Tìm hiểu NGHỊ QUYẾT 36:
Chức Năng, Nhiệm Vụ và Công Tác Vận Động của Ủy Ban về người Việt Nam ở nước ngoài
TRẦN VIỆT ĐẠO
Từ năm 2004 đến nay, người Việt tị nạn Cộng Sản (CS) ở hải ngoại chỉ nghe nói tới Nghị Quyết 36 của Việt Cộng (VC) một cách lơ mơ, chứ có mấy ai hiểu rõ tường tận nội dung của Nghị Quyết, cùng chức năng, nhiệm vụ và công tác vận động của VC qua cái gọi là “Ủy Ban về người Việt Nam ở nước ngoài” rồi sau đó đổi tên thành “Ủy Ban Nhà Nước về người Việt Nam ở nước ngoài” (cả hai cái tên đều dài lòng thòng, nghe lạ hoắc, và khó nhớ!). Để tìm hiểu cái Nghị Quyết 36 độc hại nầy, người viết phải đi vào các Website của VC để tìm cho bằng được nó hầu cống hiến bạn đọc không có thì giờ tìm tòi; đồng thời hy vọng rằng sự hiểu biết của chúng ta về Nghị Quyết 36 của VC sẽ tránh được những cái bẫy do chúng giăng ra.
Trước khi đi vào nội dung phần tìm hiểu Nghị Quyết 36, chúng ta cần biết qua các danh xưng và chữ viết tắt của VC.
* BVKTU = Ban Việt kiều trung ương
* NVNONN = người Việt Nam ở nước ngoài, tức Việt kiều
* UBVNVNONN = Ủy Ban về người Việt Nam ở nước ngoài
* UBNNVNVNONN = Ủy Ban Nhà Nước về người Việt Nam ở nước ngoài (hậu thân của UBVNVNONN)
* Chủ Nhiệm = Chủ Tịch
* BCT = Bộ Chính Trị
I. NGHỊ QUYẾT 36
VC viết về Nghị Quyết 36 như sau: “Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới, nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) trực thuộc Bộ Ngoại giao – cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với NVNONN, cũng như kiện toàn một bước bộ máy tổ chức, nhân sự của Uỷ ban nhằm đáp ứng những yêu cầu to lớn của công tác về NVNONN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 18/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 102/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, thay thế Quyết định số 243/2006/QĐ-TTg, ngày 27/10/2006.”
Bạn đọc muốn biết rõ nội dung Nghị Quyết 36 bằng nguyên bản tiếng Anh (không có bản tiếng Việt), xin xem phụ bản đính kèm, hoặc vào trang Tạp Chí Quê Hương Online (của VC) sau đây:
http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Van-ban-phap-luat/2005/02/1DEC0452/
II. SỰ HÌNH THÀNH NGHỊ QUYẾT 36
Bài viết nầy căn cứ theo các tài liệu trên Tạp Chí Quê Hương Online (của VC) và trong bài “Những kỷ niệm không phai mờ” của Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao VC kiêm Chủ Nhiệm UBVNVNONN. Nguyễn Đình Bin tiết lộ về “Quá trình thai nghén và ra đời của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (BCT), nghị quyết công khai đầu tiên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác đối với NVNONN.” Theo Nguyễn Đình Bin thì “Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 29/11/1993 của BCT (khóa VII), một văn kiện đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới chủ yếu của Đảng trên lĩnh vực này.”
Nguyễn Đình Bin là cha đẻ của Nghị Quyết 36 – từ phôi thai cho tới lúc ra đời – nên những gì hắn ta đề nghị thì hầu hết đều đã được BCT chấp thuận. Sau đây là những nhận xét (tự khoe và tuyên truyền) của Nguyễn Đình Bin:
”Để có thể làm tốt công tác đối với cộng đồng NVNONN trong thời kỳ mới thì, điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất và quyết định nhất là phải tạo được một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất. Không chỉ cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và các đảng viên mà toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân ta và cả cộng đồng NVNONN cũng phải được biết, hiểu và quán triệt tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực này.”
