Đình công tại Pháp và giấc mơ nghiệp đoàn

000_BA72R.jpg  

Cảnh sát đứng bảo vệ trong một cuộc biểu tình của người dân Pháp hôm 28 tháng 5 năm 2016 tại Paris.
AFP photo
        
Gần 3 tháng nay, tại Pháp liên tục xảy ra các cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách luật lao động làm các phương tiện vận chuyện tại nước Pháp hầu như tê liệt kéo theo các hậu quả về kinh tế khác.
Ảnh hưởng toàn xã hội
Các cuộc biểu tình, đình công phản đối dự luật cải cách luật lao động từ nhiều ngày qua tại Pháp mà đỉnh điểm là cuộc buổi tình kéo dài suốt đêm có tên “ Nuit debout” tạm dịch là “Đêm Đứng Lên” đã gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế Pháp. Mặc dù chính phủ Pháp đã có những biện pháp cứng rắn, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình gây sóng gió trên toàn nước Pháp từ 3 tháng này là dự luật cải tổ luật lao động mang tên của bà bộ trưởng bộ lao động (Myriam) El Khomri đưa ra ngày 18/2. Dự luật này cho phép doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đa quốc gia. Cho phép làm việc trên 35 giờ/tuần nếu có sự đồng ý giữa chủ và công nhân. Hiện Pháp là nước có tỉ lệ thất nghiệp khoảng 10%, cao hơn nước  lân cận là Đức hay các nước Bắc Âu. Với cải tổ này, chính phủ Pháp hy vọng tạo điều kiện dễ dàng hơn để mướn công nhân, giảm thiểu nạn thất nghiệp.
Pháp là một nước có nhiều chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tiếng nói của các nghiệp đoàn khá mạnh. Biểu tình, đình công gần như là một truyền thống của nước Pháp. Về mặt này thì Pháp vẫn khá bảo thủ so với các nước láng giềng. Từ Paris, nhà báo Từ Thức nhận định:
“Trước cuộc khủng hoảng kinh tế, các nước ở Âu châu đã cải cách luật lao động để thích ứng với môi trường hiện đại. Nước Pháp là quốc gia duy nhất chưa thực hiện cuộc cải cách quy mô nào. Mỗi lần có cuộc cải cách, các nghiệp đoàn đều xuống đường đình công làm tê liệt kinh tế quốc gia làm chính phủ đều phải lùi bước. Mỗi nhóm, mỗi nghề bên Pháp đều bảo vệ  đặc quyền đặc lợi của mình hơn là quyền lợi của quốc gia khiến cho nước Pháp lâm vào tình trạng tụt hậu ở Âu châu.”
Cuộc biểu tình lớn nhất ngày 26/5 đã có khoảng trên 300.000 người tham gia (Con số của cảnh sát. Theo nghiệp đoàn CGT thì có khoảng 500.000 người tham gia). Làn sóng phản đối ngày càng gia tăng. Đặc biệt là gần đây, các cuộc biểu tình phong tỏa các công ty cung cấp xăng dầu, đình công trong các nhà máy nhiệt điện nguyên từ …v.v… đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nhiều trạm xăng không còn nhiên liệu để cung cấp cho người tiêu thụ. Chính phủ đã phải dùng đến năng lượng dự trữ. Anh Khanh, một người làm nghề taxi tại Paris cho biết:
Mỗi lần có cuộc cải cách, các nghiệp đoàn đều xuống đường đình công làm tê liệt kinh tế quốc gia làm chính phủ đều phải lùi bước.
- Nhà báo Từ Thức
“May mắn là lúc mà nó bắt đầu chặn thì em thủ trước, em đi đổ xăng ngày đầu, thì em đổ được. Nhưng những người sau thì chạy vòng vòng kiếm thì xếp hàng một lúc cho tới phiên mình thì hết xăng, lại phải đi xếp hàng chỗ khác. Khoảng 2500 trạm xăng hầu như kiệt quệ trong vòng 3-4 ngày. Trong thời gian đó những người không có xăng thì chỉ nằm nhà thôi hoặc họ dùng cách khác như là đi xe chung hoặc đi bằng xe đạp hoặc họ chuẩn bị theo điều kiện của họ để không bị ảnh hưởng. Phương tiện di chuyển của những người hành nghê tự do thì khá vắng. Xe lửa và máy bay thì tạm coi là bình thường. Nhưng nó chắc chắn là bị ảnh hưởng.”
Nhiều công ty nhỏ phải tạm đóng cửa vì không có nhiên liệu, các phương tiện công cộng bị giới hạn cho đến tê liệt. Bạo động xảy ra trong các cuộc biểu tình. Lực lượng cảnh sát thay vì bảo vệ an ninh cho quốc gia thì nay lại được huy động để giữ trật tự trong các cuộc biểu tình hoặc tháo gỡ các rào cản phong tỏa nhà máy. Nền kinh tế Pháp đang khó khăn lại càng có khả năng suy thoái hơn. Nhà báo Từ Thức phân tích:
“Đình công bãi thị đòi hỏi quyền lợi là một truyền thống của người Pháp nhưng khi cuộc biểu tình làm cho tê liệt đời sống, khi mà bạo động trở nên quá đáng thì người dân trở thành bất mãn, họ kết án các nghiệp đoàn vô trách nhiệm, nhưng họ kết án luôn cả chính phủ, coi chính phủ là bất lực, thiếu khả năng. Những cuộc biểu tình bạo động đã đưa đến một hình ảnh rất xấu về nước Pháp khiến cho các hảng ngoại quốc càng ngày càng dè dặt hơn khi muốn đầu tư.”
Hàng ngày có hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ xảy ra trên toàn nước Pháp. Người dân Pháp đã quen với hình ảnh của những cuộc biểu tình. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình bạo động vừa qua đã làm người dân Pháp lo sợ và xử dụng những biện pháp phòng ngừa, anh Khanh nói:
“Dân thì rất là thủ. Khi mà họ thấy cái đó thì họ chạy đi mua thức ăn…họ sợ có chiến tranh. Thấy cái đó cũng kỳ kỳ. Nhưng ngược lại có một số khác họ lại không đi chợ vì họ không muốn tốn một giọt xăng nào hết. Thấy người dân Pháp cũng có 2 phản ứng trái ngược nhau, thấy cũng …vui vui… ! »
Chuyện đình công ở Việt Nam
image.jpg
Người dân xuống đường biểu tình tại Hà Nội hôm 1/5/2016. AFP photo

