Tin tức khắp nơi – 27/06/2016
Vụ khủng hoảng Anh trở nên nghiêm trọng hơn
Luiz Ramirez
Vụ khủng hoảng Anh hôm nay trở nên nghiêm trọng hơn trong lúc các giới chức Anh và Liên hiệp Châu Âu ra sức ứng phó với chấn động của việc cử tri Anh quyết định rời khỏi Liên hiệp Châu Âu, làm cho nước này rơi vào tình trạng mà một số người mô tả là vụ rối ren tệ hại nhất kể từ Thế chiến Thứ hai. Thông tín viên Luiz Ramirez của đài VOA gởi về bài tường thuật từ London.
Với hy vọng giảm thiểu sự bất an vào lúc các thị trường tài chánh mở cửa sáng nay, Bộ trưởng Tài chánh Anh Goerge Osborne đưa ra một thông cáo nói rằng kinh tế Anh trên cơ bản là vững mạnh và nước Anh “tiếp tục mở cửa cho doanh nghiệp.”
Trong những vụ giao dịch sáng nay, các thị trường ở Châu Âu sụt giá, nhưng không sụt mạnh như hôm thứ 6, là ngày mà chỉ số FTSE của thị trường London giảm tới 8% trước khi phục hồi đôi chút để kết thúc ngày giao dịch với mức sút giảm hơn 3%. Tỉ giá đồng bảng Anh sáng nay cũng tiếp tục sút giảm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến London hôm nay để tìm cách điều giải những sự chia rẽ sâu sắc và bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ.
Ông Kerry có mặt ở Rome hôm chủ nhật để bàn về tiến trình hoà bình Trung Đông đang bị bế tắc và ông đã quyết định vào phút chót là sẽ đến Brussels và London để ứng phó với vụ khủng hoảng Brexit.
Hôm qua, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phát biểu như sau về vụ khủng hoảng này.
“Điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta, trong tư cách là những nhà lãnh đạo, làm việc chung với nhau để mang lại sự liên tục và sự chắc chắn càng nhiều càng tốt để cho thị trường biết được là có những cách thức để giảm thiểu tối đa những sự xáo trộn, có những cách thức để tiến tới một cách khôn khéo nhằm bảo vệ những giá trị và những quyền lợi chung của chúng ta.”
Tại lục địa Châu Âu, những yêu cầu của các nước sáng lập Liên hiệp Châu Âu đòi Anh rời khỏi liên hiệp một cách nhanh chóng đã được xoa dịu bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel, là người hô hào cho một sự chia tay có tính chất hoà hoãn và có trật tự. Chánh văn phòng thủ tướng Đức, ông Peter Altmeier, nói “Các chính khách ở London nên dành thời giờ để xem xét lại những hậu quả của quyết định Brexit, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là quyết định Brexit không phải là Brexit.”
Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố đó phát xuất từ những đồn đoán là dân Anh có thể đảo ngược quyết định.
Trên lý thuyết, một sự đảo ngược có thể xảy ra. Lá phiếu hôm thứ 5 tuần trước chỉ hỏi là Anh nên rời khỏi hay nên ở lại trong Liên hiệp Châu Âu, và cuộc đầu phiếu là một biện pháp có tính chất tư vấn và không có tính chất cưỡng hành. Do đó, chính phủ có thể hành động theo ý kiến cử tri mà cũng có thể không hành động. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng có phần chắc là một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ nhì về vấn đề này sẽ không diễn ra.
Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã đạt mức 72%, mức cao nhất trong một cuộc đầu phiếu cấp quốc gia kể từ năm 1992.
Để khởi động tiến trình ra đi và bắt đầu thương thuyết cho cuộc chia tay, chính phủ Anh phải viện tới Điều 50 của Hiệp ước EU. Câu hỏi “Ai sẽ làm chuyện đó và khi nào” vẫn chưa có lời giải đáp trong lúc nước Anh trải qua vụ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên.
Hiện chưa rõ ai sẽ lên nắm quyền và khởi động tiến trình Brexit sau khi Thủ tướng David Cameron, thuộc đảng Bảo thủ, từ chức.
Ngày hôm nay, một số người trong đảng Lao động đã yêu cầu lãnh tụ Jeremy Corbyn rút lui sau khi 12 thành viên của nội các trong bóng mờ của ông tuyên bố từ chức.
Những người này cho rằng ông Corbyn đã không tranh thủ sự ủng hộ bên trong đảng Lao động để đánh bại chủ trương rời khỏi Liên hiệp Châu Âu.
Ông Stephen Kinnock, dân biểu thuộc đảng Lao động, phát biểu như sau.
“Theo tôi, nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để có một nhiệm quyền mới vào mùa thu năm nay. Câu hỏi lớn nhất mà ông Jeremy Corbyn phải trả lời là ông ấy có thật tâm tin rằng ông là nhà lãnh đạo thích hợp của đảng chúng ta để đưa chúng ta tiến vào cuộc tổng tuyển cử đó hay không, nhất là trong bối cảnh của một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp là điều đình cho việc nước Anh rời Liên hiệp Châu Âu.”
Trong khi đó, một thỉnh nguyện thư yêu cầu tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý đã có được hơn 3 triệu chữ ký. Các nhà phân tích nói rằng điều này hầu như chắc chắn sẽ làm bùng ra một cuộc tranh luận tại quốc hội và gây thêm chia rẽ trong cả hai đảng Bảo thủ và Lao động.
Căng thẳng ở Anh cũng đã trở nên tệ hại hơn vì những báo cáo về hành vi thù hằn nhắm vào người di dân. Sở Cảnh sát London cho biết họ đang điều tra những vụ tấn công “bị cho là có động cơ chủng tộc”, kể cả vụ vẽ bậy trên tường của trung tâm văn hoá Ba Lan trong khu Hammersmith của Tây London.
Một số cư dân cho biết họ tìm thấy trong hộp thư những tấm cạc ghi những từ ngữ xúc phạm người Ba Lan.
Căng thẳng và cảm giác bất an đang ở mức cao trong các cộng đồng người di dân sau cuộc trưng cầu dân ý, vì vấn đề di dân là một vấn đề then chốt thúc đẩy nhiều người bỏ phiếu tán thành đề nghị rời khỏi Liên hiệp Châu Âu.
Iraq: Fallujah hoàn toàn giải phóng, chuẩn bị chiếm lại Mosul
Thành phố Fallujah của Iraq bị tàn phá nặng nề sau những cuộc giao tranh ác liệt để chiếm lại thành phố này từ tay Nhà nước Hồi Giáo. Các giới chức ngày hôm qua loan báo là khu vực cuối cùng trong thành phố đã được chiếm lại. Theo tường thuật của thông tín viên Đài VOA Zlatica Hoke, có 85.000 thường dân phải tản cư vì chiến tranh tại đây.
Ngày hôm qua, lực lượng an ninh Iraq công bố một video cho thấy thường dân trốn chạy khỏi các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo trong khu vực Shirqat, cách Mosul khoảng 80 kilômét về phía nam. Binh sĩ giúp chuyên chở các gia đình về tỉnh Tikrit. Một thường dân Iraq nói:
“Những người anh hùng này giải phóng chúng tôi khỏi tay bọn bẩn thỉu Nhà nước Hồi Giáo. Bọn chúng bỏ đói chúng tôi, không cho chúng tôi nước uống hay thực phẩm trong 3 ngày trời.”
Các trại tị nạn tại Iraq quá đông những người trốn chạy các cuộc giao tranh, gây ra tình trạng thiếu thốn phẩm vật cứu trợ.
Ông Bruno Geddo, đại diện Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Iraq, cho biết như sau:
“Chúng tôi đang cố bắt kịp nhu cầu để đảm bảo là mọi người trốn khỏi Fallujah trong tình trạng kiệt quệ, tổn thương và cần được trợ giúp khẩn cấp sẽ có được lều trại để ngủ và những vật dụng cứu trợ chính yếu để sinh sống.”
Các giới chức cảnh báo chống lại việc đưa thường dân trở về nhà tại Fallujah trước khi đánh giá sự an toàn trong những khu vực dân cư. Binh sĩ đã tìm thấy một xưởng chế tạo chất nổ tại một khu vực dân cư.
Đại tướng Abdul Wahabm Alsaisi, thuộc lực lượng chống khủng bố, phát biểu như sau:
“Đây là một trong những khu vực được dọn dẹp trong những ngày gần đây và đây là một trong những xưởng sản xuất mìn bẫy và chất nổ mà chúng tôi tìm thấy. Một số giấy tờ đã bị Nhà nước Hồi Giáo đốt cháy nhưng chúng tôi đã tìm thấy một số chi tiết quan trọng.”
Lực lượng chính phủ và dân quân Shia đã mở một mặt trận thứ hai trong tháng này để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào thành phố Mosul ở miền bắc, một cứ địa của phe nổi dậy của Hồi Giáo Sunni tại Iraq. Ông Hadi Al Amersi, một viên chỉ huy dân quân Shia, nói:
“Chúng tôi sẽ không dừng lại sau Fallujah. Chúng tôi sẽ tham gia giải phóng Mosul, bất kể là những người khác có muốn làm như vậy hay không. Chúng tôi sẽ góp phần vào việc giải phóng Mosul và những người không thích việc này có thể đập dầu vào tường. Đây là lời nói cuối cùng.”
Liên hiệp quốc cho biết những cuộc tấn công quân sự sắp tới nhắm vào Nhà nước Hồi Giáo, trong đó có Mosul, kế cận với một con đập chiến lược, có thể làm cho 2 triệu người phải tản cư, trong khi số người tản cư hiện nay đã lên tới 3,5 triệu người.
Kinh tế TQ tăng trưởng chậm ảnh hưởng tới các nước Châu Á
Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể có tác động lớn hơn đối với các nước Đông Nam Á so với việc nước Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu, vì nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dựa vào hoạt động giao thương với nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này để có được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á có thể giúp ích cho việc giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc gia tăng với tỉ lệ 6,7% trong quí đầu năm nay. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu xảy ra vào đầu năm 2009.
Ông Joseph Incalcaterra, kinh tế gia của Ngân hàng HSBC, cho biết sự trì trệ của Trung Quốc ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu của các nước trong vùng Đông Á.
“Qua việc so sánh giữa thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2005 với thời kỳ từ năm 2006 đến năm 2014, chúng tôi nhận thấy trong thời kỳ thứ nhất, Hoa Kỳ — và ngay cả Liên hiệp Châu Âu, là một lực đẩy quan trọng hơn cho sự tăng trưởng của xuất khẩu ở Châu Á, nhưng trong thời kỳ gần đây nhất thì Trung Quốc có ảnh hưởng bao trùm. Sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, tuy chúng tôi không tiên đoán sẽ xảy ra một vụ hạ cánh cứng, nhưng điều mà chúng tôi đang nhìn thấy là một tiến trình tuần tự đang thật sự làm cho hoạt động xuất khẩu tại phần còn lại của khu vực này bị sút giảm.”
GPD gộp chung của Đông Nam Á lên tới 2.600 tỉ đô la. Trong năm 2015, tăng trưởng đã chậm lại tại 7 trong số 10 nước thành viên của ASEAN. Bị ảnh hưởng nặng nhất là Indonesia, là nước xuất khẩu rất nhiều khoáng sản sang Trung Quốc.
Trong khi xuất khẩu của Đông Nam Á có thể chậm lại vì nhu cầu sút giảm ở Trung Quốc, khối dân trẻ trung và tầng lớp trung lưu mỗi ngày một đông của khu vực này có thể làm cho Đông Nam Á trở thành một lực đẩy cho tăng trưởng của khu vực.
Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo Đông Nam Á sẽ có tăng trưởng kinh tế 4,5% trong năm 2016 và 4,8% trong năm tới, cao hơn tỉ lệ 4,4% của năm 2015. Khu vực này có 620 triệu người và thương mại nội khối chiếm đến 25% tổng kim ngạch mậu dịch, giúp cho họ có được một sự che chắn trước những ảnh hưởng của tình hình kinh tế Trung Quốc.
Ông Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết như sau.
“Tôi chưa nhận thấy nhiều tác động của sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam. Chẳng hạn như năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục gia tăng, đạt mức 14,8%. Tôi nghĩ rằng sở dĩ như vậy là vì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên vật liệu và nông sản, những thứ không thật sự bị tác động bởi sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.”
Tuy có những sự thay đổi quan trọng trong giới lãnh đạo chính trị và những cuộc bầu cử mới đây ở Philippines, Myanmar, Việt Nam và Lào, đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Mỹ đang đổ vào Đông Nam Á. Kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng tới mức 45 tỉ đô la trong năm 2015, và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang ra sức thúc đẩy cho Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thoả thuận thương mại giữa Mỹ với 11 nước ven Thái Bình Dương có thể đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc và tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của khu vực.
Ông Brian Eyler, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết như sau.
“Chúng tôi nhận thấy Hoa Kỳ đầu tư nhiều hơn ở Đông Nam Á, huấn luyện nhiều hơn, và tái cơ cấu cấu trúc ngoại giao để hội nhập tốt hơn với Đông Nam Á. Ấn Độ cũng đang làm như vậy. Nga cũng làm như vậy. Họ đang hoạt động dựa trên thực tế là khối ASEAN và Đông Nam Á là một khu vực tăng trưởng nhanh. Có rất nhiều cơ sở hạ tầng ở đó đang ở trong tình trạng ngưng hoạt động vì sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và không ai muốn thấy những thứ đó bị lãng phí.”
Những người ủng hộ TPP hy vọng hiệp định này sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào cuối năm nay, trong khoảng thời gian giao tiếp giữa chính phủ cũ và chính phủ mới
Vụ thảm sát Orlando làm thay đổi tranh luận về kiểm soát súng
Đã gần hai tuần lễ trôi qua sau vụ nổ súng giết người hàng loạt lớn nhất ở Hoa Kỳ. Bất kể những lời kêu gọi của công chúng đòi các luật lệ kiểm soát súng ống gắt gao hơn, Quốc hội vẫn ở trong thế bế tắc. Các nhà lập pháp Dân chủ đã sử dụng một chiến thuật dân quyền thời thập niên 1960 để mô tả sự bất bình của họ. Thông tín viên VOA Carolyn Presutti phân tích vụ nổ súng ở Orlando đang làm thay đổi cuộc tranh luận như thế nào trong bài tường thuật sau đây.
Đó là những lời hô hào hãy gọi điện thoại cho đại diện của mình trong đảng Cộng hòa, vào lúc diễn ra một cuộc tranh chấp lịch sử hiếm thấy tại trụ sở Quốc Hội, trong khi các đảng viên Dân chủ bất bình trước tình trạng án binh bất động về các dự luật có liên quan đến súng ống tổ chức một cuộc tọa kháng trước khi Quốc Hội nghỉ hè. Họ đã dùng Facebook và Periscope để phổ biến tin tức trực tiếp.
“Quý vị có thể giúp chúng tôi thắng cuộc chiến này, hỡi nước Mỹ.”
Nhưng công chúng chia rẽ về việc làm đó, ngay cả sau vụ tấn công gây chết chóc tại hộp đêm ở Orlando. Một cuộc thăm dò do đài CNN thực hiện cho thấy 55 phần trăm ủng hộ các luật lệ kiểm soát súng gay gắt hơn.
Nhưng sự ủng hộ dành cho một lệnh cấm sử dụng vũ khí tấn công, kể cả loại đã được sử dụng ở Orlando, đã nhảy lên tới mức 57 phần trăm trong một cuộc thăm dò của đài CBS. Nhiều người quy trách cho sự vận động của các nhà sản xuất súng.
“Hiệp hội Súng Quốc gia không điều hành nước này và chúng ta cần lấy lại sự kiểm soát.”
Một số người nói vụ tấn công khủng bố ở Orlando đã có một tác động đối nghịch và khiến mọi người sợ hãi muốn hành động, như ý kiến của ông Robert Cottrol, thuộc trường Đại học George Washington.
“Có lẽ có một số người đáng kể cũng nghĩ rằng, “Có thể tôi cũng có thể có được một khẩu súng để bảo vệ cho mình bởi vì có lẽ đây là một thời đại khủng bố mà cảnh sát có thể không sẵn sàng ở gần để làm việc ấy.”
Bởi lẽ Quốc hội đang khựng lại không đưa ra quyết định toàn quốc, một số bang như Indiana đang thông qua luật lệ của riêng mình. Dân biểu Dân chủ ở bang Indiana, ông Ed DeLaney nói:
“Gần như không có hy vọng nào là Washington sẽ làm gì. Tối cao Pháp viện đã khẳng định rõ rằng chúng ta được phép hạn chế vũ khí tự động, và chúng ta nên làm điều đó.”
Orlando đã đem lại một trọng điểm mới cho cuộc vận động chống súng ống: đó là ngăn cấm những người bị nghi là phần tử khủng bố – những người nằm trong danh sách theo dõi của FBI hay trong danh sách cấm bay – không được mua súng. Nhưng ông Cottrol tiên đoán là sẽ không có thay đổi cơ bản nào về sở hữu súng trong nay mai. Một cuộc thăm dò của tổ chức Pew nhận thấy 2 trong số 5 người Mỹ có một khẩu súng.
Tòa án Tối cao Mỹ sắp ra phán quyết quan trọng về phá thai
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày thứ Hai sẽ đưa ra một phán quyết có lẽ là phán quyết quan trọng nhất suốt 25 năm qua về vấn đề phá thai, giải quyết một tranh chấp mà có thể thay đổi quyền hiến định cho việc phá thai và ảnh hưởng đến hàng ngàn người phụ nữ.
Trọng tâm của vụ kiện tập trung vào việc liệu một luật của bang Texas ở vùng tây nam có giúp bảo vệ sức khỏe của những người phụ nữ muốn phá thai hay không, hay là đặt ra một “gánh nặng thái quá” trái với quy định của hiến pháp nhằm ngăn họ phá thai. Luật của Texas, cũng tương tự như những luật đã được ban hành ở những bang bảo thủ khác, bắt buộc bác sĩ phá thai phải có những đặc quyền nhận bệnh nhân tại những bệnh viện ở gần cơ sở thai của họ, và những cơ sở phá thai phải được trang bị những thiết bị y tế tốn kém cấp bệnh viện.
Texas ban hành luật này vào năm 2013 và đã bênh vực sự cần thiết của nó nhằm bảo vệ phụ nữ trong những cơ sở y tế an toàn. Đó là lập luận mà những người ủng hộ phá thai bác bỏ, nói rằng luật này chủ yếu nhằm mục đích cắt giảm 70.000 ca nạo phá thai mà phụ nữ Texas tìm kiếm mỗi năm.
Kể từ khi luật của Texas có hiệu lực, những người ủng hộ quyền phá thai nói rằng những quy định của nó bắt buộc bác sĩ phải có đặc quyền nhận bệnh nhân tại bệnh viện và những cơ sở phá thai phải có những thiết bị giống như ở bệnh viện đã khiến khoảng một nửa trong số 40 cơ sở phá thai ở bang này đóng cửa, và rằng thậm chí sẽ có thêm những cơ sở sẽ bị đóng cửa nếu luật này được giữ nguyên.
Phán quyết sẽ do tám vị thẩm phán của Tòa án Tối cao đưa ra. Tòa án vẫn thiếu một thẩm phán kể từ khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời hồi tháng 2, ngay trước khi những luật sư đại diện bang Texas và những tổ chức ủng hộ quyền phá thai trình bày luận điểm của mình trong vụ kiện.
Scalia, một nhân vật bảo thủ kiên quyết của tòa án suốt gần 30 năm qua, là người quyết liệt chống đối phá thai. Với bốn thẩm phán có quan điểm tự do của tòa án có phần chắc sẽ đứng về phía những tổ chức ủng hộ quyền phá thai để đảo ngược phán quyết của tòa án cấp dưới giữ nguyên luật của Texas, kết cục sẽ lệ thuộc vào Thẩm phán Anthony Kennedy, người mà tại phiên tòa nghe chứng về tranh chấp này hồi tháng 3 nói rằng những tòa án cấp thấp hơn có thể cần phải nghe thêm chứng cứ trong vụ kiện.
Ba thẩm phán có quan điểm bảo thủ có phần chắc sẽ đứng về phía bang Texas trong tranh chấp này. Nếu Thẩm phán Kennedy biểu quyết cùng với họ thì tòa án lâm vào thế bế tắc 4-4, luật của Texas sẽ được giữ nguyên, dù không có tiền lệ toàn quốc nào sẽ được định ra.
Bầu cử mới ở Tây Ban Nha không giải quyết được bế tắc chính trị
Cuộc bầu cử quốc hội lặp lại của Tây Ban Nha hôm Chủ nhật đã không thể xác định được tương lai chính trị trước mắt của nước này, với những đảng dẫn đầu giành được số phiếu gần giống số phiếu mà họ giành được vào cuối năm ngoái. Kết quả bất phân định vào tháng 12 đã dẫn tới sáu tháng đàm phán bất thành và đưa tới cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật.
Với hầu hết phiếu được đếm, Đảng Nhân dân của Thủ tướng Mariano Rajoy tạm quyền sẽ giành 136 ghế, thấp hơn nhiều so với 176 ghế cần có để đạt được thế đa số tuyệt đối trong quốc hội 350 thành viên, nhưng nhiều hơn 14 ghế so với hồi tháng 12. Kể từ đó những nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của liên minh từ những đảng đối thủ đã thất bại.
Kết quả gần đầy đủ do Bộ Nội vụ kiểm đếm cho thấy Đảng Xã hội trung tả về nhì với 85 ghế – ít hơn năm ghế so với kết quả bầu cử sáu tháng trước.
Liên minh cánh tả Unidos Podemos chống chính sách thắt lưng buộc bụng, trong đó bao gồm những người theo Đảng Cộng sản và Đảng Xanh, giành được 71 ghế. Liên minh này đã hy vọng vượt qua được Đảng Xã hội, trong một nỗ lực nhằm phá vỡ sự kiểm soát lưỡng đảng truyền thống ở nước này đối với đời sống công cộng ở nền kinh tế lớn thứ năm của Châu Âu.
Đảng Ciudadanos thân doanh nghiệp, từng được xem là một đồng minh tự nhiên của Thủ tướng Rajoy và những người theo ông ta, về thứ tư với 32 ghế.
Với kết quả bất phân định hôm Chủ nhật, các đảng một lần nữa dự kiến sẽ quay trở lại bàn đàm phán cho những cuộc thương thảo mà những nhà phân tích nói rằng có thể sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên đến đầu giờ sáng ngày thứ Hai vẫn chưa có cuộc đàm phán mới nào được loan báo.
Phe đối lập Syria lo ngại về người Afghanistan chiến đấu ở Syria
Ayaz Gul
ISLAMABAD—Liên minh đối lập chính của Syria đang bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về chiến dịch của Iran tuyển mộ và huấn luyện hàng ngàn người đàn ông Afghanistan để chiến đấu ở Syria.
Những quan chức ở Afghanistan hôm Chủ nhật khẳng định họ đã nhận được một bức thư bày tỏ mối lo ngại từ Syria.
Bức thư kêu gọi Tổng thống Ashraf Ghani thực hiện những bước khẩn cấp để ngăn chặn việc lợi dụng mang động cơ tôn giáo nhắm vào người Afghanistan và ngăn cản họ dính líu vào cuộc xung đột ở Syria, theo lời một quan chức chính phủ nói với VOA với điều kiện ẩn danh. Ông ta không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan Ahmad Shakeb Mustaghani nói với VOA rằng không chỉ qua bức thư này, mà còn qua những báo cáo khác trước đây, chính phủ hoàn toàn nhận thức được những hoạt động của người Afghanistan ở Syria.
Phát ngôn viên này nói: “Thật không may, thông qua những tổ chức phi chính phủ và đôi khi thông qua những kênh chính thức ở những nước nơi người tị nạn Afghanistan đang trú ngụ, những người tản cư bị buộc phải tham gia những hoạt động trái với những chuẩn mực quốc tế và cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Afghanistan.”
Ông cho biết Kabul đang cứu xét vấn đề này thông qua những văn phòng của cơ quan người tị nạn Liên Hiệp Quốc và những kênh ngoại giao khác.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Tehran đang tuyển mộ những người đàn ông trong số khoảng ba triệu người Afghanistan đang ở Iran, chỉ với khoảng một triệu người Afghanistan có tư cách pháp nhân chính thức là người tị nạn ở nước này. Nhiều gia đình tản cư đã chạy lánh sự bức hại và xung đột vũ trang ở Afghanistan.
Vệ binh Cách mạng Iran được cho là đứng đằng sau việc huy động của một lực lượng dân quân vũ trang người Hồi giáo Shia đa quốc gia để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang gặp nguy khốn.
Những tân binh được cho là chủ yếu thuộc cộng đồng người Shia Hazara. Họ được hứa hẹn một khoản tiền lương hàng tháng và giấy phép cư trú để đổi lấy điều mà nhà chức trách Iran nói với họ là một sứ mạng thiêng liêng để bảo vệ những đền thánh của người Shia ở Damascus khỏi Nhà nước Hồi giáo (Daesh).
Những tổ chức nhân quyền nói rằng cũng đã có những trường hợp cưỡng bức trục xuất những người Afghanistan từ chối lời đề nghị này. Họ nói nhiều người trong số những tân binh chạy khỏi chiến trường và gia nhập dòng người tị nạn tìm kiếm sự bảo hộ ở Châu Âu.
Trong báo cáo công bố hồi đầu năm nay, tổ chức Theo dõi Nhân quyền ước tính có tới 10.000 người Afghanistan có thể đã được tuyển mộ và huấn luyện để chiến đấu ở Syria.
Tổ chức này nói tang lễ cho những người Afghanistan thiệt mạng trong chiến sự thường được tổ chức tại Iran, đôi khi có sự tham dự của những quan chức Iran.
Anh Quốc ‘rối tung’ sau quyết định rút khỏi EU
Anh Quốc đang rối tung tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý quyết định rút khỏi Liên hiệp Âu Châu, trong khi bộ trưởng thứ nhất của Scotland tuyên bố quốc hội Scotland có thể phủ quyết việc rút khỏi EU.
Trong ngày có những diễn biến quá nhanh đã đẩy những chia rẽ ngày càng tăng ở Anh thành một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các chính trị gia Anh cần có thêm thời gian để xem xét lại những hậu quả của quyết định rút khỏi EU.
Phát biểu mang tinh thần hòa giải đó của bà Merkel được đưa ra vào lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến thăm Châu Âu, với chặng dừng đầu tiên ở Rome trước khi tham dự những cuộc họp khẩn tại London và Brussels trong tuần này.
Các giới chức Mỹ nói ông Kerry sẽ tìm cách giữ một vai trò trung gian và Washington đã khuyên các nhà lãnh đạo EU không nên tăng áp lực đòi chính phủ Anh phải thực thi Điều 50, theo đó sẽ tự động đặt Anh Quốc vào con đường rút khỏi EU hoàn toàn sau năm.
Một giới chức cấp cao của Mỹ nói với đài VOA: “Chúng tôi đang theo dõi và tham gia vào các nước EU và đang tìm cách giúp cho các cuộc đối thoại đó.”
Trong phát biểu hôm Chủ nhật, thông qua chánh văn phòng, bà Merkel nói rằng Anh Quốc “phải nên có cơ hội để xem xét lại những hậu quả của quyết định rút khỏi EU.”
Ông Peter Altmaier, trợ lý của bà Merkel, nói thêm rằng điều đó không có nghĩa là Anh phải “xem xét lại quyết định rút khỏi EU.”
Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Đức cũng lên tiếng khuyên giải các nhà lãnh đạo EU nên phản ứng thận trọng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi EU của Anh trước phản ứng của các ngoại trưởng cá nước EU kêu gọi cắt đứt nhanh chóng. Các ngoại trưởng tranh luận rằng tình trạng bất định sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu trên trường tài chánh và hối đoái.
Ngoại trưởng Kerry tìm cách trấn an Anh Quốc và Liên hiệp Âu Châu bằng sự tiếp tục ủng hộ của Mỹ trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật tại Rome.
Ông Kerry nói mặc dù Mỹ lấy làm tiếc về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, “những thay đổi hiện nay phải được suy nghĩ trên tinh thần của những lợi ích và giá trị kết nối chúng ta với nhau.”
Đệ nhất Bộ trưởng Scotland Nicola Sturgeon, chính trị gia năng động nhất ở cả hai bên ranh giới giữa bắc và nam, hôm Chủ nhật nói rằng Quốc hội Scotland có thể phủ quyết quyết định rút khỏi EU.
Scotland bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo muốn ở lại EU. Bà Sturgeon cảnh báo rằng bà sẽ khai thác mọi khả năng để giữ Scotland ở lại với EU, kể cả việc có thể tìm cách biểu quyết tách ra độc lập với Anh Quốc một lần nữa.
Brexit lan tỏa chấn động sang cuộc đua tổng thống ở Mỹ
Quyết định của Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu đang lan tỏa chấn động tới cuộc đua tổng thống ở Mỹ. Ứng cử viên sắp trở thành người được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống Donald Trump coi hành động của Anh như một sự khẳng định những thông điệp cốt lõi của chiến dịch tranh cử của ông ta, trong khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton xem sự kiện này là một bằng chứng nữa cho thấy ông Trump không thích hợp trở thành tổng thống.
Chiến thắng bất ngờ của phe ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit) đã khiến chính quyền Obama vất vả tỏ ra bình thản trước một kết cục mà họ không muốn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu ở Rome hôm Chủ nhật: “Một đất nước đã đưa ra quyết định. Rõ ràng, đó là một quyết định mà Mỹ đã hy vọng là sẽ theo hướng kia. Nhưng nó đã không diễn ra như vậy. Và vì thế chúng tôi bắt đầu với sự tôn trọng căn bản đối với cử tri.”
Nhưng ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump dường như hoan nghênh kết cục này. Một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, ông ta phát biểu tại sân golf mang tên mình ở Scotland.
“Người ta muốn giành lại đất nước của họ. Họ muốn có độc lập, theo một nghĩa nào đó… Tôi thực sự thấy có sự tương đồng giữa điều đang diễn ra ở Mỹ và điều đang diễn ra ở đây. Người ta muốn nhìn thấy biên giới.”
Ban vận động tranh cử của ứng cử viên sắp được Đảng Dân chủ đề cử tổng thống Hillary Clinton đả kích tuyên bố của ông Trump rằng biến động tiền tệ ở Anh có thể làm lợi cho hoạt động kinh doanh của ông ta ở Scotland.
Quảng cáo mới của bà Clinton nói: “Mỗi một tổng thống đều bị thử thách bởi những sự kiện thế giới. Nhưng Donald Trump nghĩ về chuyện sân golf của ông ta hưởng lợi ra sao từ những sự kiện này. Trong một thế giới đầy biến động, điều cuối cùng chúng ta cần là một tổng thống không ổn định.”
Nhưng nếu cuộc bỏ phiếu Brexit cho thấy rõ sự bất mãn của công chúng ở bờ bên kia của Đại Tây Dương, phe Cộng hòa nói rằng thái độ tương tự cũng đang hiện hữu ở bờ bên này.
“Những gì bạn nhìn thấy ở Anh, ít nhất là từ những gì tôi đọc thấy, là người dân đã chán ngán chuyện bị những quan chức không được dân cử ở Brussels ra lệnh,” nhà lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ bang Kentucky, phát biểu trên chương trình This Week của đài ABC. “Và tất nhiên tình trạng đó có rất nhiều ở đất nước này. Rất nhiều những quan chức của tổng thống mở rộng những quy định theo cách làm chậm nền kinh tế của chúng ta và làm cho tăng trưởng khó đạt được.”
Một cuộc khảo sát ý kiến mới cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump 12 điểm, nhưng hầu hết cử tri muốn có một hướng đi mới cho nước Mỹ. Phe Dân chủ khẳng định cử tri không bị sự bất an và bất mãn làm mờ mắt.
Tom Perez, Bộ trưởng Lao động và là một đồng minh của bà Clinton đồng minh, nói trên chương trình This Week: “Những khác biệt giữa Ngoại trưởng Clinton và Donald Trump về tính khí, về sự suy xét, về những giá trị là không thể rạch ròi hơn. Và những khác biệt đó một lần nữa hiển hiện suốt hai tuần qua.”
Một cơn chấn động xuyên Đại Tây Dương làm rung chuyển sự phục hồi kinh tế yếu ớt của Mỹ có thể là điều khó có thể tiên đoán được tác động của nó trong cuộc bầu cử. Chính quyền Obama nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu tối đa những gián đoạn bắt nguồn từ Brexit.
Nhóm hoạt động Philippines gặp tàu Trung Quốc
Một nhóm các nhà hoạt động trẻ ở Philippines nói họ bị “quấy rối” bởi tàu Trung Quốc và bị máy bay của Trung Quốc “theo dõi” khi thực hiện các chuyến đi ra đảo ở khu vực tranh chấp.
Nhóm Kalayaan Atin Ito nhiều lần dùng tàu cá đi ra các khu vực tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông từ cuối năm 2015.
Ngày 12/6, nhóm Kalayaan Atin Ito thực hiện chuyến đi bằng tàu cá ra Bãi cạn Scarborough/bãi Hoàng Nham, vào đúng ngày Độc lập của Philippines.
“Chúng tôi khởi hành từ Masinloc, tỉnh Zambales, nơi gần nhất từ đất liền để ra bãi cạn. Và chúng tôi đã đi 17 giờ trên biển để ra tới Scarborough,” trưởng nhóm Vera Joy Ban-eg kể lại hành trình đầu tháng Sáu.
Khi vừa ra đến bãi cạn, tàu cá của họ gặp nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện. Trong video quay từ trên tàu cá, nhóm Kalayaan Atin Ito ở vị trí rất gần các tàu cao tốc nhỏ, tàu sắt có biển hiệu là chữ Trung Quốc.
Bà Ban-eg kể: “Một tàu cao tốc của Trung Quốc tiếp cận chúng tôi. Hai người trên tàu ra dấu hiệu nói chúng tôi “đi, đi, đi, quay lại”.
“Sau đó một tàu lớn hơn xuất hiện, và sau đó tàu mẹ đến, và một tàu cao tốc nữa lại gần, cuối cùng có tất cả 5 tàu xuất hiện và ở xung quanh tàu chúng tôi.”
“Trên tàu mẹ lớn nhất chúng tôi thấy có sáu người Trung Quốc. Tôi nghĩ họ là các sĩ quan, họ rất trẻ, giống như chúng tôi vậy. Và họ liên tục nói: “Đi đi, đây là Trung Quốc, cái hồ là của Trung Quốc”, mọi việc cứ như vậy trong suốt bốn giờ.”
Nhóm nhà hoạt động trẻ nói họ “bình tĩnh” và đã “chuẩn bị sẵn” cho tình huống xảy đến và “đến đây chỉ để đánh cá”.
Trước đó, cuối tháng 12/2015, nhóm hoạt động này với các thành viên hầu hết là sinh viên đã ra đảo Pagasa tại Trường Sa.
Chuyến ra Pagasa của nhóm do một cựu tư lệnh hải quân dẫn đầu, đã dùng thuyền đi qua hải trình 500 km tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trước khi tới đảo nhỏ này.
Sau chuyến đi, Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ, và người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Một lần nữa chúng tôi cảnh báo Philippines rút khỏi… hòn đảo đã bị chiếm phi pháp”.
Trong chuyến ra đảo Pagasa, nhóm này nói với BBC họ không gặp cản trở gì nhưng “luôn có trực thăng Trung Quốc bay trên đầu theo chúng tôi suốt bảy ngày”.
Vẫy cờ ở bãi cạn
“Một trong những mục tiêu của chúng tôi là vẫy cờ ở bãi cạn,” một thành viên tình nguyện của nhóm tên Andrei Villato nói với BBC Tiếng Việt.
“Chúng tôi có mang theo cờ Philippines và cờ Liên Hiệp Quốc. Tôi nhảy xuống nước, cầm theo cờ, nhưng tôi không yêu cầu các tình nguyện viên khác nhảy theo, tôi chịu rủi ro, nhưng tôi không muốn họ chịu rủi ro,” Bà Ban-eg tả lại chuyến đi đầu tháng Sáu.
Hình ảnh từ video cho thấy những nhà hoạt động này bị tàu cao tốc chạy vòng vòng xung quanh để họ không thể lại gần bãi cạn Scarborough.
Andrei miêu tả: “Tôi và những người cùng bơi bị sóng đánh cản và bị xịt vòi nước để không thể bơi vào “cái hồ”, là tên người Trung Quốc gọi vụng biển bên trong.”
Nhưng một số thành viên đã bơi vào được bãi cạn và vẫy cờ Philippines.
Họ quay lại tàu, rời khỏi khu vực Scarborough và “không gặp cản trở gì”.
Nhóm này cho biết, chuyến đi đầu tháng 6/2016 đã giúp họ “xác nhận hai điều”:
“Tàu hải tuần Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện ở bãi cạn Scarborough. Và theo quan điểm của họ, bãi cạn thuộc về họ và họ không cho người Philippines đặt chân đến đó để đánh cá.”
“Thứ hai, xung quanh khu vực đó không có thuyền đánh cá nào, không có tàu tuần tra của Philippines trong suốt 17 giờ chúng tôi ra và ở đó,” đại diện của nhóm này nói với BBC.
“Câu hỏi là tại sao họ [Trung Quốc] không muốn chúng tôi đánh cá ở đó. Người Trung Quốc luôn nghĩ bãi cạn Scarborough là của họ, cả trong tâm trí lẫn DNA của họ,” Andrei nhận định.
“Đây sẽ là cuộc đấu tranh lâu dài của chúng tôi.”
‘Đặt chân đến tất cả các đảo’
Jasper Cruz, một tình nguyện viên 18 tuổi của nhóm này nói: “Chúng tôi đã đi vòng quanh Philippines, đưa thông tin, giới thiệu với sinh viên về Biển Tây Philippines [Biển Đông theo tên gọi của Philippines], về vụ kiện ở tòa thường trực, về việc quân sự hóa trên biển. Chúng tôi mời sinh viên tham dự với chúng tôi.”
Tổ chức hoạt động vì tranh chấp trên Biển tây Philippines này cho biết họ có “tham vọng đặt chân đến tất cả các đảo của Philippines mà Trung Quốc đã chiếm phi pháp trên Biển Tây Philippines.”
Adrianne Supat, một trong các thành viên làm tình nguyện thường trực cho biết họ có chuyến đi đến bãi cạn Ayungin (bãi Cỏ Mây) trong khu vực tranh chấp trên quần đảo Trường Sa trong hai ngày 25-26/6 trong thời gian chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines.
Nhóm này nói trong ngày thứ Hai 27/6 họ sẽ tiếp tục đi tàu đến một đảo khác gần đó, cũng nằm trong khu vực tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.
Năm 2013, Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Đơn kiện của Philippines nói yêu sách ‘đường chín đoạn’, hay ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
Liệu Nga có hưởng lợi gì từ Brexit?
Steve RosenbergBBC News, Moscow
Trong quá trình Anh tiến hành trưng cầu dân ý ra khỏi Liên hiệp Âu châu (EU), Nga đã trở thành một phần của cuộc tranh luận.
Chiến dịch vận động Ở lại nói rằng Kremlin đã bí mật ủng hộ việc ra khỏi Brexit nhằm làm suy yếu EU.
Như lời Thủ tướng David Cameron, Tổng thống Vladimir Putin “có lẽ là hài lòng” nếu như Anh rời EU.
Có thật vậy không? Có phải lãnh đạo Kremlin thích thú với kết quả Brexit không?
Ít nhất là ông cũng không thể hiện công khai.
Hôm thứ Sáu, ông Putin nói với các phóng viên rằng kết quả trưng cầu đem lại những “tích cực và tiêu cực”. Ông nói về những vấn đề tiêu cực, trong đó có cả tác động bất ổn đối với thị trường tài chính.
Nhưng những vấn đề “tích cực” là gì? Nga sẽ đạt được gì từ Brexit?
Anh quốc và EU đã rơi vào tình trạng không chắc chắn về kinh tế. Điều gì sẽ xảy ra? Liệu Anh có tan vỡ? Các quốc gia EU khác liệu có theo chân ra đi không?
Trong những tuần tới, truyền thông quốc gia Nga có lẽ sẽ mô tả cơn chấn động hậu trưng cầu dân ý và sự bất ổn ở nước ngoài với bức tranh “ổn định” ở trong nước với những hình ảnh về một Tổng thống Putin “mạnh mẽ”.
Trước khi có kỳ bầu cử quốc hội, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào cuối năm nay, việc đưa tin như vậy sẽ làm tăng sức mạnh cho đảng cầm quyền và cho bản thân tổng thống.
‘Ngư ông đắc lợi’
EU đã áp lệnh trừng phạt lên Nga sau vụ Moscow can thiệp vào Ukraine.
Nay, với Brexit, EU đang bị áp lực nặng nề.
Đúng như trông đợi, Nga có khá nhiều cơ hội để thủ lợi.
“Không phải chuyện đùa. Đồng bảng Anh giờ là một loại đồng rouble mới,” một trong những người dẫn chương trình trên truyền hình quốc gia bình luận về việc đồng tiền tệ Anh mất giá.
Konstantin Kosachev, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga, thừa nhận trên Life TV: “Nhìn vào mối quan hệ căng thẳng của chúng ta với EU, thì những khó khăn của EU khiến có người cảm thấy hả dạ.”
Nhưng bản thân ông Kosachev thì không có cảm giác đó. Ông chỉ ra rằng EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
“Nếu như EU tan rã,” ông cảnh báo, “thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại của chúng ta.”
Giã từ các lệnh trừng phạt?
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin tin rằng Nga thắng từ vụ Brexit.
“Nếu không có Anh trong EU, sẽ không còn ai ganh ghét đứng lên đòi trừng phạt chúng ta nữa,” ông viết trên Tweeter.
“Trong toàn bộ các quốc gia thành viên EU, Anh là nước hung hăng nhất đối với Nga,” phân tích gia chuyên về chính trị, Alexei Mukhin viết trên báo lá cải Moskovsky Komsomolets. “Họ luôn chỉ trích chúng ta, cố làm hại chúng ta về kinh tế, tài chính và chính trị. Brexit sẽ khiến cho EU trở nên thân thiện hơn đối với Nga.”
Có lẽ là ông đã hơi kỳ vọng quá mức. Anh không phải là quốc gia EU duy nhất có quan điểm cứng rắn với Nga. Ba Lan, Thụy Điển và các nước vùng Baltic cũng vậy.
Tân thủ tướng Anh sẽ thân thiện hơn với Moscow?
Hiện tình cảm giữa Số 10 Downing Street và Điện Kremlin chưa có gì sứt mẻ.
David Cameron nói Vladimir Putin ủng hộ việc Anh rời EU. Ông Putin cáo buộc ông Cameron là đã tổ chức trưng cầu dân ý để “tống tiền châu Âu”.
Sau khi ông Cameron tuyên bố từ chức, phát ngôn viên của ông Putin nói ông hy vọng rằng “trong tình hình thực tế mới, việc hiểu rõ về nhu cầu phải xây dựng quan hệ tốt với đất nước chúng tôi sẽ thắng thế”. (Hay nói cách khác thì, “hy vọng là tân thủ tướng sẽ thân thiện với chúng tôi hơn”.)
Những người ủng hộ mạnh mẽ cho Brexit đã kêu gọi hãy có quan hệ tốt hơn với Nga.
Sáu tháng trước, ông Boris Johnson thúc giục Anh hãy hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiên chống lại nhóm được gọi là Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Ông kết luận: “Không phải là cứ cái gì tốt cho ông Putin đều là đương nhiên xấu cho phương Tây.”
Điện Kremlin sẽ lưu ý điều này.
‘Giáo hội nên xin lỗi người đồng tính’
Giáo hoàng Francis nói Giáo hội Công giáo Roma nên xin lỗi người đồng tính vì cách đối xử với họ.
Ông nói với phóng viên Giáo hội không có quyền phán xét cộng đồng người đồng tính, và nên thể hiện sự tôn trọng với họ.
Giáo hoàng cũng nói Giáo hội cũng nên xin được những người bị bỏ ra bên lề tha thứ, như phụ nữ, người nghèo, trẻ em bị lao động cưỡng bức.
Giáo hoàng được ca ngợi trong cộng đồng người đồng tính vì thái độ tích cực của ông dành cho họ.
Nhưng những người Công giáo bảo thủ phê phán ông vì bình luận mà họ cho là mơ hồ về đạo đức tính dục.
Nói với phóng viên khi đang trên máy bay từ Armenia, Giáo hoàng nói: “Tôi sẽ nhắc lại giáo lý mà Nhà thờ nói, rằng họ [người đồng tính] không nên bị kỳ thị, rằng họ nên được tôn trọng, nên được phục vụ.”
“Tôi nghĩ Giáo hội không chỉ nên xin lỗi… người đồng tính mà họ đã làm tổn thương mà còn cần phải xin lỗi người nghèo, xin lỗi những phụ nữ bị lạm dụng, xin lỗi những trẻ em bị lao động cưỡng bức. Nhà thờ phải xin lỗi vì đã ban phước cho quá nhiều vũ khí.”
Năm 2013, Giáo hoàng Francis tái khẳng định với Giáo hội Công giáo Roma rằng hành vi tính dục đồng tính là tội lỗi, nhưng xu hướng đồng tính không phải tội lỗi.
“Nếu một người đồng tính và hướng về Thiên Chúa và có thiện chí, ta là ai mà có thể phán xét họ?” Giáo hoàng nói.
Trong một phát biểu khác hôm Chủ Nhật 26/6, Giáo hoàng nói ông hi vọng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ hồi phục sau khi Anh Quốc quyết định rời EU.
Trong chuyến viếng thăm thủ đô của Armenia, Yerevan, Giáo hoàng mô tả cuộc thảm sát người Armenia dưới chế độ Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến thứ nhất là “diệt chủng”.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn tranh cãi về số người bị giết và luôn phẫn nộ từ chối cụm từ “diệt chủng”.
Đáp lại, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli nói bình luận của Giáo hoàng là “rất đáng tiếc” và nói nước này “có thể thấy tất cả các hình ảnh và tâm lý của cuộc thập tự chinh trong các hành động của giáo hoàng”.
Phát ngôn viên của Tòa thánh, Cha Federico Lombardi nói với phóng viên: “Giáo hoàng không ở trong cuộc thập tự chinh nào cả. Ông không cố gây ra chiến tranh hay dựng ra các tường thành mà ông muốn xây dựng cầu nối. Ông chưa từng nói một từ nào chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ.”
Bảng Anh tiếp tục mất giá ở châu Á
Đồng bảng Anh giảm giá mạnh trên thị trường châu Á ngày thứ Hai 27/6, sau ngày thứ Sáu 24/6 giảm kỷ lục.
Bảng Anh được giao dịch với giá 1,3365 đô la Mỹ, giảm gần 3% so với khi đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu 24/6. Bảng Anh cũng được giao dịch với giá 1,2147 euro, giảm 1,4%.
Hôm thứ Sáu, Bảng Anh rớt giá nhiều nhất so với đồng đô la Mỹ, có lúc một bảng chỉ đổi được 1,3236 USD.
Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vào hôm thứ Sáu với hơn 2.000 tỉ USD giá trị chứng khoán mất đi, theo Standard and Poor’s và là mức mất mát lớn nhất trong một ngày, hơn cả sự cố Lehman Brothers hồi khủng hoảng tài chính 2008.
Lãnh đạo IMF nói việc Anh bỏ phiếu rời EU gây sửng sốt cho các thị trường tài chính tuy không bị “hoảng loạn” và thị trường “trong tầm kiểm soát”.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói Anh sẵn sàng đối mặt với tương lai “từ vị thế mạnh”.
Ông Osborne tuyên bố trước khi bắt đầu phiên giao dịch ở Anh để trấn an thị trường sau biến động trên thị trường tài chính sau cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Năm 23/6.
Giới chức ở châu Á đã và đang có hành động nhằm bình ổn thị trường tài chính.
Sau cuộc họp khẩn cấp, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso nói ông được Thủ tướng Shinzo Abe chỉ đạo thực hiện các bước để ổn định thị trường tiền tệ nếu cần thiết. “Rủi ro và sự bất ổn vẫn còn trên thị trường tài chính,” ông Abe nói.
Đồng yên tăng giá là mối quan tâm của chính phủ Nhật, vì sẽ làm xuất khẩu của nước này giảm khả năng cạnh tranh.
Sau khi giảm gần 8% vào hôm thứ Sáu 24/6, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục giảm thêm 1,3% vào thứ Hai 27/6. Tại Trung Quốc, ngân hàng nhà nước đã giảm giá nhân dân tệ khoảng 0.9%, mức hạ lớn nhất kể từ tháng Tám năm ngoái.
Giá đồng bảng Anh so với đồng euro, đồng USD và các đồng tiền khác bị giảm mạnh sau kết quả trưng cầu theo đó Anh sẽ rời EU.
Hệ quả có thể sẽ dẫn tới lạm phát, mặc dù từ một mức rất thấp.
BBC Capital tìm hiểu vì sao kết quả bỏ phiếu này có thể ảnh hưởng đến giá cả những thứ chúng ta ưa thích, sử dụng và phụ thuộc hàng ngày. Tức là những thứ có thể bạn mua sắm hàng ngày trong khi có các hạng mục khác bạn có thể sẽ chi tiêu hàng năm.
Đây là quan điểm dựa trên thông tin hiện có về những gì có thể xảy ra, chứ không phải là một quan điểm có tính kết luận hoặc chắc chắn vì có nhiều yếu tố tác động tới giá cả hiện vẫn chưa rõ ràng.
BBC đã tiếp cận nhiều chuyên gia để thu thập thông tin từ các tổ chức thương mại, đoàn thể, các tổ chức chính phủ, viện nghiên cứu và các tổ chức tài chính.
Có tới 90% cà chua ở Anh là nhập khẩu từ EU, chủ yếu là từ Hà Lan (40%) và Tây Ban Nha (35%). Thuế nhập khẩu tăng có thể sẽ đẩy giá cao hơn. Việc trồng và chế biến cà chua tại Anh có thể được tăng cường để lấp khoảng trống nhập khẩu này.
Giá quần áo và giầy dép có thể sẽ hạ nếu Brexit cho phép Anh tránh thuế nhập khẩu. Các hãng nước ngoài vẫn được chào đón tại những nơi buôn bán chính và nhà chức trách địa phương vẫn cam kết để có sự cạnh tranh của nước ngoài.
Nếu Anh không bị ràng buộc bởi một điều luật của EU cấm phụ thu phủ sóng roaming từ tháng 4/2017 thì người tiêu dùng có thể sẽ vẫn trả phụ phí khi dùng điện thoại thuê bao tại Anh ở nước ngoài. Các công ty điện thoại có thể sẽ không muốn tính thêm phụ phí cho người tiêu dùng tại Anh.
Trái cây thuộc dòng cam, quýt, bưởi không được trồng cho mục đích thương mại tại Anh. Có 770.000 tấn trái cây loại này được nhập vào Anh năm 2015, 40% là từ Tây Ban Nha. Thuế nhập khẩu tăng nhiều khả năng sẽ đẩy giá lên.
Luật hải quan hiện hành gần như không giới hạn số lượng thuốc lá và đồ uống có trả thuế nhập từ EU vào Anh. Nếu có hạn chế được áp dụng thì người ta sẽ bớt mua rượu và thuốc lá khi đi tàu thủy hoặc tàu hỏa từ Pháp vào Anh.
Rượu vang Pháp, Tây Ban Nha và Ý có thể sẽ tăng giá nếu thuế nhập khẩu tăng. EU hiện đang đánh thuế 32% đối với rượu xuất vào các nước ngoài EU.
Anh nhiều khả năng sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn như vậy và có thể tự bỏ thuế nhập khẩu rượu từ “Thế giới Mới” trong đó có New Zealand và California.
Thu hoạch măng tây là hoạt động thời vụ và sử dụng nhiều lao động và thường là lao động di cư từ EU, vốn chiếm 6% lao động trong khu vực nông nghiệp của Anh vào năm 2014. Việc thiếu lao động có thể sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại Anh.
Phân nửa thu nhập nông nghiệp Anh là đến từ trợ giá của EU. Trong khi Brexit có thể mang lại thêm quyền kiểm soát về chi tiêu thì nhiều người lo ngại rằng sẽ có nhiều nhà nông sớm mất việc làm khi không còn hưởng hỗ trợ từ Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP).
Anh nhập khẩu tới 62% lượng pho mát và 98% là từ EU. Nếu giá tăng thì người tiêu dùng có thể ngưng ăn pho mát Gouda và Roquefort để chuyển sang ăn Cheddar và Stilton.
Anh có ngành chế biến pho mát khá mạnh và việc giá tăng sẽ có thể khiến khu vực nội địa tăng cường chế biến và tiêu thụ và về lâu dài sẽ đẩy giá pho mát xuống.
Nhập khẩu xe hơi từ châu Âu có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn. Xóa bỏ rào cản quan liêu của EU có thể làm ảnh hưởng tới giá, có thể lên hoặc cũng có thể xuống.
Khi đồng bảng mất giá thì chi phí du lịch tại nước ngoài đối với người từ Anh sẽ tăng. Để có được vé máy bay giá rẻ, Anh sẽ phải đàm phán với Khu vực Hàng không Chung châu Âu (ECAA) bao gồm nhiều nước không phải là thành viên EU. Một giải pháp thay thế khác là Anh có thể đàm phán một thỏa thuận hàng không song phương với EU.
Với việc đồng Euro cũng mất giá thì người dùng đồng bảng đi du lịch sang khu vực đồng euro sẽ không bị chi phối bởi tỉ giá.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital
Hậu Brexit, châu Âu tìm phương án B
Bruxelles và các thủ đô Châu Âu vẫn còn choáng váng vì phe Brexit thắng cuộc trưng cầu dân ý. Lần đầu tiên từ khi hình thành, Liên Hiệp Châu Âu phải đối phó với thách thức một thành viên thuộc hàng đại cường ra đi, đưa toàn khối vào một tương lai bất định. Nhưng liệu Liên Hiệp Châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch B hay chưa ? Berlin và Paris có đủ bản lĩnh đưa toàn khối đi tới ?
Thứ Tư 29/06 tới đây, tức một tuần lễ sau khi 52% cử tri Anh bỏ phiếu đi ra, 27 thành viên còn lại mới họp thượng đỉnh tại Bruxelles. Nhưng ngay từ đầu tháng Sáu, chủ tịch nhóm sử dụng đồng tiền chung Euro gọi tắt là Eurogroupe, Jeroen Dijsselbloem đã tuyên bố rõ ràng : châu Âu không có kế hoạch ngăn chận hệ quả lây lan trong trường hợp Liên Hiệp Anh ra đi.
Trong phản ứng đầu tiên, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định « đây không phải là bước đầu tan rã » của Liên Hiệp Châu Âu. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk thì kêu gọi không nên « hoảng loạn ».
Không có kế hoạch B, nhưng các thủ đô Tây phương đã không ngừng tham khảo nhau từ những tuần qua. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng này mà tác động đầu tiên là đang làm thị trường tài chính thế giới chao đảo, mọi cặp mắt trông chờ giải pháp, hay đề nghị bắt buộc phải có từ hai lãnh đạo đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu là Pháp và Đức. Theo tuyên bố của giới thân cận của tổng thống Pháp François Hollande thì trong cuộc điện đàm tối Chủ nhật với thủ tướng Đức Angela Merkel, Paris và Berlin đã đồng thuận « hoàn toàn » về cách « xử lý » hậu quả Brexit. Phương cách đó là như thế nào ? Có lẽ phải chờ cuộc họp vào chiều thứ Hai tại Berlin, và có Ý tham gia, mới có thể rõ hơn.
Vấn đề là giữa Đức và Pháp, lãnh đạo mỗi nước có quan điểm trái ngược nhau về sách lược chấn hưng kinh tế. Pháp, cũng như các thành viên Nam Âu thì muốn « đầu tư kích thích tăng trưởng, hài hòa thuế vụ và phúc lợi xã hội » còn Đức và các nước Bắc Âu thì cương quyết với chủ trương đang thắng thế là « thắt lưng buộc bụng, tăng thu giảm chi ». Chính sách khắc khổ này đã gây bất bình cho một tầng lớp dân chúng, đặc biệt là Hy Lạp, Tây Ban Nha, ở Pháp và Anh chống thái độ mà họ gọi là « độc đoán » của Bruxelles trong lãnh vực tài chính, kinh tế.
Làm cách nào để dung hòa giữa hai quan điểm đối chọi này giữa Nam Âu và Bắc Âu ? Làm thế nào để dung hòa giữa các thành viên ở Đông Âu chống hiện tượng di dân nhập cư, và quan điểm cởi mở hơn ở Tây Âu ?
Trong bối cảnh này, theo giới phân tích, rất có thể Pháp và Đức sẽ tập trung vào một mẫu số chung mà mọi nước đều đồng ý : an ninh và quốc phòng. Phải chứng tỏ Liên Hiệp Châu Âu có khả năng hành động cụ thể, xác định bảo vệ một biên giới chung để trấn an người dân sợ khủng bố và nhập cư.
Tuy nhiên, tình hình có thể phức tạp hơn nhiều vì đảng cánh hữu cầm quyền tại Ba Lan, thành viên cột trụ ở Đông Âu đã lên tiếng đòi phải viết lại Hiệp Định Châu Âu, cải cách Liên Hiệp Châu Âu thành một thị trường rộng lớn, không còn « tính liên bang », trả lại Quốc Hội của mỗi thành viên vai trò quyết định, như đòi hỏi của Luân Đôn.
Vấn đề đặt ra là Liên Hiệp Châu Âu có thừa thời gian để đàm phán lại từng thỏa thuận, từng điều luật ? Dân biểu nghị viện châu Âu Daniel Cohn-Bendit, một tiếng nói « tenor », cực kỳ gắn bó với Liên Hiệp Châu Âu khẩn thiết kêu gọi ông François Hollande và bà Angela Merkel hãy nhanh chóng hành động và hành động. Việc cấp thiết đầu tiên là tránh những biện pháp nửa vời mà hãy triệu tập « đại hội toàn châu Âu » để định nghĩa lại dự án mới cho tương lai. Vị dân biểu song tịch Pháp-Đức này nhắc nhở là trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, chỉ có thành phần « trên 50 tuổi » vì muốn ly hôn với Liên Hiêp Châu Âu nên cản đường tương lai của thế hệ trẻ.
Trước khi 27 thành viên còn lại gặp nhau tại Bruxelles vào thứ Tư này, cuộc họp « tiểu thượng đỉnh » giữa lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Ý vào tối thứ Hai 27/06 sẽ là bước đầu của một tiến trình hậu Brexit lâu dài.
Brexit : Kỳ thị ngoại quốc ở Anh gia tăng
Từ sau cuộc trưng cầu dân ý, phe đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu thắng thế tại vương quốc Anh, hiện tượng người nước ngoài bị kỳ thị và sách nhiễu thường xuyên xảy ra. Cộng đồng người Ba Lan đặc biệt là mục tiêu tấn công.
Đặc phái viên đài RFI Béatrice Leveillé từ Luân Đôn gửi về bài tường trình :
« Trung tâm văn hóa Ba Lan tại Hammersmith, phía tây thủ đô Luân Đôn bị người ta vẽ graffiti với nội dung kỳ thị. Những tấm thiếp được viết bằng hai thứ tiếng Anh và Ba Lan được gửi đến hộp thư của nhiều gia đình có nội dung thóa mạ người Ba Lan sống ở Luân Đôn. Họ bị gọi là ‘loài sâu bọ’ và được khuyên là nên ‘cuốn gói ra đi’ khỏi nước Anh. Có những đứa trẻ đi học về, nước mắt lưng tròng vì bị bạn bè chế nhạo hay hù dọa là chúng và gia đình sắp sửa phải bị đưa vào trại tập trung. Một phụ huynh kể lại, đứa con trai 11 tuổi của ông ta bị bạn bè hỏi thẳng là bao giờ nó phải trở về Ba Lan sinh sống.
Hơn một trăm sự cố đã được ghi nhận trên các trang mạng xã hội trong những ngày qua, sau khi dân Anh nói không với Liên Hiệp Châu Âu. Cộng đồng người Ba Lan chờ đợi là chính quyền mạnh mẽ lên án các hành vi mang tính kỳ thị như vậy.
Ngoài đường phố nhiều phụ nữ trùm khăn theo truyền thống của đạo Hồi bị sách nhiễu. Một thiếu nữ Hồi giáo chúng tôi gặp được trên đường Charlotte Street, lo ngại cho rằng, rồi đây sẽ có nhiều sự thay đổi đối với nước Anh, và sẽ có cả những hành vi quá trớn. Theo cô, cử tri Anh đã bỏ phiếu để bày tỏ nguyện vọng nên đi hay ở lại châu Âu và họ đã lường trước được tác động của sự lựa chọn đó.
Cảnh sát Anh cho mở điều tra về những sự cố nghiêm trọng nhất xảy ra trong 5 ngày qua, nhưng các nhà lãnh đạo, của cả cánh bảo thủ lẫn bên Công đảng đều chưa có phản ứng gì. Phải nói là Công đảng đang bên bờ vực thẳm sau kết quả trưng cầu dân ý vừa qua ».
Tổng thống tân cử Philippines muốn tái lập án tử hình
Hôm nay, 27/06/2016, tổng thống tân cử Rodrigo Duterte chỉ trích các nhà vận động nhân quyền là « ngu xuẩn » trong lúc ông muốn tái lập án tử hình và chuẩn bị bắt đầu cuộc chiến chống tội phạm.
Theo AFP, ông Duterte có một bài diễn thuyết dài ở quê nhà Davao, phác họa tầm nhìn của mình cho Philippines khi ông chính thức nhậm chức vào thứ Năm này. Trong bài diễn thuyết, ông Duterte trích dẫn chỉ trích của các nhóm nhân quyền và các dân biểu đối lập về vấn đề lệnh giới nghiêm vào tối muộn đối với trẻ em và việc tái lập án tử hình. Ông nói « Các nhóm nhân quyền, các dân biểu, các ngươi thật ngu xuẩn ».
Về việc lập lại án tử hình. Ông Duterte cho biết ông tin vào sự trừng phạt. Khi ai đó giết người, cưỡng hiếp, người đó phải chết. Người đó phải trả giá.
Án tử hình đã được bãi bỏ ở Philippines từ ngày 24/06/2006. Trong lúc tranh cử, tổng thống tân cử hứa sẽ tử hình khoảng 10 000 người. Từ khi thắng cử, ông còn hứa thưởng cho những cảnh sát giết được những người buôn ma túy, khuyến khích người dân giết hoặc bắt những người bị tình nghi.
Các nhóm nhân quyền địa phương và quốc tế bày tỏ nhiều quan ngại về kế hoạch của ông Duterte, lo sợ bùng nổ những vụ giết người ngoài vòng pháp luật như đã xảy ra ở Davao. Đại diện Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề nhân quyền khuyên ông Duterte không nên tái lập án tử, đồng thời chỉ trích một số điểm trong kế hoạch chống tội phạm của ông.
Biển Đông : Trung Quốc dọa kéo tàu quân sự Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây
Nhân dân Nhật báo Trung Quốc ngày 27/06/2016 nhận định : quân đội nước này « hoàn toàn có khả năng kéo tàu quân sự của Philippines ra khỏi vùng có tranh chấp ở Biển Đông (…) nhưng vì sự ổn định chung Trung Quốc sẽ kiên nhẫn và giữ thái độ kềm chế ». Tuy vậy, sự kiên nhẫn của Bắc Kinh cũng có giới hạn.
Trích lại tin từ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, báo South China Morning Post, ấn bản tại Hồng Kông, nhắc lại : từ năm 1999 Philippines đã cố tình cho mắc cạn chiếc tàu rỉ sét BRP Sierra Madre trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Và Manila coi đây là một « căn cứ quân sự » của Philippines trong vùng. Hơn một chục nhân viên được điều tới hoạt động một cách thường trực trên tàu.
Bắc Kinh đã có những lời lẽ đe dọa như trên trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế La Haye chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.
Báo Nhân Dân Trung Quốc nhấn mạnh là nước này « quyết tâm và thừa sức bảo vệ từng tấc đất » thuộc chủ quyền lãnh thổ và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Án La Haye.
Đây là một chiếc tàu chở dầu cũ của Mỹ, Philippines đã mua lại. Năm 2015 Hải quân nước này đã vượt qua vòng kiểm soát của tàu tuần duyên Trung Quốc, chuyển vật liệu để trùng tu chiếc tàu.
Brexit : Trục Pháp-Đức chắc chắn nhưng không hẳn rõ ràng
Một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh châu Âu chỉ dành cho chủ đề Brexit và những hệ lụy, thủ tướng Đức tiếp đón chủ tịch Hội đồng châu Âu, tổng thống Pháp và thủ tướng Ý. Trước các cuộc thảo luận, bà Angela Merkel và ông François Hollande đã điện đàm hôm qua 26/06/2016. Một cách chính thức, trục Pháp-Đức chắc chắn, nhưng không hẳn rõ ràng.
Tường trình của thông tín viên Pascal Thibault từ Berlin :
«… Các câu hỏi đặt ra vài giờ trước cuộc gặp ba bên, trong đó có thủ tướng Ý Matteo Renzi. Không như Paris, bà Angela Merkel không muốn gây áp lực buộc Luân Đôn nhanh chóng bắt đầu các thương lượng về Brexit. Thủ tướng Đức nghiêng về lập trường hòa giải trong quan hệ tương lai giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu để tránh đối xử thô bạo với một đồng minh truyền thống.
Ở Paris, Roma hay nhiều nơi khác, có nhiều người muốn châu Âu đẩy mạnh hội nhập hơn. Bà Merkel thì tỏ ra hoài nghi về những cải cách thể chế. Nhất là trong lĩnh vực kinh tế tài chính vì điều này sẽ dẫn đến những chính sách chung khiến Berlin phải gánh cho những thành viên khác.
Những chỉ trích ít nhiều công khai của Paris và Roma về chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu mà đại diện là bà Angela Merkel, ít có cơ may được thủ tướng Đức lắng nghe.
Thỏa thuận toàn diện Pháp-Đức mà nhóm thân cận của Hollande đưa ra, cũng không làm người ta quên rằng chính bà Angela Merkel đã mời ông Matteo Renzi đến họp vào tối nay. Berlin hoài nghi về tác động của các sáng kiến Pháp-Đức trong khi Paris là một đối tác đang suy yếu ».
Brexit : Donald Trump hưởng lợi ?
Theo hai cuộc thăm dò dư luận thì ứng viên tổng thống Hillary Clinton đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Liệu việc nước Anh bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu với những lập luận bài ngoại, chống di dân sẽ tạo thuận lợi cho ông Donald Trump, rút ngắn khoảng cách, thậm chí bắt kịp đối thủ Clinton?
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
« Donald Trump đã nhanh chóng hoan nghênh thắng lợi của phe Brexit và cho rằng giữa những người Anh ủng hộ việc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu và các cử tri Mỹ ủng hộ ông ta có nhiều điểm tương đồng : Họ đều bực tức vì giới tinh hoa không biết đến các khó khăn kinh tế của người dân, thậm chí họ thù ghét dân nhập cư và đều có cảm giác là họ không còn là công dân một cường quốc lớn.
Vậy phải chăng thắng lợi của phe Brexit báo trước thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ? Theo nhật báo New York Times thì chớ có vội, vì có nhiều điểm khác biệt lớn giữa cử tri Anh Quốc và cử tri Mỹ. Tại Anh, người da trắng chiếm đa số trong lúc tại Hoa Kỳ, người da mầu chiếm một phần tư số cử tri và những người này rất ghét nhà tỉ phú địa ốc.
Phe chống châu Âu, ủng hộ Brexit đã giành thắng lợi qua phổ thông đầu phiếu, trong khi tổng thống Mỹ được bầu bởi các đại cử tri và theo hệ thống này thì phe Dân Chủ có lợi thế hơn phe Cộng Hòa.
Những người ủng hộ Brexit bỏ phiếu chống lại một định chế – Liên Hiệp Châu Âu – Bruxelles, còn cử tri Mỹ bỏ phiếu chống hoặc ủng hộ một chính trị gia và bà Clinton thì đỡ mất lòng dân hơn ông Trump và như vậy, bà có nhiều cơ may hơn.
Tuy nhiên, theo các nhà bình luận, bà Clinton sẽ phạm sai lầm nếu đánh giá thấp suy nghĩ của một bộ phận dân Mỹ, nhất là tại các tiểu bang phát triển công nghiệp, chống lại giới tinh hoa trong đó có bà Clinton ».
Bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha, phong trào Podemos thất bại
Sáu tháng sau thành công bất ngờ, phong trào cực tả Podemos tại Tây Ban Nha thua đậm trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/06/2016. Đảng bảo thủ của thủ tướng mãn nhiệm Mariano Rajoy về đầu nhưng không giành được đa số tuyệt đối để lãnh đạo đất nước.
Đảng PP bình dân cánh hữu của ông Rajoy giành được 137 ghế ở Hạ viện, nhưng không hội đủ đa số tuyệt đối (cần 176 dân biểu) để thành lập chính phủ. Theo giới quan sát, thủ tướng mãn nhiệm Mariano Rajoy sẽ phải liên kết với đảng Xã hội để điều hành đất nước. Trong cuộc bầu cử hôm qua, đảng xã hội PSOE về thứ nhì với 85 dân biểu được bầu bầu vào Quốc hội. Nhưng đáng chú ý nhất là thất bại nặng nề của phong trào dân sự Podemos : phong trào cực tả này chỉ được 21 % cử tri ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, thay vì hơn 24 % như hồi tháng 12/2015 và như vậy chỉ 71 ứng viên của Podemos đắc cử.
Thông tín viên đài RFI, François Musseau từ Madrid phân tích thêm về sự hồi sinh trên phương diện chính trị của thủ tướng Tây Ban Nha mãn nhiệm, Mariano Rajoy :
« ‘Vâng, chúng ta là một quốc gia lớn, và đảng PP là công cụ tốt nhất của đất nước này’. Lãnh đạo cánh bảo thủ Mariano Rajoy, vào tối qua, đã đón nhận kết quả cuộc bầu cử lập pháp Tây Ban Nha với giọng điệu phấn khởi mừng chiến thắng, trong tiếng hô vang vang dậy của các cảm tình viên và đảng viên. Đây là lần thứ nhì cử tri Tây Ban Nha được kêu gọi đi bầu trong vòng 6 tháng qua. Kết quả này cũng cho thấy ông Rajoy, 61 tuổi, là một chính trị gia lão luyện 61 tuổi của Tây Ban Nha mà trước đó, người ta nói ông đang hụt hơi và bị suy yếu vì những tai tiếng tham nhũng.
Trên thực tế, đảng PP do ông lãnh đạo là chính đảng duy nhất đã chinh phục được nhiều cử tri hơn và có thêm được các dân biểu trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua – thêm được 14 dân biểu, so với cuộc bỏ phiếu hồi cuối năm 2015. Tất cả các đảng phái và tổ chức chính trị khác đều mất phiếu, từ đảng Xã hội đến phong trào cực tả Podemos hay phe cực hữu Ciudadanos.
Thắng lợi của đảng PP tuy là ngoạn mục nhưng vẫn không giành được đa số tuyệt đối. Để có một chính phủ mới, thì cần phải có một liên minh ổn định và điều này đòi hỏi phải có những cuộc thương lượng kéo dài, công phu với các đảng phái chính trị khác ».
Nhận xét
Đăng nhận xét