Obama đã về, điều gì còn ở lại?

Posted on 27/05/2016

Obama đã về, điều gì còn ở lại?
    
Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT

“…Bây giờ là công việc của chúng ta. Đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa VN trong và ngoài đảng. Thông điệp của ông Obama đã rất rõ ràng: Người VN phải tự quyết định cho số phận và tương lai của chính người VN…”
Chuyến viếng thăm “lịch sử” của tổng thống Mỹ Obama tại Việt Nam trong hai ngày 23-25/5/2016 đã kết thúc với muôn vàn cảm xúc khác nhau cho người dân Việt Nam (VN).
Đầu tiên có thể thấy được là sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân VN đối với vị tổng thống Mỹ, một quốc gia mà ban tuyên giáo VN luôn cho là “đế quốc, thù địch và là sen đầm quốc tế”. Bộ máy truyền thông khổng lồ của chính quyền VN đã thất bại trong việc cổ vũ cho mô hình nhà nước cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lênin.
Có thể nói rằng việc người dân VN tràn xuống đường chào đón Obama tại Hà Nội và Sài Gòn là cuộc tuần hành, bày tỏ chính kiến và “tụ tập không phép” lớn nhất của người VN suốt 41 năm qua. Càng ý nghĩa hơn khi trước đó một ngày diễn ra cuộc bầu cử quốc hội VN lần thứ 14 với một không khí ảm đạm với nhiều tuyên bố tẩy chay bầu cử.
Rất khó để phân tích tâm lý đám đông của người VN. Cuộc “xuống đường” đón Obama có lẽ bao gồm nhiều mảnh ghép của bức tranh tổng thể về tâm lý người Việt. Hâm mộ bản thân ông Obama có, thích dân chủ tự do kiểu Mỹ có, bày tỏ sự bất mãn với chính quyền VN có và vì tò mò, hiếu kỳ cũng có. Nhưng nói gì đi nữa thì thông điệp của cuộc xuống đường khổng lồ này cũng rất rõ ràng: Lòng dân VN đã thay đổi và muốn hướng tới một xã hội dân chủ văn minh như kiểu Mỹ. Nếu ban lãnh đạo ĐCSVN không nhận ra điều này để dứt khoát thay đổi, thuận theo thời thế và lòng người, hòa nhập vào thế giới văn minh… thì số phận của họ cũng không khác gì các ông vua cuối cùng của triều Nguyễn trước đây. Nhắm mắt, bịt tai để rồi “nước mất nhà tan” ngai vàng cũng chẳng giữ được.
Mọi lời khen dành cho ông Obama và nước Mỹ có lẽ sẽ thừa vì “Sức mạnh mềm” của Mỹ là vô đối. Kỹ thuật và khả năng sử dụng quyền lực mềm của siêu cường số Một thế giới là không thể bàn cãi vì chúng đã đạt đến nghệ thuật đỉnh cao. Từng câu chữ và bất kỳ một hành động nhỏ nhất của Obama đều được lên kế hoạch và chuẩn bị cẩn thận đến từng chi tiết. Obama và Mỹ đã “chinh phục” hoàn toàn người dân VN bằng những hành động gần gũi và cảm thông với người dân, thứ mà lãnh đạo VN không bao giờ có. Có lẽ ngay tại nước Mỹ hay bất cứ ở đâu thì ông Obama cũng không thể nào có được sự đón tiếp “cuồng nhiệt” đến như vậy.
Là những người hoạt động chính trị đối lập chúng tôi cố gắng tìm hiểu, phân tích và đánh giá vấn đề một cách sâu hơn, ẩn phía sau những gì hào nhoáng thể hiện ra bên ngoài để cung cấp cho người dân VN và những ai quan tâm tình hình VN một cái nhìn đa chiều trong bức tranh tổng thể về quan hệ Việt-Mỹ.
