Điểm báo Pháp – 28/06/2016
Brexit : Một phép thử dành cho bà Merkel ?
Brexit vẫn là chủ đề thời sự nóng trên các mặt báo Pháp. Dù biết rằng Vương quốc Liên hiệp Anh đã nói « không » với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng việc ra khỏi Liên Hiệp quả thật sẽ không đơn giản và nhanh chóng.
Libération trên trang hai đặt câu hỏi lớn : « Luân Đôn ra đi để rồi ở lại ? ». Ông David Cameron tuy phủ nhận là muốn đi ngược lại lá phiếu của người dân, nhưng ông cũng từ chối chạm đến điều khoản 50, cho phép một thành viên được phép rời khỏi Liên Hiệp. Bốn ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, những đường hướng chính chuẩn bị cho Anh quốc rời khỏi Liên Hiệp giờ vẫn chưa rõ ràng.
Khủng hoảng Brexit cũng cho thấy rõ trục Pháp – Đức cũng đang bối rối trong việc định hướng tương lai cho Liên Hiệp Châu Âu. Le Figaro trên trang nhất có cho rằng : « Hollande và Merkel bế tắc dự án cho Châu Âu ». Cả Paris và Berlin hối thúc Luân Đôn nhanh chóng rời khỏi Liên Hiệp. Nhưng họ lại không đề nghị một ý tưởng gì mới để đối phó với thách thức chính trị.
Tuy vậy, theo quan sát của Les Echos thì « Brexit đang thử vai trò đầu tàu của bà Merkel ». Dù rằng đã không chuẩn bị trước là phe « Leave » thắng lợi, nhưng bà Angela Merkel đã có những bước đi rất cẩn trọng. Bà biết rõ là chỉ có chính phủ Anh quốc mới có thể dùng đến điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisboa để khởi động các cuộc đàm phán cho việc ra đi.
Trong bối cảnh vừa phải củng cố liên minh chính trị trong nước, vừa phải làm việc cùng với 27 nước thành viên khác trong Liên Hiệp, bà Merkel luôn áp dụng cùng biện pháp : Đó là đợi cho mọi việc lắng dịu, để cho những việc khác về đúng chỗ, quan sát các mối tương quan lực lượng và tìm kiếm một thỏa thuận.
Bóng đá : Kỳ tích Iceland, lời cảnh báo cho đội Pháp
Sự kiện gây xáo động làng báo Pháp ngày 28/06/2016 không phải là Brexit của Vương Quốc Anh mà là một Brexit khác của đội tuyển Anh trên sân cỏ bóng đá châu Âu. Sau khi đội bóng nhỏ Iceland loại đội tuyển Anh khỏi Euro 2016 bằng chiến thắng thần kỳ 2-1, nhiều tờ báo in không kịp thay trang cũng đã có những bài trên trang mạng để không bị lỡ nhịp sự kiện chấn động làng bóng châu Âu này. Và nhất là khi người hùng của Euro 2016 chính là đối thủ của chủ nhà Pháp trong trận tứ kết vào ngày 03/07/2016.
Nhật báo thể thao L’Equipe chỉ chạy tựa lớn trang nhất bằng một từ « Thiên tài » để biểu lộ cảm xúc đối với các cầu thủ Iceland. Đội bóng đến từ quốc đảo nhỏ bé giữa bắc Đại Tây Dương vừa đánh bại đế chế bóng đá lớn Anh Quốc để bước vào tứ kết với vị thế hoàn toàn khác với trước lúc họ nhập cuộc đua. Chiến công lịch sử của Iceland cũng là lời cảnh báo cho đội chủ nhà Pháp.
