Châu Âu và Ukraina chưa có bước tiến mới
Cập nhật: 05:18 GMT - thứ sáu, 29 tháng 11, 2013
Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa đạt được bước tiến mới xung quanh hiệp định tự do thương mại với Ukraina trong ngày đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Vilnius.
Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovich đã đột ngột tạm hoãn ký kết hiệp định thương mại và cải cách hồi tuần trước dưới áp lực của Nga.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sau đó đã tìm cách thuyết phục ông này đổi ý.
Thỏa thuận này lẽ ra đã là điểm nhấn tại hội nghị, vốn có mục đích xây dựng quan hệ với các quốc gia Đông Âu.
Biểu tình
Tuy nhiên Tổng thống Lithuania, bà Daila Grybauskaite, nói với hãng thông tấn AFP rằng "lý lẽ của châu Âu đã không được Tổng thống Ukraina lắng nghe và xem xét"."Cho đến nay chúng tôi vẫn không thấy tình hình có gì thay đổi," bà nói.
Khi được hỏi về tiến trình đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski nói: "Không đi đến đâu cả".
"Lý lẽ của châu Âu đã không được Tổng thống Ukraina lắng nghe và xem xét."
Tổng thống Lithuania Daila
Grybauskaite
Các cuộc biểu tình ủng hộ châu Âu vẫn tiếp tục diễn ra tại các thành phố của Ukraina nhằm phản đối quyết định của chính phủ trong việc lùi bước khỏi thỏa thuận.
Ông Yanukovych đã bác bỏ một trong các điều kiện để ký thỏa thuận với châu Âu trong đó yêu cầu bà Yulia Tymoshkeno, cựu thủ tướng Ukraina và cũng là lãnh đạo phe đối lập, được trả tự do.
Ông này cũng đã yêu cầu EU tăng thêm viện trợ tài chính.
Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng giữa EU và Nga, trong khi Ukraina phàn nàn rằng nước này đang trở thành "chiến trường" giữa hai phía.
Các lãnh đạo châu Âu nói trong một thông cáo rằng họ "bất đồng sâu sắc" trước việc Nga gây áp lực khiến Ukraina ngưng việc ký kết, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc châu Âu "tống tiền".
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, người dự kiến sẽ có cuộc đối thoại với ông Yanukovych vào thứ Sáu, 29/11, bình luận khi vừa đáp xuống Vilnius rằng bà "không hy vọng" rằng một thỏa thuận sẽ được ký kết "lần này". "Nhưng cánh cửa vẫn rộng mở", bà nói thêm.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ quan ngại trước việc người dân EU được tự do đi lại giữa các nước trong khối. Anh quốc đang lên kế hoạch giới hạn trợ cấp phúc lợi đối với những người nhập cư từ Romania và Bulgaria, sau khi giới hạn về hộ chiếu lao động được nới lỏng vào tháng Một năm sau.
'Tiêu chuẩn châu Âu'
Sự kiện diễn ra trong hai ngày được tổ chức tại thủ đô Lithuani, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.Một số thỏa thuận chính trị ban đầu với Gruzia và Moldova sẽ được ký kết tại đây, bên cạnh một thỏa thuận về hộ chiếu với Azerbaijan.
Tuy nhiên, tâm điểm của hội nghị lẽ ra đã là thỏa thuận với Ukraina. Thỏa thuận này, vốn đề cao những giá trị dân chủ và hợp tác kinh tế, được cho là một bước đi quan trọng trên con đường trở thành thành viên EU của nước này.
Sau khi đến Vilnius, Tổng thống Yanukovych đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy. Tuy nhiên chưa có chi tiết nào được công bố về cuộc gặp này.
Trong một cuộc phỏng vấn trên sóng truyền hình Ukraina, ông Yanukovych chỉ trích châu Âu đã không cho Ukraina vay đủ tiền để giúp tái thiết nền kinh tế.
EU trước đó cho biết sẽ cho Ukraina vay 610 triệu euro (828 triệu đôla) để giúp cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế vĩ mô, với điều kiện nước phải đáp ứng các điều kiện mà Quỹ tiền tệ Quốc tế đã đưa ra kèm với khoản cho vay trị giá 11,15 tỷ đôla được thống nhất vào năm 2010.
Ông Yanukovych nói Ukraina cần ít nhất 20 tỷ đôla một năm để nâng cấp nền kinh tế lên "tiêu chuẩn châu ÂU".
"Ba năm liên tiếp, họ (lãnh đạo châu Âu) đã chìa ra cho chúng tôi một viên kẹo được gói trong giấy bọc xinh xắn," ông nói.
"Chúng tôi không cần phải bị xúc phạm như vậy. Chúng tôi là một đất nước nghiêm túc, một quốc gia châu Âu".
Bảo vệ quyết định của EU về khoản cho vay này, Uỷ viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Stefan Fule, nói "nền kinh tế Ukraina cần các khoản đầu tư khổng lồ, thế nhưng đây không phải là chi phí. Chúng đại diện cho thu nhập, tăng trưởng, việc làm và sự phồng thịnh trong tương lai."
"Chi phí duy nhất mà tôi thấy lúc này đó là từ việc không có hành động nào, khiến kinh tế càng thêm đình trệ, gây tổn hại đến tương lai của nền kinh tế và sự ổn định của nước này".
'Thời khắc châu Âu'
Chính trị gia nổi tiếng thuộc phe đối lập Ukraina, ông Vitali Klitschko, người cũng đang có mặt ở Vilnius, cho biết ông hy vọng hiệp định này cuối cùng cũng sẽ được ký kết."Chúng tôi, những người Ukraina, muốn thấy sự thay đổi," chính trị gia và cũng là võ sĩ quyền Anh nổi tiếng nói.
"Chúng tôi muốn sống chung với gia đình châu Âu, với luật lệ châu Âu và những tiêu chuẩn sống của châu Âu."
Tổng thống Ukraina đã chỉ trích yêu cầu của EU đòi trả tự do cho bà Tymoshenko. Ông nói "EU thì có vai trò gì trong chuyện này? EU có phải là một tòa án đâu?"
Trong một thông điệp gửi đi từ nơi giam giữ ở Kharkiv, bà Tymoshenko đã kêu gọi châu Âu không nên để việc bà bị giam giữ trở thành yếu tố ngăn cản cho thỏa thuận với Ukraina.
"Nếu Yanukovych muốn có một quyết định tích cực, tôi thành khẩn kêu gọi [các lãnh đạo EU] hãy ký thỏa thuận mà không đưa ra điều kiện tiên quyết nào, trong đó có việc trả tự do cho tôi," bà nói trong một thông điệp được con gái bà, Eugenia, chuyển tải.
Nhận xét
Đăng nhận xét