Mục đích chính chuyến thăm của Obama là “lôi kéo” VN vào các liên minh kinh tế – quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực nhằm cô lập Trung Quốc (TQ), nếu không đạt được mục đích đó thì Mỹ cũng cố gắng lôi kéo VN ra khỏi quĩ đạo và ảnh hưởng của TQ. Tất nhiên Mỹ phải vì quyền lợi của họ đầu tiên. Chính vì thế mà thông điệp về “dân chủ, tự do và nhân quyền” mà ông Obama chuyển đến chính quyền VN, người dân VN là rất “yếu ớt”, gần như là không thể ít hơn được nữa. Nó hoàn toàn không giống với những gì mà người dân VN mong đợi. Ông Obama đã khéo léo đá quả bóng sang cho người dân VN khi nói rằng người VN mới chính là chủ nhân đất nước này và phải tự quyết định tương lai cho chính mình…
Rõ ràng là Mỹ đã có “thỏa thuận” với ĐCSVN là sẽ không nói nhiều về dân chủ và nhân quyền. Việc chính quyền VN chỉ trả tự do cho mỗi linh mục Nguyễn Văn Lý trước khi Obama đến VN và việc tăng cường sách nhiễu các nhà hoạt động dân sự và ngăn cản họ đến gặp Obama chứng tỏ VN rất tự tin vì đã “bắt bài” được Mỹ.
Điểm nhấn trong chuyến thăm của Obama là việc Mỹ bỏ cấm vận bán các loại vũ khí sát thương cho VN. Tuy nhiên việc bán cái gì? Khi nào bán? Và VN có tiền để mua hay không? …lại là chuyện khác. Nên nhớ VN có mua bao nhiêu vũ khí của Mỹ thì cũng không thể bằng kho vũ khí mà TQ đang có. Trước mắt việc bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho VN là một thông điệp “mạnh mẽ” cho TQ mà cả Mỹ lẫn VN đều muốn nhắn gửi. Chính quyền VN không sợ mất Biển Đông (vì thực tế là đã mất rồi) bằng sợ mất chế độ. Một chế độ mà không thể bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ thì không thể có chính danh để tiếp tục cầm quyền. Quyền lợi của ĐCSVN và Mỹ “gặp nhau” trên điểm chung này.
Chính quyền VN ít nhiều đã thành công trong việc “thuyết phục” người dân VN rằng TQ rất mạnh nên không thể đối đầu với họ, phải tránh chiến tranh bằng mọi giá… Đây là chủ trương “cầu hòa” bằng mọi giá vì nếu có chuyện gì xảy ra thì chính các quan chức cao cấp của ĐCSVN là những người mất nhiều nhất vì họ quá giàu và có quá nhiều thứ để mất. Trước đây khi không có gì để mất thì ĐCSVN hô hào “còn cái lai quần” cũng đánh Mỹ cho dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. baotanghochiminh
Sự ngụy biện của ĐCSVN ngày càng bị bóc trần. Người VN luôn yêu chuộng hòa bình và muốn sống trong độc lập và tự do. Không ai kêu gọi đánh nhau với TQ mà chỉ muốn bảo vệ tổ quốc VN, đúng như vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt nói cách đây 940 năm về trước và mới được tổng thống Obama nhắc lại tại Hà Nội sáng 23/5/2016 rằng “sông núi nước Nam, vua (nhân dân) Nam ở”. Lịch sử của VN là lịch sử chống ngoại xâm. Chính quyền TQ cũng biết rõ điều đó nên thay vì dùng vũ lực chiếm đóng các đảo của VN tại Trường Sa với một cái giá rẻ hơn nhiều thì họ phải bỏ ra một đống tiền khổng lồ để xây dựng các đảo nhân tạo ở đó như Gạc Ma, Cô Lin, Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi…TQ làm điều đó không phải vì họ sợ Mỹ hay sợ chính quyền VN mà họ sợ nhân dân VN.
Vậy, liệu có hy vọng gì sau chuyến thăm của ông Obama hay không? Rất buồn để nói rằng không có gì nhiều để mừng và hy vọng. VN vẫn vậy thôi. Giữa chuyện thích, mong ước và hy vọng với việc bắt tay để hành động là một khoảng cách rất xa.