Nguyễn Đình Bin nhấn mạnh thêm: “Hơn nữa, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN là quang minh, chính đại, không hề có gì trái với lợi ích của các nước nơi bà con ta đang làm ăn, sinh sống, mà ngược lại còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước đó với nước ta. Bởi vậy, cũng rất cần phải tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách đó cho thế giới hiểu. Để có thể làm tốt công tác đối với cộng đồng NVNONN trong thời kỳ mới thì, điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất và quyết định nhất là phải tạo được một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất.”
Thế cũng chưa đủ, theo Nguyễn Đình Bin, còn phải ý thức rốt ráo hơn nữa: “Không chỉ cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và các đảng viên mà toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân ta và cả cộng đồng NVNONN cũng phải được biết, hiểu và quán triệt tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực này.”
Vì thế, theo Nguyễn Đình Bin, “Ngày 12 tháng 3 năm 2003, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7, TƯ Đảng khóa IX ra Nghị quyết về ‘Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’. BCT ra nghị quyết mới này chính là một bước triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết TƯ7 đối với cộng đồng NVNONN, một bộ phận không tách rời của toàn dân tộc Việt Nam .”
Nguyễn Đình Bin khoe: “Toàn văn Nghị quyết số 36 NQ/TW - bản NQ công khai đầu tiên của BCT về cộng đồng NVNONN, ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2004. Nghị quyết 36 của BCT chính là bước cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 7 của TƯ Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với hơn 3 triệu đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài. Từ đó, trên cơ sở các tư tưởng, quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết 36, nhiều chính sách đổi mới cụ thể của Nhà nước ta đối với cộng đồng đã (và sẽ còn tiếp tục) được ban hành, được bà con kiều bào cũng như dư luận quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh. (sic!)”
III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ và CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG của UBNNVNVNONN
Nguyễn Đình Bin là tác giả của Nghị Quyết 36; đồng thời cũng là “gia trưởng” của “Ủy Ban Nhà Nước về người Việt Nam ở nước ngoài” (UBNNVNVNONN) nên đã mạnh miệng khoe như sau:
“Một trọng tâm công tác sau khi nhận nhiệm vụ là thành lập Hội liên lạc với NVNONN. Tôi thấy đã đến lúc rất cần sự ra đời của Hội ở cấp quốc gia, bởi hơn 20 Hội thân nhân kiều bào ở các địa phương đã được thành lập và hoạt động khá sôi nổi. Ngày 30 tháng 5 năm 2000, tôi đã ký Tờ trình lên Thường vụ BCT và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xin chủ trương cho thành lập Hội liên lạc với NVNONN kèm theo Đề án cụ thể về thành lập Hội. Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội liên lạc với NVNONN đã được tổ chức thành công ngày 4 tháng 2 năm 2002 tại Hội trường Đại học Quốc gia, 19 Lê Thánh Tông, Thủ đô Hà Nội. Từ khi ra đời, Hội đã và đang triển khai hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực, góp phần tăng cường mối liên hệ giữa cộng đồng kiều bào với đất nước.”
Nguyễn Đình Bin tiết lộ về ngân quỹ của Hội như sau: “Chúng tôi đã tích cực và kiên trì đề xuất, vận động, thuyết phục các ngành hữu quan và cả cấp trên tán thành cho lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 10 năm 2002 cho phép thành lập “Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, với số ngân sách ban đầu 7 tỷ đồng do Nhà nước cấp.”
Đề cập tới công tác vận động “Việt kiều” ở hải ngoại, Nguyễn Đình Bin khoe: “Trong 4 năm công tác tại UB, tôi đã có một số lần đi thăm, tiếp xúc với cộng đồng ở các địa bàn khác nhau. Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những kỷ niệm không thể quên. Nhưng, chuyến đi để lại những ấn tượng sâu đậm nhất là dịp tôi được cử dẫn đầu đoàn liên ngành đầu tiên đi thăm, tiếp xúc với bà con kiều bào ở Hoa Kỳ và Canada vào nửa đầu tháng 6/2003. Trước khi lên đường, tôi vẫn xin gặp đồng chí Vũ Khoan, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, để xin thêm ý kiến chỉ đạo, đặc biệt là xin được triển khai với tinh thần mới thực sự chủ động, tiến công, cởi mở, theo đúng Nghị quyết TƯ7 (khóa IX) về đại đoàn kết dân tộc vừa ban hành. Tôi rất mừng là những đề xuất cụ thể theo tinh thần đó đã được đồng chí chấp thuận.”