Trước các cuộc đình công, chính phủ Pháp đã phải sửa đổi lại dự luật cải tổ nhiều lần đến độ nếu đem ra áp dụng thì có lẽ sự sửa đổi cũng sẽ chẳng thay đổi hơn luật cũ là bao nhiêu. Các cuộc biểu tình lần này đa số cho nghiệp đoàn CGT đứng ra tổ chức.
CGT là một nghiệp đoàn lâu đời có nguồn gốc cộng sản, hiện đứng thứ nhì nước Pháp (sau nghiệp đoàn CFDT) và thường có chủ trương biểu tình – đôi khi bạo đông- để đòi quyền lợi cho công nhân chứ ít khi thương thuyết như các nghiệp đoàn khác. Nhà báo Từ Thức so sánh :
«Công đoàn CGT nhất quyết đình công bãi thị gây xáo trộn cho đến khi chính phủ phải rút lại dự luật cải cách lao động. Ở Bắc Âu những nghiệp đoàn có uy tín, có tinh thần trách nhiệm sẵn sàng thương lượng với giới chủ nhân về quyền lợi của công nhân. Đình công chỉ là giải pháp cuối cùng khi nào không thể thương lượng được nữa. Ở bên Pháp trái lại, nghiệp đoàn CGT không có truyền thống thương lượng. Họ bắt đầu mỗi cuộc tranh chấp bằng những cuộc đình công làm tê liệt đời sống và đe dọa kinh tế quốc gia. Đó là một mô hình nghiệp đoàn sớm muộn gì cũng phải sửa đổi nếu Pháp không muốn mất chổ đứng trên thế giới.»
Xét về khía cạnh người đấu tranh nghiệp đoàn ở Việt Nam thì tôi cho rằng thật sự có một khoảng cách khác biệt quá lớn. Nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam thì không có.
- Cô Minh Hạnh
Nước Pháp có 5 nghiệp đoàn khác nhau, với 1,7 triệu thành viên và chỉ đại diện cho khoảng 7% công nhân nhưng họ có ảnh hưởng rất lớn trong các quyết định của chính quyền. Việc biểu tình để đòi hỏi quyền lợi cho giới công nhân ở Pháp được luật pháp công nhận và bảo vệ. Nhìn lại Việt Nam, cô Đỗ thị Minh Hạnh, đại diện cho Lao Động Việt, một tổ chức vận động thành lập các nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam nhận xét có một khoảng cách quá lớn giữa các nước theo chế độ đa nguyên đa đảng và chế độ độc đảng về quyền tự do nghiệp đoàn. Trong khi nước Pháp cho các nghiệp đoàn có một khoảng không gian quá to lớn để đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân  thì quyền thành lập nghiệp đoàn tại Việt Nam cho tới nay vẫn còn bị nghiêm cấm. Cô Minh Hạnh nói :
«Xét về khía cạnh người đấu tranh nghiệp đoàn ở Việt Nam thì tôi cho rằng thật sự có một khoảng cách khác biệt quá lớn. Nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam thì không có. Chính vì khoảng cách quá lớn như vậy cho nên những người đấu tranh cho nghiệp đoàn ở Việt Nam vẫn chưa có được tiếng nói mạnh  như ở bên Pháp hay là các nước tự do khác. Tôi mong mỏi rằng sau khi Việt Nam ký kết TPP thì Việt Nam sẽ có những nghiệp đoàn độc lập để rút ngắn những sự khác biệt, khoảng cách giữa các nghiệp đoàn ở việt nam và các nước có nghiêp đoàn độc lập trên thế giới này.»
Dù chỉ còn 2 tuần nữa khai mạc giải bóng đá Âu châu, nhưng các cuộc đình công vẫn không có vẻ gì hứa hẹn sẽ chấm dứt trong những ngày sắp tới. Trong khi đó, để có những nghiệp đoàn độc lập tự do hoạt động tại Việt Nam, với người công nhân này chỉ là một giấc mơ:
«Luật lệ về công nhân, nghiệp đoàn ở nước Pháp thì phát triển hơn ở nước ta nhiều, chúng ta phải học hỏi. Cháu ước mơ làm sao Việt Nam mình được như thế…Chưa cần được 50%, chỉ cần được 30% thôi cũng là sướng lắm rồi.»

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn