Điểm Báo Pháp ngày 30/5/2016

media
Bản đồ đường 9 đoạn, theo đó Trung Quốc đòig chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
 
Những yêu sách chủ quyền và hành động bồi đắp từ hai năm nay của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa đã kích động thêm mối quan hệ đã rất căng thẳng giữa hai đối thủ lịch sử. Đây là nhận định của đặc phái viên nhật báo Le Monde tại Hà Nội, trong bài phân tích : « Căng thẳng lại bùng lên giữa Việt Nam và Trung Quốc », được đăng trên phụ trang « Địa-Chính trị ».
Tác giả bài báo đánh giá, giữa hai quốc gia láng giềng này là một quá khứ đan xen giữa chiến tranh và hòa bình, có một nền lịch sử được bồi đắp từ mối quan hệ gần gũi về mặt văn hóa và hiểu rõ nhau. Nhưng mối quan hệ này cũng được đánh dấu bằng những nghi ngờ và thù hận.
Vào cuối thời Chiến Tranh Lạnh, Hà Nội ngả theo Liên Xô. Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên xấu đến nỗi nổ ra cuộc chiến biên giới năm 1979, khiến 50.000 người thiệt mạng trong vòng gần một tháng. Từ hai năm trở lại đây, tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại "đổ thêm dầu vào lửa" mối quan hệ song phương vốn đã sôi sục.
Sự kiện Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc CNOOC đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng biển có tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tháng 05/2014 là một bước ngoặt cho mối quan hệ đã đầy căng thẳng, theo nhận định của nhà cựu ngoại giao Nguyễn Ngọc Trường, hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Phát Triển Quan Hệ Quốc Tế.
Dù giàn khoan đã được rút đi nhưng mọi chuyện vẫn không trở lại trật tự như trước. Việc Trung Quốc liên tục bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng đường băng trong quần đảo Trường Sa khiến Hà Nội nhìn nhận là những hành động khiêu khích không chấp nhận được.
Trả lời phóng viên Le Monde, ông Trần Trường Thủy, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho biết : « Việt Nam có ba ưu tiên. Trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tiếp theo là duy trì một môi trường hòa bình và cuối cùng là khai thác các nguồn tài nguyên ». Ngoài ra, ông cũng khẳng định : « Từ thời nhà Nguyễn (được thành lập năm 1802), nhiều đại sự được vua cử đến nắm bắt thực địa. Họ đã cho xây dựng đền chùa và dựng các cột mốc với hàng chữ : Đây thuộc chủ quyền Việt Nam ! Dân chài thường xuyên đến đây cư ngụ vài tháng mỗi năm, từ tháng Tư đến tháng Tám ».
Thậm chí, giai đoạn thuộc địa Pháp cũng được nhắc đến để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các hòn đảo này. Theo tiến sĩ Trần Công Trục, « Hòa ước Giáp Thân 1884 được ký kết giữa triều đình Huế và người Pháp còn quy định rằng nước Pháp đảm bảo chủ quyền của Việt Nam, trong đó có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ». Sau đó, trên một số hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, người Pháp đã cho xây dựng các ngọn hải đăng, một trạm phát sóng và một trạm khí tượng. Những bằng chứng bổ sung này cho phép khẳng định chủ quyền chính đáng của Hà Nội đối với các hòn đảo này.
Thế nhưng, từ năm 1974, Việt Nam bị mất quyền kiểm soát tại quần đảo Hoàng Sa, lúc đó thuộc chính quyền miền Nam Việt Nam, sau cuộc tấn công của một biệt đội hải quân Trung Quốc. Năm 1988, hải quân Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa lại đối đầu nhau trong trận hải chiến đẫm máu tại Trường Sa chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Hà Nội khẳng định có 64 hải quân đã thiệt mạng vì đạn súng cối của Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát 21 đảo nhỏ tại Trường Sa, trong đó có khoảng 10 hòn đảo có dân và quân sinh sống.
