Phản ứng về Hiến Pháp đã được sửa đổi của Việt Nam

Luật sư Nguyễn văn Đài nói rằng đáng thất vọng là giới lãnh đạo Việt Nam đã loại trừ bất cứ cơ chế nào để chuyển đổi sang chế độ đa đảng

Luật sư Nguyễn văn Đài nói rằng đáng thất vọng là giới lãnh đạo Việt Nam đã loại trừ bất cứ cơ chế nào để chuyển đổi sang chế độ đa đảng

Việc sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 không có gì thay đổi là bởi vì chủ yếu của Đảng Cộng Sản Việt Nam là vẫn muốn duy trì quyền lực độc tôn của đảng. Nhưng tôi nghĩ trong lần này, họ đã tạo ra một chấn thương rất lớn trong nội bộ đảng, khi mà có một số những trí thức, cán bộ sẵn sàng bỏ đảng bởi vì mong muốn có một sự thay đổi nhưng cuối cùng, đảng đã đi ngược lại cái điều mong chờ, tạo ra sự phẫn uất.
Hiến Pháp năm 2013 do quốc hội Việt Nam thông qua với đa số phiếu áp đảo hôm qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng năm 2014, thay thế Hiến Pháp 1992, nhưng trên thực chất không có sửa đổi đáng kể nào trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế. Hoài Hương tường trình một số phản ứng đối với bản Hiến Pháp này:

Hiến Pháp mới của Việt Nam vẫn duy trì vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam và vai trò chủ đạo của các công ty quốc doanh, đã gây thất vọng cho các tổ chức doanh nghiệp và thành phần ủng hộ cải cách, trước đó đã hy vọng rằng giới lãnh đạo Việt Nam sẽ tạo ra một sân chơi công bình hơn để tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đó là nhận định được đăng trên báo The Wall St. Journal số ra hôm 29 tháng 11. Tờ báo tường thuật phản ứng của Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Việt Nam, AmCham, nói rằng thật là đáng tiếc, Hiến Pháp mới tái khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước trong nền kinh tế, AmCham trước đó đã hy vọng rằng hiến pháp được sửa đổi sẽ tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp tư nhân, như thế không những sẽ kích thích lĩnh vực tư, mà còn có khả năng cải thiện việc quản lý các công ty quốc doanh qua cạnh tranh.

Tờ báo cũng trích lời luật sư Nguyễn văn Đài ở Hà nội, nói thật là đáng thất vọng là giới lãnh đạo Việt Nam đã loại trừ bất cứ cơ chế nào cho một sự chuyển đổi sang một chế độ đa đảng. Như nhiều người chỉ trích, Luật sư Nguyễn văn Đài nói văn kiện này “không có thay đổi gì đáng nói so với Hiến pháp cũ, bởi vì đa số các thành viên trong Ủy ban Dự thảo Hiến Pháp đều là đảng viên của Đảng Cộng Sản, không thực sự đại diện cho quần chúng”.

Tin của Reuters hôm nay nhắc đến ông Lê Hiếu Đằng, một cựu cán bộ kỳ cựu của Đảng Cộng Sản Việt Nam nay trở thành một trong những người chỉ trích đường lối của Đảng, cực lực phản đối lần sửa đổi Hiến Pháp kỳ này. Ông nói ông đã “chiến đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn, một cuộc sống công bằng hơn cho người dân. Nhưng nay, người lao động vẫn nghèo, nông dân thì mất đất”, và ông cho rằng “sự thể này là không thể chấp nhận được. Việt Nam đang nằm dưới quyền độc tôn chính trị của một chế độ độc tài.”

Một trong những động cơ chủ yếu của việc sửa đổi Hiến Pháp lần này là Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn tạo tính chính danh và được quần chúng ủng hộ trong vai trò độc quyền cai trị đất nước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng một mục tiêu khác là tạo sự ổn định trong quyền lực cai trị trong nội bộ Đảng, trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ - VOA, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư của Đảng Việt Tân, nói ông không chờ đợi gì nhiều về việc sửa đổi Hiến Pháp lần này, bởi vì Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương không chấp nhận bất cứ sự đối lập nào. Ông nhận định về một số sửa đổi trong Hiến Pháp mới như sau:

Họ đã duy trì sự độc tôn và họ chối từ tất cả những khát vọng, những đòi hỏi dân chủ tự do của người dân thì rõ ràng là sự chính danh này nó không có. Tuy nhiên trong Hiến Pháp kỳ này, họ bị áp lực của những xu thế chung họ có một số thay đổi. Đầu tiên là đưa hẳn một chương liên quan về quyền con người, thì rõ ràng trong xu hướng dân chủ hóa. Và điều thứ hai là vị trí của đảng càng ngày càng suy yếu trong sự vận hành của nhà nước cho nên họ phải tăng cường vị trí của Chủ tịch nước, để cân bằng với vị trí của Thủ Tướng, để tránh sự lộng quyền của Thủ Tướng. Chính vì vậy mà tôi nghĩ kỳ sửa đổi Hiến Pháp này, một trong các mục tiêu của họ không phải là để thay đổi kinh tế hay tạo sự chính danh, mà mục tiêu là sắp xếp làm sao tạo sự ổn định trong vấn đề quyền lực cai trị của đảng trong bối cảnh thay đổi này.”

Về khía cạnh kinh tế, ông Lý Thái Hùng nói trong thời buổi kinh tế thị trường, mà Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của quốc doanh, vai trò của nhà nước, là đi ngược lại xu hướng chung của những cải đổi kinh tế mà người dân mong muốn, là muốn quyền tư hữu và luật chơi của thị trường phải được tôn trọng.

Ông Lý thái Hùng cho rằng những bức xúc do việc thông qua Hiến Pháp lần này có thể đưa đến nhiều đối kháng hơn trong những ngày sắp tới.

“Việc sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 không có gì thay đổi là bởi vì chủ yếu của Đảng Cộng Sản Việt Nam là vẫn muốn duy trì quyền lực độc tôn của đảng. Nhưng tôi nghĩ trong lần này, họ đã tạo ra một chấn thương rất lớn trong nội bộ đảng, khi mà có một số những trí thức, cán bộ sẵn sàng bỏ đảng bởi vì mong muốn có một sự thay đổi nhưng cuối cùng, đảng đã đi ngược lại cái điều mong chờ, tạo ra sự phẫn uất. Chính từ sự phẫn uất đó nó sẽ có những vụ đối kháng mạnh mẽ hơn trong thời gian trước mặt.”

Ông Lý Thái Hùng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Việt Tân từ năm 2001. Đảng Việt Tân là một đảng đấu tranh để dân chủ hóa Việt Nam một cách bất bạo động, bị cấm hoạt động ở Việt Nam và bị chính quyền tại Hà nội coi như một tổ chức khủng bố, mặc dù chính phủ Mỹ đã nhiều lần nói rằng không có chứng cớ gì để nói Việt Tân là một tổ chức khủng bố.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?