Tin tức khắp nơi – 29/06/2016
Mỹ, Nhật và Nam Hàn tập trận chung
Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản lần đầu tiên tập trận chung về dò đường tên lửa.
Cuộc tập trận được thực hiện tại ngoài khơi Hawaii sau khi Bắc Hàn liên tục thử tên lửa đạn đạo tầm trung.
Hầu hết các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã không thành nhưng vụ thử lần thứ sáu thành công vào tuần trước đã gây quan ngại cho khu vực.
Bắc Hàn trước đó cũng tiến hành bốn lần thử vũ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng nói các cuộc tập trận ba bên này là “hành động khiêu khích quân sự”.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn nói Hoa Kỳ và “thế lực thù địch” khác là một “mối đe dọa thường trực” cho an ninh của Bắc Hàn và tái khẳng định cam kết theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Quân đội Hoa Kỳ nói các cuộc tập trận với tên gọi ‘Rồng Thái bình’ sẽ tăng cường các mối quan hệ “vốn đã mạnh của cả ba quốc gia tham dự”.
Hạm đội Ba của Hoa Kỳ nói tập trận không bắn tên lửa nhưng mỗi nước thử nghiệm Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Cảnh báo sớm và thử nghiệm các hệ thống liên lạc và thu thập dữ liệu.
Hệ thống cảnh báo sớm (Aegis) cho phép tàu chiến bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương khi đang bay trước khi trước khi có bất kỳ nguy cơ gây thiệt hại nào.
LHQ có các nghị quyết cấm Bắc Hàn sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Nhưng Bình Nhưỡng đã bắn hai tên lửa chỉ cách nhau vài giờ vào ngày 22 tháng Sáu, với một tên lửa bay xa 400km và đạt độ cao 1.000km.
Cả hai tên lửa này được cho là loại tên lửa tầm trung Musudan có tầm với 3.000 km, đủ vươn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.
Động thái này được xem là bước tiến quan trọng cho chương trình vũ khí của Bắc Hàn trong lúc Nhật Bản nói đây là “một mối đe dọa nghiêm trọng”.
Sân bay Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bom, ít nhất 28 người chết
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai, và có lẽ là ba, kẻ đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 28 người và làm bị thương ít nhất 40 người khác vào cuối ngày thứ Ba, trong hai vụ nổ tại sân bay Ataturk của thành phố Istanbul.
Truyền hình nhà nước cho biết một trong những vụ nổ xảy ra tại một điểm kiểm soát ở lối vào ga đến quốc tế. Những nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn vào những nghi phạm sau khi một kẻ tấn công lúc đầu bắn bằng một khẩu súng mà sau đó được mô tả là súng trường Kalashnikov.
Chưa có tuyên bố nhận trách nhiệm ngay lập tức.
Truyền hình chiếu cảnh hỗn loạn tại sân bay lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới. Trong khi cảnh sát nắm quyền kiểm soát ga sân bay, số người chết bắt đầu gia tăng, sau khi báo cáo ban đầu cho biết có 10 người chết.
Istanbul đã là mục tiêu của một số vụ tấn công khủng bố trong năm nay, trong đó có vụ đánh bom nhắm vào một xe buýt chở cảnh sát làm thiệt mạng 11 người vào ngày 7 tháng 6.
Không ai lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó. Nhưng phiến quân người Kurd đấu tranh giành quyền tự trị ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã có liên hệ tới một loạt những vụ tấn công tương tự trong những tháng gần đây.
Ataturk là sân bay lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là một đầu mối giao thông chính cho hành khách quốc tế. Tất cả những chuyến bay đã bị đình chỉ sau vụ tấn công. Sau đó nhà chức trách cho phép những chuyến bay tới đang bay vòng vòng bên trên thành phố bắt đầu hạ cánh. Tất cả những chuyến bay tới khác đều được chuyển hướng.
Phi trường Istanbul mở lại sau vụ tấn công khủng bố
Hôm nay, Phi trường Quốc tế Ataturk tại Istanbul đã mở cửa sau một vụ tấn công tự sát tối ngày hôm qua làm 41 người thiệt mạng và làm ít nhất 147 người bị thương.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trong một tuyên bố tại phi trường Ataturk ngày hôm nay nói “Phi trường của chúng tôi đã mở cho các chuyến bay đi và đến vào lúc 2:20 giờ địa phương.”
Hãng hàng không Turkish Airlines nói đã thực hiện lại tất cả các chuyến bay, và Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Phi trường Ataturk ở Istanbul vào cuối ngày hôm qua.
Tuy nhiên ngày hôm nay, Iran vẫn còn ngưng các chuyến bay đến Istanbul.
Các đoạn phim truyền hình ngày hôm qua cho thấy tình trạng hỗn loạn tại phi trường Ataturk – phi trường lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới.
Thông tín viên Đài VOA Dorian Jones ở Istanbul nói một trong những tay đánh bom đã kích nổ bên ngoài ga đến quốc tế. Khu vực này thường đầy người chờ phương tiện chuyên chở. Hai kẻ tấn công khác được biết đã tìm cách vào bên trong phi trường, nơi được cảnh sát vũ trang đầy đủ và các máy chiếu quang tuyến X bảo vệ.
Một nhân chứng tại hiện trường nói với ban Thổ Nhĩ Kỳ Đài VOA là “Có hai tiếng nổ nhỏ và sau đó là một tiếng nổ lớn. Mọi người chạy tán loạn. Họ không biết chạy đi đâu. Chúng tôi đang chờ em gái tôi, nhưng không thể tìm được. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi.”
Một người mục kích thứ hai cũng cho biết về cảnh tượng hỗn loạn này “Có những tiếng súng nổ tại một hướng và ở hướng khác có tiếng bom nổ, và mọi người tranh nhau bỏ chạy và nhiều người máu me đầy mình nằm trên lề đường.”
Thủ tướng Albania, ông Edi Rama, có mặt trên chiếc máy bay đáp xuống phi trường Ataturk chỉ vài phút sau những cuộc tấn công. Sau đó ông chia buồn cùng với những nạn nhân. Trên trang Twitter chính thức của ông, Thủ tướng Albania nói ông cảm thấy “thương tiếc cho những sinh mạng vô tội bị cướp mất trong hành vi đã man của những người không có Đức Chúa Trời hay không có hy vọng hay một chỗ đứng giữa nhân loại.”
Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm nhưng Thủ tướng Yildirim nói những chứng cớ ban đầu cho thấy đây là một cuộc tấn công của những phần tử cực đoan Nhà nước Hồi Giáo mà tiếng Ả Rập gọi là “Daesh.” Ông gọi vụ tấn công này là “hèn nhát” và cho biết nước ông quyết tâm tiếp tục chiến đấu chống lại những phần tử cực đoan.
Ông Yildirim nói “Đoàn kết là câu trả lời tốt nhất đối với khủng bố.”
Nhà nước Hồi Giáo đã bị qui trách về hai cuộc đánh bom tự sát trước đây trong năm tại Istanbul nhắm vào các du khách nước ngoài.
Tổ chức nổi dậy PKK người Kurd cũng thực hiện những vụ đánh bom tự sát, nhưng thường nhắm vào các lực lượng an ninh, như vụ tấn công vào một xe buýt cảnh sát trong tháng này làm 11 người thiệt mạng.
Trong năm qua cả Ankara lẫn Istanbul đều đã xảy ra những vụ đánh bom do Nhà nước Hồi Giáo và phe nổi dậy người Kurd thực hiện, làm cho mấy mươi người thiệt mạng.
Hoãn dẫn độ trùm ma túy El Chapo sang Mỹ
Một thẩm phán của Mexico đã tạm thời dừng việc dẫn độ sang Mỹ trùm ma túy có thế lực nhất của Mexico Jaoquin Guzman, thường được gọi là El Chapo, một trong những tội phạm khét tiếng nhất thế giới.
Sau khi các luật sư của ông Guzman đệ đơn kháng cáo hôm 27/6, thẩm phán này đã phán quyết 1 ngày sau đó rằng những đơn của họ cần phải được xem xét và các luận cứ kháng cáo cần phải được nghe trước khi trùm ma túy này được dẫn độ.
Các luật sư của ông trùm ma túy cho rằng quy chế thời hiệu đã mãn trong một số tội ông ta bị cáo buộc ở Mỹ và một số cáo buộc chống lại ông ta được dựa nhiều vào tin đồn hơn là vào bằng chứng.
Tuy nhiên, các giới chức Mỹ vẫn tin rằng ông ta sẽ bị đưa sang Mỹ trong năm nay mặc dù luật sư của ông Guzman nói có thể mất đến 3 năm.
Ông Guzman bị truy nã ở các tiểu bang California và Texas vì tội buôn bán ma túy, rửa tiền và giết người.
Mexico đã chấp thuận dẫn độ ông ta tới Mỹ vào tháng 5 sau khi biết chắc rằng ông ta sẽ không phải đối mặt với án tử hình. Mexico không còn áp dụng án tử hình và tránh việc dẫn độ sang các nước có khung hình phạt này.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto ban đầu chống lại việc dẫn độ này và muốn xử tội phạm khét tiếng này tại Mexico.
Ông Guzman bị bắt vào tháng 1 sau khi trốn thoát khỏi 1 nhà tù có mức an ninh cao nhất vào tháng 7/2015 trong một vụ đào thoát làm chính phủ Mexico bối rối. Ông ta đã trốn thoát ra ngoài bằng cách bò qua một lỗ đào trong phòng giam tới một đường hầm dài 1.5 km.
Ông Guzman cũng đã trốn thoát khỏi nhà tù ở Guadalajara vào năm 2001 và chạy trốn trong 13 năm trước khi bị bắt lại nhờ sự cung cấp thông tin của các cơ quan tình báo Mỹ.
Kim Jong Un củng cố thêm quyền lực tuyệt đối
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hy vọng nhận được chức danh mới và sẽ củng cố thêm quyền lực tuyệt đối, trong khi hạn chế những ảnh hưởng của quân đội. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul
Nhà lãnh đạo trẻ này đang nắm giữ chức vụ chủ tịch của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) và Đệ nhất Chủ tịch của Ủy Ban Quốc Phòng (NDC).
Tại cuộc họp kín của Đoàn Chủ Tịch Quốc Hội Nhân Dân Tối Cao ngày hôm nay, ông Kim có phần chắc sẽ được bầu làm chủ tịch của một cơ cấu nhà nước mới được phục hồi có tên Ủy Ban Nhân Dân Trung Ương.
Nhà phân tích Ahn Chan-il của Viện nghiên cứu Thế Giới về Bắc Triều Tiên và là một người đào tỵ từ nước này cho biết như sau.
“Nếu ông Kim Jong Un nắm giữ độc quyền chức vụ cao nhất của nhà nước và chức vụ cao nhất của đảng, ông ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của chế độ này.”
Ủy Ban Nhân Dân Trung Ương được thành lập vào năm 1972 để giám sát quân đội cũng như các bộ phận khác của chính quyền dân sự. Ông Kim Il Sung, người sáng lập đã qua đời của đất nước này và là ông nội của nhà lãnh đạo hiện thời, từng là người đứng đầu ủy ban này. Nhưng con trai của ông ta là Kim Jong Il đã dẹp bỏ ủy ban này trong thời gian cai trị đất nước và củng cố thêm vai trò của Ủy Ban Quốc Phòng với chính sách ưu tiên cho quân đội.
Việc phục hồi cơ cấu quyền lực của ông nội của ông Kim Jong Un, theo nhà phân tích Ahn Chan-il, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của quân đội và làm cho những người cố vấn chính trị của Đảng Công Nhân có tiếng nói mạnh hơn.
Vào tháng 5, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng đã ngả về phong cách cai trị của ông nội ông qua việc triệu tập Đại hội Đảng Lao động sau 36 năm và đó được coi là một bước tiến để củng cố thêm quyền lực và thúc đẩy cho chương trình nghị sự của ông ta. Bố của ông, ông Kim Jong Il, cũng đã giữ cả 2 chức danh của đảng và của quân đội nhưng không hề triệu tập đại hội đảng.
Tuy nhiên trong nhà nước độc tài Bắc Triều Tiên, các phiên họp quốc hội chỉ có mục đích đồng thanh chấp thuận các quyết định được đã được giới lãnh đạo thông qua.
Brexit mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Nga?
Một số người đang cảm thấy lo lắng về việc nước Anh rời Liên hiệp Châu Âu có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Nga, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và tiếp tục hỗ trợ cho những phần tử đòi ly khai ờ miền đông Ukraine.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ ba đã tìm cách xoa dịu những mối lo ngại khi ông phản bác những nhận định cho rằng Liên hiệp Châu Âu đang tan vỡ và sự đoàn kết giữa các nước thành viên EU với Mỹ đang sút giảm dần đối với những vấn đề then chốt trên thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn phát thanh hôm qua trên đài NPR, ông Obama nói “Châu Âu không thể quay mặt vào bên trong. Họ sẽ phải làm việc chung với chúng ta về vấn đề Trung Đông. Họ sẽ phải làm việc chung với chúng ta để ứng phó với một nước Nga hung hãn.”
Tổng thống Obama nói thêm rằng ông không dự kiến sẽ có “những sự thay đổi kịch liệt” và ông nêu ra tầm quan trọng của liên minh NATO và những quyền lợi chung giữa Mỹ và Châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc nước Anh rời Liên hiệp Châu Âu có thể sẽ có lợi cho những mưu đồ chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và tiếp tục hỗ trợ cho phiến quân đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Bà Alina Polyakova, Phó giám đốc Trung tâm Âu-Á Dinu Patriciu của Hội đồng Đại tây dương, cho biết “Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, nước Nga đã tìm cách gây bất ổn cho nền chính trị Châu Âu, gây tổn thương cho các giá trị dân chủ và làm suy yếu quyết tâm của Liên hiệp Châu Âu, nhất là đối với một chính sách chặt chẽ đối với Nga. Điều tôi muốn nói ở đây là những biện pháp chế tài.”
Hồi đầu tháng này, Liên hiệp Châu Âu gồm 28 nước thành viên đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp chế tài đối với Nga vì không tuân hành hiệp định Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Các biện pháp chế tài này nhắm vào các khu vực dầu lửa, tài chánh và quân sự của Nga.
Hoa Kỳ và Anh tiếp tục sát cánh với nhau đối với vấn đề chế tài Nga, nhưng lập trường của các nước khác trong Liên hiệp Châu Âu hồi gần đây đã bớt cứng rắn hơn.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Ý Matteo Renzi ủng hộ cho việc giảm bớt chế tài. Tháng tư năm nay, quốc hội Pháp thông qua một nghị quyết không có tính chất cưỡng hành để thu hồi các biện pháp chế tài của EU đối với Nga.
Ông Eric Shultz, Phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cho rằng vấn đề chế tài Nga sẽ không thay đổi vì việc nước Anh rời khỏi EU.
Ông nói “Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không dự kiến cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh sẽ có ảnh hưởng tới việc tiếp tục áp dụng các biện pháp chế tài đối với Nga.”
Giáo sư Angela Stent, một chuyên gia về Nga của Đại học Georgetown ở Washington, cho biết “Việc Anh bỏ phiếu rời EU dĩ nhiên là sẽ làm cho liên hiệp này yếu đi.” Nhưng bà nói thêm rằng “Brexit có những hậu quả chưa thể biết được và chưa rõ Nga sẽ được hưởng lợi như thế nào từ việc này.”
Mặc dầu vậy, bà Stent cho rằng ông Putin muốn thấy E.U bị suy yếu. Bà nói “Những gì mà Điện Kremlin muốn là một trật tự toàn cầu mới, không phải là trật tự do Mỹ và các đồng minh Châu Âu áp đặt.”
Nhà phân tích Polyakova tán đồng nhận định đó và cho biết Nga muốn thương thuyết song phương thay vì đa phương.
Bà nói “Họ không muốn thương thuyết với một khối như EU. Họ có thể lợi dụng nước này chống nước kia và nhận được những gì họ muốn ở cấp song phương mà họ không thể nhận được ở cấp EU.”
Tổng thống Putin bác bỏ những tố cáo của Tây phương cho rằng ông đã tìm cách gây bất ổn cho Châu Âu bằng nhiều cách thức khác nhau, kể cả việc hậu thuẫn cho những nhóm cực hữu như Mặt trận Dân tộc ở Pháp.
Các chuyên gia cho biết Nga muốn bảo đảm là Liên hiệp Châu Âu duy trì sự ổn định kinh tế.
Bà Polyakova nói “Có một việc phù hợp với lợi ích của họ là Châu Âu tiếp tục tăng trưởng và giàu có và mua thêm dầu lửa và khí đốt của Nga.”
Mỹ huấn luyện quan chức Campuchia chống tội phạm mạng
Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã mời các giới chức cấp cao của Campuchia học hỏi về vấn đề tội phạm mạng từ các chuyên gia Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Phorn Bopha của đài VOA tại Phnom Penh, lời mời được đưa ra trong lúc một số quốc gia và các tổ chức phi chính phủ bày tỏ quan tâm về dự luật chống tội phạm mạng mà giới hữu trách Campuchia soạn thảo trong vài năm gần đây.
Những người chỉ trích cho rằng dự luật về chống tội phạm mạng của Campuchia có thể bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do biểu đạt và bóp nghẹt tiếng nói bất đồng, trong lúc dân chúng nước này sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook để bày tỏ ý kiến chính trị.
Ông Kan Channmeta, một giới chức cấp cao của Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia, cho biết ông ước tính khoảng 7 triệu người, gần phân nửa dân số, sử dụng internet một cách thường xuyên.
Đại sứ Mỹ tại Campuchia, ông William Heidt, cho biết vào đầu tháng này rằng Hoa Kỳ muốn làm việc với chính phủ Campuchia để bảo đảm là người dân Campuchia được tự do bày tỏ ý kiến trên mạng.
Ông nói “Tội phạm mạng là một vấn đề thật sự ở Mỹ cũng như ở Campuchia, cho nên chúng tôi đang làm việc với Campuchia.”
Đại sứ Heidt cho biết các khoá huấn luyện sẽ đưa các giới chức Campuchia tới Mỹ “để xem luật lệ mạng của chúng tôi hoạt động như thế nào, nước Mỹ chấp hành luật lệ và truy tố tội phạm mạng như thế nào.” Ông nói thêm rằng “Chúng tôi cũng sẽ tìm cách để bảo đảm là internet của các bạn tiếp tục là một nơi để bày tỏ ý kiến một cách tự do.”
Các nhà quan sát cho biết Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền cai trị Campuchia hơn 30 năm, đang dùng Facebook để trình bày chính sách của mình và đồng thời cũng để tìm hiểu ý kiến của người dân. Các nhà phân tích nói đây là một chiến thuật quan trọng để tranh giành sự ủng hộ của giới trẻ với Đảng Cứu Quốc Campuchia thuộc phe đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Ông Phay Siphan, người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, nói tuy chính phủ ông hoan nghênh chương trình huấn luyện, nhưng không phải tất cả những gì được áp dụng tại Mỹ đều có thể áp dụng ở Campuchia.
Ông nói “Tôi muốn biết các tiêu chuẩn của Mỹ liên quan tới cách thức tăng cường an ninh quốc gia và kiến thức về đất nước của họ.”
Ông cho biết luật lệ về tội phạm mạng của Mỹ sẽ được dùng như những điểm tham chiếu để Campuchia soạn lại luật lệ của mình.
Ông nói “Chúng tôi tham khảo luật Mỹ vì mặc dù chúng tôi chưa tới đó nhưng chúng tôi chuẩn bị cho những năm tới đây, khi kinh tế của chúng tôi phát triển mạnh, mức sống được nâng cao và luật lệ được tôn trọng. Chúng tôi muốn thu thập những yếu tố để đưa vào việc soạn thảo luật về tội phạm mạng.”
Ông Siphan cũng cho biết các giới chức chính phủ ở Phnom Penh có thể gặp phải những chướng ngại khi thực thi các luật lệ chống tội phạm mạng. Ông nêu ra vụ tranh chấp giữa Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với công ty Apple xoay quanh mức độ mà các toà án có thể ép buộc để các nhà sản xuất mở khoá những chiếc điện thoại di động mà dữ liệu được mật mã hoá.
Tướng Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, cho biết sự hiểu biết của giới hữu trách Campuchia về cách thức đối phó với tội phạm mạng vẫn còn thấp.
Ông nói “Công nghệ tiến bộ rất nhanh chóng và một số nước sẽ không bắt kịp các nước phát triển. Kiến thức về tội phạm mạng đôi khi vượt quá khả năng của chúng tôi. Và như quí vị đã biết, chúng tôi không phải là nước sản xuất máy tính hoặc các chuyên gia lập trình điện toán. Hầu hết các chương trình điện toán mà chúng tôi dùng là của Mỹ, cho nên chúng tôi rất vui khi thấy các chuyên gia của mình có thể học hỏi thêm về những công nghệ tối tân ở các nước phát triển, nhất là nước Mỹ.”
Tướng Sopheak cũng cho biết chính phủ ở Phnom Penh cảm thấy bất mãn trước việc một số người Mỹ gốc Campuchia dùng Facebook để lăng mạ thủ tướng Hun Sen và những nhà lãnh đạo khác trong chính phủ.
Ông nói “Tôi muốn họ không làm như vậy nữa, và nếu những trường hợp như vậy vẫn tiếp diễn, tôi muốn các giới chức Mỹ hợp tác, ít ra là để cho những người đó biết rằng mặc dù họ là người Mỹ, họ vẫn phải tôn trọng những truyền thống của Campuchia.”
Tòa án Tối cao Mỹ bác yêu cầu phúc thẩm về phá thai, thuốc tránh thai
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã bác bỏ yêu cầu phúc thẩm của hai bang tìm cách áp đặt những hạn chế đối với những cơ sở phá thai, vốn đã bị những tòa án cấp thấp hơn bác bỏ.
Các thẩm phán từ chối nghe yêu cầu phúc thẩm về những luật ở bang Mississippi và bang Wisconsin mà lẽ ra sẽ bắt buộc những bác sĩ thực hiện những ca phá thai tại những cơ sở phá thai phải có đặc quyền tiếp nhận bệnh nhân tại những bệnh viện địa phương.
Tòa án Tối cao bác bỏ những yêu cầu phúc thẩm này một ngày sau khi bác bỏ một điều khoản luật tương tự ở bang Texas.
Sự bác bỏ này cho phép cơ sở phá thai duy nhất ở Mississippi, nằm ở thủ phủ Jackson, vẫn mở cửa hoạt động.
Tòa án Tối cao cũng bác bỏ yêu cầu phúc thẩm của những dược sĩ ở bang Washington, những người chống đối việc cung cấp thuốc tránh thai khẩn cấp cho phụ nữ vì những lý do tôn giáo. Sự bác bỏ này giữ nguyên một phán quyết hồi tháng 7 của tòa án cấp thấp hơn duy trì một quy định của bang bắt buộc những nhà thuốc phải kịp thời cung cấp tất cả những loại thuốc được kê toa.
Bang Washington áp dụng quy định này lần đầu tiên vào năm 2007 sau khi một số người phụ nữ bị từ chối cấp thuốc tránh thai khẩn cấp. Hai dược sĩ tại một nhà thuốc ở thành phố Olympia, bang Washington đã đệ đơn kiện, nói rằng quy định này buộc họ phải vi phạm niềm tin tôn giáo của mình.
Volkswagen đồng ý bồi thường 14,7 tỉ đôla trong vụ gian lận khí thải
Volkswagen đã đồng ý với một thỏa thuận trị giá gần 15 tỉ đôla để bồi thường những khiếu nại của người tiêu dùng và những tổn hại môi trường liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải bị phanh phui vào tháng 9 năm ngoái ở Mỹ.
Vụ dàn xếp, được một Tòa án Khu vực Tư pháp Hoa Kỳ ở thành phố San Francisco công bố hôm thứ Ba, bao gồm hơn 10 tỉ đôla để mua lại khoảng 475.000 xe hơi gây ô nhiễm từ những chủ sở hữu.
Việc dàn xếp cũng bao gồm 2,7 tỉ đôla cho việc khắc phục những tổn hại về môi trường và 2 tỉ đôla cho nghiên cứu về công nghệ không khí thải.
Những chủ sở hữu xe hơi động cơ diesel 2 lít ở Mỹ được lựa chọn hoặc là bán lại xe của họ cho Volkswagen hoặc là đem xe đi sửa chữa. Dù họ chọn thế nào thì họ cũng sẽ nhận được một khoản bồi thường từ 5.100 cho tới 10.000 đôla.
Hãng sản xuất xe hơi của Đức này cũng sẽ sửa xe miễn phí, nhưng bất kỳ sự sửa chữa nào nhằm cải thiện thiết bị kiểm soát ô nhiễm có phần chắc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tăng tốc và tiết kiệm nhiên liệu của xe.
Chủ xe cũng có thể từ chối đề nghị của Volkswagen và tự mình kiện công ty.
Một thẩm phán khu vực tư pháp Hoa Kỳ tại San Francisco sẽ tổ chức một phiên tòa nghe chứng vào ngày 26 tháng 7 để quyết định có nên cấp sự chấp thuận sơ bộ cho những vụ dàn xếp này hay không.
Chủ xe có thời hạn tới tháng 12 năm 2018 để quyết định xem có nên bán lại hoặc sửa chữa xe của họ mà có thể không loại bỏ tất cả phát thải dư thừa hay không.
Volkswagen đã quảng cáo những xe này là tiết kiệm nhiên liệu hơn và chạy tốt hơn so với những xe có động cơ xăng thông thường.
Volkswagen bị vướng vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của mình sau khi thông tin được tiết lộ cho biết 11 triệu chiếc xe của họ đã được gắn những thiết bị có thể bật bộ kiểm soát chống ô nhiễm lên khi bị kiểm tra, nhưng lại tắt đi lúc lái xe bình thường.
Cuộc điều tra của Quốc hội về vụ Benghazi công bố kết quả
Đa số những nghị sĩ Đảng Cộng hòa thuộc một ủy ban điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ đã quy trách nhiệm cho quân đội Mỹ đã không ứng cứu một cơ sở ngoại giao ở thành phố Benghazi, Libya để ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố hồi năm 2012 làm bốn người Mỹ thiệt mạng.
Chủ tịch ủy ban, Dân biểu Trey Gowdy, nói: “Không có thiết bị quân sự nào của Hoa Kỳ được triển khai tới Benghazi” bất chấp những chỉ thị của Tổng thống Barack Obama và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.
“Không có gì đang trên đường tới Libya vào thời điểm hai người Mỹ cuối cùng bị giết hại gần tám giờ sau khi những vụ tấn công bắt đầu,” ông Gowdy nói khi công bố bản báo cáo 800 trang về vụ tấn công sau một cuộc điều tra kéo dài hai năm và tiêu tốn 7 triệu đôla.
Những nhà lãnh đạo quân sự đã nhiều lần nói rằng họ không có thông tin tình báo về những gì đang diễn ra ở Libya khi đó hoặc có nguồn lực để ứng phó.
Bản báo cáo không đưa ra cáo buộc mới nào về những hành động của ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton, giờ là ứng cử viên sắp được Đảng Dân chủ đề cử tổng thống, trong vụ việc. Nhưng hai trong số những thành viên Đảng Cộng hòa của ủy ban đã vượt ra ngoài kết luận chung của ủy ban về vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2012, nói rằng bà Clinton đã lừa dối công chúng Mỹ về vụ tấn công trong khi nó đang diễn ra.
Dân biểu Jim Jordan nói bà Clinton đã công khai nói rằng một video chống người Hồi giáo đang lưu hành ở Trung Đông vào thời điểm đó là nguyên nhân của vụ tấn công, nhưng một giờ sau đó bà ta gửi email riêng cho con gái Chelsea nói rằng những kẻ khủng bố đã thực hiện vụ tấn công giết chết Đại sứ Christopher Stevens và ba người khác.
Một số người theo Đảng Cộng hòa, kể cả ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống Donald Trump, quy trách bà Clinton là đã không cung cấp đầy đủ an ninh để bảo vệ cơ sở ngoại giao này. Đã có ít nhất 10 cuộc điều tra về vụ việc này, và bà Clinton đã điều trần công khai suốt 11 tiếng đồng hồ hồi tháng 10 năm ngoái.
Ban vận động của bà Clinton nói rằng cuộc điều tra của ông Gowdy đã “không tìm thấy bất cứ điều gì mâu thuẫn với những kết luận của nhiều cuộc điều tra trước đó.”
Những nghị sĩ Đảng Dân chủ thiểu số trong ủy ban hôm thứ Hai đã công bố một báo cáo của riêng mình về vụ việc, trong một nỗ lực nhằm phản bác kết luận của đa số và bảo vệ tương lai chính trị của bà Clinton trong khi chưa đầy năm tháng nữa là bà ta sẽ đối mặt ông Trump, một tỉ phú bất động sản, trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Trong bản báo cáo 344 trang của mình, phe Dân chủ kết luận rằng quân đội Mỹ, với những binh sĩ hỗ trợ gần nhất ở Địa Trung Hải tại Ý, đã không thể tới Benghazi kịp thời để giải cứu những nhà ngoại giao và rằng bà Clinton đã tích cực “tham gia” trong việc ứng phó với vụ tấn công trong khi nó đang diễn ra.
http://www.voatiengviet.com/a/cuoc-dieu-tra-cua-quoc-hoi-ve-vu-benghazi-cong-bo-ket-qua/3396050.html
Tòa trọng tài ra phán quyết ngày 12/7
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vào ngày 12/7 tới.
Thông cáo từ PCA gửi cho BBC cho hay phán quyết sẽ được đưa ra vào khoảng 11:00 giờ sáng giờ CEST (16:00 giờ chiều giờ Hà Nội) thứ Ba, 12/7/2016.
Ngày 22/1/2013, Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện đối với Trung Quốc trước Tòa Trọng tài PCA về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”.
Tây Philippines là tên mà Philippines đặt cho vùng biển tranh chấp, Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, trong khi tên gọi quốc tế tiếng Anh là South China Sea (Biển Nam Trung Hoa).
Sau đó chưa đầy một tháng, ngày 19/2/2013 Trung Quốc nộp note verbale “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Nam Hải”, từ chối tham gia vụ kiện và trả lại thông báo của Philippines.
Tuy nhiên theo điều 9 Phụ lục VII UNCLOS, việc một bên từ chối không tham gia không thể là rào cản cho Tòa Trọng tài tiến hành xét xử và Tòa PCA thụ lý vụ kiện này.
Tòa PCA đã tổ chức một số phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc tại La Haye.
Ngày 29/10/2015, Tòa đưa ra “Tuyên bố (Phán quyết) về quyền tài phán và thừa nhận” đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa không bác bỏ quyền tài phán với bất cứ luận điểm nào trong Bản Tranh tụng của Philippines.
Sau khi đưa ra phán quyết này và tiếp tục tìm hiểu ý kiến của các bên, Tòa PCA đã có phiên điều trần cuối cùng từ 24 tới 30/11/2015.
Thông cáo mới nhất của Tòa PCA nói trong phán quyết cuối cùng, Tòa “sẽ đề cập các vấn đề pháp lý đã tiếp tục được xem xét sau Phán quyết về quyền tài phán và thừa nhận, cũng như giá trị của các tuyên bố chủ quyền trong khuôn khổ pháp lý của Philippines”.
Họp EU vắng Anh Quốc sau Brexit
Các lãnh đạo khối EU bắt đầu ngày thứ hai của cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels mà không có đại diện của Anh Quốc, sau khi người dân nước này bỏ phiếu rời khối hồi tuần trước.
Hôm thứ Ba, 28/06, Thủ tướng David Cameron nói với 27 lãnh đạo EU rằng dù các mối liên kết trong tương lai là gì đi nữa thì hợp tác thương mại và an ninh là chuyện sống còn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc khối EU “tôn trọng kết quả” của cuộc bỏ phiếu Anh Quốc.
Tuy nhiên bà Merkel và các lãnh đạo khác cũng nhắc lại yêu cầu Anh trình kế hoạch rời khối EU sớm nhất có thể.
Xuất hiện ở cuộc họp hôm thứ Tư 29/06, Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói với BBC rằng Anh Quốc “không đủ khả năng để kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị”.
Ông Michel nói cố gắng đạt đồng thuận trong toàn bộ khối 27 quốc gia sẽ tạo ra “sự bất động”, và cho rằng một nhóm nhỏ các quốc gia cốt lõi có thể “tiến về phía trước nhanh chóng hơn mà không bị các nước khác cản đường”.
Lúc này EU và Anh Quốc vẫn trong tình trạng bế tắc. Các lãnh đạo EU khẳng định không thể có thương lượng chừng nào Anh Quốc không chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon – sẽ khởi động các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi khối châu Âu.
Ông Cameron nói Điều 50 sẽ do Thủ tướng kế nhiệm kích hoạt, sớm nhất đến tháng 10/2016 quá trình này mới có thể được bắt đầu.
‘Lo ngại lớn’
Cuộc họp hôm thứ Ba ở Brussels là cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của ông Cameron ở EU, sau khi ông thông báo ý định từ nhiệm vào tháng 10/2016.
27 lãnh đạo còn lại sẽ sớm tiếp tục gặp gỡ ở thủ đô Bỉ nhằm bàn thảo về tương lai vắng Anh Quốc. Điều này chưa từng xảy ra trong 40 năm qua.
Phóng viên Chris Morris của BBC ở Brussels nói sẽ có kêu gọi đoàn kết và đổi mới, và những hứa hẹn cần được nhanh chóng thực hiện do cuộc bỏ phiếu của Anh làm rung chuyển tới gốc rễ của châu Âu.
Hôm thứ Ba, ông Cameron nói các nước còn lại của EU muốn có quan hệ “thân cận nhất có thể” với Anh Quốc sau Brexit.
Nhưng ông cho rằng nhập cư là “mối lo ngại lớn nhất” của các cử tri Anh Quốc, và cân bằng vấn đề này với việc tiếp cận thị trường chung châu Âu là “thách thức khổng lồ”.
Ở Brussels, các chính trị gia Đức khẳng định Anh Quốc không thể chỉ lựa chọn một số phương diện của EU.
Bà Merkel nhấn mạnh rằng Anh Quốc phải chấp nhận tự do di chuyển nếu muốn tiếp tục tiếp cận thị trường chung châu Âu.
“Chúng tôi rất tiếc về kết quả này và nói rõ rằng quá trình pháp lý là Anh Quốc phải kích hoạt Điều 50,” bà nói. “Ông Cameron nói ông ta sẽ nhượng lại cho chính phủ mới thực hiện.
“Chúng tôi đều đồng tình rằng trước thời điểm đó, không thể có thương lượng chính thức hay không chính thức.”
Bà nói thêm: “Chúng tôi không thấy có cách nào thay đổi được điều này. Đây không phải là lúc mơ tưởng mà là dự kiến cho thực tế.”
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói Anh Quốc không có nhiều thời gian nghiền ngẫm về việc kích hoạt Điều 50.
“Nếu một ai đó từ chiến dịch vận động Remain [ở lại khối EU] trở thành Thủ tướng Anh, điều này có thể được thực hiện trong vòng hai tuần sau khi nhậm chức,” ông nói.
“Nếu Thủ tướng Anh kế tiếp thuộc chiến dịch vận động Leave [rời khối EU], điều này nên được thực hiện ngay trong ngày nhậm chức.”
Ông Cameron nói với phóng viên rằng các cuộc thảo luận diễn ra “bình tĩnh, xây dựng và có mục tiêu”.
Ông cũng nói quyết định của Anh Quốc được tôn trọng, dù có “màu sắc buồn và tiếc nuối”.
Trong khi EU muốn có thêm thông tin về kế hoạch tiếp theo của Anh Quốc và có được “mô hình rõ ràng”, ông nói điều này có thể mất thời gian và “không cần phải ầm ỹ” để đàm phán có thể được tiến hành ngay.
Toyota thu nửa triệu xe vì lỗi túi khí
Tập đoàn sản xuất xe hơi của Nhật Toyota nói họ sẽ thu hồi 482.000 xe ở Hoa Kỳ vì lỗi túi khí.
Dòng xe bị ảnh hưởng là Prius 2010 đến 2012 và Lexus CT 2011 và 2012.
Trong vài năm vừa qua, Toyota và các hãng sản xuất xe hơi khác đã gặp sự cố phải thu hồi hàng triệu xe vì lỗi túi khí do công ty Takata cung cấp.
Trong đợt thu hồi xe này, Toyota không nêu tên nhà sản xuất phần linh kiện bị tác động.
Trong một thông cáo, nhà sản xuất xe hơi nói các xe có van túi khí có một vết nứt tại mối hàn có thể bị nứt rộng ra theo thời gian.
Túi khí có thể bị thổi lên một phần và các phần khác của van có thể rơi vào bên trong xe, dẫn đến “tăng rủi ro gây chấn thương.”
Công ty cho biết họ chưa nhận được thông tin nào về trường hợp chết hay bị thương liên quan đến các xe bị thu hồi.
TQ đang dùng ‘ngoại giao nhân dân tệ’?
Trung Quốc có nhiều cách “mua chuộc” và sử dụng “ngoại giao nhân dân tệ” trong vụ kiện của Philippines trên Biển Đông, nhà nghiên cứu Khoa học chính trị trường Đại học Hong Kong Baptist nhận định.
Năm 2013, Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế.
Đơn kiện của Philippines nói yêu sách ‘đường chín đoạn’, hay ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
Trước thềm phán quyết sắp tới, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung nói với BBC Tiếng Việt: “Trung Quốc đang thực hiện nhiều phương cách để bảo vệ quyền lợi của mình ở vùng biển Đông, và sẽ gia tăng nhanh chóng sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực”.
“Thứ nhất, Trung Quốc “mua chuộc” sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới đối với quan điểm của Trung Quốc về Tòa trọng tài thường trực, cũng như tranh chấp ở vùng biển Đông. Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc thì Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy mạnh chính sách mua chuộc đối với các quốc gia còn đang do dự,” ông Trung cho biết khi Trung Quốc tuyên bố mình đã được 47 quốc gia ủng hộ lập trường.
“Thứ hai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy với qui mô lớn hơn và nhanh hơn sự hiện diện trên các đảo tranh chấp mà hiện nay Trung Quốc đang chiếm giữ, cả mục đích dân sự lẫn quân sự.”
“Thứ ba, phá vỡ sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên khối Asean khi Philippines khởi kiện Trung Quốc, và hai quốc gia Lào và Campuchia lại ủng hộ quan điểm Trung Quốc về vụ kiện. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ lợi dụng “cơ chế đồng thuận” của Asean để ngăn chặn bất kỳ dự tính nào ủng hộ phán quyết của Tòa từ khối Asean.”
Vào giữa tháng Sáu, hãng tin AP tường thuật khối Asean mau chóng rút lại thông cáo với lời lẽ cứng rắn về căng thẳng ở Biển Đông có thể khiến Trung Quốc, nước chủ trì hội nghị, bực bội.
Ông Trung nhận định: “Theo Tân Hoa Xã vào ngày 19/05/2016 thì có nhiều quốc gia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với vụ kiện. Trong số này, đáng chú ý có Nga, Lào và Campuchia. Đa số các quốc gia này là các quốc gia có tiềm lực yếu ở châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, tôi không cho rằng Trung Quốc có thể mua được “chính nghĩa” trên vùng Biển Đông. Tôi cho rằng Trung Quốc và các quốc gia ủng hộ đều biết rõ đây là cuộc “hôn phối mang tính lợi ích” (marriage of convenience) hơn là vì cùng lý tưởng hay hệ giá trị.
“Trung Quốc thường có khuynh hướng không tin vào vai trò của các thể chế quốc tế, trong trường hợp này là Tòa trọng tài thường trực (PCA) khi lợi ích của họ có thể bị ảnh hưởng. Trung Quốc chỉ tuân thủ theo luật pháp quốc tế khi chúng phục vụ lợi ích quốc gia của họ.”
“Trung Quốc phải sử dụng ngoại giao nhân dân tệ, tức dùng viện trợ hay các cam kết đầu tư, đối với các quốc gia nhỏ, yếu thể về kinh tế để mua sự ủng hộ của họ trong việc Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài thường trực,” Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung cho biết trong bối cảnh Philippines được nhiều nước lớn ủng hộ.
“Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có các biện pháp cụ thể hơn về ngoại giao, an ninh, chính trị để thể hiện quan điểm của mình sau phán quyết của Tòa, nhưng chúng ta cũng nên nhìn trong bối cảnh rộng hơn là nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11. Chính vì vậy, tôi không nghĩ rằng nước Mỹ sẽ đẩy căng thẳng ở vùng biển Đông lên quá cao.”
Phán quyết của Tòa thường trực được trông đợi sẽ công bố trong thời gian sắp tới.
Hậu Brexit : Hệ quả địa – chính trị và kinh tế nào với châu Á?
Về những tác động của việc Anh Quốc quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, trang mạng Diplomate chuyên về chính trị châu Á, có bài « Hậu Brexit : Những hệ quả địa – chính trị nào và kinh tế nào đối với châu Á ? ». Sau đây là phần lược dịch.
Ngày 23/06, công dân Vương Quốc Anh cuối cùng đã bỏ phiếu quyết định chọn phương án rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia. Quyết định « Brexit » đã khiến các thị trường tài chính quốc tế rơi vào hỗn loạn, chỉ qua một đêm khoảng 3 nghìn tỉ đô la bị bốc hơi. Cũng trong thời gian này, đồng bảng Anh xuống mức thấp ở mức chưa từng có trong lịch sử thế giới đương đại, nhiều hơn bất kỳ ngoại tệ mạnh khác.
Các chấn động của sự kiện Brexit lan ra toàn thế giới. Đối với Trung Quốc, quyết định của Anh Quốc rời khỏi thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu là một hành động gây thất vọng. Tư cách vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Anh Quốc bị suy giảm, Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tham vọng của Bắc Kinh để đồng nhân dân tệ trở thành một « đồng tiền tự do chuyển đổi ». Về lâu dài, Brexit cũng có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một thỏa thuận tự do thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, bởi trong các quốc gia châu Âu, Anh Quốc là một trong những nước ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong vấn đề này. Với Trung Quốc, một hiệp định tự do thương mại riêng với Anh dĩ nhiên là sẽ dễ dàng hơn, nhưng các lợi ích kinh tế do thỏa thuận này là không thể sánh với thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu.
Đối với Trung Quốc, trong cái rủi, có cái may. Vấn đề Brexit chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu trong những tuần tới. Đối với Bắc Kinh, việc cơn bão tài chính thế giới trở thành tâm điểm thời sự quốc tế có thể khiến cho một quyết định bất lợi cho Trung Quốc tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện của Philippines về Biển Đông, trong những ngày tới, sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, người kế nhiệm chức thủ tướng Anh có thể cũng sẽ ít quan tâm hơn đến vị trí trên tuyến đầu của nước Anh tại một số khu vực chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương. Việc Anh ra đi cũng làm giảm mạnh tiềm lực quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu, khiến Pháp buộc phải trở thành quốc gia duy nhất đảm nhiệm trụ cột quốc phòng cho châu Âu.
Về phần Nhật Bản, Brexit là một tai họa. Năm khó khăn này đang trở nên tồi tệ hơn đối với thủ tướng Shinzo Abe và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Haruhiko Kuroda. Việc giá đồng yen tăng vọt đe dọa chương trình chấn hưng kinh tế của thủ tướng Abe (tương đương với tỉ giá cách đây ba năm, trước khi Ngân hàng Nhật Bản tung ra một chương trình đại quy mô, góp phần vào việc làm giảm giá đồng yen trên 30% đối với đồng đô la). Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật đã từng lựa chọn giải pháp hạ giá đồng yen, khi áp dụng lãi suất âm vào đầu năm nay. Hiện nay, Nhật chỉ còn một giải pháp duy nhất, đó là trực tiếp can thiệp vào tỉ giá hối đoái, nhưng đây là điều mà Hoa Kỳ không chấp nhận. Đối với thủ tướng Nhật, biến cố Brexit có thể mang lại một lợi thế nhỏ nhoi : Đó là bối cảnh hỗn loạn tài chính toàn cầu nói chung có thể mang lại một biện minh về chính trị cho nền kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng rối ren.
Trong khi đó, đối với khu vực Nam Á, Ấn Độ đón nhận quyết định Brexit với phản ứng dè dặt. Bộ trưởng Tài Chính Ấn Độ Arun Jaitley ra thông cáo, ghi nhận Brexit « hiển nhiên ít nhất cũng sẽ làm tăng tính chất bất ổn, khi hệ quả của nó đối với nước Anh, châu Âu và phần còn lại của thế giới vẫn còn chưa rõ ràng ». Hiện tại, Ấn Độ, với tỉ lệ tăng trưởng hết sức ấn tượng, là nền kinh tế lớn đang trỗi dậy duy nhất trên thế giới thu hút được giới đầu tư. Nguy cơ lãi suất toàn cầu tăng cao, đặc biệt do việc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, đe dọa đà tăng trưởng của Ấn Độ. Trong thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn được hưởng lợi từ lãi suất thấp, do các thị trường phải đối mặt với một tình thế đầy bất trắc hậu Brexit. Với New Delhi, ảnh hưởng tiêu cực trước hết của Brexit là đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn của nước này, ví dụ như Tata Group, có nhiều cơ sở tại Anh Quốc. Khi Anh Quốc rời châu Âu, doanh thu của tập đoàn giảm, có thể tác động dây chuyền đến nền kinh tế Ấn.
Còn tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Brexit mở ra hai viễn cảnh. Một mặt, điều này làm gia tăng tính bất ổn định về tài chính, nhưng mặt khác, cũng có thể mang lại những cơ hội. Vương Quốc Anh xuất khẩu khoảng 15 tỷ bảng vào thị trường khối các nước Đông Nam Á, việc đồng bảng Anh bị hạ giá có thể là một cơ may cho các nền kinh tế ASEAN. Malaysia, một cựu thuộc địa của Anh, cho biết muốn thương lượng với Anh một thỏa thuận tự do mậu dịch. Trong khi đó, thủ tướng Úc thì cho rằng nền kinh tế nước này sẽ tránh được các hệ quả tồi tệ của cơn sốc tài chính Brexit, cho dù Anh Quốc là một « cánh cửa tự nhiên » vào châu Âu của Úc.
Brexit làm chậm lại nỗ lực xoay trục của Mỹ sang châu Á
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Úc rất lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của Brexit đến chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ sang châu Á. Tờ báo Úc « Sydney Morning Times » (trong bài «Brexit: Australia will be hit as world will become more fragmented, less safe, say experts »), dẫn lời ông Stephan Fruehling, một cố vấn quốc phòng của chính phủ Úc, giáo sư Đại Học Quốc Gia Úc. Theo đó, những bất ổn do Brexit sẽ buộc Washington phải can dự nhiều hơn tại châu Âu về mặt an ninh, và như vậy « sẽ dành ít thời gian hơn cho các đồng minh châu Á ». Ông Euan Graham, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Viện Lowy Institute, dự đoán Brexit là « một thảm họa », và tính chất bất định về địa chiến lược và chính trị có thể sẽ lâu dài và nghiêm trọng hơn là các đảo lộn về kinh tế.
Một khảo sát mang tựa đề « Các hệ lụy địa chính trị của Brexit » (công bố hồi tháng 4/2016), của cơ sở nghiên cứu kinh tế toàn cầu BMI Research, cũng cho thấy với Brexit, sức mạnh của phương Tây sẽ bị suy giảm, trong lúc quyền lực của các cường quốc « phía Đông », như Nga, Trung Quốc đang tăng lên.
Cũng có nhiều người không đồng ý với quan điểm này. Theo chuyên gia Hoa Kỳ về quốc phòng và quan hệ Nga- Mỹ, bà Emma Ashford, người ta đã phóng đại các hệ lụy của biến cố Brexit (bài “5 Myths About Brexit/5 huyền thoại về Brexit” trên “The National Interest“). Phần lớn các luận điểm cho rằng Brexit chủ yếu là có lợi cho Nga là không có cơ sở. Việc Anh ra đi sẽ không có tác động đáng kể đến NATO, đối thủ đáng gờm của Nga. Anh chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp cho NATO, giống như Hoa Kỳ, Canada hay Thổ Nhĩ Kỳ, các nước không phải thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về chính trị quốc tế Mỹ gốc Nga Nikolas K. Gvosdev (trong bài viết « Four Geopolitical Consequences of Brexit/Bốn hệ quả địa chính trị của Brexit », cũng trên báo mạng Mỹ “The National Interest“) cần phải nhìn nhận vấn đề trên nhiều phương diện. Đối mặt với một châu Âu phân tán, Nga sẽ có lợi hơn rất nhiều. Chính quyền Anh, dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm ông Cameron, rất có thể sẽ không mặn mà với các chính sách chung của khối trong việc trừng phạt Nga, vì sự can dự của Matxcơva trong khủng hoảng Ukraina.
Chuyên gia chính trị quốc tế Nikolas Gvosdev cũng ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit đến chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington. Hệ quả là chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á sẽ mang tính phản ứng trước từng vụ việc, hơn là một chiến lược được tính toán chủ động nhằm tạo ra được một môi trường thuận lợi. Đối với chuyên gia này, việc Hoa Kỳ coi nhẹ « các phương tiện địa – kinh tế » đã cản trở việc giải quyết vấn đề Ukraina, hạn chế khả năng giữ được Anh Quốc trong Liên Hiệp Châu Âu. Brexit không chỉ là một thất bại của thủ tướng Anh, mà cũng là thất bại của cả tổng thống Mỹ.
Sau Brexit, Công Đảng Anh muốn có lãnh tụ mới
Bị cuốn vào cơn lốc xoáy từ khi dân Anh bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), chủ tịch Công Đảng Jeremy Corbyn hôm qua 28/06/2016 đã đánh mất uy tín ngay trong đảng của mình. Ông bị lên án là đã không nỗ lực đúng mức để duy trì Anh Quốc trong Liên Hiệp. Bản kiến nghị bất tín nhiệm đã được 172/40 dân biểu thông qua.
Tuy vậy cuộc bỏ phiếu này không mang tính ràng buộc, và ông Jeremy Corbyn ngay lập tức loan báo sẽ không từ chức. Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :
« Đó là cuộc bỏ phiếu chưa từng có từng trước đến nay : trên 80% đại biểu Công Đảng không còn tín nhiệm thủ lĩnh của họ. Các dân biểu cho rằng ông Jeremy Corbyn không có khả năng lãnh đạo đảng một cách hiệu quả, và đòi hỏi ông rút lui để tránh cho Công Đảng khỏi bị thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần tới.
Khoảng năm mươi thành viên trong văn phòng và ê-kíp của ông Corbyn đã ra đi. Các chính khách Công Đảng, từ các cựu bộ trưởng đến những lãnh đạo chính quyền địa phương, lần lượt từng người một đứng lên kêu gọi ông Jeremy Corbyn ra đi, để bảo vệ tương lai của một Công Đảng mà họ cho là đang sắp sửa bị diệt vong.
Nhưng những lời kêu gọi trên không được hưởng ứng : lãnh tụ Công Đảng kiên quyết bác bỏ việc từ chức. Ông cho rằng mình đã được bầu lên một cách dân chủ, với sự ủng hộ của 60% đảng viên và cảm tình viên Công Đảng, nói rằng không muốn phản bội họ.
Trước ngõ cụt này, chỉ còn mỗi một giải pháp, đó là tổ chức một cuộc bầu cử trong nội bộ, để chọn lựa một hay nhiều đối thủ của ông Jeremy Corbyn. Lãnh tụ Công Đảng báo trước là ông sẽ ra ứng cử, trông cậy vào những người ủng hộ để tái đắc cử. Tuy nhiên không chắc chắn rằng ông sẽ gây được làn sóng hỗ trợ nhiệt tình, vô tư như năm ngoái. »
Báo cáo về nạn buôn người của Mỹ : Thái Lan lên, Miến Điện tụt hạng
Hôm qua, 28/06/2016, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định rút tên Thái Lan ra khỏi danh sách các nước mà tội phạm buôn người ở mức nguy hiểm nhất, nhưng đưa Miến Điện vào danh sách này. Quyết định của Hoa Kỳ mang lại hy vọng quan hệ giữa Washington và chính quyền quân sự Thái Lan sẽ được cải thiện.
Trong báo cáo thường niên Bộ Ngoại Mỹ (Trafficking in Persons – TIP), Thái Lan từ nhóm Ba, nhóm nguy hiểm nhất, được chuyển lên nhóm Hai (Tier 2), thuộc tiểu nhóm “cần theo dõi” (Tier 2 Watch List). Thái Lan bị lên án về nạn buôn người, nhất là trong ngành thủy sản. Thông tin trên được một quan chức Mỹ và đại diện của một tổ chức quốc tế tại Bangkok khẳng định với Reuteurs.
Quan hệ Mỹ-Thái Lan đã xuống thấp chưa từng có kể từ khi chính quyền quân sự chiếm quyền trong một cuộc đảo chánh năm 2014, cuộc đảo chính bị Mỹ chỉ trích mạnh mẽ.
Quyết định này của Hoa Kỳ cũng được cho là nằm trong nỗ lực của tổng thống Barack Obama trong việc xây dựng một mặt trận chung chống lại các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bối cảnh có nhiều nước Đông Nam Á còn đang lưỡng lự.
Người phát ngôn của thủ tướng Thái Lan, tướng Sansern Kaewkamnerd, cho biết Bankok sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại nạn buôn người.
Báo cáo của chính phủ Mỹ đưa Miến Điện vào nhóm các quốc gia nơi tội phạm buôn người ở mức nguy hiểm nhất, với việc ép trẻ em đi lính và cưỡng bức lao động. Các nước bị xếp vào nhóm Ba gồm những nước như Iran, Bắc Triều Tiên và Syria. Việc xếp Miến Điện vào nhóm Ba gây nhiều tranh cãi giữa các nhà ngoại giao Mỹ và các nhà hoạt động nhân quyền.
Đối với Miến Điện, Hoa Kỳ khá đau đầu vì gần đây Miến Điện đã có những thay đổi về chính trị tích cực. Thêm vào đó, Hoa Kỳ không muốn Miến Điện rơi vào lại quỹ đạo của Trung Quốc.
Chưa có nguy cơ « Brexit » đối với ASEAN
Trong nhiều năm qua, Liên Hiệp Châu Âu là mô hình về hội nhập mà các nước ASEAN đang cố noi theo. Nhưng nay với việc nước Anh quyết định rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gây khủng hoảng trầm trọng cho khối này, ASEAN có nguy cơ gặp một « Brexit » hay không ? Theo các chuyên gia về vùng Đông Nam Á, hiện giờ chưa có nước nào nghĩa đến chuyện « ly dị » với khối ASEAN.
Trước hết, về mặt định chế, nếu như Hiệp ước Lisboa có điều 50 quy định về việc một thành viên rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thì Hiến chương ASEAN lại không có điều khoản như vậy. Chính phủ một nước thành viên nào muốn « nghỉ chơi » với ASEAN thì chỉ có cách, một là không đến dự các cuộc họp của ASEAN gây tê liệt cho khối này, hai là ngưng đóng góp vào ngân sách của Ban Thư Ký ASEAN.
Thật ra, bởi vì ASEAN chưa phải là một khối có mức độ hội nhập sâu như Liên Hiệp Châu Âu, bất cứ quốc gia nào cũng có thể từ bỏ tư cách thành viên ASEAN, với lý do là có bất đồng sâu sắc trong khối, chẳng hạn như về hồ sơ Biển Đông, mà hiện đúng là đang gây chia rẽ nội bộ các nước Đông Nam Á.
Hiện giờ, tuy có những bất đồng trên một số vấn đề, chính phủ nước nào cũng cần đến ASEAN như là một tổ chức nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực và là một khối thống nhất đủ mạnh để tránh bị các cường quốc thế giới thao túng.
Trong khối ASEAN hiện nay, những nước nhỏ như Brunei, Cam Bốt hay Lào đều có vị thế ngang bằng những nước thành viên kia. Những nước lớn như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore ( lớn về mặt kinh tế ) thì được hưởng lợi nhiều từ Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN.
Khác với Liên Hiệp Châu Âu, khối ASEAN hầu như không có liên hệ gì đến tình hình chính trị nội bộ của các nước thành viên. Thành ra chẳng có chính phủ nào nghĩ đến chuyện kêu gọi trưng cầu dân ý về tư cách thành viên ASEAN để trục lợi chính trí, giống như thủ tướng David Cameron của Anh Quốc.
Mặt khác, cũng do chưa hội nhập sâu cho nên ASEAN chưa thật sự có tác động đến đời sống thường ngày của người dân Đông Nam Á, như là Liên Hiệp Châu Âu đối với người dân khối này. Con đường đưa Cộng Đồng ASEAN thành một thị trường duy nhất hãy còn rất dài.
Ngoài ra, khác biệt đáng kể giữa ASEAN và Liên Hiệp Châu Âu là : Đó là không có một cơ chế giống như Ủy Ban Châu Âu áp đặt những quy định luật lệ có thể gây khó chịu cho bất cứ ai, mà cũng không có một Nghị Viện ASEAN bên trên Quốc Hội các nước thành viên khối Đông Nam Á. Cơ chế chung nhất mà khối này đang có chính là Ban Thư Ký ASEAN, ra đời từ năm 1976, đặt trụ sở tại Jakarta. Nhưng người dân ASEAN ít ai biết là có ban này, cho nên cũng chẳng có ai kêu ca điều gì về quan chức ASEAN, trong khi người dân châu Âu thường hay chỉ trích các quan chức châu Âu ở Bruxelles.
Nói tóm lại, hiện giờ chưa có nguy cơ « Brexit » trong ASEAN, nhưng như cảnh báo của chuyên gia Termsak Chalermpalanupap thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, cũng cần phải rút ra bài học từ Brexit, đó là không phải lúc nào hợp tác khu vực cũng đi đúng hướng. Không thể loại trừ khả năng là tiến trình này gặp trắc trở.
Quốc hội Bắc Triều Tiên họp bất thường về kinh tế
Hôm nay, 29/06/2016, Bình Nhưỡng triệu tập một phiên họp quốc hội bất thường, với nội dung chính là cụ thể hóa kế hoạch kinh tế, đã được loan báo tại đại hội của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng Năm.
Chương trình và nội dung của phiên họp ngày hôm nay không được cho biết trước. Cách đây ba tuần, thông tin được đăng tải nhưng sau đó báo chí hoàn toàn không đề cập nữa.
Thường thì Quốc Hội Bắc Triều Tiên nhóm họp vào tháng Tư, nhưng năm nay đã bị hoãn để chuẩn bị cho đại hội đảng hiếm hoi sau gần 40 năm. Kim Jong-Un đã thông báo kế hoạch kinh tế năm năm trong lần đại hội đảng vừa qua. Đã từ hàng thập niên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên không làm điều này.
Vào đầu tháng này, Bình Nhưỡng đã phát động chương trình « 200 ngày thi đua » để khởi động kế hoạch kinh tế mới. Trong khi tuyên truyền tham vọng thúc đẩy sản xuất, kế hoạch không nêu chi tiết cụ thể. Người ta hy vọng phiên họp này làm rõ hơn những chính sách mới, nếu có.
Quốc Hội Bắc Triều Tiên chỉ họp một năm hai lần để thông qua các quyết định của lãnh đạo đảng Lao Động.
Biển Đông : Indonesia nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna
Sau một loạt vụ đối đầu giữa các tàu cá Trung Quốc với các tàu tuần duyên Indonesia, Jakarta dự trù nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, nằm ở phía nam Biển Đông.
Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Ryamizard Ryacudu hôm qua, 28/06/2016, Hạ Viện Indonesia đã thông qua một ngân sách bổ sung 846 triệu đôla cho năm 2016, một phần để bộ Quốc Phòng nước này nâng cấp căn cứ quân sự ở Natuna.
Với khoản tiền bổ sung nói trên, ngân sách quốc phòng tổng cộng của Indonesia năm nay lên tới 8,25 tỷ đôla. Quốc hội Indonesia đã thông qua ngân sách mới này, sau chuyến viếng thăm vào tuần trước của tổng thống Joko Widodo đến quần đảo Natuna. Bắc Kinh khẳng định « có chủ quyền chồng lấn », trong vùng biển xung quanh quần đảo này vì nằm trong bản đồ « đường lưỡi bò » mà Trung Quốc tự vẽ để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard, một căn cứ không quân lớn hơn và tối tân hơn sẽ được xây dựng trên quần đảo Natuna. Jakarta cũng dự trù mua ba khu trục hạm và một chiến đấu cơ phản lực sẽ trú đóng ở căn cứ này. Ngoài ra, Indonesia sẽ triển khai thêm thủy quân lục chiến và lực lượng tinh nhuệ đến Natuna.
Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần duyên Indonesia ở Natuna. Cách đây hai tuần, một tàu chiến Indonesia đã bắn cảnh cáo vào một tàu cá Trung Quốc bị xem là đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Chiếc tàu cá Trung Quốc sau đó đã bị chặn lại và toàn bộ thuyền viên bị bắt.
Vào thứ Năm tuần trước, tổng thống Joko Widodo đã chủ trì một cuộc họp của nội các trên một chiến hạm đậu ngoài khơi quần đảo Natuna, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng vùng này là thuộc Indonesia.
Sau chuyến đi nói trên của tổng thống Widodo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố là Bắc Kinh thừa nhận chủ quyền của Indonesia trên quần đảo Natuna. Nhưng bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng hai nước có chủ quyền chồng lấn nhau trong vùng biển xung quanh quần đảo này và đây là vấn đề cần được giải quyết.
Địa Trung Hải : Nga, Mỹ tố nhau để tàu chiến hoạt động nguy hiểm
Hồi giữa tháng 6 vừa qua, hai chiếc tàu chiến của Nga và Mỹ hoạt động ở khu vực phía đông Địa Trung Hải đã áp sát nhau ở khoảng cách quá gần, suýt nữa gây sự cố va chạm. Hôm qua 28/06/2016 cả Nga và Mỹ đã lên tiếng tố cáo lẫn nhau về hoạt động gây nguy hiểm này.
Bộ Quốc Phòng Nga tố cáo chiến hạm Mỹ USS Gravely hôm 17/6 vừa qua đã áp sát tàu tuần dương Nga Iaroslav Moudryi với cự ly « nguy hiểm » đồng thời coi đó là hành động « vi phạm thô bạo » luật pháp quốc tế. Tàu tuần dương Nga đang có hoạt động phục vụ các chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.
Theo bộ Quốc Phòng Nga, trong sự cố hôm 17/6, tàu USS Gravely đã tự động áp sát cách tàu Nga chỉ chừng 60 mét-70 mét, sau đó vượt qua cách mũi tàu tuần dương Nga 180 mét. Vào thời điểm đó, tàu Nga đang trong vùng biển quốc tế không hề có động thái nào gây nguy hiểm cho tàu Mỹ. Phía Nga khẳng định trong vụ này tàu Mỹ đã phớt lờ các quy định an ninh hàng hải.
Đáp lại tố cáo trên, một quan chức Quốc Phòng Mỹ khẳng định chính chiếc tàu chiến trên của Nga đã có hành động áp sát nguy hiểm vào tàu Mỹ. Ông đánh giá tàu Nga đã hành động thiếu « chuyên nghiệp, không an toàn ». Phía Mỹ khẳng định tàu Nga đã thực hiện nhiều thao tác cố áp sát tàu Mỹ và những hành động như vậy của hải quân Nga chỉ là « tăng căng thẳng một cách vô ích » và có thể dẫn tới hiểu lầm hoặc sự cố nghiêm trọng. Theo quan chức Mỹ này, chiến hạm USS Gravely được phiên chế trong nhóm tác chiến trực thuộc tàu sân bay Truman, đang tiến hành các phi vụ không kích tại Syria và Ikak.
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ Michelles Baldanza cho biết phía Mỹ đã trao đổi với Nga về sự cố nói trên qua « các kênh liên lạc quân sự thích hợp ».
Quân đội Nga, Mỹ vẫn thường tố cáo nhau có những hành động khiêu khích trên không cũng như trên biển Địa Trung Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét