Không thể coi đó chỉ là “đòn gió”


Theo báo Đại Đoàn Kết


"Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta có đủ bằng chứng pháp lý, chứng cứ lịch sử để chứng minh Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên 2 quần đảo này. Trong Luật Biển vừa thông qua đã khẳng định lại những quan điểm này đối với 2 quần đảo và nói rõ đây không phải là quốc gia quần đảo”.

"Nếu nhìn thoáng qua sự việc Trung Quốc trắng trợn mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của ta, có thể lầm tưởng chỉ là để "dằn mặt” anh bạn láng giềng bé nhỏ. Nhưng đó chính là một bước đi nữa trong âm mưu muốn "biến Biển Đông thành ao nhà của họ”- Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - Luật gia Trần Công Trục khẳng định cùng Đại Đoàn kết.


Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu
 là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam
 Ảnh: Hoàng Long

Là sự dấn tới có tính toán


Khi TQ ngang nhiên mời thăm dò, khai thác dầu khí 9 lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có ý kiến cho rằng đó chỉ vẫn là "thói quen” thích gây hấn. Xin cho biết quan điểm của ông?

- Đúng là cũng có ý kiến cho rằng những sự việc TQ liên tiếp gây hấn ở Biển Đông thời gian gần đây như bắt bớ ngư dân, tuyên bố về thành phố Tam Sa thậm chí trắng trợn mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của ta là một hành động "trả đũa”, là thứ "đòn gió” để "răn đe” Việt Nam thôi vì Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển vào ngày 21-6-2012. Tuy nhiên, nếu xét các chuỗi hành động của Trung Quốc từ nhiều năm qua trên Biển Đông nhằm áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” thì có thể thấy hành động trên đây của họ là một bước tiến nằm trong kế hoạch lâu dài, một sự dấn tới có tính toán đã được vạch ra từ trước rồi.

Đó là một loạt các hoạt động tiếp tục thực hiện chiến lược tiến ra Biển Đông với yêu sách, âm mưu muốn "biến Biển Đông thành ao nhà của họ”. Họ đã vạch ra và đang từng bước thực hiện dã tâm đó.

Quốc gia nào cũng như Trung Quốc, thế giới sẽ "về đâu”?

- Vâng, như với đường lưỡi bò, bản thân các học giả Trung Quốc cũng phải nhận xét là vô căn cứ. Còn nói như một Thượng nghị sĩ Philippines, "sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc cũng đòi chủ quyền trên Mặt trăng và các hành tinh khác”…

Ngay cả chuyện họ nói rằng trong lịch sử họ đã từng ở một trong những hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, họ cũng không thể chứng minh một cách nhất quán. Yêu sách Đường lưỡi bò do họ đưa ra chẳng có cơ sở pháp lý gì mà họ chỉ nói một cách chung chung. Rất nhiều câu hỏi của học giả chất vấn họ xung quanh vấn đề này và TQ đã không đưa ra được lời giải thỏa đáng. Thậm chí, ngay cả học giả có tiếng của TQ Lý Lệnh Hoa - một chuyên gia về Luật biển - đã từng có một loạt bài nghiên cứu đăng trên tạp chí và nói trong hội thảo ở TQ. Ông Hoa đã phê phán rất gay gắt về "đường lưỡi bò” và cho rằng đây là đường rất là mơ hồ, hoang tưởng, không có bất kỳ luận cứ, cơ sở pháp lý nào.

Rõ ràng, phía TQ đã có rất nhiều vấn đề và tỏ ra lúng túng trong việc nhận vơ một khoảng không gian rộng lớn trên Biển Đông mà không dựa vào bất cứ chứng cứ khoa học nào. Tôi cho rằng, nếu việc TQ nhận rằng trong lịch sử người TQ đã từng sống ở đâu đó để tuyên bố chủ quyền, thì đúng là chỉ một thời gian nữa thôi họ sẽ tuyên bố chủ quyền trên mặt trăng. Chỉ dựa vào yếu tố lịch sử không thuyết phục như vậy để tuyên bố chủ quyền là điều cực kỳ nguy hiểm. Giả sử TQ thực hiện được điều này trên Biển Đông thì rất nhiều quốc gia sẽ căn cứ vào điều này để tuyên bố chủ quyền. Và nếu điều đó xảy ra không hiểu thế giới sẽ đi về đâu?

Trở về câu chuyện mời thầu quốc tế bất hợp pháp của TQ, theo ông, có nước nào tham gia dự thầu không?

- Theo tôi, qua kinh nghiệm theo dõi hành động của TQ ở Biển Đông, hoạt động của họ không mang tính ngẫu nhiên, không mang tính chất ứng phó tình huống. Tất cả đã đều được bài binh bố trận một cách chi tiết rõ ràng. Họ hành động gì, thực hiện vào thời điểm nào đều nghiên cứu rất kĩ. Với họ lúc nào cần dùng đến lực lượng hải quân, quân sự để chiếm đóng một số đảo nào đó, lúc nào không nhất thiết phải làm điều đó, tất cả các chuỗi hoạt động này đều liên quan trực tiếp với nhau.