Phía Việt Nam thiết lập một chiến lược giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên nhiều mặt. Theo giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, « Trước hết, phải sử dụng nỗ lực ngoại giao, tiếp theo là phản đối một cách ôn hòa nhằm giải thích cách thức Trung Quốc vi phạm luật lệ quốc tế và cuối cùng là các yếu tố quân sự và quốc tế, như hiện đại hóa không quân và hải quân cũng như là hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm hình thành một mặt trận chung để đảm bảo quyền tự do lưu thông hàng hải ». Ông nói thêm : « Chắc chắn là chúng tôi sẽ không lấy lại được Hoàng Sa ».
Tác giả bài báo kết luận, trước lực lượng quân sự Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa từ 37 năm trở lại đây, dường như Hà Nội không còn đường nào khác là thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong vùng để khẳng định quyết tâm đối phó với « kẻ xâm lược » Trung Quốc, như lời lẽ được sử dụng trong một bản tin thời sự của đài truyền hình quốc gia VTV1.
Biển Đông : Bắc Kinh bành trướng ngoài khơi
Vẫn trên phụ trang « Địa-Chính trị », một đặc phái viên khác của Le Monde đã đến đảo Pag-Asa (còn gọi là đảo Thị Tứ), mà tác giả bài báo viết là thuộc chủ quyền của Philippines. Từ đây, nhà báo của Le Monde chứng kiến việc « Bắc Kinh đang bành trướng ngoài khơi Biển Đông ».
Đảo Pag-Asa (đảo « Hy vọng » theo tiếng Philippines) thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều tiền đồn của Việt Nam và Malaysia. Đài Loan cũng chiếm hòn đảo Ba Bình (Itu Aba), nằm cách phía nam đảo Pag-Asa chừng 1.500 km. Ngược lại, Trung Quốc không hề sở hữu một hòn đảo nào có thể sử dụng được trong quần đảo Trường Sa. Tính đến nay, Bắc Kinh mới chỉ có một tầu sân bay và còn chưa được đưa vào hoạt động thật sự.
Thế nhưng, Biển Đông là một kho báu trong mắt người Trung Quốc. Vùng biển này có thể nuôi sống quốc gia đông dân nhất hành tinh. Ngoài ra, còn phải kể đến lượng tài nguyên khổng lồ, được ước tính tương đương với 11 tỉ thùng dầu thô, cùng với lượng khí tự nhiên. Một nửa trữ lượng tài nguyên này có thể nằm dưới khu vực Reed Bank (gồm Reed Tablemount và Southern Reefs), chỉ cách đảo Palawan của Philippines khoảng 260 km, có nghĩa là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Năm 2009, Trung Quốc trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ "chín đoạn" (còn gọi là bản đồ "Đường lưỡi bò") chiếm tới 90% vùng Biển Đông. Ba năm sau, tháng 04/2012, lực lượng hải cảnh của Philippines phát hiện 8 tầu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trong bãi cạn Scarborough, nằm cách cảng Trung Quốc nơi họ neo đậu đến 870 km, trong khi chỉ cách đảo lớn nhất của Philippines có 240 km. Trong khi hải cảnh Philippines chuẩn bị bắt giữ các tầu đánh cá trái phép thì họ bị chính hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn do Trung Quốc đang kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Trong vòng ba năm kể từ khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã thay đổi một cách đáng kể hiện trạng trong vùng, nhờ lấy lại được tự tin thái quá dưới triều đại của chủ tịch Tập Cận Bình. Hải quân Trung Quốc không chỉ còn bảo vệ bờ biển đất nước, mà được mở rộng quyền « bảo vệ ngoài khơi ». Từ năm 2014, Bắc Kinh cho tiến hành bồi đắp 6 đảo tại Biển Đông, trong đó có ba đảo được xây đường băng đủ dài để máy bay loại A320 hay oanh tạc cơ có thể hạ cánh.
Sau những sự kiện như vậy, Manila nhận thấy lực lượng quân sự của họ quá thiếu thốn. Từ một nửa thế kỷ nay, Philippines không mua chiến đấu cơ và vì nhiều chiếc hoạt động không hiệu quả, nên họ đã phải đặt hàng khẩn cấp 12 chiếc từ Hàn Quốc, trong đó hai chiếc đầu tiên đã được giao vào tháng 11/2015.
Sau khi đóng cửa các căn cứ quân sự mà Philippines cho Mỹ mượn để oanh kích Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, vào tháng 03/2016, Manila đã chấp nhận mở cửa trở lại 5 căn cứ cho quân đội Hoa Kỳ. Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Philippines và Hoa Kỳ dường như chưa thuyết phục được thị trưởng hòn đảo Pag-Asa. Ông tự hỏi : « Liệu Hoa Kỳ có dám gây xung đột với Trung Quốc chỉ vì một hòn đảo rộng 37 héc ta hay không ? »