Vậy, những con “nai tơ” nào ở hải ngoại đã được Nguyễn Đình Bin sờ đầu và xỏ mũi dắt đi? Người viết không dám đoán mò, hãy để cho Nguyễn Đình Bin tiết lộ thì hay hơn: “Trong chuyến đi này, ngoài các cuộc làm việc chính thức với các quan chức hữu quan nước sở tại, một trọng tâm là gặp gỡ, đối thoại với các thành phần khác nhau trong cộng đồng kiều bào. Tôi không bao giờ có thể quên không khí thực sự cởi mở, thẳng thắn, chân tình trên tinh thần hòa giải dân tộc, cũng như những giây phút xúc động trong các cuộc gặp gỡ đó. Có một số kiều bào, sau bao năm tháng bị bưng bít, tác động bởi tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch với đất nước, đã khóc (sic!) khi nghe chúng tôi thông báo tình hình đất nước và trả lời các câu hỏi, làm sáng tỏ các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng. Điểm đặc biệt nhất trong chuyến đi này là lần đầu tiên chúng tôi gặp gỡ một số nhân vật nguyên là lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ hoặc bất đồng chính kiến, nổi bật trong đó có ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Đỗ Ngọc Yến - Tổng Giám đốc Công ty Báo Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ tịch “Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia” của thành phố Houston, nhạc sỹ Phạm Duy…”
Chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm về sự “thâm tình” giữa những con “nai tơ” nầy với Nguyễn Đình Binh ra sao. Nguyễn Đình Bin thố lộ “tâm tình” như sau:
“Tôi còn nhớ như in: sáng 14/6/2003, tôi cùng Tổng Lãnh sự nước ta lúc đó tại San Francisco Nguyễn Mạnh Hùng đã chơi golf với vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ… Sau cuộc chơi golf, tôi đã mời vợ chồng ông Kỳ ăn cơm cùng toàn Đoàn chúng tôi.” Sau cuộc gặp gỡ đó, vợ chồng Nguyễn Cao Kỳ “hồ hỡi” cuốn gói bay về Việt Nam để làm ăn với VC.
Nguyễn Đình Bin khoe tiếp:
“Tôi cũng không thể nào quên cuộc gặp gỡ tối ngày 9/6/2003 với vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hải tại nhà ông… Cuộc gặp gỡ với vợ chồng ông Hải đã kết thúc bằng một bài hát dân tộc mà ông Hải là người hát và ông Trần Văn Tạo, thành viên trong Đoàn chúng tôi, là người đệm đàn.” Cũng sau cuộc gặp gỡ “lịch sử” đó, vợ chồng ông Hải bay về Hà Nội du hí, bỏ quên chức “Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia” của thành phố Houston.
***
Trên đây là những chuyện cũ do Nguyễn Đình Bin (người trong cuộc, cha đẻ của Nghị Quyết 36) kể lại trong «Những kỷ niệm không phai mờ» đăng trên Tạp Chí Quê Hương Online của VC. Còn những chuyện hiệu ứng trước mặt chúng ta gần đây, chính bạn đọc vừa chứng kiến, quá rõ rệt, như: Nhật báo Người Việt ở Nam California đăng « ý kiến » của VC Sơn Hào (ngày 8-7-2012), VC Bùi Tín xuất hiện ở San Jose (California) ngày 23-6-2012 do nhóm thân VC tổ chức, v.v..
Suốt 37 năm qua, cộng đồng người Việt Quốc Gia ở hải ngoại tốn biết bao công sức, nhân lực và tài chánh với hy vọng giải thể ngụy quyền Hà Nội. Trong khi đó, nhằm lủng đoạn cộng đồng người Việt ở hải ngoại, VC đã và đang dốc hết tài lực trong công tác thi hành Nghị Quyết 36. Nếu chúng ta không ý thức và kém đề cao cảnh giác thì cộng đồng của chúng ta sẽ bị xé ra từng mảnh và niềm hy vọng sẽ tan thành theo mây khói! Ngay bây giờ, chúng ta phải đề cao cảnh giác tối đa và nắm tay nhau chặt chẽ, quyết tâm không để bị Nghị Quyết 36 chọc thủng « căn cứ địa » của chúng ta ở hải ngoại./.
(Phoenix, 20-7-2012)
TRẦN VIỆT ĐẠO
----------------------------------
Nghị Quyết 36
Lại Nghị Quyết! Ðây là lần 36,
Nghị quyết này nhất quyết chiếm mục tiêu.
Ðó là dân tị nạn, tức “Việt kiều”,
Phải chiếm lấy, vì tài nguyên vô giá!
Ðảng nhất quyết, phen này, bằng mọi giá,
Chiếm cộng đồng, hốt trọn ổ dân ta.
Với chiêu bài “khúc ruột nối quê nhà”,
“Khúc ruột” ấy là khối tiền vô kể!
Ðảng thương nhớ vì đô-la lắm thế,
(Bốn tỉ đô “viện trợ” Ðảng hàng năm)
Ðảng sống nhăn, “hồ hỡi”, chẳng nhọc nhằn,
Cứ như thế, chẳng bao giờ Ðảng chết.
Người hải ngoại hàng năm về ăn Tết,
Cứ cho về, Ðảng vét sạch đô-la.
Xài hết tiền thì họ lại trở ra,
“Cày” chết bỏ, rồi năm sau về lại.
Ðảng biết thế nên không hề ngần ngại,
Cứ moi tiền để cán bộ phì gia.
“Bọn Việt kiều” vì nhớ nước thương nhà,
Nên nuôi Ðảng, họ chẳng hề ý thức.
Vì lẽ đó, Ðảng cần nên lập tức,
Ra chiêu bài dụ dỗ kẻ ngây thơ.
Càng ngây thơ, thì Ðảng lại càng nhờ,
Làm công cụ không công – như đầy tớ.
Kẻ háo sắc, háo danh, ưa bợ đỡ…
Chúng cho làm những chức vụ rất kêu.
Còn chúng ta thì chúng gọi “Việt kiều”,
Cứ an phận, ham tiền, vui thoải mái…
Thích nghe nhạc, giải sầu theo điệu nhảy?
Dễ dàng thôi! Ðảng gửi đám văn công.
Ðọc báo ư? Sẽ có báo biếu không.
Quên tiếng Việt? Ðảng có thầy mở lớp…
Muốn tu tỉnh? Ðảng xây Chùa thích hợp,
Có cả Thầy, Sư sải với Ni-cô…
Cứ mở Chùa là Ðảng có tiền đô,
Mê tín ngưỡng thì hết làm chính trị.
Khi vở lẽ thì mọi người nhục chí,
Sợ tiếng đời dị nghị, bị người khinh…
Nên dù đau, miệng vẫn phải làm thinh,
Cứ tiếp tục đổ tiền đô cho Ðảng…
Người tranh đấu, có nghe, xin đừng nản!
Ðường ta đi sẽ chiến thắng gian tà.
Còn bọn người ham lợi sẽ tiêu ma,
Những cặn bã làm sao mà sống sót.
Xin cảnh giác! Hãy loại trừ ung nhọt,
Trong cộng đồng, trong tổ chức, trong nhà…
Có ngừa sâu thì dàn mướp mới ra hoa,
Có ngăn địch thì cộng đồng vững mạnh.
Hãy trừng trị những kẻ nào ương ngạnh.
(Ðức Phố, ngày 22 tháng 5 năm 2004)
VĨNH LIÊM
Trích trong Thi Tập "KHẢI CA", Tập I, sắp xuất bản)
Nhận xét
Đăng nhận xét