Vì vậy, họ đã chuẩn bị kỹ trước khi công bố mời thầu quốc tế 9 lô tại thềm lục địa của Việt Nam, nơi chúng ta đang khai thác và hợp tác với các đối tác khác. Chắc chắn họ tính đến công ty nào sẽ là người trúng thầu rồi. Đừng tưởng rằng sẽ không có bất kỳ công ty dầu khí nào dám tham gia vào vùng được coi là tranh chấp nhưng thực tế thuộc chủ quyền của Việt Nam này. Có thể cho là các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới sẽ thận trọng, nhưng không thể loại trừ chính người Trung Quốc sẽ tự sáng tác ra những công ty dầu khí mang nhãn hiệu nước thứ ba để tham dự thầu và trúng thầu (tất nhiên). Chắc chắn họ sẽ không dừng lại ở việc mời thầu quốc tế đâu. Chúng ta cần lập tức hành động để chặn đứng âm mưu này.



Luật gia Trần Công Trục

Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam để thế giới hiểu rõ hơn

Tất nhiên, không đời nào chúng ta để TQ mãi hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông đặc biệt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vậy chúng ta cần làm gì chặn đứng hành vi của TQ, thưa ông?

- Phải tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của TQ để có đối sách hợp lý. Ai cũng biết TQ là nước lớn có tiềm lực kinh tế, đấy là điểm mạnh của họ, nhưng Biển Đông không phải là ao nhà của họ. Mọi lập luận của TQ khi gây hấn với các quốc gia ven biển như Việt Nam, Phillippine mà tiếp theo có thể là các nước Malaysia, Indonesia là điều có thể xảy ra lắm. Cũng giống như lần tranh chấp với Phillippin, TQ đã nhận vơ Bãi ngầm san hô Scarborough là đảo của họ rồi đòi tuyên bố chủ quyền. Đó là điều quá vô lý. Ai cũng biết đó không phải là đảo thuộc Trung Sa như TQ tuyên bố. Đó chỉ là bãi cạn lập lờ nửa chìm nửa nổi. Vì vậy, chẳng có ai có thể sinh sống ở đó được. Đó là câu chuyện với Philippin còn với Việt Nam thì sao. Khu vực họ đang mời thầu nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của ta (trong vòng 200 hải lý) và nó cánh xa thềm lục địa của TQ hàng 1000 km thì làm sao họ lại có quyền ở vùng biển này. Rõ ràng TQ đã đang xâm lược nước ta về mặt luật pháp, vi phạm nghiêm trọng trắng trợn luật pháp quốc tế.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta có đủ bằng chứng pháp lý, chứng cứ lịch sử để chứng minh Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên 2 quần đảo này. Trong Luật Biển vừa thông qua đã khẳng định lại những quan điểm này đối với 2 quần đảo và nói rõ đây không phải là quốc gia quần đảo. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện TQ. Muốn làm được điều này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam để nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và cả thế giới hiểu rõ hơn. Nếu công tác tuyên truyền của chúng ta không mạnh thì với việc tuyên truyền của họ rất dễ dẫn tới việc thế giới sẽ hiểu lầm đây là vùng tranh chấp như TQ rêu rao.

Đặc biệt, nếu TQ tiếp tục các hành động vô lý, ngang ngược như vừa qua thì mình đã có Luật biển rồi. Phải thực thi Luật. Họ đã cố tình vi phạm ngay trên thềm lục địa của chúng ta chứ không phải vùng tranh chấp nào cả. Vì vậy chúng ta phải thực thi ngay những biện pháp theo đúng tuần tự pháp luật. Theo đó, lực lượng nào được phân công nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phải đến giàn khoan. Phải lập biên bản về vi phạm của họ. Thậm chí dẫn độ về tiến hành xét xử đúng luật. Khi tranh chấp không ai chịu ai vì nhiều lý do khác nhau, phải đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Tôi tin thế giới sẽ rất hiểu và không bao giờ đồng tình trước những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của TQ.




Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ quyền
 của Việt Nam để thế giới hiểu rõ hơn
ẢNH: HOÀNG LONG

Không còn là vấn đề song phương

Ông có nghĩ rằng quốc tế hóa vấn đề này là việc chúng ta cần rất khẩn trương làm?

- TQ chỉ muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương, không muốn đàm phán đa phương, vì cơ sở pháp lý để biện minh cho hành động của họ ở Biển Đông là rất yếu. Nếu quốc tế hóa vấn đề này thì sẽ có những chuyên gia giỏi của thế giới sẽ phanh phui sự thật là TQ đang có hành vi xâm lược nước khác. Tất nhiên, họ không bao giờ muốn cái bất lợi đến với họ nên họ lập luận đây là vấn đề nội khối ASEAN không nên để các nước khác nhảy vào gây mất hòa bình, bất ổn trong khu vực. Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên mời thăm dò, khai thác dầu khí 9 lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chà đạp trắng trợn lên Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 cần phải được lên án. Chúng ta phải có những hành động, bước đi cụ thể để nhận được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới. Cam kết giải quyết song phương những vấn đề chỉ liên quan tới hai nước trên Biển Đông có lẽ sẽ mang lại ít nhiều hiệu quả nhưng chỉ khi cả hai cùng tôn trọng lời hứa và cùng "lấy đại cục làm trọng”.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!



Chúng ta mong muốn hòa bình, chúng ta kiên trì kiềm chế và tôn trọng các cam kết ứng xử, nhưng luật pháp quốc tế phải được coi trọng bởi tất cả các bên có liên quan. Và một khi luật pháp quốc tế bị chà đạp thì khi đó cần phải có sự lên tiếng và can thiệp của cộng đồng quốc tế. Một khi TQ có hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, vi phạm luật pháp quốc tế thì nhất thiết điều đó không còn là vấn đề song phương nữa. Do vậy, cần phải đưa vấn đề ra công luận, tòa án quốc tế và xử lý vấn đề phải bằng các giải pháp đa phương.


Khánh Ly (thực hiện)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?