Điểm báo Pháp – 29/06/2016
Brexit : Lợi bất cập hại
Sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu đồng tình với việc rút ra khỏi Liên minh Châu Âu hôm thứ năm 23/06 vừa rồi, trang nhất của phần lớn các nhật báo Pháp ra hôm nay, 29/06/2016, vẫn tiếp tục dành nhiều giấy mực cho Brexit và mỗi báo chọn đề cập đến đề tài này dưới một góc độ khác nhau.
Nhật báo Le Monde chạy hàng tựa : « Các nhà lãnh đạo của nhóm Brexit bối rối sau chiến thắng của mình ». Còn nhật báo cánh tả Libération chọn hình ảnh: « Vương quốc Anh với các mảnh ghép ». Trong khi đó nhật báo cánh hữu Le Figaro chọn đăng bài viết liên quan đến kết quả của cuộc điều tra diễn ra tại Pháp mà theo đó, người Pháp không muốn rời khỏi Châu Âu
Nhật báo Le Monde có đăng bài xã luận đề cập đến tình trạng chao đảo của nước Anh sau khi Brexit thành hiện thực. Bài báo mở đầu với việc nhắc lại việc nước Anh muốn thoát khỏi chiếc vỏ rỗng mang tên Châu Âu để … chẳng đi về đâu cả. Tác giả nhận định rằng trước đây mang tiếng là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu nhưng điều này cũng chỉ là nửa vời đối với nước Anh, bởi ngoài việc là thành viên của khu vực rộng lớn trao đổi tự do mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu thì quốc gia này không hề góp mặt trong số các nước có sử dụng chung đồng tiền chung Châu Âu euro, không kí kết hiệp định Schengen cho phép đi lại tự do giữa một số nước trong Châu Âu, không tham gia vào cơ quan tư pháp của Châu Âu, vắng bóng trong các chính sách công của Liên Hiệp Châu Âu (liên quan đến các vấn đề xã hội như việc làm, thất nghiệp, bình đẳng giới, v.v…), thậm chí còn phản đối chính sách an ninh chung của khối này.
Thế rồi, khi chính thức phải đối mặt với cơn địa chấn chính trị Brexit, nỗi lo của người dân Anh không ngừng gia tăng : Nông dân Anh không biết liệu ngân sách quốc gia có bù thêm vào khoản tiền hỗ trợ trước đây vẫn nhận được từ Bruxelles hay không ; các trường đại học thì lại đang tự hỏi liệu có đủ sức cấp kinh phí cho các chương trình trao đổi sinh viên mang tên Erasmus và tiếp tục duy trì việc đón tiếp các sinh viên châu Âu tới Anh học tập hay không ; các nhân viên ngân hàng của Luân Đôn e ngại rồi sẽ phải đóng giao dịch với Francfort, Paris, Dublin, hay Lisboa ; người dân Iceland thì nhận ra rằng hòa bình trên hòn đảo của họ chỉ được đảm bảo khi còn được gắn kết với Liên Hiệp Châu Âu ; các đối tượng hưu trí ở Anh sẽ nhận ít tiền lương hưu hơn (ít hơn 10%) do đồng bảng Anh sụt giá và họ cũng băn khoăn chưa biết sẽ xin visa Tây Ban Nha hay Pháp trong trường hợp muốn ở lại nơi đây.
Liên Hiệp Châu Âu vẫn tồn tại, song hành với tinh thần đoàn kết của các nước thành viên, vốn đã được hình dung đến trong tuyên bố Schuman ngày 09/05/1950. Giờ đây người dân Anh đang nghiệm ra điều đó.
Cú sốc Brexit đang khiến diện mạo nước Anh thay đổi hơn khi nào hết. Mặc dù đó là sự lựa chọn của bản thân người dân nước này nhưng giờ đây, lại cũng chính họ đang phải đối mặt với những bất trắc to lớn về kinh tế.
Phe ủng hộ Brexit không chuẩn bị cho Brexit
Chính trong hiện trạng này mà người ta hiểu rõ hơn vì sao thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối việc sử dụng điều luật 50 của Hiệp ước Châu Âu, liên quan đến việc một quốc gia thành viên của Liên Hiệp tự nguyện xin rút ra. Mặc những lời cảnh báo, cả thủ tướng đương nhiệm lẫn phe ủng hộ Brexit mà đứng đầu là cựu đô trưởng Boris Johnson đều không hề chuẩn bị chút gì cho phương án B, tức là nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu.
Đối mặt với hố ngăn cách này, Luân Đôn đang không thể hình dung ra được viễn cảnh tương lai cho mình. Làm sao để cùng lúc dung hòa được 3 yêu cầu : vừa tôn trọng kết quả của phổ thông đầu phiếu, vừa không làm những người dân Anh vốn muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu thất vọng và vừa duy trì được mối quan hệ kinh tế mật thiết nhất mức có thể với khối này. Giải pháp hợp lý hơn cả có lẽ sẽ là làm theo Na Uy, tức là chỉ tham gia tài trợ cho các chính sách liên quan đến đoàn kết trong châu Âu và tôn trọng các định chế của Bruxelles, nhưng không tham gia vào việc soạn thảo các định chế đó. Chắc hẳn phe ủng hộ Brexit chưa từng hình dung đến điều đó, nhưng đây chính là cái giả phải trả cho sự vô trách nhiệm và thái độ bất cần của một số nhóm người.
Dân Pháp không muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu
Nhật báo Le Figaro mang đến cho độc giả thông tin liên quan đến cuộc thăm dò dư luận do TNS Sofres OnePoint tiến hành, 5 ngày sau khi phe Brexit ở Anh chiến thắng.
Theo kết quả của cuộc thăm dò này, 45% người dân Pháp ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu như Anh đã làm, 44% phản đối. Còn khi được hỏi về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý mới diễn ra tại Anh, 45% người được hỏi bày tỏ thái độ thất vọng trong khi đó 36% thì cảm thấy hài lòng. Trước câu hỏi liên quan đến việc Pháp ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu thì 45% người dân Pháp đồng tình trong khi 33% thì muốn điều ngược lại.
Snapchat mở chi nhánh tại Pháp
Vẫn liên quan đến tình hình nước Pháp, phụ san kinh tế của Le Figaro mang đến cho độc giả thông tin mạng xã hội Snapchat, có nguồn gốc từ Mỹ, đã mở chi nhánh tại Pháp.
Với ứng dụng trên điện thoại di động trị giá 17 triệu đô la, cho phép chia sẻ ảnh và vidéo, Snapchat thu hút mỗi ngày 100 triệu người sử dụng trên khắp thế giới. Nếu trước đây, Snapchat được sử dụng trong châu Âu được điều hành từ Luân Đôn thì đầu tháng 06 năm nay, các giấy tờ, thủ tục đã được nộp tại phòng thương mại Paris, cho phép lập chi nhánh của Snapchat tại Pháp. Đây cũng là một thị trường quan trọng của mạng xã hội này, với 8 triệu người truy cập Internet mỗi tháng.
Giáo dục Pháp : Dạy gì và như thế nào ?
Liên quan đến giáo dục, Le Monde có bài phỏng vấn Andreas Schleicher, giám đốc phụ trách giáo dục của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE).
Ông khẳng định rằng ngoài việc dạy trẻ đọc và đếm thì việc dạy trẻ chấp nhận sự khác biệt và biết tôn trọng người khác là những điều vô cùng quan trọng. Ông có niềm tin và cũng không quên gửi thông điệp đến toàn xã hội : « Chúng ta hãy tin tưởng nhiều hơn nữa vào giáo viên ».
Vẫn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết với tựa : « Kinh tế ở trường, phải dạy gì cho học sinh ? »
Vào lúc mà các vấn đề kinh tế, xã hội đang là tâm điểm của các cuộc tranh luận lớn làm rung chuyển xã hội, người ta đặt ra câu hỏi liên quan đến nội dung giảng dạy tại trường học. Làm thế nào để đưa vào nội dung giảng dạy một số câu hỏi liên quan đến tình hình kinh tế mang tính thời sự, chẳng hạn như : Thu nhập và giá thành sản phẩm ảnh hưởng như thế nào đến khâu chọn lựa của người tiêu thụ ? Ai sản xuất ra của cải ? Bằng cấp liệu có phải là tấm hộ chiếu để có việc làm hay không ? Làm thế nào để trở thành tác nhân xã hội ?
Daech rút quân về vùng sa mạc
Nhìn sang tình hình quốc tế, nhật báo Le Fiagaro có bài với tựa : « Sau thất bại ở Faloudja, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo rút về vùng sa mạc ».
Hai năm sau khi tuyên bố chiếm vùng đất Faloudja, giờ đây Daech đã phải chấp nhận bỏ lại một trong các vùng đất của mình và rút về ẩn náu tại vùng sa mạc phía bắc, giáp biên giới của các khu vực do quân của Syria kiểm soát. Thất bại trước quân đội Irak khiến tổ chức này đang phải xem lại chính sách tổ chức của mình
Nhận xét
Đăng nhận xét