Tin tức trong nước – 27/06/2016
Thanh niên Anh ‘tử vong vì ngã xuống thác ở Fansipan’
Anh Aiden Webb, 22 tuổi, đã thiệt mạng sau khi ngã xuống thác khi leo ngọn núi cao nhất Việt Nam đầu tháng này.
Gia đình của anh Webb cho báo chí Anh biết nguyên nhân dẫn tới cái chết của thanh niên này hôm 27/6.
Hôm 3/6, khách du lịch này đã gọi cho bạn gái thông báo rằng anh đã bị thương sau khi bị ngã lúc leo núi.
Sau đó, anh Webb lại ngã xuống một thác nước trong khi tìm cách leo lên khỏi chỗ gặp nạn.
Khám nghiệm tử thi cho thấy anh Webb tử vong vào ngày 4/6 sau khi bị ngã từ độ cao 18 mét.
Nạn nhân đến Sa Pa, Lào Cai ngày 2/6 và nghỉ ở thị trấn này. Sáng hôm sau, anh để bạn gái ở lại khách sạn và đi leo Fansipan một mình.
Hai người vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại và Facebook. Du khách này xuất phát từ thôn Sín Chải, leo dọc tuyến dây cáp của cáp treo Fansipan.
Đến 18h cùng ngày, Webb báo bị ngã xuống thác, chấn thương đầu gối và bị đá cắt tay rách sâu chảy nhiều máu.
Anh cũng gửi vị trí định vị bị ngã qua tin nhắn cho bạn gái. Hai người vẫn nhắn cho nhau đến 6h sáng 4/6 thì mất liên lạc.
Sau khi nhận được yêu cầu từ phía Anh, Việt Nam đã triển khai lực lượng hơn 100 người đi tìm kiếm anh Webb.
Thi thể của khách du lịch “bụi” này được phát hiện hôm 9/6.
Năm 2013, một sinh viên đại học của Việt Nam cũng mất tích khi leo núi Fansipan.
Theo BBC, Reuters, VnExpress, Thanh Niên
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc thăm Việt Nam
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt Nam hôm 27/6 theo lịch đã có từ trước nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước vào lúc mối quan hệ này đang bị căng thẳng bởi những tranh chấp ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm, ông Dương cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh làm đồng chủ tọa Ban chỉ đạo về hợp tác song phương Việt-Trung có mục tiêu tăng cường quan hệ và giải quyết tranh chấp.
Phát biểu sau khi đón ông Dương, ông Phạm Bình Minh nói: “Chúng tôi vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước trong thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cho dù có một số vấn đề còn tồn tại cần giải quyết”.
Chuyến thăm của ông Dương, người có cấp bậc cao hơn bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, diễn ra vào lúc Trung Quốc ráo riết vận động để các nước khác xem nhẹ một phán quyết sắp được một tòa quốc tế đưa ra có thể làm suy yếu lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng ông Dương có phần chắc sẽ không tìm cách giành lấy sự thông cảm từ Việt Nam, vốn là nước có vấn đề về lòng tin đối với Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam cũng trở nên gần gũi hơn với Philippines.
Ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói ông Dương có thể cố gắng vận động các nhà lãnh đạo Việt Nam song Việt Nam sẽ không thay đổi sự phản đối của mình đối với việc Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông.
Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà học thuật làm cố vấn cho chính phủ, nói không có “nghị trình bí mật” trong chuyến thăm của ông Dương và sẽ không có thỏa hiệp nào về Biển Đông.
Mặc dù Việt Nam không tham gia cùng Philippines trong việc khiếu nại về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại tòa trọng tài ở La Haye, song Việt Nam sẽ có lợi nếu tòa ra phán quyết tích cực cho Philippines. Hà Nội đã đồng thanh cùng Manila trong các lời phản đối về việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và những cơ sở quân sự tại những nơi đó. Việt Nam cũng phản đối các hành vi của lực lượng tuần duyên Trung Quốc và những vụ mà Việt Nam cho là Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo dự liệu, phán quyết của tòa La Haye sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Nhiều người đang lo ngại về những phản ứng của Trung Quốc trong trường hợp phán quyết bất lợi cho nước này.
Theo Reuters, Abcnews, Ibtimes.
Truyền thông VN ‘thua’ Đài Loan trong việc đưa tin vụ cá chết
Hồi tuần trước, kênh truyền hình PTS của Đài Loan đã hai lần phát sóng phóng sự dài 60 phút về thảm họa cá chết ở các tỉnh miền trung Việt Nam, gây sự chú ý lớn tại đảo quốc này.
Phóng sự mô tả sự kiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh của Việt Nam và nhấn mạnh nạn cá chết đã làm cho cuộc sống người dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh khó khăn. Trả lời các phóng viên Đài Loan, nhiều người dân địa phương cho biết ngoài sinh kế bị ảnh hưởng trầm trọng, sau khi ăn phải cá trong vùng ô nhiễm, sức khỏe họ cũng ảnh hưởng. Họ cũng cáo buộc thẳng thừng trong phóng sự rằng “Chính Formosa là nguyên nhân gây ra tai họa cho cái chết của cá”.
Các phóng viên của PTS đưa vào phóng sự nhiều ý kiến tại Đài Loan yêu cầu làm rõ vai trò của Tập đoàn Formosa, vốn bị nghi là nguyên nhân số 1 gây ra vụ ô nhiễm biển nghiêm trọng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Truyền thông truyền thống của Việt Nam thua hẳn truyền thông của Đài Loan trong vụ này, vì đây là sự kiện xảy ra ở Việt Nam mà chúng ta không thực hiện được, trong khi đó họ lại sang họ thực hiện…Khi tôi xem phóng sự của họ tôi thật sự rất cảm động vì nó rất chi tiết. Tôi thấy họ rất là lăn lộn, rất bám sát hiện trường, lắng nghe người dân, thì mới làm được phóng sự như vậy.
Cựu ký giả Phạm Đoan Trang nói.
Rất nhiều người Việt Nam đã chia sẻ phóng sự đó trên mạng internet. Báo chí chính thống của Việt Nam cũng trích đăng nội dung của phóng sự.
Nhiều người Việt Nam đã so sánh lượng thông tin và tính cân bằng trong phóng sự của PTS với những tin bài của truyền thông Việt Nam. Bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, họ cho rằng truyền thông Việt Nam đã không “dám” làm những phóng sự có chiều sâu và phản ánh được mối lo, các suy nghĩ của chính người dân Việt Nam như các đồng nghiệp nước ngoài đến từ Đài Loan. Họ cũng đặt câu hỏi vì sao sự việc xảy ra trên đất Việt Nam mà các phóng viên trong nước lại không đưa tin được tương tự mà phải đăng lại phóng sự của nước ngoài.
Bình luận về sự hơn kém giữa báo chí Việt Nam và Đài Loan trong việc đưa tin về vụ cá chết, bà Phạm Đoan Trang, một cựu ký giả và nay là một nhà hoạt động vì các quyền tự do, nói với VOA:
“Truyền thông truyền thống của Việt Nam thua hẳn truyền thông của Đài Loan trong vụ này, vì đây là sự kiện xảy ra ở Việt Nam mà chúng ta không thực hiện được, trong khi đó họ lại sang họ thực hiện. Tôi có may mắn giúp cho quá trình làm việc của một đồng nghiệp Đài Loan ở Việt Nam. Tôi biết là họ cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Khi tôi xem phóng sự của họ tôi thật sự rất cảm động vì nó rất chi tiết. Tôi thấy họ rất là lăn lộn, rất bám sát hiện trường, lắng nghe người dân, thì mới làm được phóng sự như vậy. Về mặt nghiệp vụ, về mặt chất lượng, cũng như về mặt tốc độ, tóm lại về mọi mặt, truyền thông truyền thống của Việt Nam thua Đài Loan”.
Cái họ quan tâm là người dân sống ra sao, cái họ quan tâm là thảm họa quy mô nó lớn đến mức nào, và phản ứng của người dân ra sao, đi biểu tình thì bị đàn áp ra sao. Họ rất quan tâm, vì họ quan tâm đến nhân quyền nữa. Họ đặc biệt quan tâm đến sự kiện biểu tình bị đàn áp rất là tàn bạo vào ngày 8/5 ở cả Sài Gòn và Hà Nội.
Bà Đoan Trang nói.
Bà Trang chỉ ra rằng truyền thông Việt Nam nói chung và đài truyền hình quốc gia VTV nói riêng cũng làm ra các phóng sự về nạn cá chết ở miền trung, song chỉ “tiếp xúc một phía”. Bà cũng nhận xét trong khi không đưa tin đủ toàn diện về vụ khủng hoảng, truyền thông Việt Nam lại “sâu sát quá” và “rất xuất sắc” trong việc vu cáo về các nhà hoạt động đòi minh bạch thông tin về nạn ô nhiễm biển và khủng hoảng cá chết.
Trong khi đó, là người trực tiếp làm việc với các nhà báo Đài Loan, bà Trang cho rằng phóng sự của PTS có giá trị và gây xúc động vì nó cho thấy sự quan tâm đến những thân phận của người dân và nhân quyền.
“Cái họ quan tâm là người dân sống ra sao, cái họ quan tâm là thảm họa quy mô nó lớn đến mức nào, và phản ứng của người dân ra sao […], đi biểu tình thì bị đàn áp ra sao. Họ rất quan tâm, vì họ quan tâm đến nhân quyền nữa. Họ đặc biệt quan tâm đến […] sự kiện biểu tình bị đàn áp rất là tàn bạo vào ngày 8/5 ở cả Sài Gòn và Hà Nội.
Lý giải tại sao VTV, đài truyền hình quốc gia của Việt Nam có đủ các lợi thế về nhân lực, nguồn lực to lớn tại chỗ, cũng như các thuận lợi về mặt pháp lý, song đã không làm ra một phóng sự toàn diện, phản ánh quan điểm những người dân bị ảnh hưởng, bà Trang nêu ra sự khác biệt giữa VTV nói riêng, báo chí Việt Nam nói chung và báo chí Đài Loan như sau:
“Phóng viên VTV họ có đủ mọi lợi thế […] Nhưng với từng đó lợi thế họ không làm được bởi vì suy nghĩ của họ bị đóng khung. Họ không nghĩ về người dân, mặc dù họ tưởng họ nghĩ về người dân. Nhưng thực ra không phải. Những gì họ làm thực ra thiên về giải thích đường lối của nhà nước, ủng hộ nhà nước thì đương nhiên rồi, giải thích những cái khó khăn, bất lợi mà nhà nước đang gặp phải, quan chức Việt Nam đang gặp phải trong việc giải quyết thảm họa môi trường này. Tức là họ đứng về phía chính quyền, chứ chưa bao giờ đứng về phía người dân. Đó là sự khác biệt căn bản giữa phóng viên của Việt Nam, VTV, và phóng viên của Đài Loan”.
Mặc dù nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng phóng sự của truyền hình Đài Loan phần nào động chạm đến lòng tự ái nghề nghiệp của báo giới Việt Nam, song họ cũng cho rằng có phần chắc là các nhà báo Việt Nam sẽ vẫn chọn “phương án an toàn” là “làm theo các chỉ đạo từ nhà nước”.
Biển Đông : Các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài và hệ lụy đối với Việt Nam
Theo nhiều nguồn tin báo chí, có thể vào đầu tháng Bẩy 2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ ra các phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines.
Kể từ khi đệ đơn khởi kiện vào tháng Giêng năm 2013, theo yêu cầu của Tòa, các chuyên gia của Philippines đã nhiều lần bổ sung hồ sơ và ra điều trần để giải thích lập trường của Manila.
Chính quyền Philippines nhấn mạnh là buộc phải sử dụng phương thức này sau khi các cuộc đàm phán với Trung Quốc đều thất bại.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và không tham gia vụ kiện. Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục chỉ trích Philippines đơn phương có hành động pháp lý và nhiều lần khẳng định không chấp nhận phán quyết của tòa.
Việt Nam là một trong các bên có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, không chỉ với Trung Quốc, Đài Loan mà còn cả với Philippines, tại quần đảo Trường Sa. Do vậy, các vấn đề mà Philippines đệ trình xin phán quyết của Tòa liên quan đến quyền và lợi ích của Việt Nam.
Giới phân tích đã có nhiều bình luận về phản ứng của Trung Quốc và Philipines về những phán quyết mà Tòa Án Trọng Tài có thể đưa ra, nhưng chưa từng nói tới thái độ của Việt Nam.
Vậy các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài là gì ? Các quyết định này tác động ra sao đối với quyền và lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông ?
Qua thư điện tử, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, trả lời các câu hỏi của RFI.
Trước tiên, ông nêu ra các kịch bản về quyết định của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong vụ Philippine kiện Trung Quốc :
Tháng 10 năm ngoái, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã quyết định là có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 vấn đề tranh chấp mà Philippines đệ trình và giờ đây, tòa đang quyết định liệu có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp khác qua việc xem xét các nội dung.
Khi đưa ra quyết định như vậy vào năm ngoái, Tòa Án Trọng Tài đã nêu rõ là cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS và các hình thức bắt buộc giải quyết tranh chấp là một phần của UNCLOS. Cả hai nước đã chấp nhận rang buộc này khi tham gia UNCLOS. Và Tòa Án Trọng Tài đã khẳng định là chính định chế này – chứ không phải Trung Quốc hay một bên nào khác – có quyền quyết định xem Tòa có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp được đệ trình lên. Ngoài ra, Tòa Án Trọng Tài cũng quyết định là tất cả các bên ký kết Công ước « không được tự do nhặt chọn những phần trong Công ước mà họ muốn chấp nhận hoặc bác bỏ ».
Tòa Án Trọng Tài có thể ra phán quyết về bốn loại vấn đề: (1) quy chế và quyền, chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, của các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng; (2) bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn – Mischief Reef; (3) việc ngăn cản trái phép các hoạt động của ngư dân, máy bay và tàu quân sự của Philippines; (4) quy chế pháp lý của « quyền lịch sử » cũng như bản đồ chín đoạn của Trung Quốc.
Nếu ra phán quyết về quy chế các thực thể tại Biển Đông, Tòa Án Trọng Tài sẽ tuyên bố là những thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, là đá, là đảo. Đây sẽ là phán quyết quan trọng nhất trong vụ kiện này. Những thực thể nửa chìm nửa nổi thì không có bất kỳ vùng lãnh hải hay không phận nào cả. Đá và đảo có lãnh hải 12 hải lý và đảo thì có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việc xác định này sẽ giúp làm rõ các lãnh hải của từng thực thể và có thể là một bước hướng tới việc giải quyết các đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn.
Nếu Tòa Án Trọng Tài ra phán quyết là Trung Quốc đã vi phạm các trách nhiệm của họ chiểu theo UNCLOS liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển xung quanh Scarborough và Mischief Reef thì điều này có thể buộc Trung Quốc phải lùi bước và tạo ra một lý do có tiếng vang lớn cho các nước khác chỉ trích bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung Quốc.
Tòa Án Trọng Tài có thể phán quyết rằng Trung Quốc đã ngăn cản trái pháp luật các ngư dân Philippins thực hiện quyền truyền thống đánh bắt hải sản trong vùng biển của nước này, đặc biệt là trong vùng Scarborough, cũng như Trung Quốc đã ngăn chặn trái pháp luật việc qua lại của tàu bè và máy bay Philippines. Phán quyết này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho Hoa Kỳ và các nước khác trong việc ủng hộ Philippines.
Cuối cùng, Tòa Án Trọng Tài có thể tuyên bố rằng bản đồ chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Điều này liên quan đến việc xác định yêu sách của Trung Quốc về « các quyền lịch sử » và liệu đòi hỏi này có còn có giá trị hay không sau khi Trung Quốc tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Về điểm này, Việt Nam có lợi nhất bởi vì không hề có tranh chấp đối với các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và phán quyết của Tòa Án Trọng Tài sẽ xóa bỏ những vùng lãnh thổ chồng lấn mà Trung Quốc vẫn đòi hỏi.
- Nếu phán quyết của Tòa không có lợi cho Philippines thì Việt Nam có thể làm gì?
Dường như Tòa Án Trọng Tài sẽ không ra phán quyết đơn lẻ nào bởi vì có một loạt các vấn đề pháp lý nẩy sinh. Các vấn đề này được chia thành những lĩnh vực mà Tòa Án Trọng Tài quyết định là có thẩm quyền xem xét, còn các vấn đề khác sẽ được quyết định theo nội dung. Thắng, thua hay hòa thì trường hợp của Philippines sẽ cho thấy là tất cả các bên ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đều liên quan đến các cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật định.
Quyết định quan trọng nhất có ảnh hưởng tới Philippines là phải chăng Tòa Án Trọng Tài sẽ tuyên bố Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình – tên quốc tế Itu Aba) là một đảo và như vậy có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Quyết định này có thể gây ra các vùng biển chồng lấn. Tòa Án Trọng Tài không có thẩm quyền đối với các hoạt động thực thi pháp luật trên biển liên quan đến các hoạt động đánh bắt hải sản hoặc nghiên cứu khoa học trong những vùng biển này. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục quấy nhiễu các tàu cá của Philippines và Việt Nam trong vùng này, cho dù đảo Ba Bình (Itu Aba) hiện do Đài Loan chiếm giữ.
- Trong trường hợp phán quyết của tòa có lợi cho Philippines, thì Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?
Việt Nam sẽ chịu áp lực là chỉnh sửa các đường cơ sở cho phù hợp với luật pháp quốc tế, ví dụ như đường cơ sở có hình « người đàn bà mang bầu » ở phía đông-đông nam. Việt Nam cũng chịu áp lực là phải tuyên bố thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, đá hay đảo.
- Vậy Hà Nội sẽ phản ứng ra sao vì Việt Nam và Philippines có các tranh chấp đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa?
Vì Việt Nam và Philippines đều có những đòi hỏi chồng lấn tại một số thực thể, một phán quyết của Tòa Án Trọng Tài có thể làm cho một số thực thể của Việt Nam bị xếp trong cùng loại với các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Cả hai nước, Việt Nam và Philippines, đều bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là phải tiến hành đàm phán để giải quyết tranh chấp hoặc nếu đàm phán thất bại thì phải đưa ra « những biện pháp có tính thực tế » để tránh xung đột.
- Nếu Tòa Án Trọng Tài tuyên bố Ba Bình (Itu Aba) chỉ là đá chứ không phải là đảo thì theo giáo sư, Việt Nam có ở vị thế khó khăn hay không?
Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn nếu như Tòa Án Trọng Tài tuyên bố Ba Bình (Itu Aba) là đá. Không có các tranh chấp đối với những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Việt Nam có thẩm quyền không thể tranh cãi đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nếu là đá, Ba Bình (Itu Aba) sẽ có vùng biển xung quanh hạn chế (chỉ có lãnh hải 12 hải lý chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) và điều này sẽ thu nhỏ vùng tranh chấp giữa Đài Loan và các bên đòi hỏi chủ quyền.
- Giáo sư có nghĩ rằng Việt Nam phải xem xét lại Luật Biển của mình để cho phù hợp với phán quyết của Tòa Án Trọng Tài?
Việt Nam có thể phải xem xét lại làm thế nào áp dụng được Luật Biển của mình cho phù hợp với các nghĩa vụ của một nước đã ký kết UNCLOS, ví dụ như chỉnh sửa lại đường cơ sở cho phù hợp với luật pháp quốc tế và không mở rộng thẩm quyền của mình đối với các thực thể nửa chìm nửa nổi. Tùy thuộc xem liệu Tòa Án Trọng Tài có ra phán quyết về các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế như thế nào mà Việt Nam có thể phải xem xét lại việc yêu cầu các tàu bè nước ngoài phải thông báo trước, khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Theo một số nhà phân tích, nếu như Tòa Án Trọng Tài ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, điều này sẽ khuyến khích các nước đang có tranh chấp theo gương Philippines. Giáo sư có nghĩ là Việt Nam sẽ đưa hồ sơ này ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực?
Nếu Trung Quốc tiếp tục phớt lờ các yêu cầu tôn trọng các quyết định của Tòa Án Trọng Tài và tiếp tục quấy nhiễu ngư dân và các tàu tiếp vận của Việt Nam tại Biển Đông, Việt Nam và các nước khác như Indonesia và Malaysia có thể khởi kiện. Tuy nhiên, quyết định của mỗi nước dựa trên các vấn đề chính trị đối nội cũng như quan hệ với Trung Quốc. Trong quá khứ, các lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rằng hành động pháp lý là bước cuối cùng. Ứng xử của Trung Quốc đối với quyết định của Tòa Án Trọng Tài sẽ là yếu tố quyết định.
*
Đa số các nhà quan sát cho rằng có nhiều khả năng Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines.
Do vậy, trong những tuần qua, Trung Quốc đã mở chiến dịch vận động ngoại giao và tuyên truyền là có nhiều nước ủng hộ.
Tuy tuyên bố không chấp nhận các phán quyết của Tòa, nhưng việc không tôn trọng các quyết định của Tòa sẽ làm tổn hại hình ảnh Trung Quốc.
Trong một động thái gần như là tuyệt vọng, theo Kyodo, Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa bằng cách rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nếu Tòa ra phán quyết trái ngược với lập trường của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
Nhận xét
Đăng nhận xét