốc ngoài khối xen vào công việc nội bộ của minh. Kế đến, ASEAN nhấn mạnh đến khẳng định vai trò “người cầm lái” hoặc là nhân tố trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực. Hành động của Cam Bốt cho thấy rõ ràng là sự thống nhất và gắn kết của ASEAN, công cụ giúp khối này cách ly với thế lực bên ngoài, đã bị sứt mẻ nặng nề. Không những Trung Quốc đã xâm nhập được vào trong ASEAN, mà họ đã làm được như vậy thông qua đại diện là Cam Bốt. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến vai trò “người cầm lái” của ASEAN.
Liệu còn nước ASEAN nào tin được Cam Bốt ?
Đối với Giáo sư Thayer, hành động của Cam Bốt đã làm xóa bỏ sự tin tưởng lẫn nhau trong khối, gây trở ngại cho ASEAN trong nỗ lực tiến tới một Cộng đồng vào năm 2015.
Hành động của Cam Bốt sẽ đầu độc các hoạt động của ASEAN từ nay cho đến tháng Mười một, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức. Cam Bốt đã mất đi vai trò trung lập của họ với tư cách là Chủ tịch ASEAN, và một số thành viên ASEAN sẽ nghi ngờ sự điều hành của Cam Bốt trong phần còn lại của năm 2012 này.
Hiện nay đã có một vết rạn thực thụ trong sự thống nhất của ASEAN, và vết này có thể trở thành một kẽ nứt và cản trở việc thành lập Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, vốn là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, dự kiến có hiệu lực vào năm 2015. Tình trạng rắc rối vừa qua làm tăng khả năng ASEAN bị tách thành hai nhóm : các quốc gia lục địa và các quốc gia duyên hải và hàng hải.
Nếu ASEAN muốn trở thành một cộng đồng, họ phải có được một "nhận thức về chúng ta", rằng các thành viên chia sẻ với nhau nhiều điểm chung hơn là với các cường quốc bên ngoài. Nền an ninh của ASEAN phải được xem như là không thể chia cắt. Hành động của Cam Bốt trong tuần này cho thấy là nhận thức về một Cộng đồng ASEAN rất là mong manh.
Trung Quốc thắng trước nhưng có thể thua sau
Phải chăng sự cố vừa qua là một chiến thắng của Trung Quốc trong mưu toan chia rẽ ASEAN và một thất bại của Hoa Kỳ trong mong muốn tạo dựng một mặt trận ASEAN thống nhất ? Về vấn đề này, Giáo sư Thayer phân tích :
Sự kiện ASEAN bị chia rẽ không phải là lợi ích của Mỹ. Hoa Kỳ đã quan tâm đến việc phát huy một cách tiếp cận hợp tác ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông và hỗ trợ một bộ Quy tắc Ứng xử COC có tính chất ràng buộc. Các ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận về các yếu tố chính của COC. Đấy là một vấn đề tách biệt với thất bại trong việc ra Tuyên bố chung.
Trung Quốc có thể là đã chỉ giành được một chiến thắng kiểu Pyrrhic (tức là thắng trước nhưng lại thua sau). Thất bại của ASEAN trong việc nêu lên tranh chấp Scarborough Shoal trong Tuyên bố chung là một thành công tạm thời của Trung Quốc. Nhưng thắng lợi đó có khả năng bị suy yếu do phản ứng trước việc Trung Quốc sử dụng trắng trợn Chủ tịch ASEAN như là đại điện thừa hành của mình.
Các Ngoại trưởng ASEAN đã ký tắt công nhận các yếu tố chính của một Bộ Quy tắc Ứng xử cho Biển Đông. ASEAN đã tiến hành ít nhất hai cuộc họp không chính thức với Trung Quốc về việc xúc tiến đàm phán. Các cuộc thảo luận chính thức dự kiến có thể mở ra vào tháng Chín. Trung Quốc đã bắn tin là họ sẵn sàng đàm phán với các thành viên ASEAN khi điều kiện "chín muồi".
ASEAN đã tự dặt ra thời hạn chót là tháng Mười một năm nay phải đạt được thỏa thuận, để bộ Quy tắc Ứng xử có thể được Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thời điểm đó thông qua.
Từ nay đến đó con đường còn khó khăn, Trung Quốc có thể được khuyến khích để xoáy vào khác biệt quan điểm trong ASEAN để xóa nhòa các điều khoản liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong Bộ Quy tắc Ứng xử của ASEAN.
Lợi ích của Trung Quốc là cho thấy về mặt hình thức là họ làm việc với các thành viên ASEAN để tiến tới một giải pháp. Tại sao vậy ? Để khỏi bị Hoa Kỳ thúc bách sau lưng.nó.
Nhận xét
Đăng nhận xét