Nhật báo thể thao bình luận : « Iceland, dân số chỉ bằng đảo Corse (Pháp), tiếp tục hành trình đầy kinh ngạc và kỳ diệu trên đất Pháp. Hy vọng các cầu thủ Pháp đừng lặp lại sai lầm 2004 như với Hy lạp. Còn một câu hỏi đặt ra : làm sao một đất nước núi lửa nhiều ngang với số cầu thủ chơi bóng đá chuyên nghiệp lại có thể vào được đến tứ kết của Euro ? »
L’Equipe muốn cảnh báo đội tuyển Pháp « cần phải coi chừng sức mạnh đang lớn lên qua từng chiến thắng. Iceland của ngày Chủ Nhật tới sẽ còn mạnh hơn Iceland của ngày hôm qua. Các cầu thủ của họ đang sống trong những ngày đẹp nhất của cuộc đời. Và hiển nhiên, họ không muốn dừng lại ở đấy ».
Nhật báo Le Figaro, phiên bản trên mạng không tiếc lời thán phục kỳ tích của Iceland : «Không ngờ ! Phi thường ! Đội bóng đến từ đất nước phương bắc bé nhỏ, đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng của Fifa đã tạo ấn tượng mạnh ở vòng 1/8. Bốn ngày sau vụ Brexit, Iceland loại đội Anh, gây thêm một bi kịch quốc gia mới cho đất nước bên kia bờ biển Manche, khiến huấn luyện viên của đội Anh Roy Hodgson phải từ chức ngay sau tiếng còi chấm dứt trận đấu ».
Le Figaro nhận định tiếp : « Người đánh cược liều lĩnh nhất chắc cũng đã không dám đặt cửa vào tứ kết cho đội bóng của hòn đảo có 330 nghìn dân và trước đó chưa hề tham dự giải đấu quốc tế nào. »
Tờ báo nhắc lại, không chỉ có người Anh mà trước đó người Bồ Đào Nha cũng đã từng hí hửng khi thấy đối thủ của mình là một chú lùn của làng bóng đá. Nhưng người Anh đã phải trả giá đắt hơn. Le Figaro nhấn mạnh : « Ngồi trước màn hình TV tại Clairefontaine (đại bản doanh của đội Pháp), Les Bleus chắc đánh giá cao (Iceland). Nhưng họ chỉ hy vọng một điều : sẽ không phải là nạn nhân sắp tới của những cầu thủ phi thường đến từ xứ lạnh ».
Nhật báo le Parisien cũng tập trung liên hệ chiến công lịch sử của Iceland như là một thách thức đối với đội tuyển Pháp vì Chủ nhật tới (03/7) các cầu thủ Iceland sẽ là đối thủ của Pháp ở tứ kết.
Với tựa lớn: « Ớn lạnh Iceland » Le Parisien lưu ý, Chủ nhật tới, Pháp dù có ưu thế hơn nhưng hãy coi chừng. « Các cầu thủ Pháp phải nắm bắt trận đấu và chủ động lối chơi ngay từ khi nhập cuộc ». Tức là phải hành động chứ không phải phản ứng, theo cách nói của hậu vệ cánh đội Pháp Patrick Evra.
Iceland giờ đây không còn là một đối thủ nhỏ bé nữa, nhìn vào hành trình của họ từ đầu giải đến giờ thì thấy « Các cầu thủ đến từ Bắc Âu đánh trận nào cũng có bàn thắng, ghi được 4 bàn ở vòng bảng ». Thực tế cho thấy, các cầu thủ Iceland lần đầu tiên đến với đấu trường lớn, không phải để học hỏi kinh nghiệm. Họ đọ sức với 4 đội bóng, Iceland chưa để thua trận nào. Đến giờ Iceland khẳng định là một đội bóng có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào.
Trang mạng báo Liberation thì dành để nói về một bất ngờ khác xuất hiện trước trận Iceland loại Anh. Đó là đội Tây Ban Nha đương kim vô địch châu Âu với đội hình hùng hậu hầu hết là những tên tuổi lớn của sân cỏ lớn đã bị đội tuyển Ý không có ngôi sao sáng nào hạ 2-0. Tờ báo ví von « các cầu thủ Ý đã biến trận đấu thành cuộc ‘đấu tranh giai cấp’ thắng lợi ».
Trung-Nga ca tụng sự xích lại gần nhau
Nhân hội nghị thượng đỉnh song phương, ngày25/06, tại Bắc Kinh, báo Le Monde có bài «Trung-Nga ca tụng sự xích lại gần nhau ». Theo tờ báo, hai nước lập một mặt trận chung chống lại chủ nghĩa bành trướng của phương Tây và cuộc chạy đua vũ trang mà phương Tây dấy lên. Điều này thể hiện rõ trong thông cáo chung được công bố sau hội nghị thượng đỉnh, với những lời lẽ chua cay nhắm vào « một số nước và các đồng minh chính trị-quân sự » những nước này.
Theo hai nước, các quốc gia phương Tây « tìm kiếm những lợi thế quyết định trong lĩnh vực công nghệ quân sự có liên quan thông qua việc sử dụng vũ lực và đe dọa trong các vấn đề quốc tế » và chính sách này đã làm lay chuyển « hệ thống an ninh chiến lược toàn cầu ».
Tuy không nêu tên cụ thể nước nào, những lời chỉ trích nói trên nhắm vào các sáng kiến của Mỹ tại vùng Biển Đông và các liên minh nhằm tăng cường sự hiện của Hoa Kỳ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Còn tại châu Âu, theo Matxcơva, phương Tây lấy cớ hồ sơ Ukraina để tạo dựng một mặt trận chống Nga. Bản thông cáo lên án các kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo Aegis Ashore tại châu Âu, THAAD tại châu Á.
Le Monde cho rằng, các chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ và phương Tây không có gì là mới mẻ, nhưng khẳng định những điểm tương đồng đang ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Nga.
Cả hai cường quốc này đều tìm cách bảo vệ chế độ toàn trị của mình, chống lại sự « xâm nhập » của phương Tây. Hai nước hỗ trợ lẫn nhau trong các hồ sơ quốc tế : Trung Quốc giữ thái độ « trung lập đồng lõa » trong vấn đề Ukraina và Syria, còn Nga thì ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông và biển Hoa Đông.
Le Monde trích dẫn nhận định của giáo sư Hứa Cần Hoa (Xu Qinhua), phó giám đốc học viện nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Trung Á, thuộc đại học Nhân Dân, ở Bắc Kinh : « Tại sao lại nói về những tương đồng địa chính trị ? Chúng tôi (Trung Quốc và Nga) là hàng xóm. Hai nước đã đạt tới mức sự hợp tác song phương mang lại cho nhau nhiều lợi ích hơn, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Hai nước nói chuyện bình đẳng với nhau. Điều này thể hiện rất rõ so với trước đây ».
Thượng đỉnh Nga-Trung diễn ra sau cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – OSC. Tổ chức này được hình thành do Matxcơva và Bắc Kinh đều có chung một mối lo duy trì ổn định cho vùng Trung Á. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, ở Hồng Kông, thì cho dù có những lợi ích chung, Nga và Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng và cạnh tranh với nhau.
Chuyên gia này nhận định : « Trung Quốc dùng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải để mở rộng quyền lợi của mình tại Trung Á. Ví dụ lôi kéo Kirghizistan và Tadjikistan vào quỹ đạo của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc lưỡng lự trong việc mở rộng OSC : Bắc Kinh muốn giữ quyền kiểm soát và tập trung vào khu vực Trung Á ».
Trong khi đó, Nga thiên về chiến lược hòa trộn vai trò tổ chức này trong một khu vực rộng lớn hơn. Cùng với Ấn Độ và Pakistan, có thể coi như một phiên bản mới “Tam Giác Primakov” – tên của thủ tướng Nga năm 1998, muốn hình thành một liên minh Âu-Á giữa Matxcơva, Bắc Kinh và New Delhi.
Bên cạnh đó, tại vùng Trung Á, Nga và Trung Quốc cũng đưa ra những sáng kiến kinh tế để phục vụ lợi ích của mình : Nga thì lập Liên hiệp kinh tế Âu-Á, còn Trung Quốc thì có dự án Con đường tơ lụa. Theo giới chuyên gia, Nga không coi dự án Con đường tơ lụa là một mối đe dọa. Vấn đề chính đối với Matxcơva là làm thế nào khai thác có lợi dự án này. Và đây là một thách thức đối với Nga.
Trung Quốc : Tìm công lý như mò kim đáy bể
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lĩnh vực xã hội. Le Figaro có bài điều tra dài đề tựa « Hành trình chiến đấu của những người dân Trung Quốc bị bất công đè bẹp ». Patrick Saint Paul, phóng viên nhật báo thường trú tại Bắc Kinh cho biết không dễ tiếp xúc được những người dân đến khiếu nại tại « văn phòng giải quyết khiếu tố », đặt trụ sở tại Bắc Kinh do họ e sợ các nhân viên an ninh.
Theo mô tả của anh, từng đoàn người rồng rắn đến từ những tỉnh xa xôi, tụ thành từng đám đông dài hàng trăm mét dưới ánh nắng chói chang. Dọc theo đó là hàng chục xe ca cảnh sát. Thi thoảng có ai đó bất mãn, la to : « Mafia, mafia. Bọn chúng tất cả đều là mafia », thì ngay lập tức bị một nhân viên công an tìm cách bịt mồm rồi dẫn đi mất.
Những cảnh tượng mà tác giả cho là chỉ thấy ở thời xa xưa. Một kiểu giải quyết khiếu nại của người dân được kế thừa từ thời phong kiến, và được tái hiện theo gu của Mao Trạch Đông vào năm 1950.
Tác giả cho biết có đến hàng triệu người dân Trung Quốc đến nộp đơn khiếu nại tại « văn phòng giải quyết khiếu tố » với hy vọng làm thay đổi được những phán quyết phi lý. Thế nhưng, sau khi đã kháng cự lại được với những hành động tàn nhẫn, những ai có thể gặp được « thánh của các vị thánh » thì hầu như đều đi về tay không.
Còn có những người kém may mắn hơn, chưa tới được văn phòng, họ đã bị các lực lượng an ninh tư nhân do chính quyền địa phương trả tiền bắt về. Theo lời kể của một nhân chứng đến từ Giang Tây với phóng viên, ông này đã bị họ bắt dẫn trở về lại tỉnh nhà rồi bị nhốt trong tù một năm cho đến khi nào ông chịu ký vào bản cam kết không bao giờ đi khiếu kiện nữa.
Cờ vua : Một giải pháp trị liệu ?
Le Figaro trong mục Khoa học thông báo : Chơi cờ vua có thể giúp quên đi bệnh tật. Nhiều hướng nghiên cứu đang được mở ra nhân cuộc hội thảo đầu tiên « Health and Chess », tại Viện Imagine, Paris.
Tại cuộc hội thảo, các bác sĩ nhận thấy là khi chơi đánh cờ, não bộ của chúng ta chỉ tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi một khả năng tập trung cần thiết cao độ. Bên cạnh đó, các quá trình khác của hoạt động não bộ cũng được kích hoạt : nhận thức trực quan – không gian, bộ nhớ làm việc, ra quyết định. Nói tóm lại, một hoạt động thần kinh cực kỳ đòi hỏi cao, bất kể người chơi ở cấp độ nào.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận chơi cờ vua còn giúp làm chậm quá trình suy thoái nhận thức do tuổi tác. Ông Stephane Escafre, chủ tịch Liên đoàn cờ vua Pháp cho biết « chưa từng thấy một vị kiện tướng nào mắc chứng bệnh Alzheimer ! ». Tuy nhiên, Le Figaro cho biết hiện vẫn còn quá ít nghiên cứu khoa học để khẳng định cảm nhận này.
Nhận xét
Đăng nhận xét