Dự luật Lao động Pháp : Cả chính phủ và nghiệp đoàn cùng mất

Các cuộc biểu tình và đình công tại Pháp, ngày càng nghiêm trọng hơn, nhằm phản đối dự luật Lao động El Khomri vẫn là chủ đề trên trang nhất của các nhật báo Pháp.
Le Monde cho rằng « Cuộc xung đột có nguy cơ kéo dài ». Nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi lớn : « Luật lao động : Liệu Hollande và Valls có thể chống chọi được không ? » Bất chấp nhiều phong trào đình công được dự kiến diễn ra trong tuần này, thủ tướng Pháp tuyên bố sẽ đi « đến cùng ». Lời tuyên bố trên cũng được tổng thống Hollande ủng hộ, theo nhận định của Le Monde.
Riêng nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến thiệt hại của khoảng 40 công ty hóa chất cung cấp cho các nhà máy lọc dầu tại Pháp. Theo ước tính, việc phong tỏa các nhà máy lọc dầu, từ gần 10 ngày nay, khiến các công ty này mất khoảng 100 triệu euro.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos nhận định các cuộc đình công hiện nay là « một cú đau cho hình ảnh nước Pháp ». Báo chí châu Âu và nước ngoài đề cập đến bối cảnh xã hội ngày càng xấu đi tại Pháp. Trong khi đó, chính quyền thì bị cho là yếu thế và không có khả năng chống lại các nghiệp đoàn. Đây cũng là nhận định của bài xã luận của Le Figaro. Bài báo cho rằng một đất nước lớn lại bị một bộ phận nhỏ người đình công hung bạo và hậm hực phong tỏa.

Giải Vô địch Euro 2016 và Tour de France : An ninh căng thẳng

Liệu trong bối cảnh đình công, biểu tình như hiện nay, Pháp có đảm bảo được an ninh cho các sự kiện thể thao quan trọng sắp tới, Cúp vô địch bóng đá châu Âu và giải đua xe đạp Vòng quanh nước pháp - Tour de France ? Nhật báo Libération giành 6 trang để đề cập vấn đề này.
Theo nhật báo thiên tả, sau loạt khủng bố tại Paris và Bruxelles, Euro 2016 và Tour de France sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Chưa bao giờ một mùa hè thể thao lại huy động đến nhiều lực lượng an ninh như mùa hè năm nay. Cảnh sát, hiến binh, nhân viên cứu hỏa, lính dò mìn, quân đội, an ninh dân sự, tất cả đều được huy động tối đa.
Từ ngày 10/06 đến ngày 10/07, ngoài nguy cơ khủng bố được đặt ở mức cao nhất, lực lượng an ninh Pháp còn phải đề phòng các nhóm hooligan sẽ có mặt để gây rối. Nếu như Nhà nước sẵn sàng làm tất cả để tránh các cuộc đụng độ, thì lo ngại lại đè nặng trên vấn đề đảm bảo an ninh cho các khu vực giành cho các fan. An ninh của những khu vực đông người, được ra vào tự do, như vậy lại hoàn toàn nằm trong tay các công ty tư nhân chuyên giữ gìn trật tự an ninh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn