Một số ấn tượng khác về cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama
Trần Ngọc Cư
Nếu có một cái gì đáng kể nhất trong cuộc thăm viếng của ông Obama tại Việt Nam, đó là việc hàng trăm ngàn công dân Việt Nam ùa ra phố hân hoan chào đón vị Tổng thống Mỹ. Một sự bày tỏ tình cảm tự phát, không có chỉ thị từ trên, không cờ quạt, không biểu ngữ. Tôi thấy đây là một cuộc biểu tình đúng nghĩa nhất, tự do nhất, để gửi thông điệp chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc và, với khát vọng dân chủ, bày tỏ thái độ rõ ràng nhất đối với chế độ độc tài toàn trị mà người dân đã nhẫn nhục chịu đựng quá lâu.
Tôi biết Sài Gòn đang nhớ nhung
Cái thời còn lệ thuộc Tây phương.
“Thực dân, đế quốc” thành thần tượng
Của những người dân đã hết đường.
Tôi không tập trung vào phong cách ngoại giao của một chính khách thượng thặng như ông Obama trong việc ông trích dẫn từ Lý Thường Kiệt, đến Truyện Kiều, đến ca dao tục ngữ, đến các danh nhân hiện đại như thiền sư Thích Nhất Hạnh hay nhà toán học Ngô Bảo Châu. Hẳn nhiên, tôi khâm phục ông Obama và người cộng sự của ông chịu khó nghiên cứu cái tâm thức (psychie) Việt Nam để nắm bắt được họ muốn nghe ông nói những gì. Điều mà tôi biết ơn nhất ở ông Obama là ông đã thành thật nói ra điều này: Các anh hãy dựa vào sức mình là chính, chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của các anh. Phần còn lại chỉ là, “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Không hơn không kém.
Tôi không tin tưởng gì ở việc Mỹ tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho một Nhà nước từng tỏ ra rất cuồng nhiệt trong việc đàn áp người dân yêu nước chỉ vì đảng cầm quyền sợ mất tình đồng chí với Trung Cộng. Bất cứ một quốc gia nào muốn bảo vệ lãnh thổ, chống ngoại xâm, đều cần đến hai thành tố không thể thiếu trong sức mạnh quốc phòng: khí tài và người cầm súng. Vấn đề là, khi anh đẩy nhân dân vào thế thù địch, thì ai sẽ là người chịu hi sinh cầm súng cho anh? Trên thực tế, một nước nhỏ muốn chọi lại một nước lớn tất yếu phải tiến hành chiến tranh nhân dân, như lịch sử đã từng chứng minh từ Bạch Đằng đến Điện Biên Phủ. Chiến tranh nhân dân trong định nghĩa ngắn nhất, mỗi người dân là một người lính.
Tuổi đời đã cho phép tôi chứng kiến một quân đội được trang bị đến tận răng với vũ khí hiện đại, có một hải quân đứng hàng thứ 8 trên thế giới, đã rã ngũ, buông súng đầu hàng, để lại cho “bên thắng cuộc” một số lượng vũ khí vào năm 1975 được định giá 5 tỉ Mỹ kim. Không có hậu thuẫn của đại đa số nhân dân, vũ khí chỉ còn là sắt thép vô dụng. Đấy là, nếu nhìn vào kính chiếu hậu của lịch sử, Việt Nam Cộng Hoà tuy chỉ là một “lesser evil”, nhưng còn sáng giá nhiều lần hơn so với chế độ hiện nay về tự do, dân chủ.
Khi Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, giới lãnh đạo Nam Trung Hải chỉ cần có một ý thức lịch sử tối thiểu thôi, họ cũng có thể yên chí ngồi vo bụng phệ cười thầm, vì biết chắc rằng, nếu trong muôn một tiếng súng của cuộc xung đột Việt-Trung nổ ra chỉ vài ngày thôi, các kho vũ khí made in USA, Russia, India, Israel, v.v. đáng giá hàng chục tỉ đôla ấy sẽ lọt vào tay của họ. Nhưng trên thực tế, tại cái nước còn được gọi Việt Nam hiện nay, người Tàu muốn chi được nấy, thậm chí còn thiết lập được nhiều mật khu trên đất nước ta, tội tình gì Trung Cộng phải dùng đến chiến tranh cho mang tiếng.
Mọi người đều biết rằng công nghiệp quốc phòng là một trong những công nghiệp lớn nhất, thuê mướn nhiều công nhân nhất, hiếm hoi còn lại trên lãnh thổ USA hiện nay. Việc tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cũng nằm trong nỗ lực tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ, làm quân bình một phần nào sự chống đối TPP, mà các ứng viên như Donald Trump của Cộng hòa và Bernie Sanders của Dân chủ đang hô hào trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
T. N. C.
Tác giả gửi BVN.
Nhận xét
Đăng nhận xét