TQ đang dùng 'ngoại giao nhân dân tệ'?
BBC
29 tháng 6 2016
29 tháng 6 2016
Trung Quốc có nhiều cách “mua chuộc” và sử dụng “ngoại giao nhân dân tệ” trong vụ kiện của Philippines trên Biển Đông, nhà nghiên cứu Khoa học chính trị trường Đại học Hong Kong Baptist nhận định.
Năm 2013, Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế.
Đơn kiện của Philippines nói yêu sách 'đường chín đoạn', hay 'đường lưỡi bò' mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
Trước thềm phán quyết sắp tới, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung nói với BBC Tiếng Việt: “Trung Quốc đang thực hiện nhiều phương cách để bảo vệ quyền lợi của mình ở vùng biển Đông, và sẽ gia tăng nhanh chóng sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực”.
“Thứ nhất, Trung Quốc "mua chuộc" sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới đối với quan điểm của Trung Quốc về Tòa trọng tài thường trực, cũng như tranh chấp ở vùng biển Đông. Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc thì Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy mạnh chính sách mua chuộc đối với các quốc gia còn đang do dự,” ông Trung cho biết khi Trung Quốc tuyên bố mình đã được 47 quốc gia ủng hộ lập trường.
“Thứ hai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy với qui mô lớn hơn và nhanh hơn sự hiện diện trên các đảo tranh chấp mà hiện nay Trung Quốc đang chiếm giữ, cả mục đích dân sự lẫn quân sự.”
“Thứ ba, phá vỡ sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên khối Asean khi Philippines khởi kiện Trung Quốc, và hai quốc gia Lào và Campuchia lại ủng hộ quan điểm Trung Quốc về vụ kiện. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ lợi dụng "cơ chế đồng thuận" của Asean để ngăn chặn bất kỳ dự tính nào ủng hộ phán quyết của Tòa từ khối Asean.”
Vào giữa tháng Sáu, hãng tin AP tường thuật khối Asean mau chóng rút lại thông cáo với lời lẽ cứng rắn về căng thẳng ở Biển Đông có thể khiến Trung Quốc, nước chủ trì hội nghị, bực bội.
Ông Trung nhận định: “Theo Tân Hoa Xã vào ngày 19/05/2016 thì có nhiều quốc gia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với vụ kiện. Trong số này, đáng chú ý có Nga, Lào và Campuchia. Đa số các quốc gia này là các quốc gia có tiềm lực yếu ở châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, tôi không cho rằng Trung Quốc có thể mua được "chính nghĩa" trên vùng Biển Đông. Tôi cho rằng Trung Quốc và các quốc gia ủng hộ đều biết rõ đây là cuộc "hôn phối mang tính lợi ích" (marriage of convenience) hơn là vì cùng lý tưởng hay hệ giá trị.
“Trung Quốc thường có khuynh hướng không tin vào vai trò của các thể chế quốc tế, trong trường hợp này là Tòa trọng tài thường trực (PCA) khi lợi ích của họ có thể bị ảnh hưởng. Trung Quốc chỉ tuân thủ theo luật pháp quốc tế khi chúng phục vụ lợi ích quốc gia của họ.”
“Trung Quốc phải sử dụng ngoại giao nhân dân tệ, tức dùng viện trợ hay các cam kết đầu tư, đối với các quốc gia nhỏ, yếu thể về kinh tế để mua sự ủng hộ của họ trong việc Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài thường trực,” Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung cho biết trong bối cảnh Philippines được nhiều nước lớn ủng hộ.
"Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có các biện pháp cụ thể hơn về ngoại giao, an ninh, chính trị để thể hiện quan điểm của mình sau phán quyết của Tòa, nhưng chúng ta cũng nên nhìn trong bối cảnh rộng hơn là nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11. Chính vì vậy, tôi không nghĩ rằng nước Mỹ sẽ đẩy căng thẳng ở vùng biển Đông lên quá cao."
Phán quyết của Tòa thường trực được trông đợi sẽ công bố trong thời gian sắp tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét