Tin trong nước – 30/06/2016
Việt Nam: Formosa gây cá chết hàng loạt ở miền Trung
Chính phủ Việt Nam xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm”.
Phát biểu tại cuộc họp báo được nhiều người chờ đợi ở Hà Nội chiều 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết rằng “trên 100 nhà khoa học của 30 cơ quan trong và ngoài nước tham gia điều tra vụ cá chết, cùng sự phản biện độc lập của chuyên gia quốc tế”.
Quan chức này nói rằng thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung đã “gây thiệt hại lớn về môi trường, đời sống của người dân và an ninh trật tự”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói rằng “nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa nhiều độc tố, theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế”.
Theo quan chức này, cuộc điều tra phát hiện ra Formosa Hà Tĩnh “có một số hành vi vi phạm, nước thải có chứa độc tố vượt quá mức cho phép”.
Ông nói: “Các bộ ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong nước và quốc tế, và đã kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chết bất thường trong tháng Tư vừa qua”.
Theo ông Dũng, Formosa “nhận trách nhiệm sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt, đồng thời cam kết công khai xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam; thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân; phục hồi môi trường với đầu tư 500 triệu đôla; khắc phục triệt để hạn chế của hệ thống xử lý nước thải”.
Ông Mai Thạnh, một ngư dân ở Hà Tĩnh, nói rằng kết luận của chính phủ Việt Nam về sự liên quan của Formosa là “chính xác” và “đúng với cảm nhận” của ông.
Ông Thạnh nói thêm rằng tập đoàn của Đài Loan này phải “đền bù thỏa đáng cho dân”, vì “ba bốn tháng nay ông không làm được gì”.
‘Đóng cửa vĩnh viễn’
Trước khi chính phủ Việt Nam công bố kết luận, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã gửi thư tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty.
Bức thư có đoạn: “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài Nguyên & Môi Trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ”.
Bức thư viết tiếp: “Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam”.
Về tuyên bố này, ông Thạnh nói: “Chính Formosa gây ra tội ác cho những người làm biển. Yêu cầu của tôi là ngừng hoạt động Formosa để làm thế nào cho dân ổn định lại cuộc sống, nếu không dẫn sẽ chết đói. Nếu mà họ không đóng cửa dân sẽ nổi loạn đấy”.
Cho dù Formosa đã “nhận trách nhiệm”, “xin lỗi” và “đền bù thiệt hại”, hiện có nhiều ý kiến trên mạng xã hội đòi “đóng cửa vĩnh viễn” nhà máy của công ty này ở Hà Tĩnh.
Trong khi đó, phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến chính phủ thường kỳ chiều 30/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là “vấn đề dân rất quan tâm” và “cần phải rút ra những bài học” từ vụ này.
Tờ VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ rằng ông “vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu”.
Xem tường thuật chi tiết của VOA tiếng Việt về buổi họp báoTẠI ĐÂY
Formosa bồi thường 500 triệu đôla
Sự kiện đang được tường thuật
20:28
Sau cuộc họp báo của Chính phủ Việt Nam về vụ cá chết, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 30/6 ra thông cáo viết: “Bảo vệ môi trường là thành phần quan trọng trong sự phát triển cân bằng và bền vững của nền kinh tế. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) luôn đặt tầm quan trọng lên việc này.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo toàn bộ các doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ luật và quy định về môi trường của nước sở tại, can đảm nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để tránh ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước hoặc thậm chí tới quan hệ ngoại giao của chúng ta.”
Bộ này cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền lợi và an ninh của doanh nhân Đài Loan và đầu tư của họ.
20:18
Việc giới chức chỉ thị báo chí tạm ngừng đưa tin về vụ cá chết chính là “một sự kém cỏi, dẫn tới việc đài truyền hình Đài Loan đã trở thành cái tên được yêu quý, hoặc ít nhất cũng là được tôn trọng ở Việt Nam”, luật sư Trần Vũ Hải bình luận với BBC Tiếng Việt chiều tối ngày 30/6.
“Họ đã bóc tách được sự việc, và đã bóc được từ ngày 20/6, tức là trước ngày Formosa ký biên bản nhận lỗi hôm 28/6,” luật sư Hải nói.
“Chính báo chí, sau khi nghe lời ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đã tự đánh mất đi vai trò của người điều tra, tìm hiểu, nói lên tiếng nói của người dân. Cuối cùng, báo chí Việt Nam đã để cho báo chí nước ngoài, cụ thể là Đài Loan, và mạng xã hội đảm nhiệm những vai trò đó. Đây là điều đáng tiếc cho báo chí Việt Nam.”
FACEBOOK20:17
Angelina Trang Huỳnh
Formosa đã thắng to qua cuộc họp báo nguyên nhân cá chết.
Thế là mọi tội lỗi và trách nhiệm đã được đặt lên Formosa. Formosa chỉ cần ôm hết trách nhiệm dùm cho tất cả thủ phạm và cúi đầu xin lỗi để chỉ phải trả 500 triệu USD cho vụ này. Như thế Formosa đã lời to rồi! Một vài so sánh về con số:
Để cho thấy tầm mức kinh tế, bồi thường vấn đề tai hoạ môi trường biển: Vào năm 2010 khi công ty dầu hoả British Petroleum gây ra thảm họa tại vùng biển Gulf of Mexico tại Hoa Kỳ. BP sau cùng phải bồi thường, dọn sạch biển v.v với tổng cộng 54 tỉ USD cho vụ việc. Tuy hai tai hoạ không thể so sánh 100% nhưng chúng ta thấy được Formosa đã thắng lợi quá dễ dàng. Chỉ phải trả gần 1% của BP đã phải tốn ở Mỹ. Trong khi đó tai hại ở Việt Nam quá rõ rệt.
Theo Forbes, Formosa là một công ty có giá trị 16 tỉ .
FACEBOOK19:25
Facebook
Trên mạng xã hội Facebook đang có nhiều ý kiến đòi chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của Formosa ở Việt Nam.
Một số nhà hoạt động còn lên tiếng yêu cầu truy tìm những người có chức quyền đã ‘dung túng, đồng loã”với Formosa trong vận hành nhà máy gây thiệt hại cho người dân.
FACEBOOK19:00
Danh Phạm
Mất 3 tháng để công bố cái kết quả mà hầu như người ta đã biết 3 tháng trước! Cũng là một sự chuẩn bị kỹ càng để phối hợp với “Formosa” có được ngày “hạ màn” hôm nay.
Sau bao nhiêu cố gắng đổ lỗi cho thuỷ triều đỏ, cá chết tự nhiên hàng loạt trên thế giới có vẻ không thành công thì câu chuyện mất điện ngay tại một nhà máy nhiệt điện có vốn đầu tư hàng tỷ USD có vẻ thuyết phục hơn đối với họ!
500 triệu USD nhiều thì nhiều thật nhưng có thấm vào đâu so với thiệt hại về thuỷ sản và du lịch của cả Việt Nam?
Có đáng là gì khi những thiệt hại môi trường phải mất cả trăm năm để phục hồi? Và rồi thực tế bao nhiêu người dân sẽ nhận được mức bồi thường tương xứng?
Không phải cứ vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cứ thảy một cục tiền ra là xong! Sự phối hợp chặt chẽ của nhà nước với Formosa mang lại cảm giác bất an bởi thay vì làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với người dân họ có vẻ làm tất cả để đối phó hơn!
FACEBOOK18:55
Tổng hợp
Huỳnh Đức Sơn: Vấn đề tiếp theo là giám sát việc thực thi của Formosa như thế nàovà cách sử dụng 500 triệu usd bồi thường ra sao – có sử dụng đúng mục đích 100% hay 11.000 tỷ sẽ chạy đi chỗ khác.
Tôi là tôi: Formosa xin lỗi đảng, chính phủ, quốc hội, thủ tướng ..Nhưng ko thấy xin lỗi nhân dân Việt Nam .. Những người chủ đất nước này và cũng là những người chịu hậu quả của việc làm ô nhiễm môi trường do Formosa? Thật khó hiểu và khó chấp nhận. Nếu nhân dân ko phát hiện ra báo cơ quan chức năng, nếu dân ko phản ứng mạnh mẽ, biểu tình nổ ra trong cả nước, liệu sự thật có được phơi bày ra ánh sáng.
Ken Pham: Dự án 10 tỷ USD đang mở rộng 28,5 tỷ USD! Xả thải, cá chết 4 tỉnh, phạt 500 triệu USD (11.500 tủ VND)! Số tiền có thể chấp nhận nhưng quan trọng là tiền này làm sao đến được tay ngư dân!
FACEBOOK18:42
FACEBOOK18:42
Tổng hợp
Phản ứng trên Facebook sau cuộc họp báo của đại diện chính phủ hôm 30/6 công bố kết quả điều tra cá chết hàng loạt.
Year1 TV viết: “500 triệu USD so với sự hủy hoại môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người có đủ không?” và viết thêm: “Nông dân, ngư dân miền Trung khổ quá”.
Hoang Quyen viết: Câu trả lời đã biết từ lâu.Thương miền Trung phải chịu biết bao khó khăn vất vả, thương dân mình quá nghèo, quá khổ…
Lan Anh Nguyen: Formosa must leave. That’s my opinion. (Formosa phải rời đi. Đó là kiến của tôi). Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của rất nhiều người dân Việt Nam. Người dân vùng này nên đi khám sức khỏe và những ai bị nhiễm độc sẽ tiếp tục kiện đòi bồi thường.
18:21
Vẫn Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói tại cuộc họp báo về con số 500 triệu đôla tiền bồi thường: “Chúng tôi dựa trên nhiều yếu tố như thiệt hại trực tiếp của người dân, thiệt hại về môi trường, về du lịch… Về hệ sinh thái, cỏ biển và rừng ngập mặn không có vấn đề gì, tuy nhiên san hô bị ảnh hưởng trên 400 ha.
Con số đó đáp ứng được phần lớn mục đích, yêu cầu chúng ta đặt ra. Tất nhiên, việc lớn nhất không phải là đền bù mà môi trường biển Việt Nam được đảm bảo trong tương lai như thế nào. Ngoài khoản đền bù này, Formosa Hà Tĩnh sẽ còn phải đầu tư rất lớn nữa để cải thiện hệ thống sản xuất và đổi mới công nghệ.”
18:13
Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, người mới nhậm chức khi sự cố cá chết xảy ra, nói với VnExpress:
“… thực sự, ba tháng vừa qua là 84 ngày căng thẳng nhất của tôi. Trong tôi luôn nặng trĩu trách nhiệm trước đòi hỏi chính đáng của người dân: Nguyên nhân sự việc là gì?
Đây là sự việc nghiêm trọng lần đầu xảy ra đối với tôi và cả Chính phủ. Ngày 25/4 tôi từ New York (Mỹ) về, chiều hôm sau nhận quyết định của Ban Tổ chức Trung ương phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng và quyết định làm Bộ trưởng của Thủ tướng. Đó cũng là lúc sự việc xảy ra.”
18:09
Vẫn ông Trương Minh Tuấn tại cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi liệu có việc che giấu thông tin hay không: ”Đảng, Nhà nước không có chủ trương che giấu thông tin, không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng, Nhà nước cũng cần biết sự thật. Nhưng để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, chúng tôi có yêu cầu các cơ quan báo chí tạm ngừng đưa thông tin suy diễn, để chờ quá trình điều tra”.
18:06
Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Trương Minh Tuấn: Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau. Việc công bố ai là thủ phạm cần điều tra để xác định chứng cứ, có sự tham gia của cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, địa phương.
Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn loại trừ các nguyên nhân làm chậm quá trình. Các cơ quan đã làm việc nỗ lực hết mình. Thời gian qua có sự bức xúc vì chậm công bố nguyên nhân, đây là điều bình thường vì ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng sự phản ứng thái quá làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
Một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận sử dụng bức xúc để chống đối Đảng, Nhà nước.
FACEBOOK18:04
Trương Nhân Tuấn
Bà con nạn nhân nên tập hợp lại, bầu đại diện để kiện qua nhà nước Đài Loan. Tôi nghĩ sẽ không thiếu trí thức, học giả, chính trị gia… Đài Loan sẵn sàng giúp bà con làm việc này.
Bà con cũng nên chuẩn bị hồ sơ kiện Formosa ra Tòa quốc tế. Hợp cách là Tòa Trọng tài Quốc tế, vì Việt Nam là thành viên của tòa án này.
17:39
Tại họp báo do chính phủ chủ trì công bố kết quả điều tra, đại diện chính phủ cũng cho biết công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường đẫn tới tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua.
Công ty Formosa Hà Tĩnh đã cam kết 5 điểm sau:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển, số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.
3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
4. Phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung, xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế.
5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.
17:39
Lãnh đạo công ty Formosa Hà Tĩnh hôm 29/6 chính thức lên tiếng xin lỗi về sự cố cá chết ở miền Trung Việt Nam.
Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Nguyên Thành thừa nhận những sự cố tại Formosa Hà Tĩnh “là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tình miền Trung của Việt Nam”.
Tuy lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng ông Trần Nguyên Thành nói nguyên nhân không phải do Formosa Hà Tĩnh mà là do các nhà thầu phụ của hãng gây ra.
Ông Trần xác nhận việc tìm ra nguyên nhân cá chết là từ “kết quả kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá” của giới chức và các khoa học gia của cả Việt Nam lẫn quốc tế.
Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.
Lời xin lỗi được đưa ra một ngày sau khi Formosa Hà Tĩnh được nói đã ký biên bản thừa nhận các sai phạm, trước sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ ngành Việt Nam, trong đó có cả Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án tối cao và đại diện bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.
17:33
Nội dung thông báo của Chính phủ Việt Nam, theo trang VnExpress:
“Đây là nguồn thải lớn nhất ở khu vực Vũng Áng của Hà Tĩnh, chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với sự tham gia của các chuyên gia. Đoàn phát hiện Công ty TNHH Hưng Nguyên Formosa Hà Tĩnh có vi phạm, dẫn tới xả thải độc tố ra biển, chất hydroxit, vượt quá mức cho phép.
Kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.”
16:58
Đào tạo nghề khác cho ngư dân?
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung nói trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hôm 28/6 rằng “Bộ LĐ-TB&XH sẽ gấp rút xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một đề án tổng thể vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho hơn một triệu lao động ở bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ hiện tượng cá chết bất thường thời gian qua”.
Liệu phát biểu của ông Dung có nghĩa là ngư dân bỏ nghề cá, bỏ biển hay không?
FACEBOOK15:47
Phạm Hùng Dũng
Thầu phụ thuộc chủ đầu tư là Fomosa vì vậy Fomosa phải chịu trách nhiệm cho ô nhiễm môi trường này.
FACEBOOK15:45
Don Ta
Nếu nguyên nhân cá chết biển độc do Formosa thì chúng ta cần phải thưa Formosa ra tòa án môi trường quốc tế và phải nhờ luật sư giỏi nước ngoài về môi trường cùng các thủ tục phạt cùng đền bù với dân chúng miền trung cùng đất nước cho thỏa đáng đúng không…Đồng thời thưa luôn cả chính quyền có hành động đàn áp đối với người dân xuống đường đòi hỏi bảo vệ môi trường nhé.
15:45
Tổng cục Thống kê của Việt Nam hôm thứ Tư thông báo GDP sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015.
Mục tiêu Quốc hội Việt Nam đề ra cho cả năm là 6,7% và để đạt được chỉ tiêu này, các ngành trong nền kinh tế phải nỗ lực nhiều hơn.
Hãng tin AFP dẫn nguồn thông cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
“Thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu… các biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới đã ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của chúng ta.”
Các yếu tố khác là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu đôla cho Việt Nam.
Vụ cá chết ở miền Trung cũng được coi là một nguyên nhân.
Tổng cục Thống kê viết: “Nạn hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới cuốc sống và sản xuất của người dân”.
BLOG15:42
Nguyễn Nữ Phương Dung
“Ban đầu việc xuống đường mọi người đều nghĩ là làm phiền nhiễu mọi người và làm cho ảnh hưởng đến giao thông, hoặc xuống đường bị đánh đập bắt bớ. Nhưng tiếng nói nhiều người lên tiếng đủ mạnh để quốc tế lên tiếng với chính phủ Việt Nam.”
FACEBOOK15:37
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm)
“Không có Formosa này sẽ có Formosa khác. Và liệu người dân có quyền làm gì và có quyền được biết gì trong các dự án phát triển kinh tế mà nó có tác hại liên quan đến môi trường như vừa rồi?”
BLOG15:35
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Tác An – Nguyên viện trưởng Viện Hải dương học
“Từ khía cạnh khoa học, tôi muốn biết thiệt hại vừa qua và dự báo thiệt hại sắp đến”
“Hoàn cảnh ngư dân Việt Nam ven biển thường có cuộc sống không giàu, trình độ học vấn khó khăn, họ đã quen nghề biển hàng nghìn năm nay. Đó không chỉ là sinh kế mà là truyền thống. Nếu không có điều kiện phát triển nghề cá thì tôi cũng chưa nghĩ được họ sẽ thế nào.”
“Việt Nam mà không dựa vào biển thì đó là thảm họa”.
15:32
Nhiều báo tại Việt Nam đăng bài về buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết tại miền Trung Việt Nam.
Trong sáng 30/6, tờ Tuổi Trẻ chạy ba bài với tựa “Chiều nay công bố thủ phạm làm cá chết ở miền Trung”, “Thủ phạm làm cá chết ở miền Trung phải bồi thường!” và bài “Trừng phạt nghiêm khắc”.
Trong một bài viết, tờ Tuổi Trẻ nói: “Dù chưa rõ nguyên nhân gây cá chết nhưng dư luận lâu nay đã hướng vào tác nhân do con người xả thải, trong đó có hệ thống nhà máy ở dự án Formosa Hà Tĩnh.
“Báo chí Đài Loan mới đây đã điều tra và cho rằng chính nhà máy thép của đất nước họ đã gây hại trên vùng biển miền Trung Việt Nam.”
“Nguyên nhân do đâu chúng ta sẽ biết. Nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của con người luôn là tác nhân hủy hoại môi trường sống một cách khủng khiếp nhất.”
Các báo như Zing.vn, Pháp luật TP.HCM, VTC, Thanh Niên đều chạy bản tin giới thiệu cuộc họp báo.
Tờ Vnexpress điểm lại diễn tiến điều tra nguyên nhân gây cá chết và viết: “Ngư dân và các nhà khoa học nghi vấn hệ thống xả thải ngầm không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại của Formosa là nguyên nhân chính khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt. Đường ống xả thải dài 1,5 km, đường kính hơn một mét được chạy ngầm dưới biển. Đường ống này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo tiêu chuẩn 52/2013.”
Báo Lao Động cũng viết về “Hành trình 85 ngày tìm nguyên nhân và thủ phạm” trong đó có nhấn mạnh “chứng cứ vi phạm pháp luật của thủ phạm gây ra thảm họa”.
Báo Kinh tế – Nông Thôn chạy bài “Ngư dân Hà Tĩnh trước ngày công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết” cho thấy cảnh vắng vẻ ở làng chài và ý kiến “xin hãy cứu ngư dân, trả lại kế sinh nhai, dù nguyên nhân là gì thì chúng tôi cũng muốn biết…”
BLOG15:31
BBC
Phóng viên Cindy Sui của BBC News tại Đài Loan đã liên lạc với ông Chang Fu-ninh, Phó Chủ tịch công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhưng ông không trả lời điện thoại. Nhân viên của ông Trần nói ông đang họp, họ không xác nhận những thông tin mà tờ Vietnamet đăng.
Cindy Sui cho biết một tờ báo tại Đài Loan cũng tường thuật thông tin nói về một lá thư của lãnh đạo công ty Formosa gửi cho nhân viên và dường như đổ lỗi cho “nhà thầu phụ”.
BBC đang liên lạc với công ty mẹ Formosa Plastic tại Đài Loan để hỏi về bình luận.
Donald Trump lại nhắc tới Việt Nam
Ứng viên tổng thống trực ngôn của Mỹ một lần nữa nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Tỷ phú theo phe Cộng hòa, Donald Trump, hôm 29/6 tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, TPP.
Ứng viên này nói tại tiểu bang Pennsylvania nói rằng TPP với sự tham gia của 12 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương sẽ “buộc các nhân công Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam, một trong các quốc gia trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Doanh nhân Trump nói thêm rằng “không có cách nào để sửa lại TPP. Chúng ta cần các thỏa thuận thương mại song phương”.
Tỷ phú bất động sản cũng nhân dịp này công kích các quan điểm trước đây của đối thủ Hillary Clinton về các hiệp định thương mại tự do.
Hồi tháng Hai, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Ba tháng sau đó, ứng cử viên này nói rằng ông tức giận với sự lãnh đạo “bất tài” và “thiếu năng lực” của Mỹ chứ không phải với Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ vì “đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta”.
Trong khi đó, cho dù ông Trump từng nêu đích danh Việt Nam trong những lời chỉ trích của mình, theo giới quan sát, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người Việt chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh.
Theo Kyodo, VOA
Mang ma túy sang Australia, cụ bà gốc Việt lãnh án tử hình
Một cụ bà người Úc gốc Việt 73 tuổi mới bị kết án tử hình ở TP HCM về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” giấu trong hàng chục cục xà bông.
Bà Nguyễn Thị Hương bị Tòa án nhân dân ở Sài Gòn tuyên phạt mức án cao nhất hôm 29/6 sau gần hai năm bị giam giữ kể từ khi bị hải quan phát hiện 2,8kg chất ma túy, trị giá khoảng 10 tỷ đồng, giấu trong 36 cục xà bông trong hành lý của bà cụ này.
Theo thẩm phán, dù đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ như tuổi già, ăn năn hối cải và xin khoan hồng, nhưng vì mang một lượng ma túy lớn nên Việt kiều Úc này vẫn phải lãnh mức án tử hình.
Tại tòa, bà Hương cho biết chỉ tới khi bị bắt bà mới biết rằng kiện hàng của mình có chứa ma túy, sau khi nhận những cục xà bông từ một người phụ nữ Thái Lan khi tới thăm thân nhân ở Vũng Tàu cuối năm 2014.
Tuy nhiên, bà thừa nhận tự tay đóng hàng vào valy nên cơ quan tố tụng cho đây là căn cứ buộc bà phải chịu trách nhiệm.
Trước bà Hương, nhiều Việt kiều đã bị bắt ở phi trường tại Sài Gòn vì tìm cách mang ma túy sang Úc.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, nhiều năm qua, cảnh sát Australia và Việt Nam đã hợp tác để ngăn chặn tình trạng tội phạm xuyên biên giới liên quan tới công dân hai nước.
Theo ABC, VnE, Australian Embassy
http://www.voatiengviet.com/a/mang-ma-tuy-sang-australia-cu-ba-goc-viet-lanh-an-tu-hinh/3398595.html
Bàn tròn về công bố nguyên nhân cá chết
Bàn tròn của BBC Việt ngữ bình luận sự kiện chính phủ Việt Nam vừa công bố kết quả điều tra nguyên nhân cá chết bất thường và hàng loạt ở duyên hải miền Trung Việt Nam.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ Việt Nam tổ chức hôm 30/6/2016, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ và các Bộ trưởng Môi trường – Tài Nguyên, Khoa học & Công nghệ đã trả lời câu hỏi của báo chí.
Trước đó, giới chức Việt Nam công bố nguyên nhân gây ra cá chết và ‘thủ phạm’ đứng sau vụ việc được xác định là Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh có vốn đầu tư của Đài Loan.
Các chuyên gia và khách mời của bàn tròn sẽ cùng bình luận về sự kiện công bố này và các khía cạnh có liên quan sau khi nguyên nhân và tác nhân gây sự cố được công bố.
Chương trình được phát vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày hôm nay, 30/6 trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ, mời các quý vị bấm vào đây để theo dõi.
Trong số các khách mời có:
- GS. Lê Huy Bá, chuyên gia độc học từ TP. Hồ Chí Minh.
- Kỹ sư Đào Nhật Đình, chuyên gia môi trường công nghiệp, từ Quảng Bình.
- PGS. TS. Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách và Phát triển
- Bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện từ Vusta.
Họp báo cá chết: Mong đợi và dự đoán
Nhà khoa học ở Việt Nam nói kết quả cá chết là cần thiết để “khắc phục vấn đề” và “dự báo thiệt hại” sau thảm họa môi trường này.
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Tác An – Nguyên viện trưởng Viện Hải dương học nói với BBC Tiếng Việt: “Từ khía cạnh khoa học, tôi muốn biết thiệt hại vừa qua và dự báo thiệt hại sắp đến.
“Biết nguyên nhân vậy rồi thì sẽ giải quyết vấn đề khắc phục thế nào, nhất là giải pháp quản lý trong tương lai sẽ ra sao. Về mặt kinh tế thì sẽ ổn định sinh kế cho người dân thế nào, và tạo ra thế phát triển kinh tế biển ra sao”.
Tiến sỹ Tác An nói ông “mong đợi” cuộc họp báo chiều 30/6. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xuất hiện trước báo giới đưa ra nhận định ban đầu về thảm họa cá chết ở Việt Nam cũng như tham vấn cho Bộ Tài nguyên Môi trường.
Ông nhận định: “Hiểu được bản chất tác động môi trường khi phát triển kinh tế biển, nhất là khi phát triển những khu công nghiệp ven biển thì tác động đến môi trường, nguồn lợi thế nào. Trong khi người dân Việt Nam có khoảng hơn 20 triệu người sống trực tiếp dựa vào biển.”
“Hoàn cảnh ngư dân Việt Nam ven biển thường có cuộc sống không giàu, trình độ học vấn khó khăn, họ đã quen nghề biển hàng nghìn năm nay. Đó không chỉ là sinh kế mà là truyền thống. Nếu không có điều kiện phát triển nghề cá thì tôi cũng chưa nghĩ được họ sẽ thế nào.”
“Ở Việt Nam thì tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò mặt bằng giá đỡ cho kinh tế chính, đóng góp 27-30% trong sự phát triển.”
“Việt Nam mà không dựa vào biển thì đó là thảm họa,” tiến sỹ Tác An nói.
Thảm họa cá chết xảy ra đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam đòi làm rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng đến ngư dân bốn tỉnh miền Trung.
‘Người dân được biết gì?’
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) nói với BBC bà “không trông đợi gì ở kết quả” của cuộc họp báo.
“Các cơ quan chức năng và chính phủ đã quá vội vàng khi minh oan cho Formosa trong cuộc họp báo ngày 27/4. Cho đến hôm nay sau ba tháng thì các dấu chỉ lại dường như tập trung vào công ty Formosa. Chuyện này đặt ra nhiều vấn đề khác là ống xả thải ngầm và trách nhiệm của cơ quan chức năng,” bà Như Quỳnh nhận định.
“Không có Formosa này sẽ có Formosa khác. Và liệu người dân có quyền làm gì và có quyền được biết gì trong các dự án phát triển kinh tế mà nó có tác hại liên quan đến môi trường như vừa rồi?”
“Vụ vừa rồi cho thấy thảm họa môi trường rất khó khắc phục, đặc biệt là khi nó liên quan đến đời sống và sinh mạng con người.”
Bà Như Quỳnh dự đoán cuộc họp báo chiều 30/6: “Sau ba tháng, thì chính phủ Việt Nam đã có một phương án là cho Formosa nhận lỗi và hứa khắc phục đền bù như một cái vụ của Vedan khác, nhưng xét trên thực tế thì Formosa là vụ gây tác hại nặng nề hơn Vedan rất rất nhiều và một trong những tác hại nặng nề là ngư dân không đi đánh bắt cá nữa thì vùng biển chủ quyền thuộc về ai. Chuyện này là một câu trả lời phải xử lý những người trong các cơ quan chức năng đã để xảy ra các sai phạm này.”
‘Chậm trễ’
Bà Nguyễn Nữ Phương Dung, một nhà hoạt động của phong trào Con đường Việt Nam từ Sài Gòn nhận định cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết “là việc mà chính phủ nên làm sớm hơn và họ làm như vậy rất chậm trễ”.
Blogger Mẹ Nấm nói cuộc họp báo là “Kết quả tất yếu của người dân sau rất nhiều lần cùng các tổ chức xã hội dân sự xuống đường và đây không phải chiến thắng, bởi nếu là chiến thắng thì chúng ta đã có câu trả lời cách đây khoảng 1 tháng rồi và thời điểm đó sẽ hợp lý hơn.”
“Nhưng cũng không thể nói đây là phản ứng bình thường của chính phủ, vì chính phủ lần này bị đặt trước rất nhiều sức ép và không thể im lặng như các lần khác, chỉ là chậm hơn bình thường,” bà Quỳnh nhận định.
“Ban đầu việc xuống đường mọi người đều nghĩ là làm phiền nhiễu mọi người và làm cho ảnh hưởng đến giao thông, hoặc xuống đường bị đánh đập bắt bớ. Nhưng tiếng nói nhiều người lên tiếng đủ mạnh để quốc tế lên tiếng với chính phủ Việt Nam,” bà Phương Dung cho biết.
Chiều hôm nay 30/06, văn phòng chính phủ Việt Nam sẽ họp báo công bố nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.
Sự kiện được trông đợi này cũng là chủ đề của Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, được phát trực tuyến trên kênh Youtube của BBC vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày hôm nay, mời quý vị đón theo dõi.
Các sự kiện liên quan tới vụ cá chết
BBC Tiếng Việt điểm lại những diễn biến quan trọng trong vụ cá chết bí hiểm ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Tháng Tư 2016: Cá chết hàng loạt
Ngày 6: Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà). Cá chết nhiều trong các ngày 6-7/4.
Ngày 10: Hiện tượng cá chết xuất hiện tại Quảng Bình. Số lượng
Ngày 15: Cá chết lan đến Thừa Thiên – Huế.
Ngày 16: Xuất hiện cá chết tại Quảng Trị.
Ngày 21: Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng được vì đây là khu vực có yếu tố nước ngoài, “đoàn không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra”.
Ngày 22: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hà Tĩnh “kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thông mới và tiến độ dự án Formosa”.
Một người dân lặn biển, ông Nguyễn Xuân Thành phát hiện thấy đường ống xả thải hóa chất dưới đáy biển, “nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi cảm thấy rất ngạt thở”.
Ngày 23: Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân nói việc báo chí “khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển”, đồng thời khẳng định “Formosa được phép xả thải” và đường ống ngầm của hãng là hoàn toàn hợp pháp.
Phó viện trưởng Viện Nguyên cứu Hải sản Nguyễn Viết Nghĩa tuyên bố cá chết bất thường là do “độc chất mạnh”, với nguồn nước biển ô nhiễm xuất phát từ khu công nghiệp Vũng Áng.
Ngày 24: Cuộc họp giữa Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Tài nguyên Môi trường nói Formosa có một số “vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống”.
Bộ Tài nguyên Môi trường nói sẽ tìm ra kết quả gây cá chết trong “5 ngày nữa”.
Ngày 26: Formosa Hà Tĩnh ra thông cáo nói họ “kinh ngạc” và “không thể hiểu nổi” tình trạng sinh vật biển chết, gây ô nhiễm trên biển với quy mô lớn. Năm thợ lặn tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện sau khi lặn từ khu vực biển Vũng Áng lên.
Ngày 27: Có thông tin xuất hiện cá chết ở Đà Nẵng. Chính phủ ra công điện yêu cầu bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy hải sản chết bất thường.
Bộ Tài nguyên Môi trường ra kết luận ban đầu theo đó nói có hai khả năng gây ra tình trạng cá chết, gồm tác động độc tố hoá học của con người và trên biển, và là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Formosa Hà Tĩnh được xác định là “chưa thấy có mối liên hệ nào” với tình trạng cá chết hàng loạt
Ngày 28: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc họp Chính phủ về kết quả xét nghiệm mẫu xác định “bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ”.
Ngày 29: Khu vực biển Đà Nẵng tiếp tục có tình trạng cá chết dạt bờ ồ ạt, trong đó có nhiều cá thể cỡ lớn, tới 10kg
Ngày 29-30: Người dân làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình biểu tình phản đối thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung.
Tại Huế, một nhóm nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng về vụ cá chết nhưng bị công an can thiệp.
Ngày 30: bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã cùng các lãnh đạo đi tắm biển cùng người dân và ăn cá để giải tỏa lo âu cho người dân.
Tháng Năm 2016: Biểu tình diễn ra ở nhiều nơi
Ngày 1: Tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối thảm họa môi trường này, yêu cầu minh bạch và tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Trong bản tin 20 giờ, Đài truyền hình Việt Nam VTV công bố bắt hai nhà hoạt động tên Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn vì đã tới khu vực Formosa vầ Kỳ Hà, Hà Tĩnh “thu thập thông tin và hình ảnh để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân”.
Người lao động Việt Nam tại Đài Loan xuống đường thể hiện quan điểm về sự kiện cá chết tại khu vực Hà Tĩnh.
Ngày 2: Vào giờ đêm, Văn phòng Chính phủ phát đi thông cáo yêu cầu giám sát hệ thống xả thải của công ty Formosa, cấp gạo và hỗ trợ tài chính cho ngư dân, đồng thời đề nghị ngư dân đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý và hỗ trợ tiêu hủy cá chết.
Ngày 3: Bảy linh mục tại các giáo xứ trong huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh gửi kiến nghị lên thủ tướng vì vụ cá chết hàng loạt xảy ra trong khu vực này.
An ninh Việt Nam thả ông Chu Mạnh Sơn, một nhà hoạt động bị bắt tại khu vực Vũng Áng, tâm điểm của thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Ông Chu Mạnh Sơn được thả sáng ngày 3/5. Tuy nhiên, người bị bắt cùng đợt với ông là ông Trương Minh Tam hiện vẫn chưa được thả.
Ngày 5: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Bộ Thông tin – truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, kích động nhằm ổn định tình hình, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận”.
Ngày 6: Lời kêu gọi tiếp tục biểu tình ngày 8/5 được phát đi trên mạng xã hội với lý do ‘Chính phủ cố tình chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết’.
Ngày 8: Hàng trăm người dân Việt Nam ở Sài Gòn và nhiều thành phố, địa phương trong cả nước đã xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt.
Ngày 14: Nhiều nhà hoạt động nói họ bị “tạm giữ” và “ngăn cản” ngay tại nhà, không thể tham gia xuống đường biểu tình trong tuần thứ ba liên tiếp vì sự kiện cá chết ở miền Trung Việt Nam.
Ngày 15: Các cuộc biểu tình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhanh chóng bị giới chức trấn áp. Tin tức nói nhiều người biểu tình đã bị các lực lượng an ninh bắt giữ
Ngày 27: VTV phát chương trình ’60 phút mở: Bạn chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì, trong đó người dẫn chương trình Tạ Bích Loan cùng năm khách mời chất vấn Phan Anh, một MC của VTV, “Tại sao bạn lại phải chia sẻ clip hai con cá chết của Vũng Áng?” ’60 phút mở’ đã gây tranh luận gay gắt trong cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam
Ngày 29: Hàng trăm người Việt tại Nhật biểu tình đòi làm rõ nguyên nhân thảm họa cá chết tại Việt Nam.
Tháng Sáu 2016: Công bố nguyên nhân cá chết
Ngày 5: Tại Hà Nội, cuộc tuần hành nhân ngày Môi trường Thế giới và vì ‘cá chết hàng loạt, bất thường’ bị các lực lượng an ninh nhanh chóng giải tán. Một số người tham gia bị bắt đưa đi.
Ngày 8: Hà Tĩnh buộc Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) lắp thiết bị tự động kiểm soát khí chất thải, bụi tại các lò cao nhiệt điện.
Ngày 11: Tôm hùm và cá chết hàng loạt ở biển Phú Yên.
Ngày 12: Hàng trăm người dân ở khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An xuống đường, tuần hành từ nhà thờ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sau đó tuần hành trên Quốc Lộ 37.
Ngày 16: Quốc hội Đài Loan họp báo liên quan tới cáo buộc Formosa Hà Tĩnh thải chất độc gây ô nhiễm. Formosa Plastic Group bị áp lực từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sỹ và một hội đoàn của người Việt, chất vấn về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.
Ngày 26: Một số báo Việt Nam đăng bài về phóng sự dài 60 phút ‘Việt Nam – Cái chết của cá’ phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.
Ngày 28: Formosa ký biên bản thừa nhận sai phạm, trước sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ ngành Việt Nam, trong đó có cả Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án tối cao và đại diện bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.
Ngày 29: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Nguyên Thành phát biểu, công khai thừa nhận những sự cố tại Formosa Hà Tĩnh “là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tình miền Trung của Việt Nam”, nhưng nói nguyên nhân không phải do Formosa Hà Tĩnh mà là do các nhà thầu phụ của hãng gây ra.
Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.
Ngày 30: Văn phòng Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, theo đó xác định là do sự cố xả thải và từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh. Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.
Nhận xét
Đăng nhận xét