Sự “lựa chọn” xích lại gần Mỹ của ban lãnh đạo ĐCSVN là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Nhưng “xích lại” như thế nào, ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Có thể ĐCSVN chỉ muốn dùng “con bài” Mỹ như là một công cụ để mặc cả với TQ rằng (thì, là, mà…) họ sẽ theo Mỹ nếu TQ chèn ép họ quá đáng. Cũng có thể họ muốn nghiêng về phía Mỹ thật nếu Mỹ “bảo đảm” cho họ quyền lãnh đạo VN đến …muôn năm. Tuy nhiên ĐCSVN không có nhiều lựa chọn. TQ sẽ chiếm hoàn toàn Biển Đông bằng mọi giá dù VN có thân hay không thân TQ. VN chỉ có mỗi con đường là “liên minh” với Mỹ. Có thể liên minh này vẫn không thể giữ được Biển Đông nhưng ít ra nó cũng làm cho VN hùng mạnh lên về kinh tế và sau đó là chính trị và quân sự. Chỉ có khi đó VN mới có thể bảo vệ được nền độc lập của mình trước TQ.
Mỹ cũng không thể nào “bảo đảm” cho ĐCSVN độc quyền lãnh đạo mãi mãi. Tấm gương một đồng minh của Mỹ là cựu tổng thống Mubarak của Ai Cập là một ví dụ. Khi lòng dân đã quyết định thì Mỹ cũng không thể nào cứu được chế độ Mubarak.
Chỉ có nhân dân VN mới “đảm bảo” cho sự lãnh đạo của ĐCSVN nếu họ dứt khoát thay đổi một cách thành thực về hướng dân chủ. Nhưng nhân dân là ai? Nhân dân là tất cả và nhân dân cũng là một dãy số không (0) dài vô tận. Nhân dân chỉ có thể phát huy sức mạnh khi đứng sau một con số nào đó. Con số đứng trước dãy số 0 chính là một tổ chức chính trị dân chủ có tầm vóc thật sự. Quần chúng chỉ ủng hộ và được động viên nếu được một tổ chức chính trị “hướng dẫn và lãnh đạo”. Mọi nghiên cứu đều chỉ rõ rằng nếu một nhóm người trên tám (8) thành viên thì bắt buộc phải có người đứng đầu (để lãnh đạo). Ngay cả trong thế giới động vật cũng thế, luôn phải có một con vật khỏe nhất và thông minh nhất làm đầu đàn.
Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức chứ không phải là giữa các cá nhân với nhau. Vai trò và  trách nhiệm của tầng lớp trí thức VN (và trên toàn thế giới) luôn là “hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng”. Nhân dân VN đã sẵn sàng nhưng tầng lớp trí thức VN vẫn chưa chịu nhập cuộc. Các toa tầu đã sẵn sàng lăn bánh nhưng đàu tầu vẫn không chịu khởi động. Trí thức VN chỉ có hai lựa chọn, một là tham gia vào một tổ chức đã có sẵn hai là thành lập các tổ chức mới. Nếu trí thức VN không kết hợp được với nhau và không chịu dấn thân thì không thể động viên được quần chúng. Không có quần chúng thì các tổ chức chính trị dân chủ đối lập không thể có tầm vóc và vì thế không thể gây sức ép, buộc ĐCSVN thay đổi dứt khoát về hướng dân chủ. Nếu không có một tổ chức đối lập hùng mạnh như Myanmar thì ĐCSVN không thể vượt qua quán tính của chính mình để lấy quyết tâm thay đổi về phía dân chủ một cách thành thực.
Tương lai VN rồi cũng như Ai Cập thời tổng thống Mubarak, vẫn là độc tài toàn trị, vẫn tham nhũng, người nghèo vẫn nghèo, người giàu giàu thêm và vẫn là “đồng minh” của Mỹ. Một ngày nào đấy, người dân vùng dậy làm một cuộc “cách mạng đường phố”, Mỹ bỏ rơi “đồng minh”. Các thế lực đen tối lợi dụng “khoảng trống” cướp chính quyền, xử tử và xóa bỏ hoàn toàn chế độ cũ để mị dân và dựng lên một nhà nước độc tài mới, cuộc sống người dân vẫn không có gì thay đổi…
Obama đến rồi đi, mọi vấn đề của VN vẫn còn nguyên đó. Ông Obama đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân VN. Bây giờ là công việc của chúng ta. Đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa VN trong và ngoài đảng. Thông điệp của ông Obama đã rất rõ ràng: Người VN phải tự quyết định cho số phận và tương lai của chính người VN.
 
Việt Hoàng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?